Lan tỏa những mô hình khuyến học
Xây dựng các mô hình “ Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “ Cộng đồng học tập” là giải pháp chiến lược để hiện thực hóa một bước mô hình xã hội học tập tại cơ sở.
Điều ấy đã được cộng đồng dân cư cụ thể hóa bằng sự nỗ lực, hình thành những sáng kiến, mô hình khuyến học, vừa tạo động lực học tập cho thế hệ trẻ, vừa lan tỏa, từng bước đưa Thủ đô Hà Nội trở thành một thành phố học tập.
Việc tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi tại Tổ dân phố số 4 (phường Việt Hưng, quận Long Biên), góp phần phát triển phong trào học tập tại địa phương.
Sáng kiến khuyến học
Nhiều người dân xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất biết đến gia đình bà Khuất Thị Chu (thôn 2, xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất) như một tấm gương về ý chí vượt khó, là mô hình “Gia đình học tập” tiêu biểu. Gắn bó với nghề giáo viên mầm non, chồng mất từ năm 2001, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, song bà Chu chưa khi nào ngừng nỗ lực và hy vọng về một tương lai tốt đẹp. “Nhiều lúc cuộc sống quá vất vả, tưởng chừng phải buông xuôi, bỏ nghề, nhưng tôi xác định bản thân phải cố gắng gương mẫu và quan tâm, nuôi dạy con học tập tốt để sau này trở thành người có ích”, bà Khuất Thị Chu chia sẻ.
Từ động lực ấy, nhiều năm liên tục, bà Chu được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, được tặng danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cấp thành phố; ba con gái của bà Chu lần lượt vào đại học, đi làm nên kinh tế gia đình khá hơn.
Còn dòng họ Nguyễn (thôn Vân, xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức) lại có sáng kiến khuyến học để thúc đẩy việc học tập của con cháu khiến nhiều người nể phục, là một trong những “Dòng họ học tập” tiêu biểu ở Thủ đô. Ngoài việc xây dựng Quỹ Khuyến học bằng tiền, dòng họ Nguyễn đã phát động quyên góp và duy trì kho thóc từ năm 2012 tới nay, để cấp gạo cho con cháu học trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học, mỗi cháu 15kg/tháng cho đến khi tốt nghiệp. Nhờ vậy, nhiều gia đình khó khăn đã bớt đi phần nào nỗi lo khi có con vào đại học.
Đến nay, kho thóc đã cấp hơn 10 tấn gạo để nuôi dưỡng hơn 20 sinh viên tốt nghiệp đại học, 12 sinh viên đang học đại học. Nhiều người đã trưởng thành, là những hạt nhân tích cực trong việc vận động, làm lan tỏa ý chí học tập, vượt khó. Đây không chỉ là cách khơi dậy tinh thần hiếu học cho các thế hệ cháu con của dòng họ Nguyễn, mà còn là để gìn giữ, vun đắp nét truyền thống văn hóa của cha ông.
Video đang HOT
Xây dựng mô hình “Cộng đồng học tập” lồng ghép với việc thi đua xây dựng gia đình văn hóa là cách làm của nhân dân Tổ dân phố số 5 (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân). Tổ dân phố đã vận động các gia đình đóng góp sách dùng chung. Năm 2015, phòng đọc sách của tổ dân phố ra đời, đến nay đã có hơn 500 đầu sách và tạp chí các loại.
“Nhiều người đã quen với việc đọc sách hằng ngày, tự đóng góp thêm những đầu sách mới và nhắc nhở con cháu cùng đọc sách. Việc tổ chức các buổi nói chuyện về lịch sử, khoa học, sức khỏe… tại phòng đọc cũng trở thành nếp. 98% số gia đình của tổ dân phố đã đăng ký phấn đấu xây dựng mô hình “Gia đình học tập”, tạo khí thế thi đua học tập trong các thế hệ”, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Khương Trung Nguyễn Đình Quỳnh chia sẻ.
