“Lạnh” nghề gieo chữ lưng trời
Sơn Vĩ là xã xa nhất và cao nhất của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Những ngôi trường “cắm bản” trên lưng núi lại mang dáng vẻ xơ xác, xiêu vẹo đến nỗi bất cứ ai nhìn thấy cũng không khỏi gai lòng.
Sơn Vĩ là xã xa nhất và cao nhất của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ trên cao nhìn xuống, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn bám vào sườn núi, dòng Nho Quế mát xanh bé như nét vẽ mỏng manh uốn lượn trên tấm thảm màu xanh xám của núi rừng. Giữa cảnh quan sơn thủy ấy, những ngôi trường “cắm bản” trên lưng núi lại mang dáng vẻ xơ xác, xiêu vẹo đến nỗi bất cứ ai nhìn thấy cũng không khỏi gai lòng.
Đường gieo chữ
Để đến được Sơn Vĩ là cả một hành trình chinh phục đèo, núi và mây. Những con đường như dựng đứng lên trời, có lúc lại chúi như lao xuống lòng vực sâu đã trở thành nỗi ám ảnh ngay cả với những cư dân bản địa nơi đây.
Cô giáo Nông Thị Ngân trong gian buồng vừa làm nơi ở, vừa là nhà bếp, vừa là lớp học mầm non.
Cô giáo Nông Thị Ngân, điểm Trường Lẻo Chá Phìn B, chia sẻ: “Địa bàn rừng núi, từ bản ra đến trung tâm xã mất nửa ngày đi bộ nên các em không thể đi học được, nhà trường phải xây dựng các điểm trường “cắm bản” để các em được đi học. Cũng vì vậy mà các em phải học trong những gian nhà tạm, tranh tre nứa lá. Giáo viên cũng phải ở lại trường”.
Các em học sinh tại điểm trường Séo Hồ, điểm trường xa nhất, cách trung tâm xã khoảng 15km đường mòn qua núi phải học trong những gian nhà quây tạm bốn vách bằng tre, lá. Trước đây, lớp học này là một lán để xe có mái che . Khi số học sinh trong bản tăng lên, trường chỉ có 3 phòng học là 3 gian nhà gỗ vốn đã xiêu vẹo và không đủ cho việc dạy học ở cả 5 khối lớp cấp 1 nên đành phải quây tạm bốn góc khu nhà xe này bằng tre nứa rồi ngăn đôi làm 2 khu cho 1 lớp mầm non và 1 lớp mẫu giáo.
Các em quanh năm ngồi học cùng nắng gió, sương núi và cả cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông vùng cao, nơi lưng trời – đỉnh núi này. Cô giáo Ma Thị Bương – giáo viên lớp nhà trẻ mới về nhận công tác được non năm ngậm ngùi chia sẻ: “Khổ nhất là các em nhỏ, vào những ngày thời tiết khắc nghiệt, chúng em đứng lớp chỉ một lúc mà người như hóa đá, vậy mà các em nhỏ đến lớp còn không đủ quần áo ấm, gió lùa thông thống từ bốn phía chả biết đi đâu mà tránh rét…”.
Cô giáo cô đơn
Đến điểm Trường Lẻo Chá Phìn B, hai gian phòng bé xíu nằm chon von nơi con dốc cũng chon von trên con đường mòn vào bản. Lớp học lợp tấm fibro xi măng, bàn ghế tuềnh toàng, vách tường là những tấm phên tre được dán kín nửa phần bên dưới bởi những tờ báo cũ, tranh chữ và cả những tờ báo tường do các cô giáo tự làm để phục vụ việc dạy học.
Bảng đen là một tấm ván ép cong queo, sứt mẻ. Phía đầu hồi là “buồng” cô giáo, cũng là lớp học của khối mầm non. Mùa đông, phòng cô giáo đỡ lạnh hơn một chút bởi phòng ở cũng chính là gian bếp của nhà trường. Có thêm một bếp củi ngay trong phòng, vừa để nấu nướng, vừa để chống đỡ với cái lạnh ở nơi lưng trời sương phủ này. Cũng chính vì vậy mà phòng này được dùng làm lớp mầm non.
