Lan tỏa tình yêu sách tới cộng đồng
Tôi gặp Đỗ Hà Cừ, sinh năm 1984, Chủ nhiệm Câu Lạc bộ “ Không gian đọc hy vọng”, ở tổ 19, phường Trần Lãm, TP Thái Bình (Thái Bình) ngày anh vừa nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ tại Hội nghị tuyên dương “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng” do Bộ Lao đông – Thương binh va Xa hôi tổ chức năm 2020.
Không giấu nổi niềm vui, Cừ chia sẻ: “Phần thưởng là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với em. Em xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cảm ơn tất cả mọi người đã luôn đồng hành, ủng hộ em. Còn sức khỏe, em sẽ còn tiếp tục làm những việc làm thiện nguyện vì cộng đồng, cống hiến hết sức mình cho xã hội…”.
Đỗ Hà Cừ bị di chứng chất độc da cam từ người bố của mình là quân nhân từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dù gia đình đã lo chạy chữa cho anh khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Lớn lên trong một thân thể co quắp, nói năng cũng khó khăn, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Vì bệnh tật, ảnh hưởng đến sự phát triển của thần kinh, nên từ bé Cừ không thể đến trường như những đứa trẻ bình thường khác. Cừ khao khát được học chữ và mẹ anh đã trở thành cô giáo dạy chữ cho anh.
Không gian đọc Hy vọng của Đỗ Hà Cừ luôn thu hút rất đông các bạn trẻ đến đọc sách.
Cách học của Cừ khá đặc biệt. Mỗi ngày, mẹ anh đánh máy một dòng thơ và in ra để anh đọc. Trong đầu đã thuộc câu thơ đó rồi, anh sẽ nhìn vào tờ giấy để học thuộc mặt chữ. Khó nhọc phát âm từng chữ, mỗi lần như thế chân tay co quắp lại nhưng Cừ không bỏ cuộc.
Dần rồi anh cũng quen, mẹ anh dạy thêm cách ghép vần, ghép chữ. Từ khi biết đọc, biết viết, làm bạn với những quyển sách, Cừ coi chúng như nguồn sống của chính mình. Không thể điều khiển được cơ thể mình nhưng anh đã cố học để điều khiển được một ngón trỏ bên phải giúp lật những trang sách dù rất khó khăn. Rồi anh học làm thơ, viết sách và tự nghiên cứu để có thể sử dụng máy vi tính…
Từ nghị lực, đam mê đọc sách, với mong muốn lan tỏa tình yêu sách với cộng đồng; được sự giúp đỡ của gia đình và mọi người, năm 2015 Đỗ Hà Cừ đã thành lập Câu lạc bộ “Không gian đọc hy vọng” do anh làm chủ nhiệm tại tổ 19, phường Trần Lãm, TP Thái Bình.
Không gian đọc miễn phí này đã thu hút rất nhiều độc giả, chủ yếu là các em học sinh. Bắt đầu chỉ từ một tủ sách cá nhân, Cừ đã huy động được hơn 7.000 đầu sách cho không gian đọc và luôn rộng cửa chào đón tất cả những ai có chung niềm đam mê.
Đỗ Hà Cừ cũng mong muốn từ Không gian đọc của mình sẽ truyền tải đi thông điệp sống tích cực đến mọi người. Thời gian đầu, vận động sách gặp nhiều khó khăn, Cừ phải viết email đi xin khắp nơi, từ các công ty sách, đến các nhà xuất bản, các nhà hảo tâm. Rồi dần dần mọi người cũng biết đến và chuyển sách đến cho thư viện.
Đến nay, Câu lạc bộ “Không gian đọc Hy vọng” có 16 không gian đọc trong khắp cả nước. Trong đó có 12/16 không gian đọc do người khuyết tật quản lý. Với hy vọng những người có cùng cảnh ngộ được tiếp xúc với thế giới bên ngoài thông qua việc đọc sách, “Không gian đọc Hy Vọng” của anh đã phục vụ rất nhiều cho cộng đồng xã hội.
Bằng tinh thần nhiệt huyết, luôn cháy hết mình với đam mê, Đỗ Hà Cừ đã sở hữu rất nhiều giải thưởng xứng đáng. Năm 2017, anh được hội khuyến học tỉnh Thái Bình tặng giấy khen: “Là người khuyết tật có ý chí, nghị lực vươn lên, góp phần làm phong phú văn hóa đọc của địa phương”.
