Lần đầu xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu giáo viên
Dữ liệu là cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa-thiếu số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo.
Giáo viên trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, Hà Nội, trong giờ dạy. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam)
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chiều 5/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì cuộc họp nghiệm thu cơ sở dữ liệu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Đây là lần đầu tiên một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về đội ngũ giáo viên được xây dựng và đưa vào sử dụng, cung cấp thông tin về đội ngũ đầy đủ, chính xác và kịp thời. Dữ liệu là cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa-thiếu số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo.
Sẽ không còn bất cập thừa- thiếu giáo viên?
Thông tin về cơ sở dữ liệu này, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, đây là cơ sở dữ liệu lưu trữ đầy đủ thông tin của đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên toàn quốc phục vụ thông tin quản lý về đội ngũ cho các cơ quan quản lý giáo dục.
Đến nay, cơ sở dữ liệu đã được triển khai tại 63 sở giáo dục và đào tạo, 710 phòng giáo dục và đào tạo và 52.900 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên cả nước. Mỗi đơn vị được cấp một tài khoản quản trị để quản lý và sử dụng hệ thống.
Dữ liệu đội ngũ được cập nhật từ các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo sẽ thẩm tra và duyệt dữ liệu từ các nhà trường. Sở giáo dục và đào tạo sẽ thẩm tra và duyệt dữ liệu của phòng. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thẩm tra và phê duyệt dữ liệu của các địa phương.
Video đang HOT
Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ theo từng địa phương, từng môn học đang là bài toán khó của ngành giáo dục hiện nay. (Ảnh: PV/Vietnam )
Theo ông Hải, với dữ liệu hiện tại, các cấp quản lý có thể tra cứu, khai thác được các thông tin về số lượng đội ngũ của từng cấp học theo từng tỉnh/thành phố, quận/huyện và nhà trường; theo chuyên ngành đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giới tính, dân tộc, đảng viên, trình độ ngoại ngữ, tin học.
“Cơ sở dữ liệu này cũng cho phép thống kết quả đánh giá theo chuẩn đến từng tiêu chí và tra cứu hồ sơ chi tiết của từng nhân sự. Đặc biệt, hệ thống chỉ ra được thực trạng thừa – thiếu giáo viên theo định mức, theo môn học của từng trường học, quận/huyện và tỉnh/thành phố,” ông Hải cho hay.
Là đơn vị trực tiếp khai thác cơ sở dữ liệu đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, mặc dù đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nhưng cơ sở dữ liệu đã phục vụ rất tốt cho một số nhiệm vụ phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với một số bộ, ngành khác trong thời gian qua như thiết kế bảng lương mới cho đội ngũ nhà giáo; thu thập dữ liệu về bình đẳng giới; thống kế số lượng đảng viên trong đội ngũ giáo viên…
“Trước đây khi chưa có cơ sở dữ liệu, hoạt động thống kê đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện thông qua niên giám hàng năm, thường cuối năm sau mới có số liệu thống kê của năm trước. Điều này gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý. Bức tranh dữ liệu ngành được xây dựng sẽ giúp các cơ quan quản lý ra quyết định quản lý chính xác và kịp thời,” ông Minh chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp nghiệm thu cơ sở dữ liệu giáo viên. (Ảnh: PV/Vietnam )
Mỗi giáo viên sẽ có mã số định danh riêng
Dựa trên cơ sở dữ liệu đội ngũ, hiện nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang giao Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục xây dựng báo cáo thực trạng giáo viên của từng địa phương để gửi Bộ Nội vụ, các địa phương và báo cáo Chính phủ trước năm học mới. “Trách nhiệm của ngành Giáo dục là chủ động thống kê đầy đủ thực trạng đội ngũ để đề nghị ngành nội vụ có kế hoạch tuyển dụng sát với yêu cầu thực tế và ban hành, tham mưu ban hành các chính sách phù hợp,” Bộ trưởng Nhạ nói.
Ở góc độ khai thác nguồn dữ liệu, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, cần khai thác có hiệu quả để không chỉ giải quyết bài toán thừa – thiếu giáo viên ở từng địa phương mà còn phục vụ cho công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ, điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm. “Muốn khai thác tốt thì nguồn dữ liệu được kê khai từ cơ sở giáo dục phải chính xác, tránh sai sót trong quá trình nhập liệu. Tiến tới việc chuẩn hóa dữ liệu, nhập liệu, khai báo,” Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý tới việc xây dựng công cụ dự báo nhu cầu giáo viên từ cơ sở dữ liệu đội ngũ. Việc này hiện đang được giao cho một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện. Theo Bộ trưởng, việc thể hiện được con số dự báo tăng hay giảm số lượng giáo viên cho từng cơ sở giáo dục sẽ giúp các địa phương chủ động bố trí giáo viên, các trường sư phạm chủ động điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động điều chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc kê khai theo từng trường như hiện nay mới chỉ là bước một của cơ sở dữ liệu đội ngũ, tới đây, mỗi giáo viên phải có mã số định danh riêng để chính giáo viên sẽ là người kê khai, bổ sung các thông tin cần thiết hay thay đổi thông tin nếu có.
“Cố gắng trong năm 2019 cơ sở dữ liệu đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vận hành thông suốt, được khai thác có hiệu quả, góp phần khắc phục một số bật cập về đội ngũ giáo viên hiện nay, đồng thời hỗ trợ hiệu quả việc xây dựng chính sách cho nhà giáo,” Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo./.
Hà An
Theo Vietnamplus
Hội thảo quốc tế về chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Ngày 6/12, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: "Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay: Xu hướng Việt Nam và thế giới " chính thức khai mạc tại Hà Nội. Hội thảo do Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức.
Các đại biểu quốc tế tham dự hội thảo
GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, mục đích của Hội thảo nhằm tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa các cơ sở giáo dục trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tạo diễn đàn cho các nhà nghiên cứu giáo dục, hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong nước, quốc tế chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn và kết quả nghiên cứu về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế.
Hội thảo đã thu hút nhiều diễn giả của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đến từ các trường ĐH, Viện nghiên cứu quốc tế như: Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Pháp, New Zealand, Mailaixia, Thái Lan...và các tổ chức quốc tế như WB, ADB, UNESCO... với 200 bài viết.
Lãnh đạo Học viện chụp ảnh với các đại biểu
GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề như quy hoạch mạng lưới đào tạo các trường sư phạm, khoa sư phạm; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Đồng thời dự báo nhu cầu về đội ngũ nhà giáo, liên kết đào tạo giữa các trường sư phạm, các khoa sư phạm, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý với các đơn vị, tổ chức trong - ngoài nhà trường; đánh giá chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Đặc biệt, hội thảo bàn về chính sách, điều kiện và môi trường tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay như: Cơ sở vật chất, lương, chế độ khen thưởng, đãi ngộ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Nhật Hồng
Theo Dân trí
Xây dựng tiêu chí chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GD Sáng nay (6/7), Học viện Quản lý GD phối hợp với Trường đại học Vinh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Xây dựng tiêu chí chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GD đáp ứng yêu cầu đổi mới GD". Ảnh minh họa Hội thảo được diễn ra tại Trường ĐH Vinh (Nghệ An) và...