Lao động trẻ thời công nghệ: Làm chủ doanh nghiệp từ năm 3 đại học
Hứa Phước Trường (28 tuổi, quê Sóc Trăng) trở thành một đồng sở hữu doanh nghiệp ngay khi còn là sinh viên năm thứ 3, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM.
Hứa Phước Trường (thứ 4 từ trái sang) – ẢNH: NVCC
Còn bây giờ Trường đang làm chủ một công ty về lập trình phần mềm. Công ty này được Trường thành lập ngay sau khi tốt nghiệp ĐH.
Dù đi làm sớm và quản lý công ty nhưng Hứa Phước Trường vẫn tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa. Sau đó Trường tiếp tục theo học cao học và hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính (năm 2016).
Làm chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Trường có nhiều trăn trở xung quanh câu chuyện tuyển dụng lực lượng lao động trẻ. Trường nói: “Mình từng tuyển dụng nhiều người trẻ, có những người mới chỉ là sinh viên năm 3, 4. Vì vậy, ngay từ đầu vào bằng cấp và chứng chỉ không phải là điều kiện bắt buộc cần có với ứng viên nếu ở họ có được các yếu tố quan trọng khác bù đắp”.
Nói về “diện mạo” những kỹ sư công nghệ tương lai, Trường nhìn nhận: “Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin chưa bao giờ “ nóng” như hiện nay. Nhưng sẽ đến một lúc thị trường việc làm này cân bằng trở lại, chỉ có những người có năng lực thực sự mới có thể tồn tại được. Vấn đề quan trọng ở đây là cần nhận thức đúng giá trị bản thân, không ngừng nâng cao giá trị ấy theo đúng yêu cầu của thực tế đặt ra”.
Ý KIẾN
Thế hệ trẻ có tham vọng phát triển nghề nghiệp
Thế mạnh nổi bật của lao động trẻ chính là tham vọng phát triển nghề nghiệp. Họ thể hiện quan điểm tích cực về nghề nghiệp khi xác định phát triển sự nghiệp đồng nghĩa với quá trình hoàn thiện những kỹ năng chuyên môn, có năng lực đảm nhiệm những vị trí cao hơn và đạt được sự chủ động về tài chính. Do đó, nhiều bạn trẻ hiện nay không quá đòi hỏi phải được tạo điều kiện cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thay vào đó họ sẵn sàng dành nhiều thời gian cho công việc và cho các cơ hội học hỏi, rèn luyện kiến thức và kỹ năng.
Tuy nhiên thế hệ trẻ cũng có những điểm cần cải thiện. Có thể do tham vọng, do tự tin, do thói quen chỉ biết “nhận” mà chưa biết “cho”, hoặc do thiếu sự hỗ trợ trong việc định hướng nghề nghiệp, có khá nhiều bạn trẻ không đủ kiên nhẫn để gắn bó với doanh nghiệp, tổ chức, đủ lâu để cống hiến và qua đó học tập, rèn luyện được năng lực chuyên môn.
Trong giai đoạn hiện tại và tương lai, bạn trẻ cần lưu ý đến các kỹ năng như học hỏi chủ động, hợp tác với người khác, quản lý con người, kỹ năng đánh giá và ra quyết định, tư duy cảm xúc. Ngoài ra, các kỹ năng liên quan đến kiến thức công nghệ hoặc vận dụng công nghệ trong công việc cũng được nhà tuyển dụng ưu tiên, cũng như khả năng ngoại ngữ và tư duy toàn cầu hóa.
Video đang HOT
Nguyễn Phương Mai (Giám đốc điều hành Navigos Search)
Khả năng thích nghi nhanh
Lao động trẻ ngày nay có tư duy phát triển nghề nghiệp và sự nghiệp khác hơn, với xu hướng muốn gia nhập vào thành phần kinh tế tư nhân nhiều hơn. Lực lượng lao động trẻ năng động hơn, có khả năng thích nghi nhanh với yêu cầu công việc của xã hội hiện đại, đặc biệt là các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên điểm yếu thường thấy đó là thiếu sự kiên nhẫn, thiếu sự trung thành với công việc. Đó chính là rào cản khiến người trẻ khó được giao phó đảm trách các vị trí chủ chốt, quản lý với đòi hỏi sự thấu hiểu lâu dài đối với một tổ chức.
Cao Trung Hiếu (Giám đốc điều hành Công ty Dân Trí Soft)
Liên tục cập nhật về công nghệ
Người lao động cần nâng cao nhận thức trong việc trang bị kỹ năng để hòa nhập vào thị trường lao động hiện nay, cũng như trong tương lai. Cụ thể là: người lao động cần chú ý về kỹ năng giao tiếp để truyền đạt sao cho mang lại hiệu quả cao trong công việc.
Trước xu hướng phát triển của thời đại, người lao động phải cập nhật liên tục về công nghệ, cũng như các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, nếu không các bạn sẽ bị tụt hậu và văng ra khỏi đường ray trong khi chuyến tàu thì cứ tiếp tục chạy về phía trước.
Nguyễn Văn Sang (Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM)
Tư duy sẵn sàng đổi mới
Xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, làm việc ở nước khác là việc bình thường với các bạn trẻ ngày nay. Do đó, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn giỏi, người lao động phải trang bị cho mình thật kỹ về tâm thế, kỹ năng và tư duy sẵn sàng đổi mới. Chính vì vậy, người lao động trẻ ngày nay bắt buộc phải đào sâu về chuyên môn nghiệp vụ, nâng tầm chất lượng lên cao hơn để cạnh tranh với lao động các nước khác. Muốn vậy, bạn trẻ phải ra sức học tập và thực hành thực tế nhuần nhuyễn về các kỹ năng nghiệp vụ của mình.
