Làng tiến sĩ
(Cadn.com.vn) – Nằm gối đầu bên dòng Sông La thơ mộng, làng Tùng Ảnh (nay là xã Tùng Ảnh, H. Đức Thọ, Hà Tĩnh) từ bao đời nay nổi tiếng là vùng đất hiếu học và khoa bảng truyền thống của Việt Nam. Nơi đây đã sinh ra bao thế hệ danh nhân, hiền tài, thời nào cũng có những đóng góp cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Trọng sự học hơn sự giàu sang
Tâm sự về truyền thống hiếu học của quê hương, ông Nguyễn Văn Ân, Phó chủ tịch Hội khuyến học Tùng Ảnh nói: “Từ xưa các thế hệ cha ông của làng đã rất coi trọng sự học và đặt việc dạy tri thức, đạo đức làm người cho con cháu trong gia đình, dòng họ lên trên cả sự giàu sang. Thậm chí, lúc dựng vợ gả chồng, người Tùng Ảnh thường tìm chọn cho con cháu mình những nhà nho, nhà có đông con cái học hành, thành đạt hơn là nhà giàu sang nhưng lại kém chữ”.
Ông Ân giải thích: “Sở dĩ như vậy là vì từ lâu làng tôi đã có quan niệm rằng, người có học vấn cao, biết nhiều chữ thường biết cách đối nhân xử thế và có lối sống thanh cao, có cơ hội đỗ đạt, hiển danh, hạnh phúc hơn”.
Từ quan niệm “trọng sự học hơn sự giàu sang” nên từ lâu người Tùng Ảnh đã có truyền thống nuôi con cái ăn học thành tài trong mọi hoàn cảnh. Kết quả là từ vùng đất nghèo, hạt gạo pha trộn mồ hôi, nước mắt nhưng thời nào làng cũng có các bậc hiền tài đóng góp cho đất nước.
Cụ thể, trong thời kỳ phong kiến, Tùng Ảnh có nhiều bậc tiền bối nổi tiếng như các cụ Lê Bôi, Phan Hách, Mai Điên, Phan Đình Phùng… Kế đó, làng có nhiều nguyên thủ của đất nước như đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; ông Phan Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Việt Nam; ông Phan Mỹ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ…
Và ngày nay, nhắc đến Tùng Ảnh là người ta nghĩ ngay đến vùng quê có truyền thống hiếu học, khoa bảng, nơi có nhiều dòng họ mà số lượng giáo sư, tiến sĩ nhiều vào bậc nhất của Việt Nam. Đó là dòng họ Lê Bôi ở thôn Sơn Lệ với 47 giáo sư, tiến sĩ; dòng họ Mai Đình ở thôn Châu Nội với 17 giáo sư, tiến sĩ; dòng họ Phan Tùng ở thôn Châu Tùy có 10 giáo sư, tiến sĩ…
Điều đặc biệt nữa là ở Tùng Ảnh có nhiều gia đình nối tiếp truyền thống quý báu: con nối chí cha, đều trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Tiêu biểu như gia đình cụ Mai Trọng Canh ở thôn Châu Nội. Cha mẹ là nông dân nghèo, nhiều đêm các con cái của cụ Canh phải bắt đom đóm thay đèn dầu để học tập nhưng kết quả ai cũng đỗ đạt cao. Hiện cụ Canh có 17 người con, dâu, rể và cháu là giáo sư, tiến sĩ; trong đó có nhiều người làm ở cương vị cao như GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội); GS.TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội…
Video đang HOT
Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác như gia đình cụ Phan Huy Thụ ở thôn Châu Nội; cụ Nguyễn Thông ở thôn Đông Thái; cụ Mai Trọng Chỉnh ở thôn Vọng Sơn…, mỗi nhà đều có tới 2-3 người là giáo sư, tiến sĩ.
Từ truyền thống lâu đời nuôi con ăn học thành tài trong mọi hoàn cảnh, người dân làng Tùng Ảnh đã đúc kết thành những câu nói ví von:
“Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai,
khoai ba bữa.
Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà”.
Hay những câu thơ:
“Từ trong cánh cửa tằm tơ
Đèn soi trong sách thoi đưa đêm chày
Thương con mẹ trọng nghĩa thầy
Tiếng tăm lụa hạ từ đây mà thành
Đất nghèo nuôi chí học hành
Chắt chiu đời mẹ ngọt lành đời con”.
Gia tộc dòng họ Mai La Sơn ở thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh trao giấy khen, biểu dương con cháu học giỏi, chăm ngoan.
Cội rễ bền sâu
Theo thống kê của Hội khuyến học Tùng Ảnh, hiện xã này có tất cả 12 thôn, 1.967 hộ, hơn 6.500 nhân khẩu nhưng có tới 40 dòng họ có truyền thống cách mạng và hiếu học với gần 100 người là giáo sư, tiến sĩ. Đó là chưa kể đến hàng trăm thạc sĩ, cử nhân và doanh nhân hiện đang làm ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau ở trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Tùng Ảnh – Nguyễn Văn Ân cho rằng: Sở dĩ làng có được thành tựu đỗ đạt cao như trên là nhờ phúc của tổ tiên và sự cố gắng của con cháu qua nhiều thế hệ. Điển hình là Tùng Ảnh đã có Hội khuyến học từ hàng chục năm nay nhằm triển khai các hoạt động, công tác khuyến học chung trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để khuyến khích con cháu thi đua học tập, nhiều dòng họ trong làng như dòng họ Mai, Phan Tùng Mai, Dương, Lê… còn thành lập Chi Hội khuyến học, quỹ khuyến học, xây dựng mô hình gia đình hiếu học và kết nghĩa với trường học trên địa bàn. Hội và Chi Hội khuyến học có nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như vận động thu, gây quỹ khuyến học hàng năm 1,5kg thóc/1 hộ gia đình; kêu gọi nguồn tài trợ; hỗ trợ gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn có đông con cái học hành; trao học bổng cho học sinh đạt thành tích cao hoặc thi đỗ vào ĐH, CĐ.
Ngoài ra, ở Tùng Ảnh mỗi gia đình, dòng họ có cách làm hay để động viên con cháu học tập. Như dòng họ Mai La Sơn đã cho dựng bia “Tiến Sĩ” tại nhà thờ tổ An Nội để tôn vinh 12 người trong Gia tộc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước năm 2004 ở trong và ngoài nước. Trên bia này có ghi rõ 2 câu thơ “Nhà hưng thịnh nhờ con nhiều, con hiếu. Nước hùng cường bởi có lắm thần trung”, kèm nhiều lời dạy, câu đối khuyến học.
“Mục đích để các cháu nhìn vào đó mà noi gương sáng các thế hệ cha ông. Còn các bậc cha mẹ nhìn vào đó, thấy truyền thống hiếu học của gia tộc mà gắng nuôi dạy, tạo mọi điều kiện cho con cái thành đạt. Riêng những người được vinh danh nhìn vào đó để thấy thành đạt hôm nay là nhờ phúc của tổ tiên, từ đó sẵn sàng giúp đỡ con cháu làm một tiến sĩ danh thực vẹn toàn, góp sức xây dựng gia tộc, quê hương”, ông Mai Đình Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc dòng họ Mai La Sơn nói.
Tiến thêm một bước, gần đây dòng họ Mai La Sơn còn cho in nhiều cuốn sách như: “La Sơn Mai Tộc Thế Phả”, xuất bản nhân dịp kỷ niệm 530 năm khai sinh dòng họ Mai La Sơn; “Gia ước hội đồng gia tộc”; “Tùng Ảnh: 540 năm dòng họ Mai La Sơn”; “Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học là nghĩa vụ và vinh dự của người trong gia tộc”; “Lối mở duy nhất để thoát khỏi đói nghèo là lối học: em chọn lối này”…, để dạy dỗ, tư vấn và biểu dương con cháu học tập.
“Nhờ những việc làm thiết thực của Hội khuyến học, của từng dòng họ, gia đình mà truyền thống khoa bảng và ngọn lửa hiếu học trong làng ngày càng được gìn giữ, tỏa sáng. 5 năm qua, làng có tới gần 300 người thi đỗ vào các trường đại học danh giá trong và ngoài nước, trong đó có nhiều em là thủ khoa”, ông Nguyễn Văn Ân, Phó chủ tịch Hội khuyến học Tùng Ảnh phấn khích nói.
Theo cand.com.vn