Lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp thiếu đơn hàng
Qua báo cáo của 25 địa phương, đơn vị có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống cho thấy ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ…
Do gặp khó khăn, hạn chế về đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp tại một số địa phương phía Nam phải giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên.
Thiếu đơn hàng từ bối cảnh chung
Theo Tổng Liên đoàn lao động, số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng là 441 doanh nghiệp (331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 75,05%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, 88,27% tổng số lao động bị ảnh hưởng).
Lao động tìm hiểu thông tin việc làm dịp cuối năm tại các Trung tâm dịch vụ việc làm.
Trong đó có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90%); 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,02%); 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 4,98%)…
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, tình trạng nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ, một phần trong lĩnh vực dệt may, da giày bị giảm đơn đặt hàng nên phải sa thải lao động là việc làm bất khả kháng. Nguyên nhân là sau thời gian mới hồi phục lại nền kinh tế, người lao động bắt đầu trở lại làm việc, doanh nghiệp đã kỳ vọng người lao động tăng ca để tạo ra sản phẩm, chất lượng tốt hơn để bù đắp lại thời kỳ khó khăn trước đây. Tuy nhiên, tình hình biến động đơn hàng đang xảy ra khá lớn, một lực lượng lao động đang chịu ảnh hưởng từ chính sự sụt giảm các đơn hàng này.
“Khó khăn này lại rơi vào thời điểm cuối năm, khi chuẩn bị đến Tết. Về mặt tâm lý chung của người lao động là đều mong muốn sau một năm nỗ lực, Tết sẽ được chăm lo tốt hơn, nhưng đến nay các doanh nghiệp đang rất khó khăn, chưa tìm được đơn hàng”, ông Trần Thanh Hải thừa nhận.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã phải bố trí lại lực lượng lao động, sử dụng hết phép năm 2022 cho người lao động, thậm chí tiếp tục ứng phép của năm 2023 với mong muốn tạo một nguồn thu nhập cần thiết giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần giữ chân họ trong thời gian chờ đợi khả năng hồi phục các đơn hàng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có một số doanh nghiệp mới đầu tư trong giai đoạn gần đây, nhất là năm 2022 nên khả năng tích lũy và sức chịu đựng của các doanh nghiệp có hạn. Những doanh nghiệp này đã có thông báo cho người lao động mới ký hợp đồng từ năm 2022 nghỉ việc.
Dưới góc độ từ phía doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, hiện tượng một số doanh nghiệp cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên là do tình hình biến động chung của thế giới dẫn đến biến động thị trường đã tác động đến các hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp.
Các thị trường trước đây được dự báo có sức mua lớn, năng lực chi trả cao đã phải điều tiết lại do tình hình nội tại của nền kinh tế. “Chúng tôi cùng với các cơ quan chức năng đã phối kết hợp để giới thiệu, quảng bá tốt hơn nữa các sản phẩm với hy vọng rằng doanh nghiệp của chúng ta sẽ tiếp cận được các thị trường mới, qua đó có được các đơn hàng mới để tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.
Đảm bảo chế độ cho người lao động
Video đang HOT
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong bối cảnh này, ông Trần Thanh Hải đề nghị các cấp công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động đảm bảo chế độ chính sách theo quy định của pháp luật cho người lao động. Trong trường hợp không thể tiếp tục giữ chân người lao động, cần giới thiệu việc làm cho họ, nhất là với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.
Với người lao động, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn có nhiều biến động, cần nỗ lực trau dồi kiến thức để có khả năng chủ động ứng phó với những thách thức mà nền kinh tế có thể xảy ra trong thời gian sắp tới. “Các cấp công đoàn cũng phải hết sức lưu tâm đến những hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn nếu một gia đình mà cả hai vợ chồng đều mất việc, thì những đối tượng phải này phải hết sức quan tâm, chí ít phải nỗ lực để một người có việc làm để mỗi gia đình có điểm tựa”, ông Hải lưu ý.
Đồng thời, trong việc triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động sắp tới, ông Trần Thanh Hải đề nghị với những lao động đang đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn mất việc cũng phải là đối tượng ưu tiên để có sự trợ giúp kịp thời.
Do đó, khi người lao động không còn tiếp tục làm việc nữa vẫn phải được đảm bảo các quyền lợi cơ bản về tiền lương những ngày đang làm việc, chế độ chính sách khi thôi việc, đặc biệt, với các đối tượng khó khăn cần có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Về vấn đề này, ông Hoàng Quang Phòng cũng cho rằng, trước mắt, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm; điều tiết lại lực lượng lao động; có chương trình đào tạo để nâng cao tay nghề. Doanh nghiệp cũng cần tích cực tìm kiếm thị trường và đa dạng hóa sản phẩm, làm đẹp mẫu mã để có khả năng chinh phục được các thị trường khó tính hơn. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực tuân thủ đối với các hiệp định thương mại tự do đã và đang cam kết.
