Lãnh đạo T.Ư Hội NDVN thăm và chúc mừng Báo NTNN/Dân Việt
Sáng nay (21.6), đoàn của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã tới thăm và chúc mừng tập thể cán bộ, nhân viên, phóng viên biên tập viên Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN)/Dân Việt nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa tới tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt chúc mừng nhân dịp 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Đoàn của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam chúc mừng Báo NTNN/Dân Việt.
Đoàn của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tới thăm và chúc mừng Báo NTNN/Dân Việt do bà Nguyễn Hồng Lý – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam – dẫn đầu. Ngoài ra còn có ông Lưu Văn Bính – Phó Bí thư Đảng ủy Cơ quan T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; bà Lê Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn; bà Bùi Thị Thơm – Trưởng ban Tổ chức T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; bà Trần Thị Ánh Tuyết – Phó Chánh Văn phòng T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và nhiều cán bộ của T.Ư Hội NDVN.
Thay mặt cho lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Lý đã gửi tới Ban Biên tập, cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên Báo NTNN/Dân Việt lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Bà Hồng Lý nhấn mạnh: Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn có nhiều bất ổn, cùng với biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt đã tác động không nhỏ tới đời sống của người nông dân. Chính vì vậy, hoạt động của Hội Nông dân các cấp cũng có ít nhiều ảnh hưởng, tác động.
Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt – nhà báo Lưu Quang Định cảm ơn những động viên, chia sẻ cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo T.Ư Hội nông dân Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Trong bối cảnh đó, báo chí ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, đặc biệt là phải chạy đua khốc liệt với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Tình hình của báo giấy cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là trong khâu phát hành.
“Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Thường trực T.Ư Hội NDVN đánh giá cao Ban Biên tập Báo NTNN/Dân Việt đã vươn lên để trụ vững và có những bước phát triển vượt bậc trong cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính”, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN khẳng định.
Cũng theo bà Nguyễn Hồng Lý, bên cạnh những thành tựu mà Báo NTNN đạt được, Báo điện tử Dân Việt (thuộc Báo NTNN) cũng phát huy được sức mạnh trong thời đại báo điện tử phát triển rầm rộ, tạo nên những bước đột phá ngoạn mục. Ngoài ra, các đặc san của Báo NTNN như Làng Cười, Trang Trại Việt, Thế giới Tiếp thị… đều có những bước phát triển khả quan.
Thường trực T.Ư Hội NDVN khẳng định: Các hoạt động chính của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian qua thành công có một phần đóng góp không nhỏ của Báo NTNN/Dân Việt, với vai trò là đơn vị tuyên truyền kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, các chủ trương, chính sách của T.Ư Hội NDVN nói riêng.
Video đang HOT
Đặc biệt, Thường trực T.Ư Hội NDVN đánh giá cao vai trò thông tin nhanh nhạy kết hợp với tư duy phản biện sắc bén của Báo NTNN/Dân Việt trong các vấn đề bức xúc của xã hội, ảnh hưởng lớn tới đời sống của bà con nông dân như tình trạng vật tư, phân bón giả, kém chất lượng, tình trạng ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, cát tặc gây sạt lở dòng sông…
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cũng cho rằng, Báo NTNN/Dân Việt đã tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người nông dân, thông tin kịp thời để mỗi người nông dân hiểu trách nhiệm của mình trong sản xuất nông nghiệp, cũng như trong việc nâng cao đời sống, sức khỏe… của nhân dân.
“Thay mặt T.Ư Hội NDVN, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao tinh thần đóng góp của Báo NTNN/Dân Việt trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Báo NTNN/Dân Việt còn có những sáng kiến, đề xuất tốt cho Thường trực T.Ư Hội như Đề án Quỹ hạt thóc vàng, tổ chức Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, tổ chức thành công chuyến đi cho đoàn nông dân xuất sắc tham quan, học tập ở nước ngoài; tổ chức các hội thảo, hội nghị với chủ đề nông dân sáng tạo, đổi mới… tạo ra sự đồng thuận của các cấp ủy, chính quyền và các cấp hội”, bà Nguyễn Hồng Lý nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, bà Nguyễn Hồng Lý mong muốn Báo NTNN/Dân Việt tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, làm tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ của mình, xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên tinh gọn, hiệu quả.
