Lao động trẻ thời công nghệ: Học chưa bao giờ là đủ
Có kiến thức, kỹ năng, có lòng đam mê và thái độ nghiêm túc với công việc, luôn học hỏi để vươn lên, họ chính là những lao động trẻ đang từng ngày làm việc để mang lại hạnh phúc cho chính mình và mọi người.
Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, trưởng phòng marketing của một resort nổi tiếng mà xuất phát điểm là một người không có bằng cấp chính quy – ẢNH: NGUYÊN TRANG
Trưởng phòng marketing… không bằng cấp
Ngoại trừ bằng bổ túc THPT, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, trưởng phòng marketing của một resort nổi tiếng chỉ có các chứng chỉ ngắn hạn. Chị Hằng luôn tự nhận mình là người may mắn, cần cù, chăm học hỏi mà thành công.
Nghỉ học năm 13 tuổi
“Công việc mới, tiếp xúc nhiều thứ mới, tôi thấy mình cần phải học thêm. Thế là lại đăng ký thêm khóa học về PR. Nhận thấy công ty cũng chưa có ai biết thiết kế, tôi đề xuất cho đi học khóa đồ họa và được duyệt”
Nguyễn Thị Thúy Hằng
Năm 13 tuổi chị Hằng bỏ học giữa chừng, làm công nhân may, phụ bưng bê quán ăn… Nhưng giờ đây ở tuổi 38 chị có thể ngồi triển khai kế hoạch phát triển với vai trò trưởng phòng marketing, giao dịch bằng tiếng Anh với đối tác, phiên dịch cho giám đốc người nước ngoài trước khách hàng. Chỉ với tinh thần ham học hỏi, chị Hằng đã làm được điều ít người có thể làm được.
Chị chia sẻ: “Quê tôi ở Đồng Nai tại một xã nghèo, gia đình làm nông. Nhà có 4 anh em nhưng chỉ có anh đầu và em út học hành tới nơi tới chốn. Năm 13 tuổi, lớp 6, tôi bỏ học để ở nhà phụ giúp gia đình. Thực ra trong thâm tâm tôi luôn muốn đi học nhưng gia cảnh khó khăn, nên phải nghỉ. Ở nhà đến năm 16, mẹ tôi khuyên con đi học may để sau này lập gia đình có cái nghề để nuôi con. Thế là tôi đi học. Thạo nghề, mở một tiệm may được 2 năm thì tôi theo anh trai lên Sài Gòn. Lúc đó có người quen giới thiệu cho vô làm ở xí nghiệp may. Thời đó làm cực lắm, ngày nào cũng làm việc đến 9 giờ tối mà lương mỗi tháng chỉ 500.000 – 600.000, nhiều lúc cũng muốn bỏ về quê. Lúc đó anh trai khuyên tôi nên đi học lại. Vậy là tôi bắt đầu trở lại học lớp 6 khi 18 tuổi”.
Cái gì cần cho công việc là… học
Chị Hằng kể thêm: “Để có thời gian đi học, tôi nghỉ may và đi làm việc bán thời gian. Tôi làm đủ việc để có tiền đi học. Tôi mất 6 năm để hoàn thành bậc trung học. Tôi chú ý đến tiếng Anh năm học lớp 10. Ngày tốt nghiệp lớp 12 tôi đã khóc và gọi cho anh trai, để cảm ơn anh. Sau đó tôi đăng ký học trung cấp. Ban ngày vẫn đi may, bán hàng, buổi tối đi học. Cuối khóa, tôi đi thực tập tại khách sạn Park Royal. Đây cũng là nơi đã nhận tôi vào làm ngay từ lúc chưa tốt nghiệp. Và đến giờ vẫn chưa tốt nghiệp để nhận bằng”.
Sau 2 năm làm phục vụ, chị Hằng đăng ký học khóa thư ký và quản trị văn phòng của một trường ĐH tại TP.HCM, với mong muốn thay đổi công việc. Học xong, chị được nâng lên làm thư ký tại phòng kinh doanh và PR của khách sạn.