Hiện nay, Bộ Công thương và các bộ, ngành khác đang tích cực triển khai quảng bá hình ảnh, thương hiệu, chất lượng sản phẩm cũng như cung cách làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam; quan tâm hơn nữa đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. “Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng, những khó khăn đang gặp phải chỉ là tạm thời. Trong thời gian tới sẽ được xử lí bài bản, hy vọng cửa sáng của doanh nghiệp sẽ tiếp tục được mở ra và phát triển, người lao động có quyền hy vọng có việc làm, cải thiện đời sống”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Tron gkhi đó, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, hiện chưa ghi nhận phản hồi từ phía các doanh nghiệp về việc cắt giảm lao động. “Về mặt bằng chung, thị trường lao động Hà Nội từ nay đến cuối năm vẫn có có những sự sôi động nhất định. Các phiên giao dịch việc làm vẫn được tổ chức đều đặn, chúng tôi vẫn tiếp tục tiếp nhận các đơn hàng tuyển dụng từ phía doanh nghiệp, thậm chí thời điểm này số lượng còn tăng hơn so với những tháng trước đây”, ông Vũ Quang Thành đánh giá.
Trao đổi về tình trạng một số doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc hàng loạt, ông Thành cho rằng có thể do thiếu đơn hàng hoặc nguyên vật liệu. Ngoài ra, do biến động về tình hình thế giới, một số nước như Mỹ và một số nước châu Âu có hiện tượng lạm phát, vì thế nhiều doanh nghiệp tại khu vực phía Nam có những đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường này đã chịu những sự ảnh hưởng nhất định.
Theo ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), việc các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, nhiều người lao động mất việc là điều cả doanh nghiệp và người lao động đều không mong muốn.
Vì vậy, ông Lê Quang Trung cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động; tăng cường đào tạo nghề dự phòng nhằm giữ chân người lao động. Cùng với đó, các đơn vị cần lên kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi tiếp nhận các đơn hàng trong tương lai.
Trong trường hợp doanh nghiệp không thể giải quyết được vấn đề việc làm, cần phải thực hiện quy trình cắt giảm việc làm, lao động theo đúng quy định của pháp luật. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn tại địa phương cần có hướng dẫn giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc, đặc biệt về tiền lương, phúc lợi xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Với người lao động, bên cạnh việc chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh bị giảm đơn hàng, bản thân họ cần cần nhận thức đầy đủ, biết rõ quyền, trách nhiệm của mình, trong đó đặc biệt về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian này, người lao động nên tranh thủ học nghề, trang bị kiến thức, đồng thời họ cần chủ động với các Trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp.
Theo ông Lê Quang Trung, các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương cần tăng cường thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết chính sách cho người lao động. Đơn vị này cũng cần nắm thông tin thị trường lao động cung ứng lao động các đơn vị giải quyết việc làm ngắn nhất, phù hợp nhất với người lao động lúc khó khăn.
Ông Vũ Quang Thành cũng cho biết, căn cứ diễn biến trên thị trường lao động, từ nay đến cuối năm, đơn vị này sẽ tiếp tục tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho các nhóm đối tượng phù hợp. “Chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, tập trung tối đa để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động tìm kiếm việc làm. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thể tuyển dụng đủ lực lượng lao động đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, còn người lao động sẽ tìm kiếm được việc làm, đảm bảo cho thu nhập, ổn định cuộc sống dịp sát Tết”, ông Vũ Quang Thành cho biết.
Thiếu đơn hàng, lao động nhiều ngành liên tiếp nhận tin xấu
Thiếu hụt đơn hàng, ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, đang cho lao động giãn viêc. Nếu kéo dài, sẽ khiến cả DN và người lao động lao đao.
Nhiều ngành đang thiếu việc làm cho lao động
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, tình hình xuất khẩu sụt giảm đơn hàng tới 50%, dẫn đến nhiều DN ngành gỗ đang trong tình trạng chỉ làm 50% công suất, nên khoảng một nửa lao động không có việc làm.
Ông Lập lo lắng tình hình này sẽ kéo dài đến hết năm 2022 khi các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn.
Điều này hiện đang tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay, cho chúng ta thấy một bức tranh về thị trường rất ảm đạm.
