Lãnh đạo ĐH lên tiếng dừng mở ngành
Việc Bộ GD-ĐT có chủ trương từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” như Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán – lãnh đạo một số trường ĐH, CĐ cho đây là “cách làm áp đặt”.
Thông tin từ lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay: Kết quả tuyển sinh năm 2011 tiếp tục bất cập khi trong 416 trường ĐH, CĐ có đến 248 trường tuyển sinh một trong bốn ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính – ngân hàng, Kế toán. Số chỉ tiêu các trường đăng ký nhóm ngành này chiếm đến 38% so với tổng chỉ tiêu tất cả khối ngành. Con số thực tế này đã cao gấp đôi quy hoạch nguồn nhân lực.
Thí sinh dự thi vào Học viện Ngân hàng năm 2012. Ảnh: Lê Anh Dũng
Hiệu trưởng Trường ĐH Tài nguyên môi trường Hoàng Ngọc Quang xác định: Kế toán là 1 trong 3 ngành thu hút nhiều sinh viên vào học nhất của trường trong năm 2012. Do đó, đây là ngành chủ đạo trường đã lên phương án tuyển sinh đến năm 2014.
Tiếp tục chứng minh đó là những ngành hót và hút số lượng đáng kể sinh viên theo học – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Phạm Văn Bổng cho biết, chỉ tiêu tuyển các ngành này của trường năm 2012 xấp xỉ 40% trong tổng số 4.200 chỉ tiêu. Đây là con số khá lớn so với một trường đào tạo kĩ thuật.
Còn hiệu phó Nguyễn Gia Tính, Trường CĐ Công nghiệp Nam Định cho biết dù chỉ tiêu 3 ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính-ngân hàng của trường trong năm 2012 đã giảm 50% so với 2011 nhưng lượng tuyển được vẫn chiếm 1/3 chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2012.
Một số trường cũng đã rục rịch xin mở thêm ngành Tài chính – Ngân hàng bên cạnh ngành Kinh tế, Kế toán, Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Lâm nghiệp) và Trường ĐH Công nghiệp Quảng Ninh đề án xin mở ngành Tài chính – Ngân hàng và ngành Quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, có nguy cơ bị đình lại vì chủ trương của Bộ.
Nên chặn ở trường công?
Đó là đề xuất của GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT, Trường ĐH DL Thăng Long. Theo GS: “Về chủ trương tạm dừng mở ngành đào tạo ngân hàng, kế toán, tài chính tôi cho là đúng vì hiện nay ra nhiều, sinh viên gặp khó tìm việc. Nhưng nên chặn các trường công thôi. Họ lãnh ngân sách nhà nước. Muốn nguồn ra phục vụ tốt xã hội thì chỉ nên làm vậy”.
Video đang HOT
GS Hoàng Xuân Sính: “Về chủ trương tạm dừng mở ngành đào tạo ngân hàng, kế toán, tài chính tôi cho là đúng…”
Trong khi hiệu trưởng Hoàng Ngọc Quang cho rằng, vấn đề con người và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy các ngành Tài chính, Ngân hàng hay Quản trị kinh doanh hoàn toàn trong tầm tay của trường.
PGS.TS Phan Túy, Hiệu trưởng Trường CĐ ASEAN cho rằng: “Trong giáo dục nhà nước không nên can thiệp quá sâu, đặc biệt ở lĩnh vực đào tạo. Xã hội và người học có nhu cầu họ mới đi học. Cho nên việc tạm dừng này là cách làm áp đặt. Nếu không có nhu cầu từ người học sẽ không chọn các ngành này. Bởi thực tế, có nhiều nơi cần số lượng lớn sản phẩm tốt nghiệp Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính-ngân hàng.
Theo ông Túy: “Chỉ cần thông báo cho người học biết nhu cầu của xã hội hiện nay như thế nào để họ lựa chọn. Từ đó họ sẽ có quyết định cho riêng mình. Về quản lí nhà nước – Bộ GD-ĐT nên chỗ nào thừa, nơi nào thiếu nhân lực ngành Tài chính kế toán hay Ngân hàng để người học lựa chọn. Làm tốt khâu này sẽ không thừa “đầu ra”
Chủ trương dừng mở ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính-ngân hàng – hiệu trưởng Trường ĐH DL Lương Thế Vinh Nguyễn Văn Hùng cho đây là cách làm hành chính, chưa triệt để.
Tuy nhiên lãnh đạo một số trường ĐH công lập khi được hỏi đều ủng hộ chủ trương này của Bộ GD-ĐT.
Một lãnh đạo trường thiên về kĩ thuật tại Hà Nội phân tích: “Ai cũng biết mở ngành Tài chính-ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán dễ mở vì không cần đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại. Mấy ngành này vài năm trước đang nóng, sinh viên đăng kí học nhiều. Việc chọn học chủ yếu chạy theo số đông, không xuất phát từ năng lực thực tế nên mới dẫn tới việc ra trường nhưng không có việc làm.