Video đang HOT
Năm 2018, anh đoạt giải thưởng “Tuổi trẻ cống hiến vì cộng đồng” do Cộng đồng tình nguyện Việt Nam trao tặng, Bằng khen của Ủy ban Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam…và gần đây nhất, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì “Đã có thành tích trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia các hoạt động vì cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Tấm gương sáng đầy nghị lực của Đỗ Hà Cừ sẽ là nguồn động viên lớn giúp những người trẻ có thêm hy vọng để bước tiếp, giống như anh đã nói “không có gì là không thể”. Đỗ Hà Cừ đã cống hiến tuổi trẻ và sức lực, để những trang sách đến gần hơn với những bạn đọc, góp phần lan tỏa văn hóa đọc và những tri thức quý báu một cách sâu rộng trong cộng đồng.
Những người miệt mài đi khuyến đọc
Có những người miệt mài từng ngày, đi đến mọi ngõ ngách, bỏ hết công sức và thời gian làm công việc khuyến đọc cho cộng đồng. Mặc dù đôi khi, họ như chàng Don Quixote chiến đấu với "cối xay gió" là chuyện lười đọc sách.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trong một buổi nói chuyện về giáo dục. - ĐẬU TIẾN ĐẠT
Hành trình khuyến đọc của họ là một hành trình cô đơn.
Bởi, mặc dù trong nhiều năm qua, số lượng người Việt đọc sách đã tăng lên. Nhưng theo một khảo sát quốc tế năm 2016 cho thấy người Việt Nam đọc sách ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cụ thể, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách, và 26% hoàn toàn không đọc.
Những dấu chân của sách
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương có mặt ở lễ trao giải Sách Hay 2020 cho cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản? tại TP.HCM vào cuối tháng 9, ngay sau đó vội vã xuống Vũng Tàu gặp gỡ các học sinh để nói về việc đọc sách. Vài ngày sau, chỉ mới gặp anh ở một buổi toạ đàm về việc học trong nhà trường tại TP.HCM, hôm sau anh đã tất tả về Hà Nội, ra Nam Định nói chuyện, rồi lại quay vào TP.HCM. Giữa những lúc di chuyển khắp nơi như vậy anh lại ngồi đọc sách, dịch sách, viết sách giới thiệu sách. Anh đang làm công việc này bằng tất cả lòng nhiệt huyết.
"Ý định phải thúc đẩy người Việt Nam đọc sách manh nha từ khi tôi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Lúc ấy, tôi đã thấy rằng nhiều giáo viên tôi tiếp xúc, dù dạy cho học sinh học nhưng bản thân lại không hề đọc sách. Nhưng nó định hình rõ hơn khi tôi sang học ở Nhật.
Chứng kiến người Nhật học là gắn với đọc sách, đọc sách mọi lúc, mọi nơi nên sau khi du học xong, ý định phải đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ làm công việc khuyến đọc bắt đầu lớn lên trong tôi. Cũng trong thời gian đó, có nhân duyên ở Việt Nam là phong trào từ những người làm khuyến đọc bắt đầu nhiều hơn nên tôi tìm thấy những "đồng đội" của mình để gắn kết. Những điều đó thúc đẩy tôi tiến hành công việc khuyến đọc mình đã ấp ủ từ lâu. Năm 2017, khi trở về Việt Nam sau 8 năm ở Nhật Bản, tôi chính thức bước vào con đường thúc đẩy người Việt đọc sách" - tiến sĩ Nguyễn Quốc Vương kể lại.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương - ĐẬU TIẾN ĐẠT
Nhưng anh gặp trở ngại lớn khi trở về nước thực hiện mong muốn của mình là trong thời gian dài, người ta không quan tâm đến việc đọc sách vì nhiều người nghĩ rằng đọc sách không mang lại lợi ích gì cho bản thân. Anh đã rất buồn khi đến một ngôi trường, hiệu trưởng không tiếp chuyện hoặc cho rằng nói về việc đọc sách không cần thiết vì trường phải lo thi học sinh giỏi, lo rất nhiều chuyện khác... Hay anh đến những thư viện công cộng thì không thấy ai đọc sách...
Tiến sĩ Vương tâm sự: "Những điều tôi gặp như vậy là một nỗi buồn. Nhưng trong quá trình làm, chính những khó khăn như vậy lại giúp tôi cảm nhận hạnh phúc lớn hơn. Đó là tôi từng đến nói chuyện với cả ngàn phạm nhân trong trại giam, nơi những người tù hình sự có thể gây sợ hãi cho người tiếp xúc nhưng họ có thể khóc, chia sẻ những cảm xúc khi trải nghiệm việc đọc sách Khi ra về, họ mong mình quay lại nhiều lần để nói chuyện về việc đọc sách vì họ cảm nhận được ý nghĩa của việc này.