Video đang HOT
Gian phòng ngủ của cô giáo Nông Thị Ngân tối om, chỉ kê vừa đủ chiếc giường đơn. Tài sản của cô giáo chỉ là một chiếc hòm tôn để dưới gầm giường, trên chiếc bàn tre là hai chồng sách vở. Nếu không có một cô giáo trẻ đang ngồi soạn bài bên chiếc bàn con kê trước cửa, chắc chắn tôi không thể nhận ra rằng đây chính là nơi ở của giáo viên.
Sững sờ đôi chút vì có khách đến chơi, cô giáo Ngân bỏ bút đứng dậy ra ngoài đón khách với cái bụng bầu tháng thứ 7 nặng nề, luống cuống. Nhìn cái bụng gần đến tháng sinh của cô giáo trẻ mới chừng 25 tuổi, sống một mình lẻ loi nơi rừng núi xa quê, xa chồng, không ai đỡ đần chăm sóc mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Muốn ở lại thêm chút thời gian trò chuyện cho cô giáo bớt quạnh quẽ mà thời gian không cho phép nên chúng tôi đành phải chia tay. Đi trên con đường về huyện, trong lòng tôi áy náy, nghèn nghẹn không nguôi.
Cả xã Sơn Vĩ có 155 cán bộ giáo viên đang công tác tại 9 điểm trường cắm bản và 1 trường chính, trong đó có 27 giáo viên mầm non, còn lại là giáo viên tiểu học. Trong đó chỉ có 2 giáo viên trẻ mới tốt nghiệp đại học về nhận công tác là người địa phương, còn lại là giáo viên từ vùng thấp hoặc đồng bằng lên công tác. “Nhiều người lên đây công tác một thời gian rồi lại bỏ về, không phải chỉ vì điều kiện khó khăn mà hầu hết do phải sống xa gia đình, nhất là những giáo viên trẻ và những cô giáo có con nhỏ dưới quê, nhớ con, nhớ gia đình, thiếu thốn tình cảm nên bỏ về xuôi”.
Mạc Thị Lâm – cô giáo tiểu học quê Tuyên Quang đã lên công tác tại Sơn Vĩ được 4 năm. Đứa con gái đang học lớp 5 cũng được cô đón lên đây rồi lại đưa vào học tại trường dân tộc nội trú huyện Mèo Vạc vì điều kiện quá khó khăn. Hai năm sau, chồng cô cũng nghỉ việc dưới quê, lên sống cùng vợ ở cái xã vùng biên này để tiện hàng tuần xuống huyện thăm con và cũng là để gần gũi gia đình. Chồng cô không làm nghề giáo nên đành thuê một gian nhà vừa để ở, vừa để mở một cửa hàng ăn ở trung tâm xã.
Cô Lâm chia sẻ: “Các thầy cô giáo ở đây không phải ai cũng có điều kiện để đón chồng con lên ở cùng. Phần vì nơi này khó khăn chả ai muốn đến, đến rồi cũng chả biết làm gì để sống. Chỉ có một số là cả hai cùng làm nghề giáo và cùng lên đây dạy học là vợ chồng được ở gần nhau. Giáo viên trẻ chưa có gia đình, nếu gắn bó ở đây lâu thì chả biết bao giờ mới có gia đình riêng, thế nên chỉ được đôi năm là lại bỏ trường về xuôi thôi anh ạ… Ở đây thiếu thốn tình cảm lắm”.
Trên con đường mòn vào điểm bản Chù Sán, điểm trường xa nhất, giáp xã Đức Hạnh, tôi gặp hai người đang đứng ở vệ đường. Dừng lại định để hỏi đường thì mới biết một người là cô giáo ở điểm Trường Chù Sán. Những tảng đá hộc to cỡ bắp đùi trên con đường độc đạo đã bẻ gãy phanh xe nên cả hai đành ngồi chờ thợ từ dưới xã mang đồ lên sửa. Thấy trời xâm xẩm, cô giáo trẻ khuyên tôi nên quay trở lại bởi chặng đường phía trước còn khó đi hơn nhiều.
Hỏi thăm giây lát trước khi quay xe thì được biết người bạn trai cũng làm giáo viên mới từ huyện Yên Minh lên chơi, vì không biết đường nên cô giáo phải xuống đón từ dưới xã. Tuy là hai huyện giáp nhau nhưng cũng phải cả năm mới đến thăm nhau được một lần, đi từ sáng sớm mà xẩm tối mới tới đây, vậy mà con đường trắc trở lại khiến hai người phải dừng lại giữa rừng, không biết đêm đến có kịp về trường hay lại phải ngủ nhờ đâu đó nơi bản làng heo hút này.
