Lan tỏa văn hoá đọc trong nhà trường
Thư viện trường học đã và đang góp phần lan toả văn hoá đọc trong các nhà trường ở tỉnh Nam Định. Tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, thư viện nhà trường được đầu tư xây dựng để tạo hứng thú với việc đọc sách của học sinh.
Học sinh và GV Trường THCS Hải Lý cùng đọc sách trong thư viện trường
Ngoài chức năng phục vụ đọc sách, thư viện còn là không gian học tập đa chức năng. Ở nhiều trường học, thư viện được các góc học tập gồm cả sách khoa học, vật dụng thí nghiệm, dụng cụ và vật liệu sáng tạo mô hình, tranh vẽ.
Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định cho rằng: Trong thời đại công nghệ phát triển, việc tìm kiếm thông tin qua Internet được nhiều người lựa chọn vì tính năng nhanh nhạy. Đây là ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm nếu học sinh quá phụ thuộc vào việc lấy thông tin trên các thiết bị thông minh.
Để hạn chế việc đó, phát triển thư viện truyền thống là việc cần làm. Thực tế cho thấy, đọc sách và thư viện vẫn là nguồn cung cấp thông tin có giá trị đối với nhà trường và học sinh. Vấn đề là các nhà trường và mỗi học sinh biết kết hợp khai thác một cách hiệu quả giữa việc đọc sách trong thư viện truyền thống và Internet để việc dạy và học đạt hiệu quả tốt nhất.
Thầy Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý, huyện Hải Hậu cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực tốt nhất để khai thác hiệu quả của thư viện. Với học sinh cấp THCS, trường phát động phong trào đọc sách cho các em; vận động phụ huynh đừng để con em mình quá lệ thuộc vào điện thoại thông minh. Thật mừng là học sinh nhà trường rất thích đến đọc sách trong thư viện.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc đọc sách. Ngoài việc lên thư viện của trường, các GV của trường đều sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin. Tôi cho rằng Interrnet có lợi thế nhanh và dễ kiếm tìm, nhưng thư viện truyền thống vẫn có một nền tảng vững chắc, thực sự cần thiết. Chỉ có sách trong thư viện mới là nguồn tư liệu chuẩn trái với thông tin trên mạng nhiều khi có những sai sót và độ tin cậy không được bảo đảm”.
Thư viện của Trường Tiểu học Trần Tế Xương (TP Nam Định) là hình mẫu cho một thư viện truyền thống hấp dẫn học sinh đến đọc sách. Một không gian đầy chất giáo dục và mang màu sắc văn hoá với những bức tranh, dòng chữ được vẽ viết trên tường hết sức sinh động thể hiện nội dung theo từng chủ đề. Cô Bùi Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Thư viện giúp cho việc đọc sách thường xuyên để các em học sinh vừa rèn luyện kỹ năng đọc lại bổ sung thêm nhiều kiến thức, giúp các em ham đọc sách và hứng thú trong học tập hơn”.
Video đang HOT
Để nâng cao hiệu quả của các thư viện cũng như hiệu quả cho việc tìm kiếm thông tin của học sinh, Sở GD&ĐT Nam Định và các Phòng GD&ĐT đã có chỉ đạo tăng cường nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên về vai trò của thư viện trong trường học và văn hóa đọc; cũng như có những quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho thư viện trường học để duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục. Nói như NGƯT Cao Xuân Hùng, khi lan toả văn hoá đọc, cũng đồng nghĩa với nâng cao chất lượng dạy – học trong các nhà trường.
Hạ An
Theo giaoducthoidai
Để thư viện không thành kho chứa sách
Thư viện trường học là một trong những yếu tố cấu thành chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng phát huy được lợi thế này vào quá trình giáo dục khi khó khăn thách thức từ thực tế chưa được tháo gỡ.