Ở nơi khác, có thể từ chối đọc sách nhưng ở nhà tù, nơi có môi trường rất khắc nghiệt, họ lại cảm thấy giá trị của sách. Bên cạnh đó, khi tôi làm công việc này, có sự thay đổi ngay trong chính gia đình mình. Vợ và con tôi say mê đọc sách. Rồi bạn bè trao đổi về việc đọc sách, tạo thành được một cộng đồng. Đó là một phần thưởng mà trước đó, mình chưa thể hình dung được".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương đi "bán sách rong" tại một chung cư - NVCC
"Khó khăn lớn nhất là làm thế nào người Việt Nam thay đổi nhận thức rằng học là gắn liền với đọc, sống văn minh là gắn liền với đọc" - anh nói.
Đã có thói quen mừng tuổi bằng sách
Trước Nguyễn Quốc Vương, người đi cùng sách được nhiều người biết đến là Nguyễn Quang Thạch với dự án Sách hoá nông thôn.
Năm 2016, chương trình Sách hóa nông thôn được UNESCO trao giải mang tên Vua Sejong về xóa mù chữ (phổ biến tri thức) thuộc hạng mục giải thưởng UNESCO International Literacy.
Hồi tưởng lại chặng đường 20 năm, anh Nguyễn Quang Thạch, chia sẻ: "Là người khởi xướng Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam, tôi rất vui vì nhận thức của xã hội về sách cho trẻ em đã tăng lên. Hàng trăm ngàn nông dân ở Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng....đã góp tiền làm hàng chục ngàn tủ sách trong lớp học của con họ. Mừng tuổi trẻ em sách đã thành thói quen của khá đông người dân trung lưu ở đô thị trong 4 năm qua.
Phải nói rằng Ngày sách Việt Nam, Đề án văn hóa đọc quốc gia và luật Thư viện đều có đóng góp của Sách hóa Nông thôn . Chúng tôi rất vui vì đến nay đã có nhiều nhóm đưa sách về nông thôn, hàng chục ngàn người ở thành phố góp tiền, góp sách đưa về nông thôn".
Anh Nguyễn Quang Thạch và bên các tủ sách chương trình Sách hóa nông thôn - NVCC
Nói về hành trình Sách hóa nông thôn, anh Thạch bồi hồi: "Cá nhân tôi đã nỗ lực hết mình. Hiện tại, khoảng 14 triệu trẻ em nông thôn chưa được nghe và đọc sách như tiềm năng của các em.Tôi có rất nhiều điều tốt đẹp để nhớ, chẳng hạn có những người nông dân bán thóc để ủng hộ sách cho các tủ sách dòng họ. Tôi ấn tượng với những người tật nguyền như Đỗ Hà Cừ và Nguyễn Thu Hương ở Thái Bình đã huy động nguồn lực làm tủ sách phục vụ cộng đồng".
"Gã khùng" Nguyễn Quach Thạch với Sách hoá nông thôn - NVCC
Như vậy sau một thời gian dài miệt mài với hành trình của mình, chàng Don Quixote,"gã khùng" Nguyễn Quang Thạch đã không còn đơn độc như trước nữa. Hành trình của anh đã có nhiều người tiếp nối.
Hành trình của một giải thưởng về sách
Giải thưởng Sách Hay năm 2020 đi qua chặng đường 10 năm. Trong 10 mùa giải, khán phòng luôn tràn ngập, đầy ắp khán giả, ủng hộ. Nhưng ít ai biết giải Sách Hay chỉ là một phần của dự án Khuyến đọc sách hay bắt đầu được khởi xướng từ 13 năm trước. Từ năm 2007, ông Giản Tư Trung đóng vai trò khởi xướng với gần 100 nhân sĩ trí thức sáng lập cho một dự án khuyến đọc cho người Việt.
Theo ông Giản Tư Trung, tầm nhìn 10 năm sắp tới của giải Sách Hay là bảo vệ được 2 giá trị cốt lõi nhất: tinh thần khai phóng và tính độc lập.
"Mỗi cuốn sách mà giải giới thiệu sẽ luôn là một thông điệp, vượt xa cả chuyện khuyến đọc. Thông điệp chúng tôi đưa đến, hy vọng sẽ lan toả ngày một lớn hơn" - ông Trung nói.
Trạm đọc sách miễn phí ở Huế của chàng trai 25 tuổi Với ước muốn lan tỏa văn hóa đọc đến với nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ và sinh viên tại Huế, chàng trai trẻ 25 tuổi Phan Công Tuấn đã lặn lội từ Quảng Bình vào Huế để xây dựng nên không gian đọc miễn phí: 'Tia sáng'. Các bạn rất hứng thú khi được đọc sách và mượn sách miễn...