Lắng đọng cùng hội thi “Văn hay chữ tốt” cấp thành phố năm học 2018-2019
Hội thi nhằm giúp học sinh trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp, thể hiện bản thân, biết quan tâm, chia sẻ và bày tỏ tình yêu thương với bạn bè.
Sáng 11-1, tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã diễn ra hội thi “Văn hay chữ tốt” cấp thành phố lần thứ 19 năm học 2018-2019. Hội thi năm nay, ngoài 144 thí sinh xuất sắc nhất được tuyển chọn từ vòng thi cấp quận, huyện, cuộc thi còn có sự tham dự của 24 học sinh hòa nhập đến từ hai trường THCS Lạc Hồng và THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10).
Theo đó, mỗi nhóm gồm 6 học sinh ở các quận, huyện sẽ có cơ hội giao lưu, chia sẻ tâm tư, tình cảm với một học sinh hòa nhập. Cô Lương Du Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám cho biết, các em học sinh hòa nhập được phân ngẫu nhiên vào các nhóm thí sinh của các quận, huyện. Trước đó, các em không hề biết tên tuổi, tình trạng khuyết tật của bạn mà phải tự làm quen, trao đổi.
Ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Ngữ văn, Phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP cho biết, hoạt động nói trên nhằm giúp học sinh trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp, thể hiện bản thân, biết quan tâm, chia sẻ và bày tỏ tình yêu thương với bạn bè.
Sau khi làm quen, kết nối suy nghĩ với các bạn học sinh hòa nhập, các nhóm thí sinh có thể lựa chọn một trong các hoạt động gồm: cùng bạn vui chơi, ăn sáng tại căng tin để tìm hiểu về nhau một cách tự nhiên, vui vẻ nhất; cùng bạn vẽ tranh, làm thiệp, tô màu, xé giấy dán tranh; hướng dẫn bạn tham quan đường sách, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố để cùng nhau chụp hình, mua sách và bưu thiếp tặng bạn; cùng nhau tham quan Trường THPT Trần Đại Nghĩa, mua quà lưu niệm có sẵn tại căng tin như gấu bông, thiệp chúc mừng, hộp bút tặng bạn.
Cùng bạn chia sẻ tâm tư, tình cảm qua những tấm thiệp “thay lời muốn nói”
Thông qua các hoạt động, học sinh sẽ được nâng cao kỹ năng quan sát, lắng nghe các sự kiện, sự việc trong cuộc sống để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và biết sử dụng số tiền ban tổ chức phát cho mỗi quận, huyện (200.000 đồng/nhóm gồm 6 thí sinh) một cách có ý nghĩa nhất.
Video đang HOT
Nhóm học sinh quận 12 vẽ tranh tặng bạn
Tại nhóm thí sinh đến từ quận 12, sau khi làm quen, trò chuyện với bạn Võ Thái Học, học sinh lớp 8/3, Trường THCS Lạc Hồng, biết được hoàn cảnh và những thiệt thòi về thể chất của bạn sau một cơn sốt vào năm học lớp 3, cả nhóm đã quyết định làm chung một tấm thiệp tặng bạn với chủ đề “Ước mơ”. Thông qua những lời chúc ghi trong tấm thiệp, ước mơ trở thành giáo viên dạy Toán của Thái Học được tiếp thêm sức mạnh.
Nhóm thí sinh quận 8 với niềm vui tặng bạn gấu bông
Tương tự, với nhóm thí sinh đến từ huyện Củ Chi, các em đã thiết kế một tấm thiệp với chủ đề “Đón tết vui” và vẽ tặng người bạn khuyết tật của mình bức tranh với tên gọi “Tỏa bóng yêu thương”. Trên những cành cây vươn cao mạnh mẽ đó, thay cho lá, hoa là những trái tim với mong muốn gửi gắm những tình cảm yêu thương.
Nhóm học sinh quận 2 cùng tham quan đường sách và gửi tặng sách đến người bạn kém may mắn
Cô Trần Thị Diễm, chuyên viên môn Ngữ văn, Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi đánh giá cao sự đổi mới trong cách tổ chức các hoạt động của ban tổ chức. “Nếu như các năm trước đây, cuộc thi cũng hướng đến các hoạt động trải nghiệm như tham quan di tích văn hóa, lịch sử, một số công trình kiến trúc nổi bật của thành phố thì năm nay, thông qua hoạt động giao lưu với các bạn học sinh hòa nhập, các em không chỉ được bổ sung thêm kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, biết cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn”, cô Diễm bày tỏ.
Tấm thiệp gửi đến bạn Đỗ Trung Kiên, học sinh hòa nhập lớp 6/6, Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10)
Riêng với nhóm thí sinh của quận 8, điều đặc biệt là trong 6 thành viên tham gia cuộc thi có em Phạm Bảo Phi, học sinh lớp 8/8, Trường THCS Tùng Thiện Vương cũng bị yếu chân và phải dùng xe lăn để di chuyển. Tham gia hội thi năm nay, Phi được cha “hộ tống” đến địa điểm thi.
Từ sự đồng cảm của những người khuyết tật, Phi đã nhanh chóng làm quen và chia sẻ với bạn Thành Nhân, học sinh hòa nhập đến từ Trường THCS Lạc Hồng. Khi cả nhóm quyết định mua quà tặng Thành Nhân, các em cũng mua thêm một chú gấu bông tặng Bảo Phi với lời chúc hai bạn thật nhiều sức khỏe.
