Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nhận trách nhiệm về sai sót trong đề Toán
Sau khi tiếp nhận phản ánh về sai sót trong đề Toán của kỳ thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận đây là lỗi kỹ thuật.
Ngày 20/3, 62.406 học sinh lớp 12 của Hà Nội tham gia khảo sát tại 141 điểm thi. Đây là đợt khảo sát nhằm giúp học sinh thủ đô làm quen kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Chiều qua, thí sinh làm bài thi trắc nghiệm môn Toán, thời gian 90 phút. Đánh giá về đề thi thử này, thạc sĩ Nguyễn Bá Tuấn cho rằng đề dài, học sinh khó có thể làm hết 50 câu trong 90 phút.
Theo thầy Tuấn, đề thi có sai sót đáng tiếc ở câu 37 (mã đề 015) và dữ liệu chưa chặt chẽ ở câu 7 (cùng mã đề).
Cụ thể, câu hỏi về bảng biến thiên mà trong 4 đáp án đưa ra không có đáp án đúng. “Theo tôi, lỗi sai ở đây có thể do gõ nhầm vì đây là những khái niệm hết sức cơ bản trong sách giáo khoa”, nam giáo viên nhận định.
Thạc sĩ Nguyễn Bá Tuấn phân tích về những điểm bị cho là sai sót trong đề thi khảo sát môn Toán của Sở GD&ĐT. Ảnh chụp màn hình.
Ngoài ra, câu hỏi tính thể tích của khối chóp, đề bài đưa ra thừ dữ kiện (cụ thể câu 7 mã đề 015). Không cần sử dụng đầy đủ dữ kiện, thí sinh vẫn dễ dàng giải quyết bài toán.
Video đang HOT
“Mặc dù không phải sai sót lớn, câu hỏi này chưa đủ thuyết phục vì có hay không dữ kiện đó, học sinh vẫn có thể làm ra kết quả đúng”, thạc sĩ Tuấn nêu quan điểm.
Sáng 21/3, ông Phạm Hữu Hoan – Trưởng phòng giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội, Phó ban ra đề thi khảo sát – thừa nhận do lỗi kỹ thuật, một câu trong đề Toán không có đáp án đúng.
“Thay mặt ban ra đề thi, chúng tôi xin nhận trách nhiệm và sẽ giải trình cụ thể đối với ban giám đốc”, ông Hoan nói.
Vị trưởng phòng cho biết thêm ban ra đề sẽ báo cáo ban giám đốc sau khi kỳ thi khảo sát chất lượng kết thúc, đồng thời có phương án cụ thể để hướng dẫn hội đồng chấm thi tại các cụm.
Dự kiến, tất cả thí sinh được coi như làm đúng câu chứa lỗi và được cộng 0,2 điểm.
Bên cạnh đó, ban ra đề cũng rút kinh nghiệm, cẩn thận hơn trong quy trình làm đề, đọc, rà soát đề, tránh sai sót về mặt kỹ thuật hay khi đảo đề.
Ông khẳng định sẽ đọc kỹ cả 24 mã đề, không để xảy ra sai sót dẫn đến làm thay đổi kết quả bài thi, ảnh hưởng chất lượng khảo sát, phản ánh không đúng chất lượng giáo dục.
Trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, các sở GD&ĐT phụ trách việc in sao đề. Theo ông Hoan, Sở GD&ĐT Hà Nội đã giao Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng chủ trì và làm đầu mối thường trực trong vấn đề này
Phòng quản lý thi sẽ tham mưu ban giám đốc để có biện pháp đảm bảo quỹ thời gian, nhân sự cho công tác in sao, đảm bảo chính xác, không có sai sót.
Theo Zing
Bộ GD&ĐT lên tiếng về đề trắc nghiệm Toán truyền trên mạng
Trước băn khoăn của dư luận về việc hiện nay trên mạng xã hội lan truyền nhiều bộ đề thi trắc nghiệm môn Toán, Bộ GD&ĐT khẳng định đây không phải đề thi minh họa chính thức.
Bộ GD&ĐT cho biết đầu tháng 10 sắp tới sẽ chính thức công bố đề thi minh họa trên website. Thời gian này, để có bộ đề thi trắc nghiệm và chuẩn hóa với yêu cầu đánh giá và phân loại học sinh, Bộ cần thời gian chuẩn bị, sử dụng thử và điều chỉnh.
Bộ GD&ĐT đang phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội rà soát, đánh giá, chuẩn bị đề thi cho phù hợp mục đích của kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời bổ sung ngân hàng câu hỏi để xây dựng đề thi minh họa cho kỳ thi năm tới.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, hình thức câu hỏi trắc nghiệm hay tự luận không ảnh hưởng cách dạy và học. Dù thi theo hình thức nào, học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kỹ năng mới tìm hay chọn được đáp án đúng và nhanh nhất.
Gần 10 năm nay, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đều thi theo hình thức trắc nghiệm, giáo viên và học sinh vẫn sử dụng SGK hiện hành để dạy và học, cho kết quả tốt. Từ đó, Bộ GD&ĐT cho rằng chương trình SGK hiện hành không ảnh hưởng việc thi theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn.
Bộ GD&ĐT đánh giá việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm có thể mới với Việt Nam nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu.
Ví dụ, ở các bài thi SAT hay ACT của Hoa Kỳ, mỗi bài thi có khoảng trên 50 câu hỏi Toán bằng hình thức trắc nghiệm. Hàng năm, mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường đại học của Hoa Kỳ.
Bộ GD&ĐT khẳng định hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sáng tạo của học sinh. Các chuyên gia đã tính toán thí sinh phải trải qua bao nhiêu bước mới giải được đề? Thí sinh mất tối thiểu bao nhiêu thời gian? Nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian, thí sinh có thực sự có năng lực bậc cao không?
Trước đó, Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2017, với 3 điểm khác biệt lớn so với năm 2016.
Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia 2017 dự kiến giao về các Sở GD&ĐT chủ trì, cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng cử người về hỗ trợ coi thi và có trách nhiệm giám sát. Từ năm 2020 trở đi, vai trò giám sát của các trường đại học, cao đẳng không còn.
Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp một số môn thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tất cả chỉ còn 5 bài thi là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trừ Ngữ Văn vẫn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Bộ GD&ĐT cũng dự kiến từ năm 2017, các trường đại học, cao đẳng xét tuyển theo một phương thức hoặc kết hợp các phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT, kết quả các bài thi THPT quốc gia, sơ tuyển kết hợp thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt của trường (hoặc nhóm trường) khác.
Theo Zing
GS Ngô Bảo Châu: 'Thi trắc nghiệm môn Toán hơi dở' GS Ngô Bảo Châu cho rằng thi trắc nghiệm môn Toán "hơi dở". Trong khi đó, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa nhận định trắc nghiệm Toán sẽ bỏ sót người giỏi. Theo dự thảo Bộ GD&ĐT công bố, phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 sẽ gồm 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ,...