“Công việc mới, tiếp xúc nhiều thứ mới, tôi thấy mình cần phải học thêm. Thế là lại đăng ký thêm khóa học về PR. Nhận thấy công ty cũng chưa có ai biết thiết kế, tôi đề xuất cho đi học khóa đồ họa và được duyệt. Cứ đi làm, thấy cần thứ gì thì tôi lại đi học để bổ sung. Không học bạn bè thì mình đến trường. Đến giờ sự thành công của bản thân đều dựa vào tinh thần ham học”, chị Hằng nói.
Rời khỏi vùng an toàn
Năm 2014 là thời điểm mang tính bước ngoặt với chị Thúy Hằng. Chị kể: “Ở một nơi mãi, không có sự tiến bộ. Có một khách sạn khác lúc đó đề nghị tôi mức lương gấp đôi thời điểm đó, nhưng vì làm việc ổn định lâu rồi nên mình cũng ngại thay đổi. Nhưng rồi nghĩ về tương lai nên tôi lại quyết định ra đi”.
Từ thư ký, rồi PR, chị Thúy Hằng sang làm nhân viên truyền thông và marketing cho một khu nghỉ dưỡng ở Phú Quốc. Chị lại tiếp tục học thêm về tiếp thị số. Về sau lĩnh vực này “lên ngôi” nên chị chuyển qua các công ty mới ở những vị trí cao.
“Nhìn lại ngày cũ thấy mọi thứ đều có lý do của nó. Cơ hội chỉ đến với người đã chuẩn bị sẵn sàng, mình luôn tự học, tự trau dồi bản thân, không bao giờ tự hài lòng với kiến thức đã có, cứ học đi, kiến thức không bao giờ lãng phí”, chị Hằng nhấn mạnh.
Ý KIẾN
Thế hệ trẻ có tham vọng phát triển nghề nghiệp
Thế mạnh nổi bật của lao động trẻ chính là tham vọng phát triển nghề nghiệp. Họ thể hiện quan điểm tích cực về nghề nghiệp khi xác định phát triển sự nghiệp đồng nghĩa với quá trình hoàn thiện những kỹ năng chuyên môn, có năng lực đảm nhiệm những vị trí cao hơn và đạt được sự chủ động về tài chính. Do đó, nhiều bạn trẻ hiện nay không quá đòi hỏi phải được tạo điều kiện cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thay vào đó họ sẵn sàng dành nhiều thời gian cho công việc và cho các cơ hội học hỏi, rèn luyện kiến thức và kỹ năng.
Tuy nhiên thế hệ trẻ cũng có những điểm cần cải thiện. Có thể do tham vọng, do tự tin, do thói quen chỉ biết “nhận” mà chưa biết “cho”, hoặc do thiếu sự hỗ trợ trong việc định hướng nghề nghiệp, có khá nhiều bạn trẻ không đủ kiên nhẫn để gắn bó với doanh nghiệp, tổ chức, đủ lâu để cống hiến và qua đó học tập, rèn luyện được năng lực chuyên môn.
Trong giai đoạn hiện tại và tương lai, bạn trẻ cần lưu ý đến các kỹ năng như học hỏi chủ động, hợp tác với người khác, quản lý con người, kỹ năng đánh giá và ra quyết định, tư duy cảm xúc. Ngoài ra, các kỹ năng liên quan đến kiến thức công nghệ hoặc vận dụng công nghệ trong công việc cũng được nhà tuyển dụng ưu tiên, cũng như khả năng ngoại ngữ và tư duy toàn cầu hóa.
Nguyễn Phương Mai (Giám đốc điều hành Navigos Search)
Khả năng thích nghi nhanh
Video đang HOT
Lao động trẻ ngày nay có tư duy phát triển nghề nghiệp và sự nghiệp khác hơn, với xu hướng muốn gia nhập vào thành phần kinh tế tư nhân nhiều hơn. Lực lượng lao động trẻ năng động hơn, có khả năng thích nghi nhanh với yêu cầu công việc của xã hội hiện đại, đặc biệt là các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học. Tuy nhiên điểm yếu thường thấy đó là thiếu sự kiên nhẫn, thiếu sự trung thành với công việc. Đó chính là rào cản khiến người trẻ khó được giao phó đảm trách các vị trí chủ chốt, quản lý với đòi hỏi sự thấu hiểu lâu dài đối với một tổ chức.