Ngoài kiến thức chuyên môn thì nhân tâm, nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách sẽ là tiêu chí mà nhà tuyển dụng chọn lao động. Điểm yếu của lao động VN là ngoại ngữ, thích ứng văn hóa chưa tốt.
Nguyễn Thanh Liêm (Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Phải luôn sáng tạo
Để đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, các bạn phải luôn nâng cấp bản thân, đầu tư vào học tập, kiến thức kỹ năng để nâng cao giá trị của sức lao động, tạo ra nhiều giá trị mà doanh nghiệp có thể nhìn thấy. Ngoài ra, người lao động phải luôn có những sáng tạo về phương thức làm việc, cải tiến quy trình rút ngắn thời gian, gia tăng hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm.
Thời đại của sự cạnh tranh về chất xám, cạnh tranh về sự đột phá, sáng tạo, do đó các bạn trẻ phải luôn đặt mình trong bối cảnh đó để không ngừng nâng cấp về trình độ, trau dồi thêm nhiều kỹ năng, tư duy cần thiết.
Nguyễn Văn Đức (Giám đốc Công ty TNHH Technics Lê Nguyễn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mỹ Quyên – Lê Thanh (ghi)
Theo Thanh niên
Sinh viên ăn trưa cùng... hiệu trưởng
Có rất nhiều cách để tăng tương tác giữa trường học và sinh viên, trong đó có hoạt động sinh viên ăn trưa cùng ban giám hiệu.
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM trong lớp học - BẢO HÂN
Bữa trưa đặc biệt
Cách thức tương tác giữa người học và nhà trường này sẽ được triển khai tại Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM trong thời gian tới.
Bữa trưa đặc biệt này sẽ kéo dài 1 tiếng đồng hồ vào trưa thứ 3 và 4 hằng tuần tại căn tin Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM. Chi phí bữa ăn sẽ do 2 bên cùng chi trả.
Sinh viên có nguyện vọng sẽ đăng ký trước với phòng Công tác sinh viên, trên cơ sở nội dung chia sẻ để bữa ăn được sắp xếp là hiệu trưởng hoặc các phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn.
Mục tiêu chương trình này đặt ra nhằm lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm sống, học tập và định hướng tương lai cho sinh viên. Đồng thời để trường lắng nghe các chia sẻ người học liên quan đến công tác dạy học tại trường.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết sinh viên có rất nhiều tâm tư cần được chia sẻ, trong khi, thầy cô trong ban giám hiệu dường như là những "ông kẹ" với người học. Do vậy, việc trường tổ chức chương trình "Ăn trưa cùng hiệu trưởng" này nhằm giúp sinh viên gần gũi hơn với các thầy cô trong ban giám hiệu.
"Lắng nghe và giải đáp những băn khoăn của người học cũng chính là hoạt động phục vụ, chăm sóc người học tốt hơn", ông Tuấn nói.
Mở cửa phòng họp chờ... sinh viên
Trong khi đó, một số trường chọn cách khác để ban giám hiệu tiếp cận với sinh viên.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết đại diện nhà trường có nhiều cách để tương tác với người học. Thường xuyên nhất là kênh trao đổi trực tuyến thông qua các diễn đàn trên mạng xã hội, trường bố trí cán bộ trực thường xuyên để giải đáp các thông tin thường ngày cho sinh viên.
Bên cạnh đó, mỗi năm 2 lần trường tổ chức các cuộc gặp giữa lãnh đạo khoa và lãnh đạo trường để đối thoại trực tiếp, giải đáp các băn khoăn của người học.
Đáng chú ý, ông Dũng thông tin, mỗi tháng vào các thứ 5 của tuần cuối cùng, hiệu trưởng mở cửa phòng họp để gặp gỡ sinh viên. "Cách làm này của trường đã diễn ra trong 5-6 năm nay. Những sinh viên đến phòng họp này có băn khoăn liên quan trực tiếp tới việc dạy học nhưng đôi khi để chia sẻ tâm tư về cuộc sống", ông Dũng chia sẻ.
Trước khi có ý tưởng thực hiện chương trình "Ăn trưa cùng hiệu trưởng" nêu trên, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đã có lịch tiếp sinh viên vào chiều thứ 2 hằng tuần của ban giám hiệu.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho hay hằng năm trường tổ chức chương trình sinh hoạt sinh viên với thời lượng 30 tiết. Nội dung sinh hoạt gồm nhiều vấn đề về học vụ, hướng nghiệp, cập nhật chính sách mới trong năm học, gặp gỡ ban giám hiệu và lãnh đạo khoa. Ngoài ra, trường có fanpage Facebook để hỗ trợ giải đáp băn khoăn của sinh viên...
Theo thanhnien
ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM tuyển 50% HS từ thi THPT QG Năm 2019, Trường ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ dự kiến tuyển 1.490 chỉ tiêu cho 21 ngành học. Trong đó, chỉ khoảng 50% chỉ tiêu được tuyển sinh từ kết quả thi THPT quốc gia, giảm 15% so với năm trước Đó là thông tin đáng lưu ý trong kế hoạch tuyển sinh năm 2019 dự kiến...