Nền tảng xây dựng xã hội học tập
Sự ra đời của các mô hình học tập tại gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở Thủ đô.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, các gia đình, dòng họ, cộng đồng đã cùng chung sức chăm lo tốt hơn cho việc học tập, nuôi dưỡng trẻ em với kết quả liên tục duy trì phổ cập mầm non 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3… Thành quả này góp phần duy trì vững chắc kết quả giáo dục đại trà, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của Hà Nội, góp phần giữ vững vị thế nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước.
Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết: Các mô hình học tập được phát huy, duy trì trên tinh thần tự nguyện và nhận thức của người dân. Sự lan tỏa của mô hình học tập đã giúp toàn thành phố có gần 1,2 triệu gia đình được công nhận gia đình học tập (chiếm 63% so với tổng số gia đình toàn thành phố); 6.700 dòng họ học tập (chiếm 54%); 7.100 cộng đồng học tập (chiếm 90%)… Trong thời gian tới, Hội Khuyến học Hà Nội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tạo động lực khích lệ người dân, cộng đồng nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” theo điều kiện, khả năng thực tế. Hằng năm, phấn đấu mỗi mô hình học tập tăng thêm từ 3% đến 5%; chú trọng xây dựng mô hình “Đơn vị học tập” trong các cơ quan, trường học, bệnh viện…
Đánh giá cao những sáng kiến, mô hình khuyến học của người dân Hà Nội, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong, kết quả đó đã góp phần cùng các địa phương hoàn thành nhiệm vụ 5 năm triển khai Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020″, tiến tới đưa Thủ đô thành một thành phố học tập.
Điểm sáng xây dựng "xã hội học tập" trên cao nguyên Bắc Hà
Qua 5 năm triển khai Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2015-2020", xã vùng cao Tà Chải (Bắc Hà - Lào Cai) được ghi nhận là "điểm sáng" trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Tại đây ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương "gia đình học tập", "dòng họ học tập", "cộng đồng học tập" tiêu biểu được vinh danh.
Bà con Na Lang sẵn sàng chia sẻ cách làm ăn, chăm sóc mận, phát triển kinh tế gia đình.
Xây dựng mô hình học tập
Những năm qua, Tà Chải đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như: duy trì đạt chuẩn phổ cập tiểu học, xóa mù chữ; phổ cập THCS; GDMN đúng độ tuổi. Các danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập hàng năm được duy trì và tăng lên đáng kể. Năm 2019, số hộ gia đình đạt danh hiệu "gia đình học tập" của xã tăng 1,8% so với năm 2018; cộng đồng thôn bản học tập, đơn vị học tập duy trì 100%; hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng xã liên tục là đơn vị dẫn đầu toàn huyện, được công nhận đơn vị xuất sắc của tỉnh, của huyện.
Tà Chải cũng duy trì, giữ vững danh hiệu "cộng đồng học tập" cấp xã được công nhận năm 2016.
Ông Mai Quang Huy, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Bắc Hà, cho biết: "Tà Chải là xã vùng II, có 771 hộ, 3.097 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc anh em cùng chung sống ở 6 thôn, bản. Nơi đây đang có những bước đi vững chắc trong xây dựng "Cộng đồng học tập cấp xã giai đoạn 2016-2020", với việc xác định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có vị trí quan trọng, cần ưu tiên trước nhất, nhằm góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đặc biệt khi địa phương đang chú trọng phát huy nội lực, chung tay duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã chuẩn nông thôn mới đã đạt được từ năm 2014 và "hiện thực hóa" mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2020.
Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của Tà Chải, ông Vàng Đình Vi, Phó chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tà Chải, cho biết: Xã luôn xác định, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập phát triển mạnh hay yếu gắn liền với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, Tà Chải chú trọng xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp cho cả giai đoạn 2016-2020, trong đó chú trọng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; tăng cường quán triệt, học tập đến đảng viên trong chi bộ; đưa tiêu chí "xây dựng mô hình học tập" vào việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các chi bộ, thôn bản, nhờ đó phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, được bà con hưởng ứng, tham gia tích cực, tự giác.
Trưởng thôn Na Lang Lâm Văn Bình chia sẻ về những nỗ lực trong xây dựng cộng đồng học tập tại thôn.
Tiêu biểu có thể kể đến các thôn "kiểu mẫu" như Na Lang với 129 hộ, 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, "điển hình' trong xây dựng "cộng đồng học tập"; Na Thá, điển hình xây dựng các "dòng họ học tập".
Kênh kết nối hiệu quả
Đến thăm thôn kiểu mẫu Na Lang đúng lúc bà con người Tày đang xây kè, góp sức gia cố đoạn đường cạnh sân nhà họp thôn, tiếng loa truyền thanh vang vọng trên nóc nhà văn hóa thôn- chương trình thời sự của Trung tâm văn hóa, thể thao, truyền thông huyện Bắc Hà.
Trưởng thôn Na Lang, ông Lâm Văn Bình cho biết: "Đây là kênh hữu hiệu để bà con Na Lang nắm được tin tức thời sự trong tỉnh, trong nước và của huyện nhà, nhất là chương trình phổ biến kiến thức, ứng dụng khoa học kĩ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế nông hộ hiệu quả... Chính vì thế, thôn thường mở loa vào các buổi sáng, trưa, tối, thời điểm phát sóng thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh Lào Cai và Trung tâm văn hóa, thể thao, truyền thông huyện. Giờ đây, tiếng loa truyền thanh cơ sở đã thành quen thuộc, không thể thiếu trong cuộc sống đồng bào quê tôi".
Theo chia sẻ của Trưởng thôn Lâm Văn Bình và Bí thư Chi bộ thôn Na Lang Đào Trọng Đề, mặc dù thôn có tới 10 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, nhưng người dân lại đoàn kết và có ý thức trách nhiệm cao với các công việc của thôn, xóm.
Theo rà soát đánh giá mới đây, Na Lang có 129 hộ thì có tới 117 hộ đạt "gia đình học tập", trong đó có nhiều hộ tiêu biểu, như Trần Ngọc Hà, Giàng Seo Giả, Lương Minh Điện, Lâm Văn Sử... Vui nhất là sự học của con em địa phương đã được bà con quan tâm, nhờ đó, thôn không có tình trạng trẻ nghỉ học giữa chừng. Với người lớn thì học tập, bảo ban nhau cách làm ăn, chăm sóc vườn mận, trồng rau, bảo vệ môi trường... Cùng với xây dựng nông thôn mới, đến nay, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay, hiện thôn chỉ còn 3 hộ nghèo.
Hội Khuyến học xã Tà Chải hiện có 6 chi hội thôn bản, 4 Ban khuyến học do xã quản lý, 2 ban khuyến học dòng họ học tập với tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt đạt trên 25% dân số toàn xã, tỷ lệ hộ dân sử dụng intenet đạt trên 90%. Những năm qua, Hội Khuyến học xã Tà Chải đã phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực như: Xây dựng quỹ hội, xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học... Hội Khuyến học xã cũng đã có những cách làm hay, sáng tạo để "xã hội hóa" nguồn lực đầu tư cho công tác khuyến học.
Theo thống kê, 5 năm qua, Quỹ khuyến học cấp xã của Tà Chải luôn duy trì 120-150 triệu đồng đồng, quỹ các chi hội thôn, bản duy trì 65-70 triệu đồng... Tất cả quỹ vận động được hàng năm đều sử dụng vào việc trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, chăm ngoan học giỏi, khen thưởng hội viên sản xuất giỏi chân chính, nhất là gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu, xuất sắc trên địa bàn, qua đó tạo "sức bật" để xây dựng phong trào 'xã hội học tập' địa phương ngày càng phát triển vững chắc.
Khuất Linh
Theo kinhtenongthong
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục - đào tạo Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục - đào tạo từ các cấp lãnh đạo đến từng con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới. Cần đổi mới hơn nữa tư duy về giáo dục - đào tạo từ các cấp lãnh đạo đến từng con người Việt Nam để...