Đẩy mạnh văn hóa đọc trường học góp phần nâng cao chất lượng dạy học
Trăn trở thư viện trường vùng khó
Thầy Phạm Văn Tường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Mậu Long, xã Mậu Long huyện Yên Minh, Hà Giang chia sẻ: Trường có tổng số 882 HS và 16 điểm trường. Tuy nhiên do khó khăn về mọi mặt nên tới nay chỉ 352 HS và hơn 30 GV tại điểm trường chính có cơ hội nghiên cứu, học tập tại thư viện. 15 điểm trường lẻ vẫn trong tình trạng "trắng" thư viện và góc văn hóa đọc.
Theo thầy Tường, thư viện nhà trường không chỉ thiếu phòng đọc, đầu sách truyện hạn chế và không phong phú... mà còn không có nhân viên chuyên trách. Công tác thư viện hiện nay vẫn do 2 GV vừa dạy học vừa đảm nhiệm.
2 GV này có thể đảm bảo những công việc cơ bản nhất của thư viện là mở cửa đúng giờ, ghi chép người mượn trả sách, thống kê số lượng, thiết bị dạy học... nhưng về chuyên môn sâu cho công tác thư viện thì chắc chắn không thể đảm bảo. Các hoạt động để kích thích văn hóa đọc trong GV, HS, thúc đẩy GV nâng cao kĩ năng nghiệp vụ, tự bồi dưỡng kiến thức qua thư viện cũng bị bỏ ngỏ.
Tại Trường PTDTBT TH Ma Li Pho xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ - Lai Châu, đến nay, thư viện trường học cũng có không ít khiếm khuyết cần tháo gỡ. Cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Số đầu sách tham khảo cho GV hiện nay còn hạn chế và chưa phong phú về thể loại. Hàng năm, nhà trường trích từ chi thường xuyên để đầu tư cho thiết bị dạy học nhưng đầu tư cho thư viện chỉ một phần nhỏ và chỉ tập trung chính vào sách, truyện cho HS.
Cũng như nhiều trường vùng khó, Trường PTDTBT TH Ma Li Pho không có nhân viên chuyên trách làm công tác thư viện. Trường phải cắt cử 1 GV kiêm nhiệm. Thậm chí, trong quá trình GV kiêm nhiệm nghỉ chế độ thai sản thì nhà trường phải tăng cường cả phó hiệu trưởng đảm nhiệm tạm thời.
Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng... khiến thư viện trường học vùng khó rơi vào tình trạng hoạt động trầm lắng. Ít, thậm chí không có GV, HS tới thư viện hằng ngày để đọc sách. Vai trò của thư viện mờ nhạt, và không trở thành một kênh cập nhật, bổ sung kiến thức hiệu quả cho GV, HS. "Để duy trì và phát triển văn hóa đọc cho 302 HS, 34 GV và PHHS, nhà trường phải tăng cường các hoạt động hỗ trợ như: Tiết học thư viện (1tuần/tiết); Tổ chức thư viện xanh; Thư viện ngoài trời; Tổ chức ngày hội đọc sách" - Cô Hằng cho biết.
Có thể thấy, điểm chung về thư viện trường học vùng khó là thiếu về cơ sở vật chất, số lượng đầu sách, nhân viên chuyên trách thư viện. Những hạn chế này khiến vai trò của thư viện trường học không được phát huy hiệu quả.
Có thể nói, đa số thư viện các trường học vùng khó đang ở trong tình trạng không đảm bảo cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng sách giáo khoa, sách nghiệp vụ của GV, sách tham khảo dùng chung cho HS... Vấn đề thiếu nhân viên chuyên trách và phải "lấp" bằng GV bộ môn, nhân viên y tế, hiệu phó làm kiêm nhiệm công tác thư viện... cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hoạt động. Thiếu đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động thư viện kết hợp với sự nghèo nàn, sơ sài nội dung hình thức càng khiến thư viện trường học xa rời với GV, HS và kém phát huy hiệu quả.
Mặt khác, số GV, HS hình thành được thói quen đọc sách thường xuyên và có mục tiêu chưa nhiều, tình trạng HS lười đọc sách, dành thời gian ít ỏi cho sách... không chỉ dẫn tới thiếu hụt tri thức mà vai trò của thư viện trở nên nhạt nhòa.