Theo Linh Phong (Dân Việt)
Những điểm trường trên mây
Nghe chúng tôi trình bày ý nguyện muốn đến hai khu trường ở Mường Mô 2 và Tà Tổng 2, ông Nguyễn Đức Hiển - Trưởng phòng GD huyện Mường Tè - ngần ngừ: "Đi bộ sẽ mất cả tháng, đi xe nhanh cũng 10 ngày, nhưng các nhà báo liệu có đi nổi bằng xe máy?".
Ngày thứ 10 của cuộc hành trình, chúng tôi trở lại cây cầu treo K43 để vượt sông Đà vào khu trung tâm xã Mường Mô (huyện Mường Tè, Lai Châu). Có cảm giác thật lạ, như vừa qua một giấc mơ về một cuộc phiêu lưu vào thế giới khác, một thế giới có rất ít dấu ấn của văn minh. Trong thế giới ấy, những người thầy - những người đi khai sáng cũng đang chịu rất nhiều tăm tối.
Những ngày đường xe máy
Ăn trưa ở trung tâm xã Mường Mô, anh em giáo viên đã giục "ăn nhanh để đi, phải vào đến Nậm Trà trước khi trời tối". Từ trung tâm Mường Mô đến Nậm Trà đường dài chừng 40km. Cung đường ấy giáo viên nữ đi bộ 1 ngày, giáo viên nam đi được xe mất... nửa ngày. Đi rồi tôi mới hiểu đi xe máy trên này tốc độ cũng không hơn đi bộ là bao. Thường điểm trường nọ sang điểm trường kia là nửa ngày đường xe máy với trời không mưa. Trời mưa thì nhân thời gian lên gấp đôi, ấy là không ngã, không run tay mà quẳng xe lại giữa đường để... "đi bộ cho nó lành".
Hơn 4 giờ trên yên xe, vật nhau với con đường đất mà chiều ngang không bao giờ quá nửa mét, "núi một bên và vực một bên", nhìn thấy khu trường THCS Nậm Trà - mấy ngôi nhà tranh lúp xúp mà mừng như trẻ thấy mẹ đi chợ về. Trước, con đường ấy là đường mòn đi bộ, mấy năm nay xã hội đi lên, bà con san gạt thêm cho cái bánh xe lăn. Đi xe máy mà lắm khi thở hồng hộc như đi bộ leo dốc, 4 lần chúng tôi phải nghỉ cho mát máy xe, cũng là cho đôi tay, đôi chân đỡ chuột rút.
Lớp học có kiến trúc kiểu chuồng trâu ở bản Tia Ma Mủ, cụm trường Nậm Ngà.
Cả chặng đường cứ số 1 mà bò, máy gầm như công nông đầu ngang. Đã mấy lần muốn dừng lại để lắp bộ xích vào bánh sau cho chắc lại thôi, các thầy chưa lắp, mình làm sớm nghe kỳ kỳ, kém cái... đàn ông. Đến được trường khi trời bắt đầu tắt nắng, không ngã cái nào, dù mấy lần phải dúi xe vào vách núi để tránh lao xuống vực, thực là mừng, muốn cảm ơn thầy giáo đã nhắc mình ăn nhanh còn đi.
Từ Nậm Trà nhìn bốn phía chỉ thấy rừng, núi, đến cái vết loang lổ của những con người mở ra trên các triền núi tạo đường cũng không còn thấy. Cuộc sống văn minh đều đã "khuất núi", chúng tôi bắt đầu bước vào những ngày ở rừng thực sự. Điện không, điện thoại không, đúng hơn có đôi vệt sóng lạc từ Mường Nhé (Điện Biên) sang, thường chỉ có trên các đỉnh núi cao, bò ngược dốc hàng giờ vào những ngày thật đẹp trời.
Tìm được những vệt sóng này là bao kỳ công của những người đi "khai phá", tìm sóng theo kiểu "dò mìn", nó cũng gắn liền với bao nước mắt của thầy cô. Suốt 10 ngày của chuyến đi tôi không đủ kiên nhẫn, sức khỏe để trèo tìm sóng, thôi đành quên đi chiếc điện thoại. Nậm Trà (Mường Mô 2) nay đã có 3 trường học từ mầm non đến THCS; Nậm Ngà (Tà Tổng 2) có hai trường, hệ TH và THCS chưa tách, hai cụm trường xa nhất ở bờ hữu sông Đà ấy với gần 150 thầy cô giáo, đã hai năm nay quên rằng trên đời này còn có báo chí. Dù báo vẫn được phát, được đặt nhưng nó không bao giờ đến được với các thầy cô.
