Láng giềng gần… hóa xa
Mâu thuẫn đỉnh điểm, người đàn ông vung con dao ra đánh chị hàng xóm bị thương. Nghĩa tình làng xóm bị cắt đứt, họ lôi nhau ra tòa nhờ pháp luật phân xử…
Ông Nguyễn Văn Vinh tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra vào ngày 12/11.
Ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1962, xóm 4, Tân Hương, Tân Kỳ, Nghệ An) ngồi co ro trên hàng ghế dành cho bị cáo, cố gắng phân trần với tôi rằng ông không ngờ sự thể lại đến mức này. Ông hối hận lắm, phải chi biết kiềm chế thì đâu đến mức phải dính vào vòng lao lý như bây giờ.
Hối hận nhưng khi có người khuyên ông tới xin lỗi bị hại một câu, ông bảo “Tôi là đàn ông mà lại xin lỗi đàn bà thì… ngại lắm”. Nói thì nói thế nhưng rồi ông cũng đi lại chỗ bị hại. Ông chỉ ngồi mép ghế, cách bà hàng xóm một đoạn, khó khăn lắm để nói ra những lời xin lỗi mà người đàn ông như ông chưa bao giờ mở lời.
Giữa nhà ông Vinh và bà Nguyễn Thị Hoài vốn có một con đường đi chung. Khi ông Vinh mở cổng hướng khác thì con đường này chỉ còn gia đình bà Hoài đi lại. Dù vậy, ông vẫn “mặc định” một nửa con đường là của mình. Hai gia đình không ít lần nặng nhẹ với nhau vì con đường này. Chiều 16/3/2014, khi xách dao rạ ra đồng phát bờ ruộng ông Vinh thấy bà hàng xóm đang trồng khoai môn trên đường, mép phía nhà mình nên lên tiếng “không được trồng trên đất của tau”.
Bà hàng xóm cũng gân cổ lên “đất choa, choa trồng”. Ông Vinh chửi lại rồi vung con dao lên đánh trúng vào đầu bà hàng xóm. Bị đánh, bà hàng xóm nhặt cọc rào đánh vào cằm ông Vinh. Bị đánh rơi cái cọc rào, bà Hoài lao vào giữ con dao trên tay ông Vinh thì bị ông này dùng sống dao đánh nên đưa tay lên đỡ đồng thời áp sát, đẩy ông hàng xóm ngã xuống bờ đất. Lúc này bà Hoài mới thấy tay mình bị chảy máu, đau nhức nên bỏ chạy về nhà, gọi người đưa lên trạm xá.
Bà Nguyễn Thị Hoài – bị hại trong vụ án, cũng là hàng xóm của ông Vinh tranh luận tại tòa.
“Sau khi sự việc xảy ra, tôi có nhờ anh em qua nhà chị Hoài thông cảm và bàn chuyện bồi thường nhưng họ đòi cao quá, những 45 triệu thì tôi lấy đâu ra?”. Tức khí, ông cũng bỏ luôn ý định xin lỗi, hòa giải cho đến khi nhận được “trát” gọi hầu tòa. Với việc gây thương tích 6% cho bà Hoài, ông Vinh bị TAND Tân Kỳ tuyên phạt 6 tháng tù giam, buộc phải bồi thường cho bị hại gần 20 triệu đồng.
“Tôi mà đi tù thì ai lo cho thằng con đang học đại học năm thứ 3?” ông phân trần về lý do xin giảm án. Sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, ông cũng cố gắng đền bù trước cho nhà bà Hoài 5 triệu đồng, số còn lại xin khất rồi viết đơn kháng cáo lên cấp cao hơn.
Những người tham dự phiên tòa xúm quanh bà Hoài, động viên bà suy nghĩ, tha thứ cho ông Vinh. Bà rầu rĩ: “Thật tình tôi không muốn lôi nhau ra tòa như thế này nhưng gia đình ông ấy quá thể lắm. Ai đời đánh tôi chảy cả máu đầu, bị thương 3 ngón tay mà chẳng được một lời thăm hỏi gọi là”.
Video đang HOT
Khi những người dự khán phiên tòa vốn chẳng quen biết gì hai người mong bà nghĩ đến tương lai thằng con đang học đại học của ông Vinh mà mở lời tha thứ cho ông, bà cúi xuống ra chiều suy nghĩ lung lắm. Bà cũng chạnh lòng bởi 3 đứa con của bà vì khó khăn nên chẳng có đứa nào dược học hành đến nơi đến chốn. “Tui cũng thương hắn nhưng mà tôi ức ông bà Vinh”, bà cố gắng “vớt vát”.