“Đặc biệt, các biên tập viên, phóng viên không chỉ tiếp tục đào tạo, nâng cao nghiệp vụ, năng lực, trình độ chuyên môn mà còn phải giỏi về ngoại ngữ đề phục vụ cho nhu cầu hội nhập với báo chí thế giới”, bà Hồng Lý đề nghị.
Bà Lý cũng yêu cầu, Báo NTNN/Dân Việt cần tiếp tục phát huy thế mạnh thông tin tin nhanh, chính xác, khách quan, tập trung vào phản biện sâu rộng hơn các vấn đề bức xúc của người nông dân như đất đai, ô nhiễm môi trường, phân bón giả, thực phẩm bẩn… để giúp Thường trực T.Ư Hội Nông dân Việt Nam có những chỉ đạo kịp thời và sát với thực tế. Từ đó, T.Ư Hội kịp thời có những tham mưu, đề xuất, kiến nghị về mặt chính sách với Đảng, Chính phủ.
Thay mặt Báo NTNN/Dân Việt, nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt – gửi lời cảm ơn trân trọng nhất tới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trong nhiều năm qua, tạo điều kiện tốt nhất cho Báo phát triển.
Bà Nguyễn Hồng Lý đã gửi tới Ban Biên tập, cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên Báo NTNN/Dân Việt lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp.
“Từng thành viên của Báo NTNN/Dân Việt đều hiểu một cách sâu sắc là nếu không có sự ủng hộ, hỗ trợ, chỉ đạo của T.Ư Hội NDVN thì Báo không thể phát triển như ngày hôm nay. Mọi đường hướng, chủ trương của Báo NTNN đều bám sát các hoạt động của Hội Nông dân các cấp”, nhà báo Lưu Quang Định nhấn mạnh.
Nhà báo Lưu Quang Định cũng khẳng định, những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã có nhiều chương trình hoạt động tạo được uy tín và khẳng định vai trò trong xã hội, từ đó góp phần tạo điều kiện cho Báo NTNN/Dân Việt làm tốt hơn vai trò của mình.
Tổng Biên tập Lưu Quang Định cũng báo cáo với lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam: Tối nay (21.6), tại Lễ trao giải Báo chí quốc gia 2016, Báo NTNN/Dân Việt cũng vinh dự nhận 1 giải B trong thể loại điều tra. Đây là loạt bài phản biện kịp thời những bất cập trong chính sách của Nhà nước, cụ thể là Nghị định 67 về một số chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, trong đó có hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ.
“Năm nay là năm thứ 10 liên tiếp Báo NTNN/Dân Việt đoạt Giải Báo chí Quốc gia. Như vậy, Báo NTNN/Dân Việt là một trong số ít tờ báo trong làng báo 10 năm liên tiếp có giải. Năm nay cũng là lần đầu tiên, Báo NTNN giành giải cao trong thể loại báo điện tử”, ông Lưu Quang Định chia sẻ.
Đoàn của Bộ NN&PTNT chúc mừng Báo NTNN/Dân Việt nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Tổng công ty Giống Thái Bình chúc mừng Báo NTNN/Dân Việt nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh chúc mừng Báo NTNN/Dân Việt nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo NTNN/Dân Việt cũng đã nhận được thư, thiệp, hoa chúc mừng của các cơ quan, ban ngành từ T.Ư tới địa phương như: Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế… Ngoài ra, Báo NTNN/Dân Việt cũng nhận được thư, thiệp, điện hoa chúc mừng từ lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các cục, vụ thuộc các bộ, ngành, lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh như: Cục An ninh văn hóa thông tin, truyền thông; Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an); Tổng cục Lâm nghiệp, Thanh tra Bộ NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội… Báo NTNN/Dân Việt nhận được thư, thiệp, hoa chúc mừng từ các doanh nghiệp như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Vinaphone, Vietnam Airlines, Vingroup, Sun Group, Ngân hàng NNPTNT, Công ty Phát hành Báo chí T.Ư, Công ty Trường Hải, Tổng Công ty giống Thái Bình…
NTNN-Dân Việt đạt giải B Báo chí Quốc gia và hành trình "giải cứu" tàu 67
Nhóm PV, CTV Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã phải bỏ qua những lo sợ về việc có thể bị dọa dẫm, hành hung bất kỳ lúc nào khi thực hiện những bài viết của chuyên đề "Tàu 67 mắc cạn". Mong muốn lớn nhất của nhóm PV, CTV thực hiện loạt bài là đưa ra ánh sáng những hành vi trục lợi trên lưng ngư dân một cách tinh vi và trắng trợn.
Phải vạch trần sai phạm bằng mọi giá
Ngay từ cuối tháng 12.2015, chúng tôi đã nhận được thông tin: Trong quá trình thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, tại nhiều địa phương đã bộc lộ những tồn tại lớn liên quan tới việc vay vốn cũng như trong việc thi công đóng tàu.
Trong đó, nguồn tin từ một kỹ sư đóng tàu tại khu vực phía Nam cho hay: "Có hiện tượng một số cơ sở đóng tàu, dù được cấp phép vẫn trà trộn thép Trung Quốc giá rẻ vào thay cho thép đóng tàu chuyên biệt của Hàn Quốc và Nhật Bản để giảm giá thành, đẩy lãi tăng lên. Các anh vào cuộc đi".
Nếu như có việc như vậy thì thật quá nguy hiểm cho ngư dân khi ra khơi trên những con tàu như thế! Bởi, ngư dân ta khi ra Biển Đông ngoài mưu sinh còn là những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước thông qua Nghị định 67 là một chủ trương rất kịp thời và cần thiết để ngư dân có được con tàu lớn hơn, to hơn, hiện đại và công năng tốt hơn. Tôi kết nối ngay với một số cộng tác viên vùng miền thường xuyên cộng tác với Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt để cùng phối hợp.
Ngư dân Đoàn Ngọc Nhi (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mang20kg hồ sơ nhưng vẫn không thể vay được vốn đóng tàu.
Chúng tôi kiểm chứng lại thông tin và trình Ban Biên tập Báo cho ý kiến. "Ban Biên tập hoàn toàn ủng hộ đề tài này, đề nghị đồng chí chủ biên đề tài vào ngay với các cộng tác viên để hỗ trợ anh em. Anh em phía Bắc hỗ trợ nhóm tác giả, báo cáo diễn biến thông tin cho Ban Biên tập biết" - đó là bút phê của lãnh đạo tòa soạn ngay khi chúng tôi trình đề tài.
Giải Báo chí Quốc gia là Giải thưởng cao quý nhất dành tặng cho các nhà báo, tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất trên cả nước. Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - năm 2016 có 1.637 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả tham dự. Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 95 trong số 139 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, bao gồm: 7 giải A, 24 giải B, 39 giải C và 25 giải khuyến khích. Tác phẩm "Tàu 67 mắc cạn" của nhóm tác giả: Tạ Quang Ngọc - Trần Ngọc Thọ (chủ biên) - Lê Văn Chương đăng trên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt đoạt giải B với thể loại phóng sự - điều tra.
Chúng tôi lên đường với tâm trạng phải vạch rõ những hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu với ngư dân cũng như "tội ác" khi đưa thép phục vụ xây dựng các công trình vào làm thép đóng tàu. Ngư dân đầu tiên mà chúng tôi gặp gỡ là vợ chồng anh Phạm Đạo ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Anh Đạo cho hay, anh đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng nhưng đã chạy đôn chạy đáo khắp nơi hoàn thiện thủ tục vay vốn mà vẫn không được phía ngân hàng giải ngân.