"Quyền được ngã"
Với các thầy cô giáo ở Nậm Trà, Nậm Ngà, việc ngã xe như là chuyện đương nhiên. Ở Nậm Ngà, xứ sở được coi là "huyền thoại đích thực" ở Mường Tè vì Tà Tổng đã là huyền thoại rồi, nó còn là Tà Tổng 2. Ở đây có một đội "tay đua" thượng hạng đếm gần đủ năm đầu ngón tay, những thầy mà sự ngã kể... cả năm không hết. Thầy Việt - giáo viên môn sinh khối THCS, thầy Cường - hiệu trưởng, thầy Đức - hiệu phó, thầy A Lầu... Thầy Việt cao 1m63, nặng 49 cân, cùng với A Lầu là tay lái chuyên chở thịt từ huyện vào cho học sinh.
Mỗi chuyến hai thầy đi 2 ngày, chở 100kg thịt từ huyện Mường Tè vào. Cái món hàng vừa nặng vừa bùng nhùng ấy, không phải dạng cao thủ thì chỉ có xuống vực mà nhặt thịt lợn lẫn... thịt người. Mỗi chuyến chở thịt ấy các thầy tự khoán... không ngã quá 4 lần, có kinh nghiệm chỉ dúi đầu vào vách núi mà ngã. Tệ lắm thì quẳng xe xuống vực mà ngã ngược lại. Cách hôm chúng tôi vào 2 ngày, hai tay lái cứng nhất nhì thầy Việt, thầy Cường cũng vừa quẳng xe xuống vực để thoát thân.
Xích xe quấn bánh, thứ không thể thiếu của giáo viên trên những cung đường Nậm Trà, Nậm Ngà
Cũng lạ, ngã nhiều nhưng chưa thầy cô nào bỏ mạng vì nó cả, tệ nhất cũng được mắc vào cành cây, để gào toáng gọi người khác kéo lên. Xước sát nhiều, nhưng gãy gì đó thì chưa. Cú ngã tệ nhất thuộc về thầy Nguyễn Văn Việt ở khu bản Cô Lô Hồ, khi bị xe đè lên người, ống xả chèn lên ngực, cháy thịt khét mù, nằm viện cả tháng.
Ngã là chuyện thường ngày nên các thầy nói vui là ở đây có "quyền được ngã". Nhưng cũng có những chuyến xe không được quyền ngã. Đó là những chuyến xe đặc biệt chở trứng cho bữa ăn học sinh, mỗi chuyến 600 quả - tháng 4 chuyến và chở người ốm đi viện. Hôm chúng tôi đang ở Nậm Trà cũng có chuyến xe như thế, thầy Quàng Văn Dử bị sốt cao, phải ngồi sau xe, lấy dây buộc vào thầy Việt rồi cùng 1 xe nữa dong ra Mường Tè.
Đi từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều đến nơi an toàn. Một loại "hàng" nữa không được quyền ngã là cô giáo mang thai. Loại "hàng" này đặc biệt nhất, ngã là phạm "trọng tội", bao năm qua, chưa một lần các thầy đánh ngã những cô giáo này. Nói là vậy nhưng khó nhất là chính các cô mới mang thai, chưa biết mình có, vẫn cứ tong tả trên đường, sẩy nhiều lắm. Ở Nậm Trà trong số các cô giáo có gia đình chỉ có 3 cô chưa bị hỏng thai lần nào, các cô sinh non, con nuôi lồng kính cũng có mấy người cũng chỉ vì con đường.