Cao Trung Hiếu (Giám đốc điều hành Công ty Dân Trí Soft)
Liên tục cập nhật về công nghệ
Người lao động cần nâng cao nhận thức trong việc trang bị kỹ năng để hòa nhập vào thị trường lao động hiện nay, cũng như trong tương lai. Cụ thể là: người lao động cần chú ý về kỹ năng giao tiếp để truyền đạt sao cho mang lại hiệu quả cao trong công việc.
Trước xu hướng phát triển của thời đại, người lao động phải cập nhật liên tục về công nghệ, cũng như các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, nếu không các bạn sẽ bị tụt hậu và văng ra khỏi đường ray trong khi chuyến tàu thì cứ tiếp tục chạy về phía trước.
Nguyễn Văn Sang (Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM)
Tư duy sẵn sàng đổi mới
Xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, làm việc ở nước khác là việc bình thường với các bạn trẻ ngày nay. Do đó, ngoài việc trang bị kiến thức chuyên môn giỏi, người lao động phải trang bị cho mình thật kỹ về tâm thế, kỹ năng và tư duy sẵn sàng đổi mới. Chính vì vậy, người lao động trẻ ngày nay bắt buộc phải đào sâu về chuyên môn nghiệp vụ, nâng tầm chất lượng lên cao hơn để cạnh tranh với lao động các nước khác. Muốn vậy, bạn trẻ phải ra sức học tập và thực hành thực tế nhuần nhuyễn về các kỹ năng nghiệp vụ của mình.
Ngoài kiến thức chuyên môn thì nhân tâm, nghị lực vượt qua khó khăn, thử thách sẽ là tiêu chí mà nhà tuyển dụng chọn lao động. Điểm yếu của lao động VN là ngoại ngữ, thích ứng văn hóa chưa tốt.
Nguyễn Thanh Liêm (Giám đốc Công ty TNHH Liên Hiệp Phát, Q.Tân Bình, TP.HCM)
Phải luôn sáng tạo
Để đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động, các bạn phải luôn nâng cấp bản thân, đầu tư vào học tập, kiến thức kỹ năng để nâng cao giá trị của sức lao động, tạo ra nhiều giá trị mà doanh nghiệp có thể nhìn thấy. Ngoài ra, người lao động phải luôn có những sáng tạo về phương thức làm việc, cải tiến quy trình rút ngắn thời gian, gia tăng hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm.
Thời đại của sự cạnh tranh về chất xám, cạnh tranh về sự đột phá, sáng tạo, do đó các bạn trẻ phải luôn đặt mình trong bối cảnh đó để không ngừng nâng cấp về trình độ, trau dồi thêm nhiều kỹ năng, tư duy cần thiết.
Nguyễn Văn Đức (Giám đốc Công ty TNHH Technics Lê Nguyễn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Mỹ Quyên – Lê Thanh (ghi)
Theo Thanh niên
Loạt bí quyết giúp trẻ trở nên tự tin, mạnh mẽ hơn mà bố mẹ nào cũng cần ghi nhớ
Những bí quyết sau sẽ hỗ trợ đắc lực trong quá trình bồi dưỡng sự tự tin ở trẻ.
Bồi dưỡng sự tự tin chính là gia tài lớn nhất mà bố mẹ có thể dành tặng trẻ. Tự tin không phải do bẩm sinh mà cần được rèn luyện theo thời gian. Những bí quyết sau sẽ hỗ trợ đắc lực trong quá trình bồi dưỡng sự tự tin ở trẻ.
1. Bố mẹ cần có thái độ nghiêm túc đối với những yêu cầu của trẻ
Ảnh minh họa
Chẳng hạn, một đứa trẻ ở trong bếp nói với mẹ: "Mẹ ơi, con muốn uống sữa". Người mẹ đang bận nấu cơm và không thể đáp ứng mong muốn của trẻ. Theo thời gian, nếu người mẹ không chú ý đến trẻ, trẻ sẽ cảm thấy tổn thương, mất niềm tin, không được coi trọng.
2. Tạo cơ hội để trẻ lựa chọn
Cuối tuần, như thường lệ bố mẹ thường dẫn trẻ đi chơi. Hãy hỏi ý kiến của trẻ về nơi muốn đến, nếu bạn đã có sẵn dự định trong đầu, bạn có thể hỏi trẻ: "Con muốn đi công viên, viện bảo tàng hay tiệm sách?". Tạo cơ hội để trẻ lựa chọn là cách gia tăng sự tự tin ở trẻ.
3. Không chế giễu
Khi trẻ không thể làm đúng những điều bạn hướng dẫn, bạn không nên chế giễu, cường điệu lỗi sai của trẻ. Nếu trẻ bị chính bố mẹ chế giễu, trẻ sẽ cảm thấy mất niềm tin và không còn hứng thú với mọi thứ.
4. Nghiêm túc trả lời câu hỏi của trẻ
Khi trẻ đặt câu hỏi, bạn cần phải nghiêm túc lắng nghe. Nếu bạn không biết câu trả lời, hãy thành thật nói với trẻ.
5. Cho trẻ biết cảm giác trẻ được cần
Hãy dùng ngữ điệu thương lượng, bàn bạc khi nhờ cậy trẻ làm bất kì điều gì. Chẳng hạn, "con có thể cầm cây ô giúp mẹ, được không?". Hãy cho trẻ biết rằng, bố mẹ cần trẻ, trẻ có tầm quan trọng đặc biệt đối với bố mẹ, và mọi người xung quanh.
6. Trưng bày những tác phẩm của trẻ
Hãy trưng bày những tác phẩm của trẻ ở nơi bắt mắt nhất trong nhà, và nhắc mọi người về điều đó. Cảm giác tự hào sẽ phát triển sự tự tin ở trẻ.
7. Cho trẻ không gian thuộc về mình
Hãy cho trẻ không gian chơi đùa, không chịu sự bó buộc hay cấm cản ngay trong chính gia đình của mình. Khi trẻ có không gian riêng, trẻ sẽ cảm thấy tự tin về bản thân.
8. Thể hiện sự khoan dung đối với trẻ
Không nên trách mắng trẻ về sự bề bộn của căn phòng hay những thứ trẻ bày ra trên bàn. Thay vào đó, bạn nên hướng dẫn trẻ cách thu dọn mọi thứ xung quanh sao cho thật gọn gàng, ngăn nắp. Hoặc bạn có thể xắn tay cùng dọn dẹp với trẻ, sự khoan dung của bố mẹ chính là nền tảng giúp trẻ cảm thấy tự tin trong cuộc sống.
9. Không so sánh trẻ với đứa trẻ khác
Ảnh minh họa
Bố mẹ thường càm ràm: "Anh chị em của con thường làm tốt hơn những điều con đang làm, con thật ngốc nghếch". Cho dù trẻ kém cỏi hơn anh chị em trong nhà hay những đứa trẻ khác, việc so sánh là không nên, bởi điều này khiến trẻ cảm thấy bản thân thật thất bại.
10. Tạo cơ hội để trẻ thể hiện bản thân
Khi đến quầy thanh toán trong siêu thị, bố mẹ có thể chuyển tiền hoặc thẻ thanh toán cho trẻ, để trẻ giao cho nhân viên thu ngân. Ngay cả khi trẻ không giỏi tính tiền, ít nhất trẻ có thể biết được tiền có thể mua được nhiều thứ. Dần dà, cho trẻ thêm tiền tiêu vặt, cho trẻ được thể hiện bản thân là cách nâng cao sự tự tin ở trẻ.
11. Để trẻ tự chọn áo quần
Khi mua áo quần cho trẻ, hãy để trẻ lựa chọn màu sắc hoặc kiểu dáng. Cho dù màu sắc không bắt mắt, nhưng ít nhất trẻ thích điều đó. Khi ý kiến của trẻ nhận được sự tôn trọng, trẻ sẽ cảm thấy tự tin.
12. Hãy để trẻ làm mọi thứ phù hợp với lứa tuổi
Hãy để trẻ tự giặt tất, găng tay. Ngay cả khi trẻ giặt không sạch, nhưng ít nhất có thể bồi dưỡng sự tự tin của trẻ khi làm những công việc nhỏ, và nhận được sự công nhận của bố mẹ.
13. Khuyến khích trẻ thể hiện sở trường
Khi trẻ làm thơ, kể truyện, hát, bạn có thể vỗ tay hoặc khen tặng trẻ. Khi trẻ có cơ hội thể hiện thế mạnh của bản thân, trẻ sẽ trở nên sự tự tin.