Ông Vinh đền bù tại tòa cho bà Hoài thêm 3 triệu đồng, đây là một trong những căn cứ để HĐXX xem xét giảm từ tù giam sang tù treo cho bị cáo.
Khi ông Vinh mở lời xin lỗi bà Vinh và đền bù ngay tại phiên tòa thêm 3 triệu đồng nữa, bà Hoài cũng chịu đồng ý xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho ông hàng xóm. “Chúng tôi là hàng xóm, chẳng phải như vạn đò, không thích ở sát nhau nữa thì chống đò đi chỗ khác. Người ta sai, người ta nhận lỗi rồi, hai nhà cùng làng, cũng xóm, ra gặp, vào chạm. Thôi thì…”, bà Hoài chép miệng.
Ông Vinh được giảm án từ tù giam xuống 6 tháng tù treo, thử thách 12 tháng. Cầm 3 triệu đồng ông hàng xóm vừa giao, bà Hoài rời khỏi phiên tòa, khuôn mặt đã giãn ra, nom nhẹ nhõm hơn.
Ông Vinh và vợ cũng lật đật ra về cho kịp chuyến xe. “Tôi chừa một đời cô ạ. Cái việc bé mà xé thành to, thân mang tội, lại còn con cái nữa. Đúng là không có cái dại nào bằng cái dại nào”, ông lắc đầu. Hai gia đình lục đục kéo nhau ra khỏi tòa án, họ đi lướt qua nhau, chẳng ai nhìn ai. Hố sâu ngăn cách giữa hai nhà hàng xóm không biết đến bao giờ mới lấp đầy?
Hoàng Lam
Theo Dantri
Quân đội Trung Quốc đã quá suy yếu vì tham nhũng?
Khi căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước châu Á liên quan đến chủ quyền biển đảo đang ngày một gia tăng, không ít sỹ quan quân đội Trung Quốc đang tỏ ra hoài nghi về khả năng chiến đấu và chiến thắng của quân đội do nạn tham nhũng tràn lan.
Những tháng gần đây, một loạt bài viết trên các tờ báo và phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã được tung ra, song hành với cuộc chiến chống tham nhũng đang ngày một nóng trong quân đội nước này.
Từ Tài Hậu, nguyên phó chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc đã bị điều tra tham nhũng
Một trong những chủ đề được bàn thảo đó là tham nhũng trong quân đội phải chịu trách nhiệm ra sao về thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến với Nhật 120 năm trước. Mối lo ngại là rất rõ ràng nhất là khi quân đội nước này được hiện đại hóa nhanh chóng, từ việc phát triển chiến đấu cơ tàng hình, tới sự xuất hiện của tàu sân bay đầu điên năm 2012.
Với một ngân sách quốc phòng "khủng", chỉ xếp sau Mỹ, quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng xuống Biển Đông ở phía Nam, và sang biển Hoa Đông, gây bất ổn cho khu vực, thậm chí với cả Washington.
Tuy nhiên, hai vụ bê bối lớn đã làm lộ rõ tình trạng tham nhũng đã ăn sâu vào PLA - một mục tiêu lớn trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Hồi tháng 6 vừa qua, Trung Quốc khẳng định sẽ đưa tướng Từ Tài Hậu, người từng giữ chức phó chủ tịch Quân ủy trung ương cho tới khi nghỉ hưu năm 2013, ra tòa án binh vì nhận hối lộ.
Đầu năm nay, nước này cũng đã khởi tố một trong những tay chân của ông Từ là thiếu tướng Cốc Tuấn Sơn, nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần của PLA vì tội tham nhũng. Ông Cốc bị sa thải từ năm 2012, sau khi bị phát hiện "bán" hàng trăm vị trí trong quân đội, trục lợi hàng triệu USD nhờ được quyền bổ nhiệm, cất nhắc nhiều sỹ quan, quản lý các hợp đồng phát triển trên đất đai do quan đội sở hữu.
Điều khiến một số vị tướng và chuyên gia quân sự Trung Quốc lo lắng đó là, việc mua bán các chức vụ cấp cao - vốn từ lâu là một bí mật mà ai cũng biết - đã dẫn tới việc người tài bị gạt sang một bên.
"Bất kể bạn chi cho quân đội lớn ra sao, sẽ không bao giờ là đủ nếu những quan chức tham nhũng này không ngừng xuất hiện", thiếu tướng Luo Yuan, một trong những người có nhiều bài viết đáng chú ý về quân sự tại Trung Quốc khẳng định.
