Làng quê nghèo hơn 10 năm đón sĩ tử về ăn ở
Mỗi lần thi tuyển sinh đại học là người dân làng quê nghèo La Chữ, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế lại tất bật với công việc dọn dẹp nhà cửa để đón sĩ tử ở mọi miền về đây ở mỗi khi mùa thi đến.
Để tạo không khí gần gũi và tiếp thêm sức mạnh cho các thí sinh và phụ huynh đi thi đại học, hơn 10 năm nay những người nông dân làng La Chữ luôn mở rộng cách cửa để đón thí sinh và phụ huynh tới ở miễn phí, lo ăn, lo uống đầy đủ cho các sĩ tử trong suốt thời gian thi đại học.
Như bao nhà dân trong làng đều có một tấm lòng thơm thảo với những thí sinh lai kinh ứng thí trong kỳ thi đại học đợt 2 năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Tri (60 tuổi) rất vui mừng cho biết: “Cho thí sinh về nhà mình ở trọ mỗi mùa thi đại học như là một việc làm thường xuyên của gia đình. Niềm vui cả gia đình là khi thí sinh từng ở trọ gọi điện hỏi thăm sức khỏe và thông báo đã đậu vào đại học”
Vợ ông Hà Văn Được đang gắp thức ăn cho thí sinh ở cùng nhà và dặn dò ăn nhiều vào lấy sức thi cho tốt.
Bà Hồ Thị Sa, bán cơm ngay ngã 3 La Chữ cho biết, năm nay nhà tôi cho 10 thí sinh quê Nghệ An, Hà Tĩnh về ở miễn phí. Ngày trước gia đình tôi thường nấu cả cơm miễn phí cho thí sinh và người nhà nhưng vài năm nay giá cả mọi thứ đều tăng cao nên gia đình tôi có nhận ít tiền của thí sinh cũng để lo cho bữa ăn của các thí sinh được ngon và nhiều thức ăn hơn.
Bà Đỗ Thị Năm, mẹ thí sinh Hoài Thương, tâm sự: “Thực sự mẹ con tôi không biết nói thế nào khi đưa con ra Huế dự thi đại học mà luôn gặp may mắn và gặp người tốt, từ chuyện xuống bến xe gặp các bạn tình nguyện viên dẫn tới tận nơi trọ miễn phí và cản chuyện về nhà chủ phòng trọ được họ tiếp đón rất chú đáo và nhiệt tình”.
Còn thí sinh Nguyễn Quốc Tùng, thi ngành Nuôi trông thủy sản, Trường ĐH Nông lâm Huế chia sẻ: “Em thấy thực sự thoải mái và rất gần gũi với gia đình nhà chủ. Cô chủ rất quan tâm tới chuyện ăn uống và sinh hoạt của tụi em. Đây chính là động lực tốt để bọn em có thêm sức lực thi tốt trong kỳ thi đại học”.
Thí sinh Lê Thị Hoài Thương (quê Quảng Nam) thi ngành Quản lý tài nguyên rừng, ĐH Nông Lâm Huế được nhà chủ cho mượn luôn một bộ bàn ghế để tranh thủ ngồi học bài.
Thí sinh Nguyễn Quốc Tùng và Ngô Sĩ Giáp (quê Nghệ An) đang xem lại đề thi sáng 9/7 tại nhà bà Tri.
Nhóm thí sinh ở trọ nhà bà Sa đang lên mạng bằng điện thoại di động xem gợi ý giải môn thi buổi sáng sau giờ ăn trưa.
Gia đình anh Hà Văn Được cùng ngồi ăn cơm với thí sinh Trịnh Huy Thông (quê Quảng Nam) thi ngành Quản lý tài nguyên rừng, ĐH Nông Lâm Huế.
Ngọc Thụ – Đại Dương
Theo dân trí
Buổi thi thứ 2 các khối B, C, D: Nhiều thí sinh ra sớm
Nhiều sĩ tử khối B, D ra sớm vì làm bài tốt hoặc bỏ cuộc vì đề Toán phân loại rất rõ ràng riêng môn Sử khối C đòi hỏi kiến thức rộng, có em đã khóc trong phòng thi vì không làm được bài.
Niềm vui của một thí sinh sau khi kết thúc môn Sử khối C tại Học viện Báo chí Tuyên truyền (Hà Nội). Ảnh Lê Hiếu.
Môn Toán khối B: Đề bám sát chương trình nhưng vẫn có câu phải "cắn bút"
Chiều 9/7, các thí sinh khối B bước vào môn Toán, môn thi thứ 2 của đợt thi đại học đợt 2 của khối B. Ngay khi vừa bước qua 2/3 thời gian của môn thi, tại địa điểm thi tại trường Đại học Y Hà Nội nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng thi. Một số phấn khởi làm được bài, nhưng cũng không ít thí sinh cho biết không làm được bài nên ra phòng thi sớm.
Video đang HOT
Em Nguyễn Thị Yến ở Mê Linh (Hà Nội), thí sinh dự thi vào Đại học Y Hà Nội đầu tiên ra khỏi phòng thi cho biết: "Đề thi Toán năm nay không khó, ra sát chương trình nhưng phải cũng phải có học lực giỏi mới làm được hết đề thi, em chỉ làm hết được 80%".
Thí sinh Nguyễn Thị Yến, người ra sớm nhất tại địa điểm thi ở trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh Lê Tú.
Bước ra khỏi phòng thi trong tâm trạng phấn chấn, bạn Nguyễn Thị Vân, học sinh trường THPT Nguyễn Du, Thanh Oai, Hà Nội tự tin chia sẻ: "Đề thi Toán năm nay hay, phân loại thí sinh tốt, đặc biệt có câu "tìm giá trị" mang tính đánh đố để có thể "ăn điểm", đòi hỏi thí sinh ngoài việc bám chắc kiến thức sách giáo khoa cần có đầu óc sáng tạo".
Trái ngược với Nguyễn Thị Vân, thí sinh Nguyễn Văn Chung đến từ Cẩm Thủy, Thanh Hóa bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng không vui. Chung cho biết: "Mặc dù đề thi năm nay không quá khó nhưng do học lực của em không được tốt nên chỉ làm được 2 câu và đến khi hết 2/3 thời gian làm bài thi xin ra ngoài".
Tương tự với Chung, thí sinh Lê Văn Mạnh ở Hòa Bình cho biết cũng chỉ làm được khoảng 30% đề Toán khối B, Chung cũng tâm sự: "Có lẽ năm nay em ôn luyện chưa được tốt. Nếu không đỗ, năm sau em vẫn dự thi vào trường Đại học Y một lần nữa".
Tại Hội đồng thi trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH QG Hà Nội), cũng nhiều thí sinh ra sớm, một phần do các bạn làm bài tốt, sẵn sàng bỏ cuộc câu về giá trị nhỏ nhất (tương tự đề Toán khối A, A1). Còn lại những thí sinh có học lực khá ở hội đồng thi này cho rằng đề không quá "hóc búa".
Thí sinh tươi cười bước ra từ cổng trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội). Ảnh Mai Châm.
"Đề Toán khá dễ. Em chỉ mắc ở câu tìm giá trị nhỏ nhất, lớn nhất. Đáng tiếc, em thích điểm 10 hơn là điểm 8" - thí Lê Trà My, THPT Trần Phú, Hà Nội tự tin với môn Toán khối B.
Cũng cùng ý kiến trên, thí sinh Phùng Thị Tú, THPT Phú Xuyên A cho biết: "Em thấy đề Toán khá vừa tầm. Một câu khó nhưng có lẽ em đã làm bài thi khá tốt, được khoảng 80-90%".
Thí sinh Phí Thị Thanh Nhàn, học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, TP. HCM đánh giá đề thi khối B đơn giản hơn so với khối A và tự tin vào kết quả tốt.
Nhàn chỉ bỏ 2 câu trong đề là câu tìm giá trị lớn nhất (câu 6) và câu 7a về nội dung hình học giải tích. Em đăng kí dự thi khoa Địa lý của trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) vì thú vị với ngành này. Tuy nhiên, nguyện vọng chính của Nhàn là ở trường Đại học Ngân hàng.
Môn Toán khối D: Không khó bằng năm ngoái
Theo nhận định của hầu hết các sĩ tử tại các cụm thi tại TP.HCM, thì đề toán khối D dễ thở hơn và không khó để đạt điểm cao.
Tại điểm thi của TP.HCM như: ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Công nghệ Thông tin... dù thời gian còn khoảng 1 tiếng đồng hồ mới kết thúc giờ thi nhưng nhiều thí sinh đã ra sớm hơn thường lệ. Có nhiều phòng thi, thí sinh ra sớm chiếm hơn phần nửa.
Thí sinh Lê Hoài Nam, quê Nghệ An hồ hởi: "So với đề thi khối D năm ngoái thì đề năm nay không hóc búa và khó lắm. Tuy nhiên, để lấy được điểm thì các thí sinh phải nắm vững kiến thức thật chắc, nếu không rất dễ xảy ra sai sót".
Theo Nam câu khó nhất của đề thi khối D vẫn là câu 6. Đây chính là câu khó "nhằn" nhất trong các đề thi Toán.
Thí sinh trao đổi về bài làm sau môn Toán khối D. Ảnh Giang Uyên.
Nhiều thí sinh ra sớm vì làm được bài, tuy nhiên, tương tự với thí sinh thi khối B, có những em cho biết, do bị hổng kiến thức, không thể làm được những câu khó hơn nên miễn cưỡng nạp bài để ra sớm, tránh căng thẳng do ngồi trong phòng thi quá lâu.
Thí sinh Nguyễn Hoàng Quân, quê Bình Định trong buổi thi môn Văn sáng nay làm bài khá tốt, nhưng riêng môn Toán do chủ quan nên làm bài không được như ý muốn. "Em hy vọng ngày mai môn tiếng Anh là sở trường của mình sẽ làm bài thật tốt để bù đắp vào điểm Toán"- Quân nói.
Tại trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, có khoảng hơn 10 thí sinh bước ra khỏi hội đồng thi khi kết thúc 2/3 thời gian. Nhưng tất cả các thí sinh này đều trả lời rằng ra sớm vì không làm được bài.
Nhiều phụ huynh ngóng con với nhiều hy vọng. Ảnh Đặng Sinh.
Không nhiều thí sinh khối B và khối D hài lòng với kết quả môn Toán. Ảnh Đặng Sinh.
Thí sinh Lê Thị Ngọc Trâm (tỉnh Đồng Nai) ra khỏi trường thi khi còn đến 45 phút làm bài. Ngọc Trâm chi sẻ bạn chỉ làm được 5 câu trong đề vì đề khó và yêu cầu tính toán phức tạp. Theo Trâm, cả câu cuối của bài hình học, câu hệ phương trình đều khó và thậm chí khó hơn cả đề thi khối A. Thí sinh Đào Trúc Tiên (tỉnh Bình Thuận) cũng cho rằng đề dài và khó hơn so với khối A. Trúc Tiên bước ra khỏi hội đồng khi vừa kết thúc 2/3 thời gian và cho biết mình làm được khoảng 70% đề.
Trong khi đó, các thí sinh kết thúc phần thi đúng thời gian đều cho biết như thường lệ, đề thi Toán khối D đơn giản hơn. Thí sinh Bửu Lệ (Q.6, TP.HCM) dự thi vào ngành Ngữ Văn Trung cho biết mình làm được 8 câu trong đề và thấy khá hài lòng. Nhật Tiên, một học sinh chuyên Toán của trường Phổ thông Năng khiếu thì đánh giá đề Toán hay và không khó. Tiên dự đoán mình có thể đạt được 9 điểm.
Thí sinh Huỳnh Lê Kim Ngân (THPT Trần Hưng Đạo, tỉnh Bình Thuận) cũng vui vẻ cho biết mình làm bài tốt vì chỉ phải bỏ câu 7a và câu 6 yêu cầu tìm giá trị nhỏ nhất. "Nếu trừ đi các điểm lặt vặt về trình bày thì em nghĩ mình sẽ được 7,5 điểm", Ngân nói.
Môn Sử: Đòi hỏi phông kiến thức rộng
Tại Hà Nội, hết 2/3 thời gian làm bài môn Lịch sử, không ít thí sinh đã nhanh chóng nộp bài, rời phòng thi - ghi nhanh tại Hội đồng tuyển sinh ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHNV).
Thí sinh Vương Thị Thuỷ, quê Hưng Yên cho rằng: "Đề thi năm nay tương đối dễ nhưng nhiều phần học thuộc. Em không chắc mình làm đúng. Nhất là câu chính sách đối ngoại của Nhật Bản".
Thí sinh khối C ra sớm tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội). Ảnh Mai Châm.
Thí sinh ra sớm tại Hội đồng thi Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ảnh Lê Hiếu
"Đề không quá khó nhưng có câu hai lắt léo vì yêu cầu đề là phải nói về các thời kỳ lịch sử trong giai đoạn 1919-2000 và phải chỉ ra được thời kỳ nào mình đánh thắng cứ điểm lớn nhất của thực dân Pháp. Nếu thí sinh không nắm kỹ kiến thức thì sẽ rất dễ bị nhầm" - Lương Văn Tư, quê Cao Bằng nhận xét.
Thí sinh Vy Hạnh Phương, học sinh trường chuyên Vĩnh Phúc cho rằng: "Đề Sử không khó những kiến thức tương đối rộng. Câu hỏi không tập trung tập trung vào một thời kỳ cụ thể mà trải dài trong nhiều thời kỳ. Đề có 4 câu, hai câu 2 điểm và 2 câu 3 điểm. Nói chung là khá ít điểm cho mỗi câu, cho nên thí sinh phải tự tiết chế thời gian, tránh sa đà vào bất kỳ câu nào. Yêu cầu đề thi là thí sinh phải có nền kiến thức rộng, nên khá khó đối với những bạn không nằm lòng các bài học trên lớp".
Tại TP.HCM, ở điểm thi Học viện Hành chính Quốc gia, nơi tổ chức 2 khối thi C và D, rất nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi ngay sau khi kết thúc 2/3 thời gian làm bài. Những thí sinh này chủ yếu là thí sinh thi môn Lịch sử.
Thí sinh tại điểm thi Học viện Hành chính Quốc gia ra khỏi trường thi với vẻ nhăn nhó. Ảnh Đặng Sinh.
Đề thi Lịch sử được đánh giá là không dài, nhưng khó. Ảnh Đặng Sinh.
Đề thi môn Lịch sử được thí sinh đánh giá là nặng về kiến thức tổng hợp. Với 4 câu hỏi, đa phần đề thi không nhấn vào một sự kiện cụ thể mà đòi hỏi thí sinh phải tổng hợp kiến thức từ nhiều thời kỳ.
"Không làm được bài, thí sinh nữ ngồi bên cạnh em đã khóc trong phòng thi", Duy Minh, thí sinh tại điểm thi Học viện Hành chính Quốc gia cho biết. Cũng như ở Hà Nội, đa số thí sinh ra khỏi phòng thi sớm cho rằng, với đề thi Lịch sử như vậy, đòi hỏi thí sinh phải nhớ nhiều dữ kiện nhỏ, nếu thiếu càng thiếu dữ kiện Lịch sử thì khả năng mất điểm càng cao.
Cá biệt, vài thí sinh khi được hỏi đã không trả lời được tên "tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp" trong đề thi.
Trần Viết Lộc (thí sinh đến từ trường THPT Nguyễn Tất Thành, huyện Đắc Grấp, tỉnh Đắc Nông) cho biết: "Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên, phần Riêng em đã gặp khó vì câu hỏi về Nhật Bản và Ấn Độ do trước đó quan tâm nhiều". Lộc chỉ dự kiến môn Sử được 5-6 điểm.
Tự tin hơn Lộc một chút, thí sinh Trần Thị Phương, (THPT Hải Hậu B, Nam Định) cho rằng đề thi môn Lịch sử dù khó nhưng vẫn dễ hơn đề thi năm 2011. Phương mất 2/3 để hoàn thành toàn bộ bài làm. Trong phần Riêng, Phương chọn câu hỏi về chính sách ngoại giao của Nhật bản trong "chiến tranh lạnh", lý do là vì "câu hỏi về Ấn Độ em chưa học bao giờ".
Xem lại kết quả môn Lịch sử ngay sau khi ra khỏi phòng thi. Ảnh Đặng Sinh
Sáng mai 10/7, thí sinh sẽ bước vào môn thi cuối cùng của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Khối C: môn Địa lý, khối B: môn Hóa học, khối D: môn Ngoại ngữ.
Một số hình ảnh ở Học viện Báo chí Tuyên truyền (Hà Nội, nơi thí sinh rất hồ hởi khi kết thúc bài làm:
Phụ huynh hồi hộp chờ ngóng thí sinh làm xong bài. Ảnh Lê Hiếu.
Thảo luận sau giờ thi. Ảnh Lê Hiếu.
Các thí sinh đánh giá đề Sử hay và bám sát chương trình. Ảnh Lê Hiếu.
Thí sinh này cho biết, em làm hai môn thi Văn (buổi sáng) và Lịch sử khá tốt. Ảnh Lê Hiếu.
Những nụ cười rạng rỡ.
Một phụ huynh đi đón con bằng xe đạp. Ảnh Lê Hiếu.
Đường Xuân Thủy bị ùn tắc sau khi kết thúc môn thi. Ảnh Lê Hiếu.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Theo Infonet
Mẹ mượn tiền dẫn 2 con sinh đôi đến trường thi Trong kỳ thi đại học đợt 2 này, tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Huệ (Huế) có 2 thí sinh sinh đôi cùng thi tại một địa điểm và đặc biệt là cùng thi vào một ngành thuộc trường ĐH Sư phạm Huế. Đó là 2 thí sinh Lê Thị Thu và thí sinh Lê Thị Hương (quê huyện Tân Kỳ, NghệAn)...