“Nhưng nếu trường nào cũng mở dẫn tới quá tải, thừa đầu ra, chất lượng đào tạo không được chú trọng. Do đó, Bộ GD-ĐT và Chính phủ cần có biện pháp quy hoạch, siết chặt đưa vào quy củ” – vị lãnh đạo đề xuất.
Theo Văn Chung (Vietnamnet)
2013: Ngưng mở ngành tài chính ngân hàng
Từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa "đầu ra" như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết tại cuộc họp về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội diễn ra chiều 18/12 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Cho tới nay, các Bộ, ngành đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực phù hợp hơn với ngành mình. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Bộ sẽ có khuyến cáo về những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn. Đồng thời, từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa "đầu ra" như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này.
Theo kế hoạch trong năm 2013, để đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 1.400 chỉ tiêu cho một số cơ sở giáo dục để đào tạo cán bộ nguồn cho cán bộ tỉnh/thành phố của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trên cơ sở kết quả triển khai năm 2012, Bộ sẽ sơ kết đánh giá việc thực hiện tại các khuc vực này để rút kinh nghiệm và triển khai cho các năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua rà soát nhu cầu nhân lực cả nước, Bộ đã xác định được trong giai đoạn 2011-2015, mỗi năm cần phải bổ sung khoảng 1,86 triệu lao động đã qua đào tạo nghề; giai đoạn 2016-2020 bổ sung khoảng 2,18 triệu lao động.
Bộ sẽ ban hành khung trình độ đào tạo nghề quốc gia nhằm cải thiện chất lượng và và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề; đảm bảo việc so sánh và công nhận quốc tế về văn bằng, chứng chỉ nghề, công nhận kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trong năm 2013, từng Bộ, ngành cần tổ chức hội nghị chuyên đề để thảo luận về công tác quy hoạch và phát triển nhân lực, nhân lực trình độ cao. - Ảnh: VGP/Từ Lương
Thảo luận về các giải pháp để công tác quy hoạch nhân lực được vận hành có hiệu quả vào năm 2013, các Bộ ngành đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thành lập các hội đồng phát triển nhân lực có sự tham gia của các sở ngành, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trên địa bàn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lập kế hoạch kiểm tra một số địa phương, Bộ ngành và một số tập đoàn kinh tế lớn về công tác thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực, đào tạo theo nhu cầu xã hội để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo.
Cùng với đó, tổ chức hội nghị bàn về công tác thông tin thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo để có sự phân công phối hợp hiệu quả của một số trung tâm dự báo thuộc các bộ ngành có liên quan và chỉ đạo thu thập, xử lý thông tin từ trung ương đến địa phương và ngay trong một ngành kinh tế...
Sớm xây dựng khung trình độ đào tạo quốc gia
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá các Bộ, ngành, địa phương đã cơ bản phê duyệt được quy hoạch nhân lực. Phó Thủ tướng đề nghị trước ngày 25/12/2012, Bộ Tài chính hoàn thành hướng dẫn về cơ chế tài chính làm cơ sở để các bộ ngành triển khai việc quy hoạch nhân lực.
Các Bộ, ngành nên thành lập Vụ chuyên ngành để phát triển quy hoạch nhân lực và phát triển khoa học công nghệ. Phó Thủ tướng lưu ý, phải hiểu cơ quan chuyên lo nhân lực cho các Bộ là cơ quan phát triển nhân lực cho ngành đó trên cả nước. Các Bộ, ngành cần tính toán để có đủ khả năng để thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Trong năm 2013, từng Bộ, ngành cần tổ chức hội nghị chuyên đề để thảo luận về công tác quy hoạch và phát triển nhân lực, nhân lực trình độ cao để cụ thể hóa nhiệm vụ mà mỗi Bộ, ngành đã phê duyệt.
Các Bộ chủ quản quản lý các trường đào tạo cần có kế hoạch triển khai đánh giá về chất lượng đào tạo. Đồng thời trong quý 1/2013, các Bộ cần phải khẩn trương phê duỵệt quy hoạch nhân lực các trường đào tạo.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, xây dựng đề án xây dựng khung trình độ quốc gia, trình Thủ tướng ban hành trong quý 3/2012.
Tháng 6/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình đề án giải quyết việc làm cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Đồng thời, đề xuất cơ chế để các trường chủ động tuyển sinh phù hợp.
Đối với học sinh được đào tạo ở nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo lập website giúp các sinh viên tốt nghiệp đại học, thạc sỹ tham gia đăng ký thông tin tìm việc làm trong nước để các cơ quan đơn vị doanh nghiệp lựa chọn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm sơ kết việc thực hiện thí điểm đào tạo nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo chung về tình hình triển khai về đào tạo nhân lực năm 2012 và kế hoạch năm 2013 để có báo cáo cụ thể với Chính phủ trong tháng 1/2013.
Theo Từ Lương (Chinhphu.vn)
Đại học Tây Đô kiên trì đào tạo theo nhu cầu xã hội Đại học (H) Tây ô được thành lập theo Quyết định số 54/2006/Q-TTg ngày 9/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ, là đại học tư thục đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trường xác định mục tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội, đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, phấn đấu trở thành một đơn vị đào tạo,...