Lãng phí tiền tỷ mua ‘Cẩm nang tuyển sinh 2014′
Thay vì được dùng miễn phí thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ trên mạng, thí sinh cả nước có thể phải bỏ ra gần 2 tỷ đồng để mua 50.000 cuốn cẩm nang này.
Ngày 17/3, đúng thời điểm bắt đầu thu hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, Bộ Giáo dục và NXB Giáo dục mới ban hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2014″ dày 400 trang, giá bán 38.000 đồng, số lượng in 50.000 bản.
Đây là cuốn cẩm nang tổng hợp thông tin chính thống và đầy đủ nhất về kỳ tuyển sinh như lịch công tác tuyển sinh, bảng phân chia khu vực dự thi, mã tuyển sinh, mã đăng ký dự thi vãng lai, danh sách các trường không tổ chức thi, các trường tự tuyển sinh, chỉ tiêu, học phí, khối thi… của các trường. Dựa vào đây và qua thông tin được tư vấn, thí sinh mới có thể làm hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng.
Với số lượng 50.000 bản in, số tiền nhà xuất bản thu về không hề nhỏ.
Tuy nhiên, liên tục những năm gần đây, cuốn cẩm nang này bị phát hành chậm. Sáng 17/3, lãnh đạo nhiều trường THPT ở Hà Nội cho biết vẫn chưa nhận được “Những điều cần biết”, trong khi nhiều hiệu sách lớn, nhỏ ở Hà Nội đã bày bán nhan nhản.
Nói về giá bán 38.000 đồng, đại diện Bộ GD&ĐT cho hay, nội dung trong “Những điều cần biết” đa số là thông tin của các trường. Sau khi kiểm tra mã ngành, số lượng tuyển… Vụ Đại học gửi cho nhà xuất bản để in.
“Bán hay không, bán giá như thế nào là do nhà xuất bản chứ Bộ không tham gia”, vị đại diện này nói và cho biết thêm, bản thảo đã gửi sang nhà xuất bản từ ngày 10/3.
Video đang HOT
Trả lời VnExpress.net về cơ sở xây dựng giá bán, ông Nguyễn Tiến Cường, Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Hà Tây (NXB Giáo dục) cho hay, do số trang, công in, lệ phí xuất bản, chi phí vận chuyển, bao gói, bốc dỡ tăng so với năm 2013.
Trong khi đó, một cựu lãnh đạo NXB Giáo dục chia sẻ, giá bán sách được xác định căn cứ trên giá giấy, khấu hao thiết bị và tiền bản thảo, bản quyền. “Kể cả đó là thông tin tổng hợp từ các trường thì vẫn được trả tiền”, vị này nói thêm.
Ở Lời mở đầu của cuốn “Những điều cần biết”, NXB Giáo dục Việt Nam cho hay, toàn bộ nội dung cuốn sách này được đăng tải trên trang thông tin của Bộ ở địa chỉ www.moet.edu.vn. Tuy nhiên, khi truy cập địa chỉ này lại xuất hiện thông báo: “Vùng thông tin cấm truy cập”. Trong khi, để tham khảo thông tin về các trường, các ngành, thí sinh cần vào http://ts.edu.net.vn.
Đánh giá về cuốn “Những điều cần biết” dày 400 trang vừa được phát hành, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT dân lập Lương Thế Vinh cho rằng, đó là lãng phí lớn bởi mỗi học sinh chỉ quan tâm đến vài trường, trong khi phải bỏ tiền mua thông tin của hàng trăm trường trên cả nước.
“Bộ GD&ĐT cần công bố trên mạng cuốn cẩm nang này trước thời gian đăng ký dự thi để học sinh được tiếp cận sớm hơn”, vị giáo già chia sẻ.
Đồng quan điểm, một hiệu trưởng THPT đề nghị giấu tên cho hay, nếu Bộ Giáo dục đăng tải cả cuốn sách này trên website của Bộ từ hôm 10/3 thì thí sinh, phụ huynh và các trường đã có thêm một tuần tham khảo thông tin trước khi làm hồ sơ.
“Dù chỉ tổng hợp thông tin tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ nhưng Bộ Giáo dục lại giữ độc quyền thông tin để in kiếm lời, khiến xã hội lãng phí hàng tỷ đồng”, vị này nói.
Hiệu trưởng THPT Việt Đức Nguyễn Quốc Bình cho rằng, Bộ Giáo dục nên phát hành bản mềm cuốn cẩm nang này từ đầu tháng 3 để học sinh và giáo viên có thêm thời gian nghiên cứu và lựa chọn trường, ngành nghề
Cũng theo thầy Văn Như Cương, năm nào Bộ GD&ĐT cũng in cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng” nhưng đó chỉ là những con số khô khan, đơn thuần là thông tin tuyển sinh của các trường, còn nội dung quan trọng là dự báo nguồn nhân lực và định hướng ngành nghề cho các em thì chưa làm được.
“Học sinh như đứng giữa ngã ba đường, rất bối rối không biết chọn trường nào, ngành nào. Sau đó là những lựa chọn theo cảm tính, nhờ vào may rủi”, ông nói.
Vị giáo già đề xuất, Bộ Giáo dục hãy phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đưa ra dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực hiện tại và trong vòng 4-5 năm tới. Đó mới là những định hướng tốt nhất, những thông tin mà thí sinh cần nắm được để lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Theo VNE
Các trường ngóng 'Những điều cần biết về tuyển sinh 2014'
Hôm nay là ngày đầu tiên nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ nhưng các trường THPT ở Hà Nội vẫn chưa có cẩm nang để tư vấn cho thí sinh.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngày 17/3 các trường THPT bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Thời hạn nhận hồ sơ tại các trường, Phòng và Sở GD&ĐT kéo dài đến ngày 18/4. Sau thời gian này, thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường đăng ký dự thi.
Tuy nhiên, hôm nay Bộ GD&ĐT mới phát hành cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014". Cẩm nang dày hơn 400 trang với các điểm mới, lịch tuyển sinh, danh sách các ĐH, CĐ, ngành học, mức học phí, chính sách tuyển sinh riêng và chung, các trường, ngành bị đình chỉ tuyển sinh... là căn cứ để thí sinh tham khảo trước khi chọn ngành, chọn trường.
Thí sinh vẫn chưa nhận được các thông tin chi tiết về kỳ tuyển sinh 2014. Ảnh minh họa: HH
Trao đổi với VnExpress, ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã nhận được cuốn "Những điều cần biết" và đang chuyển tới các trường để thí sinh tham khảo.
Theo ông Niềm, lịch của Bộ quy định ngày 17/3 bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký dự thi, nhưng bây giờ mới có văn bản triển khai nên học sinh cần phải nghiên cứu, trao đổi kỹ mới có thể nộp hồ sơ.
"Bộ Ban hành các văn bản quá chậm khiến phụ huynh, học sinh và cả các trường đều bị động. Các thay đổi cần được đưa ra từ sớm. Tôi ủng hộ việc ban hành miễn phí cuốn 'Những điều cần biết...' trên mạng để tiện tham khảo", ông Niềm chia sẻ.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THPT Việt Đức cho hay, chiều nay trường sẽ nhận được cẩm nang tuyển sinh để phát cho học sinh. Các em sẽ có nửa tháng để nghiên cứu, tìm hiểu thông tin sau đó mới làm hồ sơ. Giáo viên chủ nhiệm, Quận đoàn vẫn tổ chức các buổi tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.
"Bộ Giáo dục nên phát hành bản mềm cuốn cẩm nang này từ đầu tháng 3 để thí sinh có thời gian tìm hiểu kỹ. Khi đó, học sinh và giáo viên sẽ có thêm thời gian nghiên cứu và lựa chọn trường, ngành nghề", thầy Bình nói và hy vọng điều đó sẽ được thực hiện khi Bộ GĐ&ĐT có chiến lược lâu dài về tuyển sinh.
Còn theo thầy Hiệu phó THPT chuyên Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) Nguyễn Thành Công, do chưa nhận được cẩm nang tuyển sinh nên cũng như mọi năm, trường không vội vã thu hồ sơ của học sinh. Các em có một tháng để suy nghĩ, lựa chọn cẩn thận trường, ngành muốn dự thi.
"Từ ngày 25/3, khi có kết quả thi thử đại học, giáo viên chủ nhiệm từng lớp mới hướng dẫn học sinh làm hồ sơ, lựa chọn ngành", thầy Công cho biết thêm.
Theo VNE
Ngành học nào sẽ 'hot' nhất? Học lực của con tôi chỉ vào loại trung bình. Tôi không có ý định cho cháu thi ĐH-CĐ mà chỉ theo học trung cấp. Tôi đang hướng cháu đến hệ trung cấp của các khối ngành nông lâm của Trường ĐH Lâm nghiệp, nhưng không biết những ngành nào dễ tìm việc và làm việc lương cao? (Nguyễn Minh Hùng, Điện Bàn,...