Kết thúc hoạt động giao lưu, tìm hiểu, tất cả thí sinh quay trở về phòng thi thực hiện bài viết theo chủ đề cho sẵn của ban tổ chức.
Dự kiến, lễ trao giải và công bố các bài thi đoạt giải sẽ diễn ra tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa vào sáng 12-1.
THU TÂM
Theo sggp
96,9% học sinh cho rằng nên dùng mạng xã hội
Đó là kết quả khảo sát từ đề tài nghiên cứu khoa học về tác động của mạng xã hội (MXH) và xây dựng bộ cẩm nang sử dụng hiệu quả dành cho học sinh trung học của hai học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM).
Hai học sinh lớp 8 nghiên cứu về MXH - B.THANH
Cần cẩm nang sử dụng MXH hiệu quả
Từ thực tế quan sát thấy lứa tuổi học trò hầu hết đều sử dụng MXH, Trần Đoàn Khánh Vân và Nguyễn Ngọc Trâm Anh (học lớp 8A16, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) có mong muốn giúp bạn bè mình có thể sử dụng nó một cách hiệu quả nhằm tránh những tác động không tốt cho sức khỏe, tinh thần và học tập.
Và bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10.2018, 2 học sinh trên đã thu thập thông tin, thực hiện khảo sát bằng bảng câu hỏi, phỏng vấn trực tiếp về tác động và biện pháp sử dụng hiệu quả của MXH với gần 800 học sinh từ lớp 7 đến lớp 9 tại các trường: THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THCS Nguyễn Du, THCS Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM)
Theo kết quả khảo sát do Nguyễn Ngọc Trâm Anh cung cấp, phần lớn học sinh đều sử dụng MXH (94,4%), trong đó sử dụng Facebook là phổ biến nhất (88,8%), Instagram (38,2%). Có 39% trong tổng số học sinh tham gia khảo sát cho biết sử dụng MXH từ 1 đến 2 giờ/ngày và thường dùng MXH lúc rảnh (41,1%), khi có việc (13,4 %), mọi thời gian (4,7%).
Đồng thời, khi khảo sát và phỏng vấn, nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu cho biết đa phần các bạn học sinh sử dụng MXH cho việc học tập (87,6%), 96,9% học sinh cho rằng MXH vừa có lợi vừa có hại. Và cùng đưa ra ý kiến các mặt lợi của MXH như là: Giao lưu, trao đổi với bạn bè, người thân, rút ngắn khoảng cách địa lý giữa mọi người, phục vụ cho việc học tập, giải trí sau những ngày học tập căng thẳng..., và chỉ ra các mặt không tích cực là nếu sử dụng nhiều dễ gây nghiện, dễ bị trầm cảm, mất thời gian... Đặc biệt có đến 96,9% học sinh tham gia khảo sát cho rằng học sinh nên sử dụng MXH và đồng ý về việc xây dựng bộ cẩm nang sử dụng MXH hiệu quả.
Vừa học tập vừa sử dụng MXH lành mạnh
Căn cứ những thông tin đã tìm hiểu, Trần Đoàn Khánh Vân cho biết đã thực hiện bộ cẩm nang sử dụng MXH với các nội dung như: Sử dụng có thời gian chừng mực, mục đích nhất định; không theo dõi, tương tác với người lạ, không theo dõi những tổ chức, trang có nguồn thông tin không chính xác, phản cảm, không nói tục, chửi thề, thể hiện sự thiếu văn hóa trên MXH...
Khánh Vân nói thêm, MXH là công cụ nhằm kết nối mọi người lại với nhau, giúp thu hẹp khoảng cách địa lý cùng nhiều lợi ích khác như trao đổi công việc, học tập; tìm kiếm thông tin; giải trí,... Tuy nhiên, đối với nhiều người, nhất là các bạn học sinh, hay bị sao nhãng giữa MXH với việc học tập, làm việc. Điều đó khiến cho các bậc cha mẹ học sinh lo ngại về tần suất sử dụng MXH của con mình sẽ ảnh hưởng đến việc học. Vì thế, để có thể vừa học tập, làm việc hiệu quả vừa sử dụng MXH lành mạnh, các bạn học sinh nên đặt ra mục đích của mình khi sử dụng nó. Từ đó, triển khai sử dụng MXH theo đúng mục đích đề ra. Khi đó, các bạn có thể vừa sử dụng MXH lành mạnh vừa bảo đảm việc học tập của mình.
Sau quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu của mình, 2 học sinh của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chia sẻ: "MXH là nơi để chúng ta tìm kiếm thông tin, trao đổi và cũng là nơi để các bạn học sinh thể hiện cá tính và quan điểm của mình. Nếu các bạn có khả năng viết lách hay vẽ tranh, các bạn hoàn toàn có thể đăng tải những bài thơ, bài văn hay những bức tranh do chính mình tự vẽ. Việc tạo màu sắc cho trang cá nhân và việc sử dụng đúng cách giúp các bạn có cá tính hơn, giúp các bạn nổi bật hơn so với người khác. Bên cạnh đó, việc làm trên giúp các bạn tự tin bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, giúp các bạn trưởng thành hơn trong cuộc sống".
Theo thanhnien
Tăng cường phòng ngừa hành vi xâm hại trẻ em trong trường học Sở GD&ĐT Sơn La vừa yêu cầu các phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở đẩy mạnh thực hiện lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về giới tính và các kỹ năng phòng ngừa hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, học sinh, nhất là xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh minh họa/internet Nhấn mạnh chú trọng...