Tình hình xuất khẩu sụt giảm đơn hàng tới 50%, dẫn đến nhiều DN ngành gỗ đang trong tình trạng chỉ làm 50% công suất
Thực tế, xuất khẩu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã giảm 2 tháng liên tiếp. Cụ thế, giá trị xuất khẩu tháng 7 ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5 % so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6 % so với cùng kỳ năm 2021. Còn tháng 8, giá trị xuất khẩu ước đạt 1,35 tỷ USD, giảm 4,25% so với tháng trước.
Tại Công ty TNHH Gỗ Lee Fu Việt Nam (Đồng Nai), đại diện Công ty cho biết, đơn vị đã tạm ngưng hợp đồng với 700 lao động trong thời gian 1 tháng, chờ có đơn hàng mới thì cho người lao động làm việc trở lại.
Tương tự, các doanh nghiệp ngành giày da trên cũng chung tình cảnh. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) nhấn mạnh, da giày là ngành sử dụng nhiều lao động, mỗi DN có tới hàng nghìn lao động nên việc thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm và năm 2023 sẽ khiến ngành này bị xáo trộn.
Theo bà Xuân, hiện đã có DN cho lao động nghỉ 3-4 ngày trong một tháng bằng các hình thức cho người lao động nghỉ phép năm. Còn với người lao động hết phép năm thì cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng.
Tình trạng lao động thiếu việc làm cũng đang xảy ra ở các DN dệt may. Một công nhân may của Công ty Cổ phần Dệt may và Đầu tư thương mại Thành Công (KCN Tân Bình, TP.HCM) cho biết, từ sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, do thiếu đơn hàng nên người lao động được nghỉ thêm một ngày trong tuần, mỗi tuần chỉ làm 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng, không có tăng cao.
Bà Trần Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thừa nhận, chưa năm nào tình hình xuất khẩu lại "ngược đời" như năm nay.
Bà cho biết, trong quý I, doanh nghiệp nhận đơn hàng nhiều nhưng lại thiếu nhân công, phải chạy khắp nơi tuyển lao động. Nhưng đến quý II, khi đã tuyển đủ nhân công thì đơn hàng không có, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng đến cuối năm 2022.
Hiện Vitas đang thống kê để có hướng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung vào những doanh nghiệp có lượng đơn hàng giảm nhiều, ảnh hưởng đến công nhân.
Cần sự vào cuộc của các Thương vụ tại các nước xuất khẩu
Trước khó khăn trên, ông Lâm cho rằng, muốn giải quyết được vấn đề thiếu việc làm cho lao động, ngoài việc DN phải tìm cách xoay chuyển thị trường, tìm thêm đối tác mới thì cũng cần các Thương vụ cập nhật thông tin và tư vấn về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp gỗ, đặc biệt là thị trường Mỹ, bởi đây là vấn đề cản trở nhiều nhất đến đơn hàng thời gian qua.
"Phải vận động để các phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ không gây thiệt hại quá lớn cho doanh nghiệp Việt", ông Lâm nói.
Ngành dệt may chiếm khoảng hai triệu lao động, tương đương 25% toàn ngành chế biến, chế tạo. Con số này ở ngành da dày là hơn 1,4 triệu, chiếm tỷ lệ trên 18%
Bên cạnh đó, theo ông Lâm, Thương vụ cũng cần tăng cường kết nối doanh nghiệp gỗ Việt - Nga và tư vấn và trợ giúp doanh nghiệp hai bên ký kết hợp đồng, thanh toán và vận chuyển sản phẩm gỗ,...
Phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng mong muốn, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhất là Thương vụ tại khu vực EU, cập nhật thông tin về chiến lược mới liên quan đến dệt may.
Chẳng hạn, thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại làm thế nào thông thoáng con đường vận chuyển giữa hai nước giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên phụ liệu phục vụ kịp thời cho sản xuất.
Thương vụ Việt Nam tại thị trường Mỹ và Pháp cung cấp thông tin và tư vấn cho doanh nghiệp dệt may trong nước những hội chợ phù hợp để tham gia,...
Ngoài ra, Hiệp hội này cũng kiến nghị Chính phủ sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022 để hỗ trợ DN trong thời điểm này.
Lan toả văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực Ngày 17/10, tại Hà Nội, Công đoàn Viên chức Việt Nam tổ chức hội thi "Công đoàn tham gia cải cách hành chính và xây dựng văn hóa công vụ". Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Việt Nam phát biểu tại hội thi. Phát biểu khai mạc hội thi, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Tổng Liên...