Lãnh đạo chỉ đạo chống lạm thu, nhà trường vẫn bỏ ngoài tai
Nhiều phụ huynh bức xúc vì các khoản thu đầu năm học của nhà trường không hợp lý, không minh bạch.
Nhiều khoản thu khuất tất, gây nghi ngờ
Theo phản ánh của phụ huynh học sinh trường Trung học cơ sở Lê Thuyết (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), trong năm học 2017-2018, lãnh đạo trường này đã có những khoản thu, chi không hợp lý.
Trường Trung học cơ sở Lê Thuyết có những khoản thu không minh bạch, gây nghi ngờ cho phụ huynh. Ảnh: TL
Theo đó, khi năm học mới bắt đầu, mỗi học sinh lớp 6 mới vào trường phải đóng tiền để mua ghế nhựa trong giờ chào cờ.
Còn các học sinh lớp khác được áp đặt mua thêm đồng phục mới cho dù những đồng phục cũ vẫn còn tốt và dùng được thêm một năm học.
Trong năm học 2016-2017, mỗi em học sinh đóng 140.000 đồng tiền quỹ Hội phụ huynh.
Tuy vậy, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, giáo viên chủ nhiệm lại không thông qua các khoản thu chi của quỹ này gây nhiều hoài nghi cho phụ huynh.
Đối với Hội đại diện cha mẹ học sinh đã tiến hành thu hộ các khoản cho nhà trường dưới hình thức “tự nguyện” cũng không rõ ràng.
Trong đó có tiền bảo hiểm tai nạn, phụ huynh không hề nhận được bất cứ thông báo nào về việc này.
Đến khi họp phụ huynh đầu năm, các phụ huynh nhận được thông báo do Hiệu trưởng nhà trường đóng dấu buộc phải nộp.
Nhiều phụ huynh cho rằng họ không có nhu cầu và bức xúc trước cách làm của nhà trường nên không đóng khoản tiền này.
Video đang HOT
Trong năm học 2016-2017, học sinh đóng 30.000 đồng để mua báo đội, tuy nhiên phụ huynh cho hay, tiền đã đóng nhưng báo lại không thấy đâu.
Dù đã có ngân sách nhưng trường vẫn thu tiền vệ sinh của học sinh, trong khi nhà vệ sinh lúc nào cũng bẩn thỉu.
Chuyển tiền mua báo thành tiền xã hội hóa để xây dựng nhà xe
Ông Trần Văn Bình – Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Lê Thuyết cho hay, những khoản đóng góp đều thông qua Hội phụ huynh học sinh.
Cụ thể, trước năm học mới, nhà trường cùng với Hội phụ huynh học sinh họp với phụ huynh để thông qua các khoản thu chi đầu năm.
Tại đây, nhà trường cùng với Hội phụ huynh học sinh sẽ thông qua các khoản thu hộ mà hội này sẽ thu.
Cụ thể, hội này sẽ thu hộ tiền bảng tên, học bạ, tiền vệ sinh, ghế ngồi chào cờ (với lớp 6), đồng phục, bảo hiểm tai nạn. Sau cuộc họp này các lớp sẽ họp lại một lần để thống nhất các khoản thu.
Trả lời câu hỏi có hay không sự mập mờ trong các khoản chi của tiền quỹ phụ huynh khi giáo viên không công khai số tiền đã chi?
Ông Bình giải thích rằng, trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm đã thông báo với phụ huynh. Tuy nhiên, thủ quỹ lại không in hóa đơn các mục chi cụ thể khiến nhiều phụ huynh thắc mắc.
Trong bản danh sách phụ huynh đóng tiền quỹ hội phụ huynh trong năm học trước mà ông Bình cung cấp cho phóng viên có nhiều phụ huynh tuy đã đóng nhưng lại không hề có chữ ký.
Với trường hợp có chữ ký thì nét chữ lại hoàn toàn giống nhau, số tiền đóng cũng không đều nhau.
Ông Bình giải thích rằng, mặc dù đã đóng tiền nhưng phụ huynh… quên ký và phủ nhận nét chữ trong giấy đóng tiền là của một người.
Chúng tôi tiếp tục đặt câu hỏi về tổng số tiền quỹ phụ huynh nhưng ông Bình nói không nắm được số tiền đã thu là bao nhiêu, cũng như không chắc việc thu có hóa đơn hay không vì đây là số tiền mà nhà trường chỉ thu hộ.
Trong năm học trước mỗi học sinh đóng 30.000 đồng/học sinh tiền báo đội thế nhưng đến nay báo lại không về với học sinh?
Ông Bình lý giải rằng, vì số lượng học sinh ít nên cuối năm học 2016-2017, ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị dùng số tiền này để làm việc khác. Theo ông Bình thì đây là việc làm xã hội hóa.
“Ban đại diện cha mẹ học sinh nói trả lại tiền đã thu để mua báo nhưng vì nhận thấy nhà xe của trường chưa được đảm bảo nên chúng tôi đã dùng số tiền này để xây nhà xe với số tiền hơn 6 triệu đồng”, ông Bình nói.
Với khoản tiền đóng bảo hiểm tai nạn, hiệu trưởng trường thông tin hiện đã có 62 em đóng với mức 60.000 đồng/học sinh.
Trả lời câu hỏi tại sao trong thông báo gửi về các lớp liên quan đến tiền bảo hiểm lại có chữ ký của Hiệu trưởng thì ông Bình thừa nhận có sơ suất khi đã gộp luôn vào các khoản tiền khác.
Thời gian tới trường sẽ tách ra tránh gây hiểu nhầm cho phụ huynh.
Trước đó, ngày 29/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi đến sở Giáo dục và Đào tạo, sở Kế hoạch Đầu tư, sở Tài chính và các trường học trên địa bàn tỉnh về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học 2017 – 2018.
Công văn nêu rõ, nhà trường thực hiện các khoản thu đầu năm học theo đúng quy định, phổ biến, minh bạch, công khai các khoản thu đến toàn thể phụ huynh và học sinh về các khoản thu bắt buộc, thỏa thuận, tự nguyện, mức thu sau khi được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được biết.
Tuy vậy ông Bình cho biết chưa nhận được công văn này vì mới lên làm Hiệu trưởng và bận đi học nên chưa nắm được nội dung của công văn (!?).
Theo TTT
Lạm thu đầu năm, ban đại diện cha mẹ học sinh đã 'vô tình' tiếp tay
Ông Trần Tú Khánh (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT) khẳng định để diễn ra những sự việc lạm thu như vừa qua có trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Trước tình trạng một số cơ sở giáo dục thực hiện thu chi đầu năm chưa đúng quy định gây băn khoăn, bức xúc trong dư luận thời gian gần đây, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT - cho rằng câu chuyện lạm thu đầu năm học đúng là không phải mới, năm nào cũng tái diễn với những mức độ và hình thức khác nhau, trong đó có nhiều hoạt động biến tướng trên danh nghĩa "tự nguyện" hay "thu các khoản thu ngoài quy định của nhà nước", gây ra những phản ứng trong dư luận.
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD&ĐT.
"Để diễn ra những sự việc lạm thu như vừa qua có trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục và ngành Giáo dục các địa phương. Về phía phụ huynh và hội cha mẹ học sinh, do chưa biết và hiểu rõ các quy định trong điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh nên đã 'vô tình' để xảy ra hiện tượng lạm thu qua hội" - ông Khánh cho hay .
Cũng theo ông Khánh, điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rõ những khoản không được thu là các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, bao gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường...
Về các khoản thu xã hội hóa, thu hỗ trợ, tài trợ cho hoạt động giáo dục, tài trợ học bổng trợ cấp cho người học, Bộ GD&ĐT tạo đã quy định, hướng dẫn rất rõ tại các Thông tư. Việc quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, Nghị định của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập cũng đã quy định, đơn vị sự nghiệp nói chung được thu hoạt động sự nghiệp khác.
Vì vậy, trong trường hợp các cơ sở giáo dục đào tạo có tổ chức các dịch vụ hỗ trợ hoạt động đào tạo như tổ chức bữa ăn trưa, trông giữ xe, thu phí vào bể bơi trong trường... thì phải báo cáo thông qua Hội đồng nhân dân địa phương và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
Ông Trần Tú Khánh cho rằng ngày 28/7, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản về việc Hướng dẫn công tác thanh tra năm học 2017-2018.
Theo đó, đề nghị Chánh Thanh tra các Sở GD&ĐT căn cứ vào văn bản này và các văn bản liên quan, tham mưu Giám đốc Sở ban hành Kế hoạch thanh tra năm học phù hợp với thực tiễn của địa phương và tổ chức thanh tra theo quy định.
"Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm là do người đứng đầu ngành Giáo dục một số địa phương, cơ sở giáo dục đã không quán triệt đầy đủ các quy định hiện hành, không theo dõi giám sát các quy định đó được thực hiện ra sao và công tác kiểm tra, xử lý sai phạm tại một số địa phương cũng chưa được làm tới nơi tới chốn" - ông Khánh nhấn mạnh.
Một số địa phương và cơ sở giáo dục cho rằng, do ngân sách không chi cho các hoạt động của học sinh, giáo viên và nhà trường nên cần sự hỗ trợ từ phía phụ huynh để thực hiện hoạt động giáo dục tốt nhất cho con em của họ?
Ông Khánh cho rằng các địa phương khi phân bổ ngân sách cho các trường có tiêu chí riêng nhưng về nguyên tắc phải đảm bảo chi cho lương là 82% và 18% cho các hoạt động thường xuyên.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương do ngân sách hạn hẹp nên khi phân bổ chưa đảm bảo cơ cấu chi như trên mà đa phần là chi tới 90% hoặc cao hơn cho lương và các khoản theo lương, dẫn tới thiếu hụt phần chi cho hoạt động thường xuyên.
"Có một thực tế hiện nay là do cơ sở vật chất ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học nên các địa phương đã vận dụng xã hội hóa để thu.
Tuy nhiên, do một số nơi chưa xây dựng danh mục xã hội hóa để trình HĐND tỉnh thông qua và trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện nên dẫn tới có tình trạng thu chưa đúng quy định" - ông Khánh nhấn mạnh.
Theo Đỗ Hợp / Tiền Phong
Đây là "thuốc chữa bệnh"... lạm thu Nếu nắm rõ những quy định này và các tổ chức, đoàn thể cùng vào cuộc, chắc chắn nhiều hiệu trưởng sẽ không dám lạm thu. Do để xảy ra lạm thu trong nhà trường, nên thời gian vừa qua đã có Hiệu trưởng Trường tiểu học Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, bị xử phạt hành chính 20 triệu...