Lãnh đạo các sở thực hiện Tiếng Việt công nghệ giáo dục nói gì?
Theo Bộ GD-ĐT, dựa vào nhu cầu của các địa phương, hiện nay đã có 49 tỉnh, thành sử dụng tài liệu tiếng Việt công nghệ giáo dục để dạy học.
Tỉnh Tiền Giang giảng dạy Tiếng Việt công nghệ giáo dục ở tất cả các trường từ 3 năm trước – ẢNH: BẮC BÌNH
Đánh giá của lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương cũng cần được lắng nghe trong khi nhìn nhận về chương trình này.
Giúp học sinh nắm chắc kiến thức, nhưng từ ngữ còn hàn lâm
Tại Trà Vinh, trước năm 2010, Bộ GD-ĐT chỉ định thí điểm chương trình dạy sách công nghệ giáo dục (CNGD) do nhóm nghiên cứu của GS Hồ Ngọc Đại biên soạn. Bộ sách hướng học sinh (HS) phát triển tư duy đi từ cụ thể thông qua các hình (vuông, tròn, tam giác) và phân biệt ngữ âm giúp HS học đâu nhớ đó. Bộ sách được giáo viên truyền đạt bằng phương pháp giảng dạy rất riêng của chương trình đã giúp tư duy HS phát triển khá vững vàng. Thông qua đó, sẽ phát triển tư duy tưởng tượng.
Hiệu quả học tập tiếng Việt của HS chắc chắn hơn so với giảng dạy các sách khác. Cụ thể, vào thời điểm đó, tỉnh Trà Vinh chưa phổ cập giáo dục mầm non nhưng phương pháp học bằng CNGD của GS Hồ Ngọc Đại giúp các em vào lớp 1 (khi chưa qua các lớp mầm non) vẫn tiếp thu tốt, phát triển tư duy khá tốt, đáp ứng tốt về tính hiệu quả giáo dục đề ra.
Tuy nhiên, bộ sách này sử dụng nhiều thuật ngữ chuyên môn ngôn ngữ học không cần thiết, hàn lâm, không phù hợp với lứa tuổi lớp 1.
Tăng Thị Ngọc Mai (Phó giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh)
Tài liệu ổn định và hiệu quả
Tài liệu tiếng Việt CNGD đã được áp dụng thí điểm vào giảng dạy tại tỉnh Tây Ninh từ năm 1985. Đến năm 2001 – 2002 tạm ngưng. Đến năm 2008, Bộ GD-ĐT cho phép tỉnh tiếp tục áp dụng thí điểm tài liệu này. Trong năm học 2008 – 2009, có 22 trường tiểu học thuộc huyện Tân Biên và Tân Châu (khu vực có HS phần đông là người dân tộc thiểu số) được áp dụng thí điểm. Kết quả cuối năm học, môn tiếng Việt lớp 1 – CNGD từ 90,6% HS đạt từ điểm trung bình trở lên, tăng lên 94,3%. Riêng HS dân tộc thiểu số đạt kết quả từ 81,8% lên 87,4%. Đến cuối năm học 2017 – 2018 vừa qua, toàn tỉnh có 121/260 trường tiểu học đã được giảng dạy. Trong đó, huyện Tân Biên, Tân Châu và Dương Minh Châu đã áp dụng 100%. Tài liệu giảng dạy này rất ổn định và hiệu quả. Thế mạnh là giúp HS đọc thông, viết thạo, nắm rất chắc quy tắc chính tả.
Lê Hoàng Cương (Trưởng phòng Giáo dục tiểu học thuộc Sở GD-ĐT Tây Ninh)
Khó bị tái mù chữ sau khi lên lớp 2
Video đang HOT
Thời điểm trước năm học 2013 – 2014, 2014 – 2015, thường có hơn 3% HS lên lớp 2 hằng năm bị tái mù chữ. Hai năm học đó, chúng tôi cho thí điểm tại một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh và tính hiệu quả trước tiên của sách CNGD giúp tỷ lệ tái mù chữ sau hè của HS giảm còn dưới 1%. Đồng thời, HS bước vào lớp 2 có kỹ năng đọc, viết và cả tư duy ngôn ngữ, hình thể… cũng tương đối vững vàng hơn so với HS học sách truyền thống. Từ năm học 2015 – 2016 đến nay, tỉnh Tiền Giang cho dạy cuốn sách CNGD ở tất cả các trường.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Oanh (Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang)
Sở không ép trường theo chương trình GDCN
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh đã tham gia cho HS học tiếng Việt theo CNGD ở một số điểm trường, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 102 trường tham gia gồm các vùng sâu, xa và huyện thị, tỷ lệ là 32,9%. Chất lượng hằng năm vẫn ổn định, HS đọc tốt viết tốt, đảm bảo mục tiêu, không có gì đáng lo ngại. Sở không ép trường nào phải học theo chương trình này, tùy theo hiệu trưởng nhà trường quyết định chọn lựa, tài liệu này phù hợp với trường nào thì trường đó dạy.
Ngô Thúy Anh (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT Đồng Tháp)
Nắm chắc luật chính tả
Học theo tài liệu tiếng Việt CNGD giúp HS phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đây cũng chính là những điểm mạnh của tài liệu này trong những năm qua. Học xong lớp 1, HS đã biết đọc, biết viết và nắm chắc luật chính tả. Đặc biệt đối với HS khó khăn về ngôn ngữ, HS dân tộc đã đọc, viết thành thạo khi lên lớp 2.
Huỳnh Quang Long (Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng)
Triển khai trên tinh thần tự nguyện
TP.Cần Thơ rất thận trọng khi áp dụng chương trình CNGD. Trước khi đưa vào dạy, Sở đã tập huấn cho giáo viên, tham quan và tìm hiểu về tính hiệu quả của phương pháp dạy tại nhiều địa phương. Từ năm học 2015 – 2016, Sở đã triển khai trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh HS tại 38 trường với 121 lớp gồm khoảng 2.000 HS. Đến nay đã có 161 trường với 610 lớp và khoảng 20.000 HS lớp 1 học phương pháp trên. Phương pháp dạy này không liên quan đến việc thay đổi chữ viết, cách đọc chữ đối với HS lớp 1.
Nguyễn Mạnh Hùng (Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ)
Theo thanhnien.vn
GS Hồ Ngọc Đại: Đánh vần bằng ô vuông, hình tròn, học sinh sẽ không tái mù chữ
GS Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ" của Công nghệ giáo dục, tác giả cuốn sách dạy học sinh lớp 1 đọc chữ bằng ô vuông, tròn, tam giác cho biết, học sinh học chương trình của ông chỉ một năm đọc thông viết thạo, không tái mù chữ.
Sẽ đọc thông viết thạo, không tái mù
Trao đổi tại buổi tọa đàm về công nghệ giáo dục 4.0 mới đây, GS Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ" của Công nghệ giáo dục (CNGD), tác giả cuốn sách dạy học sinh lớp 1 đọc chữ bằng ô vuông, tròn, tam giác cho biết: "Cuộc đời tôi coi như xong rồi, nhưng tôi muốn đất nước này, thế hệ hiện nay phải tự xác lập nên thời đại mới.
Người lớn, người đi trước không nên, không được và không có quyền lấy mình làm khuôn mẫu cho người khác. Khi có thế hệ trẻ con mới, có lịch sử mới thì cần phải có một nền giáo dục mới".
Cũng theo GS Đại, căn bản nhất là phải xây dựng nền giáo dục mới như thế nào. Đó là nền giáo dục được xây dựng trên cơ sở lý thuyết không thể bắt bẻ được, trên một cơ sở vật chất không thể tốt hơn được ở thời điểm đó. Sứ mệnh của giáo dục là phải làm sao tạo ra được cái mới chưa hề có và tận dụng những gì có trong quá khứ. Chứ không nên cho học sinh đi lại quá khứ.
"Dù khó khăn nhưng tôi sẽ làm được. Tôi sẽ phá vỡ nền giáo dục cũ, để xây dựng một nền giáo dục mới. Mấy chục năm qua, trường thực nghiệm vẫn tồn tại, đó chính là minh chứng.
Công nghệ giáo dục, việc thiết kế rất khó, nhưng khi thực hiện ai cũng làm được. Những học sinh đến học với tôi, chỉ trong một năm có thể đọc thông, viết thạo... không tái mù", GS Hồ Ngọc Đại khẳng định.
GS Hồ Ngọc Đại: "Sau một năm học chương trình của tôi sẽ đọc thông viết thạo, không tái mù". (Ảnh: Đ.T).