Chúng tôi gặp ngư dân Đoàn Ngọc Nhi (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) - người mong ngóng có chiếc tàu vỏ thép theo Nghị định 67 của Chính phủ nhiều tới nỗi anh quyết định bỏ biển một năm để toàn tâm toàn ý dành thời gian hoàn thành thủ tục vay vốn. Ngày 4.1.2016, gặp chúng tôi anh đưa ra đống hồ sơ đã nặng tới trên 20kg và cuối cùng anh vẫn chưa thể vay vốn vì vô số lý do từ phía ngân hàng đưa ra. Rất, rất nhiều trường hợp là những ngư dân khác mà chúng tôi gặp gỡ trong hành trình đi tác nghiệp, tất cả đều không thể vay được vốn. Đau xót hơn, có những ngư dân do "kiệt sức" đã chấp nhận vay lãi ngoài để đóng tàu kịp vụ cá mới.
Kỳ vọng vào sự vào cuộc của Thủ tướng Chính phủ
Trong loạt bài "Tàu 67 mắc cạn", chúng tôi tập trung vào một vấn đề đáng lo ngại. Đó là tình trạng một số cơ sở đóng tàu sử dụng thép giá rẻ Trung Quốc phục vụ xây dựng các công trình nhà ở để mà đóng tàu vỏ thép cho ngư dân ra khơi. Chúng tôi đã lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về đóng tàu cảnh báo về việc những tàu này khi đưa vào sử dụng sẽ bị nước biển ăn mòn, máy móc sẽ nhanh chóng hỏng hóc. Đặc biệt, tính mạng của những ngư dân trên các con tàu vỏ thép đó sẽ ở vào tình trạng nguy hiểm.
Tàu vỏ thép BĐ 99179 TS đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương của ngư dân Mai Văn Chương mới đưa vào sử dụng đã rỉ sét. Ảnh: Dũ Tuấn
Có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất của chúng tôi khi triển khai loạt bài này là quá vất vả khi tìm người trả lời phỏng vấn liên quan tới nội dung mà chúng tôi ghi nhận. Rất nhiều lãnh đạo ở các các đơn vị liên quan né tránh trả lời phỏng vấn. Người sẵn sàng mời phóng viên tới văn phòng và dành liền mấy tiếng đồng hồ trả lời báo là PGS-TS Võ Văn Trác - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản và là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, người dành cả đời gắn bó với ngư dân. PGS-TS Võ Văn Trác đã kiến nghị các cơ quan chức năng, thực thi pháp luật vào cuộc làm rõ hành vi tráo đổi chủng loại thép trong đóng tàu, làm rõ có hay không việc vi phạm pháp luật của những chủ cơ sở đóng tàu này.
Loạt bài đã gây hiệu ứng sâu rộng và một số bộ ngành đã lên tiếng. Đặc biệt, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã tiếp nối loạt bài bằng bài viết kết thúc chuyên đề là: "Phát triển nghề cá: Cần một đề án đột phá!" nói lên những trăn trở của ông, những thiệt thòi của ngư dân khi chính sách đúng đắn nhưng việc thực hiện còn nhiều những bức xúc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có sai phạm trước những thông tin về một loạt tàu vỏ thép trị giá trên hàng chục tỷ đồng đóng bằng thép nhưng mới ra khơi đã hỏng hóc, gỉ sét.
Chúng tôi tin với sự vào cuộc của Chính phủ, những hành vi trục lợi trên lưng ngư dân sẽ bị xử lý nghiêm minh. Những ngư dân anh hùng ngàn đời nay sẽ tiếp tục vững niềm tin, vượt sóng dữ ra khơi để làm giàu từ biển, tiếp tục là những cột mốc sống hiên ngang giữa Biển Đông chưa bao giờ lặng sóng.
Theo Danviet
"Báo nhà nông" không đứng ngoài cuộc "Trắng tay rồi cô/chú ơi...", "Cắm hết cả sổ đỏ, cầm cự hết nhà cửa nhìn vào đàn lợn mà giờ lợn không ai mua gia đình tôi có nước ra đường...". Đó là những câu nói mà nhóm trực đường dây nóng chương trình "Báo NTNN - Dân Việt kết nối tiêu thụ lợn" liên tục nhận được cuối tháng 4, đầu...