“Lẳng lơ” với Mỹ Nhật, Ấn Độ vẫn cần Nga
Ấn-Nga vừa bắt đầu cuộc tập trận không quân chung tại khu vực Astrakhan, gần biển Caspi của Nga, thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Thông cáo của Lực lượng Không quân Ấn Độ (IAF) cho biết cuộc tập trận Ex Avia Indra-2014 kéo dài 10 ngày (25/8-5/9), với sự tham gia của các máy bay Su-30MKI và trực thăng Mi-17 nhằm tăng cường hợp tác giữa lực lượng không quân hai nước.
Trước đó, lục quân và hải quân Ấn Độ và Nga đã tiến hành các cuộc tập trận INDRA nhưng đây là cuộc tập trận không quân đầu tiên giữa hai nước, được xem là dấu mốc lớn trong quan hệ hợp tác quân sự song phương.
Theo chương trình tập trận, phi công của IAF sẽ tham gia nhiệm vụ cùng phi công Nga trên máy bay chiến đấu Su-30SM, Mi-17 và Mi-35.
Video đang HOT
Lực lượng không quân hai nước cũng sẽ tham gia thảo luận về phòng không, trong khi binh sỹ vận hành tên lửa sẽ trao đổi kinh nghiệm và cùng tham gia tập trận phòng không.
Hình ảnh cuộc tập trận Indra 2014 giữa Nga và Ấn Độ
Đây là một trong số những cuộc tập trận liên tiếp trong thời gian gần đây giữa Nga và Ấn Độ. Vào tháng 7/2014, Nga và Ấn Độ đã thực hiện cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong lịch sử quan hệ hai nước mang tên Indra-2014. Giai đoạn chủ chốt của cuộc diễn tập được triển khai trong hai ngày 17-18/7, trên vịnh Peter Đại Đế thuộc vùng biển Nhật Bản.
Trước đó, hoạt động diễn tập “Tương tác biển 2014″, tương tự như Indra, cũng được hải quân Nga và Trung Quốc tiến hành vào cuối tháng 5 trên biển Hoa Đông.
Với Nga, những hoạt động trên đây đã cho thấy xu hướng xích lại gần các nước châu Á trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây lợi dụng cuộc khủng hoảng Ukraine để gia tăng trừng phạt cũng như những áp lực lên Nga.
Về phía Ấn Độ, nước này có nhiều lý do để gần gũi Nga. Thứ nhất, Ấn Độ đã có mối quan hệ chặt chẽ lâu đời với Nga. Trên thực tế, đây chính là nước lớn duy nhất công khai ủng hộ Nga trong việc sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014. Thứ hai, Ấn Độ đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vũ khí từ Nga và họ sẽ chẳng dại gì mà mạo hiểm đẩy Nga lại gần Bắc Kinh vì những “vấn đề toàn cầu” chẳng đem lại mấy lợi ích cho mình.
Đó cũng chính là lý do khiến Ấn Độ dù đang xích lại gần hơn với Mỹ, Nhật Bản nhưng vẫn không quên mối tình với Nga. Căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đặc biệt là tham vọng bá quyền của Trung Quốc khiến Ấn Độ tìm kiếm những liên minh mạnh mẽ hơn ngoài Nga, đó là liên minh với Mỹ – Nhật, những quốc gia được tạm coi là đối thủ hay đang đối đầu với Trung Quốc.
Quan hệ giữa Mỹ-Nhật-Ấn cũng được thắt chặt bởi các cuộc tập trận. Gần đây là cuộc tập trận Malabar trên Thái Bình Dương kéo dài 1 tuần vào cuối tháng 7/2014. Trong chuyến thăm New Delhi của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi tháng 1/2014, Ấn Độ và Nhật Bản, hai nước nhất trí tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng và tiến hành tập trận hải quân thường xuyên. Còn Thủ tướng Ấn Độ Modi ngay khi mới lên nhậm chức đã lựa chọn Nhật Bản là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình.
Trong khi đó, Washington cũng có cái cớ để thân Ấn khi họ đang ngày càng chú trọng tới an ninh châu Á. Mỹ muốn ngăn chặn ảnh hưởng và sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Mục tiêu này phần nào trùng với mong muốn của Ấn Độ. Thế nên Ấn Độ đã chủ động tham gia liên minh của Mỹ, hình thành sợi xích hoàn hảo quấn quanh Trung Quốc, gồm: Ấn Độ – Úc – Philippines – Hàn Quốc – Đài Loan – Nhật Bản. Đường ra biển của Trung Quốc bị chặn từ đây.
Dĩ nhiên với thái độ trung lập và đường lối ngoại giao thông minh, Ấn Độ sẽ rất linh hoạt trong mối quan hệ với Nga và Mỹ-Nhật, tránh để xảy ra những tổn thương không đáng có vì sự đối đầu giữa Nga và Mỹ.
Theo Đất Việt