14. Khuyến khích trẻ kết bạn
Kết bạn với những người bạn cùng lứa tuổi sẽ khiến trẻ trở nên mạnh dạn, nâng cao khả năng giao tiếp, rèn luyện tự tin trước đám đông.
15. Tạo cơ hội để trẻ khám phá điều trẻ yêu thích
Khi trẻ chơi với chai nước ngọt rỗng hoặc hộp giày cũ, thay vì ngăn cấm, bạn nên để trẻ chơi và khám phá những món đồ tưởng chừng là phế phẩm. Khi bạn ngăn cấm trẻ, bạn đã vô tình tước đoạt sự hứng thú của trẻ đối với mọi thứ.
16. Khuyến khích trẻ phát huy tinh thần lạc quan
Ảnh minh họa
Đối với những đứa trẻ nóng vội, thay vì phủ nhận cá tính của trẻ, bạn nên rèn luyện trẻ làm việc thận trọng, lý trí. Nếu bạn ép trẻ thay đổi tính nết, trẻ sẽ mất niềm tin vào bản thân.
17. Khuyến khích trẻ nhận diện bản thân
Nhiều đứa trẻ cảm thấy mất tự tin về diện mạo không đẹp đẽ của chính mình. Bạn nên giúp trẻ chấp nhận khuyết điểm và cho trẻ biết những ưu điểm mà trẻ có.
18. Khuyến khích trẻ thoát khỏi sự dựa dẫm
Khi trẻ đi học, thay vì được bố mẹ gọi, bạn nên rèn luyện tính tự giác cho trẻ bằng cách đặt đồng hồ báo thức. Khi một đứa trẻ tự xử lý mọi vấn đề của nó, trẻ sẽ trở nên tự tin ngay cả trong hoàn cảnh bất lợi.
19. Dành thời gian đi du lịch cùng trẻ
Bạn nên sắp xếp thời gian cùng đi du lịch với trẻ, cho trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài và các nền văn hóa khác nhau. Khi tầm nhìn và tri thức được mở rộng, trẻ sẽ tự tin gấp bội phần.
20. Khuyến khích trẻ chơi trò giải đố hoặc xếp chữ
Nếu trẻ gặp khó khăn khi chơi những trò trí tuệ, đòi hỏi tính kiên nhẫn. Bạn hãy hướng dẫn trẻ, nhưng không nên thay trẻ giải đáp câu đố. Điều này sẽ khiến trẻ hứng thú và muốn hoàn thành trò chơi.
21. Dành lời khen ngợi tích cực khi trẻ có tiến bộ
Khi trẻ phát triển hoặc tiến bộ vượt bậc, thay vì dùng những lời khen sáo rỗng, bạn nên sử dụng những lời khen cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn, "Con biết tự đi vệ sinh rồi à? Đúng là có tiến bộ", không nên nói "Con thật thông minh". Những lời khen cụ thể khiến trẻ tự tin, những lời khen sáo rỗng khiến trẻ trở nên kiêu ngạo.
22. Ủng hộ ước mơ của trẻ
Ủng hộ trẻ, tạo điều kiện cho trẻ thực hiện ước mơ. Đây là cách giúp trẻ trở nên tự tin và nhận thức về năng lực của bản thân.
23. Không đánh đập, trách mắng sai lầm của trẻ
Khi bạn đánh đập, trách mắng trẻ sẽ khiến tình hình trở nên tệ hơn. Và điều này càng nguy hại, bởi nó khiến trẻ nảy sinh tâm lý phản kháng, chống đối bố mẹ của mình.
24. Bố mẹ cần tôn trọng mọi người
Khi bạn tôn trọng mọi người và nhận được sự tôn trọng từ người khác, trẻ sẽ cảm thấy tự hào về bố mẹ của mình, đồng thời trẻ sẽ tự tin khi hòa nhập vào xã hội.
Theo Zhuanlan
Việt Nam dự thi tay nghề thế giới ở 19 nghề Thông tin từ Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động thương binh và Xã hội) cho biết kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 tại Nga, đoàn Việt Nam đăng ký dự thi 19 nghề. Nghề xây gạch, một trong 19 nghề thí sinh Việt Nam sẽ cùng tranh tài cùng bạn bè quốc tế năm nay - Ảnh: PHƯƠNG...