"Những khoản tiền bị biển thủ bởi các quan chức tham nhũng như Từ Tài Hậu và Cốc Tuấn Sơn lên đến hàng trăm triệu hay hàng tỷ nhân dân tệ. Chúng ta có thể sản xuất bao nhiêu chiến đấu cơ với số tiền đó? Nếu tham nhũng không bị loại trừ, chúng ta sẽ bị đánh bại ngay từ trước khi ra trận", vị tướng về hưu nhận định.
Bài học từ quá khứ
Mới đây Chủ tịch Tập đã yêu cầu lực lượng vũ trang với khoảng 2,3 triệu quân, lớn nhất thế giới, cần sẵn sàng chiến đấu, cho dù Bắc Kinh vẫn nhấn mạnh rằng họ muốn quan hệ hòa bình với các quốc gia láng giềng.
Quân đội Trung Quốc đông đảo nhưng tham nhũng tràn lan
Lần gần nhất các lực lượng của Trung Quốc bị thử thách thực sự là vào năm 1979, khi họ đưa quân vào Việt Nam trong cuộc chiến tranh Biên Giới. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters của Anh, PLA đã bị bầm dập trước các binh sỹ được tôi rèn qua thực tiễn chiến trường của Việt Nam.
Từ cuối những năm 1990, Trung Quốc đã tăng cường trấn áp tham nhũng trong quân đội bằng cách cấm PLA tham gia các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, những năm gần đây, quân đội lại tham gia vào các hoạt động kinh tế, do sự buông lỏng kiểm tra và mất cân đối, các nguồn tin cho hay.
Đối với những sỹ quan hối lộ để thăng tiến, tham nhũng là một cách để thu lời từ khoản đầu tư của họ, các chuyên gia quân sự cho biết. Ví dụ về tham nhũng có thể thấy từ việc quân đội cho các công ty tư nhân thuê đất, bán biển số quân đội, việc cư trú bất hợp pháp trong các chung cư của PLA hoặc nhận lại quả mỗi khi mua sắm thiết bị hay lương thực, thực phẩm.
Khẳng định quyết tâm bài trừ các hình thức tham nhũng này, ông Tập dự kiến sẽ đưa tướng Liu Yuan, một người từng đưa ra tố giác trong năm 2012, mở đường cho việc điều tra tham nhũng đối với ông Từ và ông Cốc, vào Quân ủy trung ương. Ông Liu hiện giữ chức chính ủy của Cục hậu cần PLA.
"Tham nhũng trong quân đội rõ ràng phải bị loại trừ, điều này là bắt buộc vì sự phát triển của các lực lượng vũ trang", một cựu sỹ quan cấp cao về hưu giấu tên khẳng định.
Báo giới Trung Quốc thời gian qua đã đề cập nhiều tới việc nạn tham nhũng từng là nguyên nhân chính yếu ra sao, góp phần vào thất bại của Trung Quốc trong cuộc chiến với Nhật thời nhà Thanh. Điều này mới đây đã được Trường đảng trung ương của Trung Quốc khơi lại trong một bài báo hồi tuần trước.
"Dưới triều Thanh...quân đội xuống cấp không thể chấp nhận khi kỷ luật lỏng lẻo, huấn luyện chiếu lệ, bài bạc, thường xuyên lui tới lầu xanh, hút thuốc phiện và các hoạt động lố lăng khác lan tràn", bài báo viết.
Đề tài này đã được các cơ quan trong quân đội Trung Quốc thảo luận rất nhiều.
"Tham nhũng trong quân đội đang ở mức nguy hiểm chưa có tiền lệ", thiếu tướng Kun Lunyan, một nhà bình luận có tiếng trong quân đội Trung Quốc khẳng định. "Liệu chúng ta có muốn bi kịch lịch sử này lặp lại với quân đội của chúng ta hay không?", Kun viết, và lưu ý rằng các binh sỹ ngày nay "ghê tởm" thực tế rằng họ chỉ có thể thăng tiến nếu "họ dựa vào tiền để mua chức vụ".
Thanh Tùng
Tổng hợp
Theo Dantri
Úc, Indonesia nối lại hợp tác tình báo, quân sự sau thời kỳ "sóng gió" Úc và Indonesia đã nhất trí phục hồi hợp tác tình báo và quân sự, giới chức từ cả hai nước hôm nay cho biết, chấm dứt một cuộc tranh cãi vốn bùng phát hồi cuối năm ngoái xung quanh chuyện Indonesia giận dữ vì bị Úc nghe lén. Thủ tướng Úc Tony Abbott (trái) và người Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono...