Lãng phí người tài: Du học thạc sĩ, về làm nhập liệu!
Là một trong 6 người được chọn đưa đi Mỹ học thạc sĩ theo đề án đô thị thông minh, sau khi tốt nghiệp loại giỏi trở về nước, anh Phạm Quốc Thái được phân công làm… rà soát hồ sơ, nhập liệu – công việc mà chỉ cần tốt nghiệp THCS là có thể hoàn thành tốt.
6 sinh viên trong buổi nhận học bổng Grand Challenge trước khi sang Mỹ học thạc sĩ và anh Thái sau khi tốt nghiệp về nước phải chạy Grab để kiếm thêm thu nhập – ẢNH: ANH PHÚ – TRUNG HIẾU
Anh Phạm Quốc Thái (26 tuổi), hiện công tác ở Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, kể mình từng học kỹ sư tài năng ngành kỹ thuật xây dựng của Trường Đại học (ĐH) Bách khoa TP.HCM. Tốt nghiệp ĐH năm 2017, anh làm cho một công ty của Mỹ với mức lương 12 triệu đồng/tháng.
Tháng 4.2017, thông qua trang web của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, anh Thái biết thông tin TP.HCM phối hợp cùng Công ty Intel Products VN (gọi tắt là Intel) thông qua ĐH Arizona (Mỹ) đang tìm kiếm, đào tạo nhân sự cho các chương trình đô thị thông minh mà TP.HCM xúc tiến.
Sau khi tìm hiểu thông tin, anh Thái gửi hồ sơ ứng tuyển tới đại diện ĐH Arizona tại VN. Vượt qua nhiều cuộc phỏng vấn chủ yếu xoay quanh về đô thị thông minh, tháng 7.2017, anh Thái cùng 5 ứng viên nữa nhận học bổng chương trình thạc sĩ tại ĐH Arizona thời gian 1 năm. Chi phí học hành, sinh hoạt ở Mỹ khoảng 65.000 USD (tương đương 1,5 tỉ đồng) đều do Intel tài trợ. Chương trình có điều kiện sau khi học xong, ứng viên sẽ làm việc cho các dự án nằm trong đề án thành phố thông minh của TP.HCM ít nhất 3 năm.
“Hôm nhận học bổng có lãnh đạo Sở TT-TT TP.HCM đến trao đổi, dặn dò. Khi học về tháng 8.2018 thì tháng 9.2018, chúng tôi được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như yêu cầu các sở ban ngành liên quan phải tiếp nhận, tạo điều kiện trong công việc. Thấy được sự trọng thị mà lãnh đạo TP.HCM dành cho mình, ai cũng cảm thấy phấn chấn và tự hứa sẽ đóng góp cho các chương trình đô thị thông minh của TP.HCM”, anh Thái kể.
“Điều tôi bức xúc đó là việc tôi học về kỹ thuật xây dựng công trình nhưng lại phân về quản lý thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thịt heo – một lĩnh vực mà tôi không hề có kiến thức gì cả”.
Anh Phạm Quốc Thái
Video đang HOT
Anh Thái chạy Grab bike đón khách trước tòa nhà Viettel đường Cách Mạng Tháng Tám – ẢNH: TRUNG HIẾU
Học xây dựng, bố trí làm… an toàn thực phẩm
Tháng 11.2018, anh Thái được phân công về Phòng Quản lý chất lượng thực phẩm của Ban Quản lý ATTP TP.HCM. Do được đào tạo về chuyên ngành kỹ thuật xây dựng nên khi được bố trí về Ban Quản lý ATTP, thấy không phù hợp anh Thái nhiều lần đề nghị được thay đổi nhưng đều không kết quả. Thế là công việc hằng ngày của một thạc sĩ học ở Mỹ về chỉ là nhận tờ khai của doanh nghiệp thực phẩm nộp vào, kiểm tra việc điền thông tin về truy xuất nguồn gốc có khớp không, nếu không khớp sẽ hướng dẫn điền cho đúng.
“Công việc giống như lao động phổ thông mà một người trình độ lớp 9 cũng có thể làm được. Điều tôi bức xúc đó là việc tôi học về kỹ thuật xây dựng công trình nhưng lại phân về quản lý thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thịt heo – một lĩnh vực mà tôi không hề có kiến thức gì cả”, anh Thái kể.
Chạy grab bike kiếm thêm
Một điều khác anh Thái cảm thấy thất vọng là mức lương hằng tháng. Dù có bằng thạc sĩ (hệ số lương 2,67) nhưng anh cho biết chỉ được tính hệ số lương đại học 2,34 và mỗi tháng anh Thái nhận gần 2,8 triệu đồng. Mức lương này còn thấp hơn nhiều so với lương tối thiểu vùng khoảng 4 triệu đồng của người lao động ở TP.HCM (thuộc vùng 1). Hiện chi phí sinh hoạt mỗi tháng của anh Thái gồm: 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà (ở chung với 3 người bạn), tiền điện thoại, xăng xe và internet 500.000 đồng, tiền ăn 2 triệu đồng (bằng mức ăn thời sinh viên)…, đã vượt xa mức lương nhận được. Do đó hơn 6 tháng qua, để bám trụ ở TP.HCM, ngoài việc dè sẻn chi tiêu, anh Thái phải xin tiền nhà, cuối tuần làm thêm ở Tây Ninh và mới đây đăng ký chạy Grab bike vào buổi tối kiếm thêm thu nhập.
Anh Thái cho biết việc chạy Grab bike để mưu sinh do không có lựa chọn nào khác. Trước đó anh cũng tính làm thêm ở một vài nơi nhưng công việc ở Ban Quản lý ATTP TP.HCM chiếm hết thời gian, trong khi chạy Grab bike có thể giúp anh linh động sắp xếp thời gian vào buổi tối. Sau khi đăng ký và được Grab bike đồng ý, anh Thái phải đóng 600.000 đồng (300.000 đồng trả chậm) để mua 2 áo, 2 nón và một bộ hướng dẫn để “hành nghề”.
Mỗi đêm anh Thái cố gắng kiếm khoảng 100.000 – 150.000 đồng rồi “đóng máy” về phòng trọ. Dịp cuối tuần, anh lại bắt xe buýt lên Tây Ninh tham gia khóa huấn luyện đưa kiến thức khoa học về vùng sâu, vùng xa do một tổ chức nước ngoài thực hiện với thù lao được trả chừng 300.000 đồng/ngày. Mức thù lao tuy không cao nhưng anh khá hài lòng vì đã truyền đạt kiến thức cho người dân nghèo.
Muốn đóng góp xây dựng đô thị thông minh
Một buổi tối giữa tháng 6.2019, chúng tôi ghé thăm nơi trọ của anh Thái cùng 3 người bạn học cùng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tại một chung cư cũ trên đường Điện Biên Phủ (Q.10, TP.HCM). Căn phòng chừng 10 m2, giá thuê 1 tháng 6 triệu đồng được ngăn làm hai đủ để 4 người có chỗ chui ra chui vào. Thu nhập ít ỏi nên anh Thái phải tiết kiệm tối đa chi phí sinh hoạt, trưa và tối sau giờ làm nếu không bận việc gì anh đều tranh thủ về phòng trọ nấu cơm ăn chứ không dám ăn ngoài.
Trò chuyện với những người bạn cùng phòng, chúng tôi được biết Thái được kết nạp Đảng từ lúc học cấp 3 ở Long Khánh (Đồng Nai) và có thành tích học tập rất ấn tượng. Khi học năm 3 Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Thái là 1 trong 3 sinh viên cả nước nhận được học bổng trong chương trình trao đổi sinh viên giữa các nước Đông Nam Á và có một kỳ học tại ĐH Quốc gia Singapore (National University of Singapore). Đáng chú ý, cùng thời điểm nhận học bổng đi Mỹ, anh còn nhận được học bổng học thạc sĩ đúng chuyên ngành xây dựng ở Ý trong vòng 2 năm do chính phủ Ý tài trợ 100%. Đây là học bổng bất cứ sinh viên nào cũng ao ước nhận được, bởi ngoài việc tài trợ học phí, chi phí sinh hoạt, mỗi năm học viên sẽ được cấp hơn 8.000 euro (hơn 200 triệu đồng). Sau khi ra trường, người nhận học bổng sẽ được lựa chọn làm việc tại 3 công ty hàng đầu của Ý.
Anh Thái tâm sự thời điểm nhận học bổng của chính phủ Ý diễn ra đồng thời với việc nhận học bổng đi Mỹ nên anh rất băn khoăn. Nhưng cuối cùng anh chọn học bổng đi Mỹ bởi thấy chương trình đưa ra rất hay và cũng mong muốn sau khi học về sẽ đóng góp vào việc xây dựng chương trình đô thị thông minh của TP.HCM. “Tôi chấp nhận làm nhà nước lương thấp nhưng nghĩ một chương trình hợp tác bài bản như vậy nên ít ra lương cũng phải được 10 triệu đồng/tháng để bảo đảm cuộc sống, nhưng không ngờ mức lương thấp như vậy và họ trả không đúng với quy định nhà nước nữa. Vừa rồi làm việc với chỗ ĐH Arizona, chị giám đốc ở đây hỏi tôi có người yêu chưa, tôi trả lời ngay cả cuộc sống tối thiểu hằng ngày còn chưa lo được sao dám nghĩ chuyện yêu đương”, anh Thái chia sẻ và cho biết với sự bố trí công việc không phù hợp, lương quá thấp khiến anh đang suy nghĩ có nên gắn bó lâu dài với công việc hiện tại hay không.
