Lãnh đạo Đà Nẵng cùng 300 công chức ăn cá ủng hộ ngư dân
Bữa cơm trưa tại tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng của Chủ tịch thành phố cùng các phó chủ tịch và 300 công chức được chế biến từ hải sản.
11h30 trưa 4/5, bữa cơm đầu tiên tại căng-tin của cán bộ, công chức làm việc trong tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng sau kỳ nghỉ lễ ngoài một món rau, các món còn lại đều chế biến từ hải sản như cá nục kho, cá ngừ kho, mực hấp, tôm chiên…
Thưởng thức bữa ăn cùng Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có Phó chủ tịch Đặng Việt Dũng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Phùng Tấn Viết cùng nhiều giám đốc, phó giám đốc sở và khoảng 300 công chức. “Bữa cơm toàn hải sản” là chỉ đạo của chủ tịch Huỳnh Đức Thơ nhằm tạo niềm tin cho người dân và phần nào ủng hộ ngư dân tiêu thụ cá.
Chia sẻ về ý tưởng, ông Thơ cho hay: “Sự việc cá chết hàng loạt ở miền Trung, thông tin nhiễu loạn khiến người dân hoang mang không dám ăn cá biển. Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định phải nói lên sự thật cá đánh bắt từ ngư trường an toàn để người dân an tâm. Và để chứng minh, chính cán bộ, công chức phải đi tiên phong bằng việc ăn hải sản sạch”.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (bìa trái) cùng nhiều lãnh đạo, công chức Đà Nẵng ăn cơm tại căng tin trưa 4/5 với các món hải sản. Ảnh: Đ.X.
Theo bà Đỗ Thu Thủy, quản lý căng-tin tòa nhà Trung tâm hành chính, bữa cơm trưa 4/5 cho khoảng 300 cán bộ, công chức, viên chức đã chế biến gần 100kg hải sản như tôm, mực, cá mua từ cảng Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), đã được kiểm nghiệm đảm bảo an toàn. Trước đây, căng-tin vẫn thường chế biến các món cá, nhưng trước thông tin hải sản chết hàng loạt, căng-tin không mua hải sản nữa mà thay bằng cá nước ngọt.
Video đang HOT
Sau khi có kiểm định cá sạch, căng-tin đã mua cá biển về phục vụ cán bộ công chức. Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng có trên 1.000 người làm việc, nhưng căng tin thường chỉ phục vụ 200 suất ăn vì nhiều người ở gần về nhà ăn cùng gia đình.
Trước đó, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ có văn bản gửi các sở, ban, ngành về việc đẩy mạnh tiêu thu hải sản. Theo đó từ ngày 5/5, thành phố khuyến khích hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức ăn trưa tại tòa nhà Trung tâm hành chính với món ăn chủ yếu được chế biến từ cá biển đã qua kiểm định, thời gian ít nhất trong vòng 1 tuần cho đến khi lượng tiêu thụ hải sản của thành phố trở lại bình thường.
Từ đầu tháng 4, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế phát hiện khoảng 70 tấn cá biển chủ yếu sống tầng đáy gần bờ bị chết. Đà Nẵng cũng ghi nhận tình hình cá chết rải rác. Nguyên nhân đang được điều tra, nhưng người dân lo ngại tẩy chay khiến cá đánh bắt ngoài khơi xa cũng không tiêu thụ được, tiểu thương và ngư dân điêu đứng.
Đà Nẵng nhanh chóng kiểm nghiệm nước biển và khẳng định nước biển trong khu vực an toàn. Hàng loạt lãnh đạo trong đó có Chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ và Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã đi tắm biển để chứng minh nguồn nước sạch. Trả lời phỏng vấn của VnExpress, ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định “mình tắm biển, ăn cá là thật lòng, tuyệt đối không phải để làm màu vì ngư dân vẫn tắm biển, ăn cá bình thường”.
Thành phố đồng thời tổ chức 50 điểm bán cá sạch tại các chợ cho người dân. Do tin tưởng, lượng người mua hải sản ở Đà Nẵng có dấu hiệu phục hồi. 4 tấn cá tại các điểm bán cá sạch sáng 3/5 bán hết trong vài tiếng đồng hồ.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Gần 100 chuyên gia tìm nguyên nhân cá chết ở miền Trung
Hội đồng khoa học và công nghệ cấp quốc gia vừa được thành lập để phân tích nguyên nhân hải sản chết bất thường tại miền Trung.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước ở nhiều lĩnh vực như: nuôi trồng thủy sản, địa chất, hóa, công nghệ vũ trụ... vào cuộc tìm nguyên nhân cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung.
Các chuyên gia đã lấy hàng trăm mẫu cá chết trên biển và trong lồng, mẫu nước, trầm tích, sinh vật phủ du từ ngày 7/4 để phân tích độc tố, dịch bệnh thủy sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số môi trường.
Việt Nam vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cá chết ở miền Trung. Ảnh: Đ.H
Họ cũng lấy số liệu về động đất để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt, ảnh hưởng của hiện tượng này; số liệu về viễn thám để tìm hiểu dòng chảy, dầu loang.
Các mẫu được phân tích tại phòng thí nghiệm với hệ thống máy móc hiện đại của Mỹ, Nhật, Thuỵ Sĩ đã loại trừ nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra.
"Giới chuyên gia đang tập trung phân tích, đối chứng kết quả và đánh giá nguyên nhân sinh học và hoá học", thông báo của Bộ Khoa học nêu.
Để phân tích nguyên nhân cá chết hàng loạt, Bộ cũng thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cấp quốc gia do giáo sư, viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm chủ tịch.
Hội đồng gồm 3 tổ nghiên cứu mang tính liên ngành, tập hợp các nhà khoa học từ các cơ quan khác nhau để tiếp tục phối hợp, phân tích và tập trung đi sâu vào hướng nghiên cứu liên quan đến tác nhân hoá học, sinh học, khí tượng, thuỷ văn và động lực học biển.
Ngày 2/5/2016, thay mặt Hội đồng, giáo sư Châu Văn Minh đã có buổi làm việc với các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Mỹ, Israel để thảo luận kế hoạch phối hợp trong việc tìm nguyên nhân hải sản chết bất thường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng mời họ tham gia tư vấn cho Bộ. Các nhà khoa học quốc tế đều khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam.
Đầu tháng 4, từ lồng cá nuôi gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết, hiện tượng dần lan theo hướng Bắc - Nam đến Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế).
Kết quả điều tra do Bộ Tài nguyên công bố tối 27/4 cho biết độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người và hiện tượng tảo nở hoa là nguyên nhân gây thảm họa.
Ngày 2/5, sau khi thu thập 12 mẫu cá biển, tôm, cua, mực... tại Hà Tĩnh, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia kết luận, hàm lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật trong các loại thực phẩm này đều trong giới hạn cho phép. Phân tích từ 9 đến 16 chỉ số mẫu nước biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá tất cả nằm trong giới hạn cho phép.
Phạm Hương
Theo VNE
Lấy mẫu xét nghiệm kim loại nặng trong hải sản 2-3 ngày/lần Bộ NN - PTNT yêu cầu các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế cần tăng cường tần suất lẫy mẫu xét nghiệm kim loại nặng trong hải sản. Bộ NN - PTNT yêu cầu tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, chứng nhận hải sản an toàn trước khi mang đi tiêu thụ - Ảnh: Phạm Khánh Chiều...