Trong thư viện. Ảnh: INT
Phát huy hiệu quả bằng cách nào?
Trong những năm qua, vai trò của công tác thư viện đã được ngành giáo dục, các địa phương, nhà trường nhìn nhận và có sự đầu tư nhất định. Song để bắt nhịp với xu thế đổi mới hoạt động thư viện trường học, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường; đáp ứng được yêu cầu bổ sung kiến thức, nâng cao phương pháp nghiệp vụ giảng dạy của GV trong quá trình đổi mới CT và SGK... vẫn đòi hỏi phải có sự đầu tư hơn nữa cho thư viện trường học.
Thầy Đỗ Quang Tám - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Thắng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) khẳng định: Hoạt động thư viện nếu không đạt hiệu quả sẽ lãng phí ngân sách. Thư viện không thúc đẩy được nhu cầu đọc sách của GV, HS thì chỉ là "kho" chứa sách...
Theo thầy Tám, để phát huy vai trò của thư viện, về phía nhân viên thư viện phải thật sự trăn trở với trách nhiệm mà ngành yêu cầu, đó là định hướng, hình thành và phát triển văn hóa đọc cho HS; đồng thời cần nghiên cứu, đổi mới phương pháp phục vụ bạn đọc, tìm ra con đường ngắn nhất để đưa HS tiếp cận tri thức, sách, báo một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất...
Đối với các nhà trường, tổ chuyên môn cần phát động phong trào XHH các hoạt động thư viện nhằm quyên góp sách báo, kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất... cho thư viện. Cùng với đó, cần động viên, khích lệ GV đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, ham thích tìm tòi tư liệu phục vụ học tập của HS...
BGH các nhà trường cần chỉ đạo kịp thời, sát với thực tế, đôn đốc nhắc nhở, động viên những định hướng để tạo động lực giúp cho nhân viên thư viện và các bộ phận thực hiện tốt nhiệm vụ...
Cô giáo Bùi Thị Hường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng (huyện Si Ma Cai, Lào Cai), với kinh nghiệm xây dựng thư viện đạt chuẩn quốc gia cũng chia sẻ: Nâng cao hoạt động thư viện, hỗ trợ thiết thực cho dạy và học là đòi hỏi tất yếu trong quá trình đổi mới giáo dục. Như vậy, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao, sự linh hoạt trong hoạt động tổ chức thư viện ngay từ BGH.
Tại Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng, giờ mở cửa thư viện được thực hiện nghiêm chỉnh. GV, HS được tạo điều kiện mượn sách về đọc tại nhà. Một lượng lớn sách tham khảo của GV được tăng cường từ các nguồn XHH, không mất kinh phí mua. Trường cũng tổ chức nhiều mô hình thư viện (Thư viện xanh, thư viện ngoài trời), qua đó HS được tiếp cận và tạo cơ hội đọc sách từ ngoài trời đến nhà chòi, góc cầu thang, trong lớp...
Đến nay, việc tổ chức tốt các mô hình thư viện trong trường học đã giúp Trường PTDTBT TH số 1 xã Sín Chéng nâng cao chất lượng dạy học; tăng cường khả năng tiếng Việt cho HS dân tộc; bổ sung kiến thức cho GV và HS; nhiều HS đã đạt được thành tích cao qua các cuộc thi sáng tạo khoa học cấp tỉnh và quốc gia... Thư viện đã thực sự phát huy được vai trò trong hoạt động giáo dục khi được tổ chức và vận hành đúng cách, hiệu quả.
Đức Trí
Theo GDTĐ
Hiệu quả thư viện trường học Nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, đổi mới thư viện trường, giúp học sinh (HS) hình thành thói quen đọc sách, kỹ năng học tập suốt đời. Thư viện Trường Tiểu học Đông Cương (TP Thanh Hóa) thu hút nhiều học sinh. Ở Trường Tiểu...