Mỗi suất học bổng trị giá 60.000 – 65.000 USD
Những thạc sĩ học ở Mỹ nói trên thuộc chương trình học bổng Grand Challenge do Intel tài trợ, nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho TP.HCM xây dựng đề án đô thị thông minh. Mỗi suất học bổng trị giá 60.000 – 65.000 USD gồm chi phí học tập và sinh hoạt. Nguồn tiền trên nằm trong khoản tài trợ 1 triệu USD của Intel cho dự án thành phố thông minh, được UBND TP.HCM triển khai giai đoạn 2017 – 2025. Theo thỏa thuận, sau khi tốt nghiệp các thạc sĩ này phải làm việc ít nhất 3 năm cho dự án đô thị thông minh của TP.HCM.
6 người nhận được học bổng là Phạm Quốc Thái, Đào Đoàn Duy, Hoàng Thị Khánh Hà, Hồ Hoàng Hải Nam, Nguyễn Quang Hưng, Lê Phước Trí. Những người này tốt nghiệp loại giỏi các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Huế. Họ đã học thạc sĩ ở ĐH Arizona từ tháng 7.2017 – 7.2018 với chuyên ngành liên quan tới dự án đô thị thông minh của TP.HCM như: GTVT, môi trường, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng…
Trong số 6 thạc sĩ nói trên, anh Hồ Hoàng Hải Nam và Lê Phước Trí có phần may mắn hơn khi được phân về Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn thuộc Sở GTVT với mức thu nhập khoảng 8,2 triệu đồng/tháng, có thể nói là tạm đủ sống, việc làm liên quan đến đô thị thông minh.
(còn tiếp)
Theo Thanh niên
Trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TP.HCM công bố điểm thi vào lớp 10 năm 2019
Sau khi công bố điểm thi, trường Trung học Thực hành Đại học Sư phạm TP.HCM sẽ đăng tải điểm chuẩn vào lúc 15 giờ ngày 14/6.
Trường lấy điểm theo nguyên tắc từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu tuyển sinh.
Trường Trung học Thực hành, Đại học Sư phạm TP.HCM nhận đơn phúc khảo điểm thi của học sinh đến 15 giờ ngày 13/6. Sáng mai trường tổ chức chấm phúc khảo sau đó công bố điểm chuẩn vào lúc 15 giờ ngày 14/6.
Thông báo của nhà trường về thời gian nộp đơn phúc khảo
Năm nay, Trường trung học thực hành sẽ tuyển 105 học sinh cho 3 lớp 10 chuyên: lớp chuyên toán, chuyên văn và chuyên Anh văn. Như vậy, tỉ lệ "chọi" trung bình vào lớp 10 chuyên Trường trung học thực hành năm nay là 1 "chọi" 10.
Để dự tuyển vào lớp 10 chuyên Trường trung học thực hành, học sinh phải tốt nghiệp THCS năm học 2018-2019 và xếp loại tốt nghiệp từ khá trở lên; xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học của các lớp 6,7,8,9 từ khá trở lên.
Ngoài ra, Trường trung học thực hành còn tuyển 190 học sinh lớp 10 thường (tương đương 5 lớp). Những thí sinh dự thi vào lớp 10 thường sẽ làm hồ sơ dự thi và thi tuyển theo lịch thi và đề thi của Sở GD-ĐT TP.HCM (diễn ra vào ngày 2 và 3-6).
Theo số liệu của Sở GD-ĐT TP.HCM, số thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 thường của Trường trung học thực hành cũng thuộc top trường có tỉ lệ "chọi" cao của thành phố. Năm nay, trường này có 495 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào lớp 10 thường, tỉ lệ "chọi" là 1/2,61.
Theo Trí Thức Trẻ
Chỉ cần tránh điểm liệt là đỗ lớp 10 nhiều trường THPT ở Thanh Hóa Trong khi nhiều trường thí sinh khá áp lực khi có đông học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 thì nhiều trường lại thiếu chỉ tiêu, thí sinh chỉ cần tránh điểm liệt là có thể đậu vào lớp 10 THPT. Thực tế, số học sinh chọn đi học nghề ngày càng tăng. Nghịch lý...