Ông chia sẻ, ngày xưa có khẩu hiệu "Thầy giảng thật hay, học trò cần ghi nhớ". Đến thời GS Hồ Ngọc Đại là "Thầy không giảng, trò không cần cố gắng" thì nền giáo dục mới lành mạnh.
Lý giải về điều này, ông cho rằng làm thế nào để học sinh không có cảm giác học mới là học. Học phải tự nhiên như hít thở không khí hàng ngày. Học sinh không bao giờ phải ôn tập.
"Mỗi thời điểm học sinh đến trường phải có giá trị của nó, cần tận dụng từng giây phút của trẻ trong đời người.
Người lớn, giáo viên phải "chịu thua" để dạy trẻ. Trẻ luôn có lý của bản thân, và người lớn phải căn cứ trên cái lý đó. Người lớn không thể lấy chuẩn của người khác để áp dụng cho trẻ - với tâm hồn trong sáng như cây cỏ. Vì vậy, người lớn không thể dạy trẻ bằng ảo tưởng, mong muốn của chính mình.
Khi có thế hệ trẻ em mới, lịch sử cần một nền giáo dục hoàn toàn mới", GS Hồ Ngọc Đại nói.
"CNGD sẽ tồn tại vĩnh viễn"
GS Hồ Ngọc Đại cho biết thêm, trong số tất cả công trình của mình, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do ông chịu trách nhiệm, chiếm nhiều công sức và là thành tựu lớn nhất của ông. Đó là niềm an ủi vì đã thể hiện được tư tưởng, triết học và tâm lý học.
Học sinh 6 tuổi học sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục sau một năm, chữ nào chắc chắn chữ đó nên không thể tái mù chữ. Người trưởng thành, hay học sinh cấp hai, cấp ba nếu viết sai thì do thầy, cô dạy chưa đúng.
Sách CNGD của GS Hồ Ngọc Đại (Ảnh: Đ.T).
"Giáo viên kể lại cho tôi câu chuyện rằng ông bí thư xã nói con mình đang học sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục. Gần Tết, cháu muốn xin nghỉ học, người cha nói nếu con viết được đơn xin nghỉ, ông sẽ đồng ý. Sau đó, con viết được ngay một lá đơn, người cha mừng quá. Sau khoảng 4-5 tháng, học sinh có thể viết được những điều mình mong muốn", ông Hồ Ngọc Đại kể lại.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc: "Vì sao CNGD trong 40 năm qua vẫn chỉ dừng lại mức độ thực nghiệm. Có hai điều có thể xảy ra: Thực nghiệm đó chưa đủ cơ sở khoa học để triển khai đại trà hoặc cũng có thể Bộ GD&ĐT vẫn chưa làm hết trách nhiệm. Ông nghĩ sao về điều này"?
GS Đại cho hay: "Trong xã hội hiện nay, tôi thuộc về hàng thiểu số. Tôi hoàn toàn không có xu nào ngoài việc làm để sống. Điều này có nhiều lí do, tư duy giáo dục hiện nói chung và kể cả một số giáo sư nữa còn thấp quá, cộng thêm cả vụ lợi. Nhưng cái này có khi cuộc sống tự chấp nhận, đôi khi cuộc sống tự loại bỏ.
Tuy nhiên, tôi phải có cuộc sống tự vệ của tôi. Quan trọng nhất tư tưởng của nó là gì và kĩ thuật thực thi ra sao. Vì sao kéo dài như thế, tôi nghĩ đã có lịch sử xử lý, tôi không xử lý".
Trước câu hỏi của PV về việc trong chương trình phổ thông mới sau này, sẽ không áp dụng những công nghệ mới của CNGD, liệu những đổi mới của ông sẽ tiếp tục đi về đâu? GS Đại cho rằng, công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn bởi đấy là công trình đích thực của lịch sử, không phải của cá nhân.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Dùng sách chưa chuẩn dạy 800.000 học sinh Sách "Tiếng Việt Công nghệ Giáo dục lớp 1" với thay đổi về cách đánh vần, nhiều bài học bị cho là có nội dung thiếu chuẩn mực với học sinh lớp 1, được áp dụng ở 49 tỉnh, thành. Khi xem cuốn sách "Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục (CNGD) lớp 1" do NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản, nhiều...