Những ngôi trường... kỳ kỳ
Nậm Trà, Nậm Ngà, tất cả có 15 điểm trường, ngay ở hai khu trung tâm cũng đã thấy nó kỳ rồi, các điểm khác mỗi điểm một vẻ theo... kiến trúc bản địa. Đại thể, bản nào làm lớp ấy, tùy theo điều kiện kinh tế, theo mức độ nhiệt tình với cái chữ mà dựng lên cái phòng học. Hầu hết là phòng có "kiến trúc" tre nứa, ngay Trường THCS Nậm Trà toàn bộ các phòng học đều làm lán tre nứa. Năm nay Mường Tè tre nứa khuy (nở hoa) lấy loại ấy về dùng mấy bữa đã thấy mọt rơi lả tả, gió chưa nổi đã kẽo kẹt rồi rung lên bần bật. Những điểm trường ấy bi hài thì có, còn độc đáo thì phải kể đến các dạng khác.
Độc đáo nhất phải kể đến lớp học với kiến trúc chuồng trâu ở bản Tia Ma Mủ (cụm trường Nậm Nhà - Tà Tổng). Ba phòng học cho các lớp tiểu học ở đây nếu mới đến, nhìn từ ngoài vào chắc chắn bảo là chuồng trâu. Lớp dựng trên cột, thay cho ván che là mấy tấm, nửa ván nửa giằng, bắc ngang nối các cột. Kiểu nối ngang như thể tiện đưa cỏ vào, cũng tiện cho trâu cọ sừng, cọ mình. Làm lớp học kiểu ấy có thể nói cũng là "sáng tạo" phòng học thoáng, ít bị tối, nhưng mà rét. Ngày rét trong lớp gió như ngoài sân, thầy trò co ro, có đốt đống lửa gió nó cũng lùa hơi đi mất, không đỡ được là mấy.
Thứ nhì độc đáo là lớp học dựng bằng củi ở bản U Na 1 cũng ở cụm trường Nậm Nhà (Tà Tổng). Không hiểu do vội hay thích tạo nên một ngôi trường lạ mà bản này dựng nên ngôi trường toàn bằng củi. Thật tiện, củi bắp nhà nào cũng sẵn, góp lại, cũng không cần phải đẽo gọt gì thêm, cứ thế dựng nên thay ván, xù xì một chút nhưng mà chắc.
Vách ấy bọn trẻ đỡ nghịch, thớ gỗ tua tủa, nghịch vào không rách tay cũng rách quần áo. Tiện cho các thầy, cả phụ huynh đến thăm các thầy, hút thuốc lào cứ tước những dăm ấy làm đóm, lúc đêm hôm khỏi phải tìm xa. Cánh phóng viên chúng tôi thấy "kiến trúc lạ" lao vào chụp ảnh, rồi khoe nhau, hí hửng lắm. Mang khoe cả các thầy, thầy cũng phải khen rồi cười góp, mặt buồn thiu.
Độc nữa phải kể đến lớp học không tên ở bản Huổi Mắn (Trường TH Nậm Trà - Mường Mô 2). Bản Huổi Mắn chia làm 2 cụm dân cư Huổi Mắn A và B, có vùng đất trũng giáp sông Đà nằm trong vùng ngập thủy điện Lai Châu, trước dân từ cụm A và B chỉ xuống dựng lán ở tạm làm ruộng, nương. Không hiểu có phải "chạy" đền bù di dân tái định cư không mà 2 năm nay những lán này nâng cấp thành nhà đến mấy chục hộ. Theo người lớn là trẻ con, các thầy cô phải mở lớp cho chúng, dù không biết đặt tên lớp thế nào.
Điểm trường với hai lớp học mầm non và lớp 1 cho gần 40 đứa trẻ ra đời như thế, mọi người gọi đùa là lớp học Không Tên. Cả điểm trường ấy cao chừng 2 mét, rộng chừng 20 mét vuông, dựng bằng nứa, lợp bằng gianh, cho 2 phòng học, thêm 2 phòng ở tạm của giáo viên. Thật may cô Quàng Thị Hoài, giáo viên mầm non bản ấy kịp làm vườn rau bên cạnh để nó thành "nhà", chứ nếu không chúng tôi quyết không thể gọi nó là lớp được.
Theo lao động
Hưng Yên: Trẻ 5 tuổi chưa đến trường? Đã khai giảng được một tháng nhưng nhiều trẻ ở Văn Nhuệ, huyện Ân Thi (Hưng Yên) vẫn chưa được đi học chỉ vì trường mầm non xã đóng cửa lớp 5 tuổi tại các thôn.Thay vào đó, muốn đi học các cháu phải đến lớp cách xa vài kilômét. Đóng cửa, di dời sang thôn khác Anh Đào Văn Tuấn, một phụ...