Lần đầu tiên Việt Nam ra bộ tiêu chí kỹ thuật về nền tảng điện toán đám mây
Bộ TT&TT vừa ban hành Hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử.
Đây cũng là định hướng để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, phát triển nền tảng điện toán đám mây Việt Nam.
Cùng với mật mã, nền tảng chia sẻ dữ liệu và an toàn, an ninh mạng, điện toán đám mây cũng là một công nghệ nền tảng, chủ chốt mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm chủ
Trong phát biểu tại buổi làm việc của Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
“Chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử tốt và dẫn đầu. Điều này sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp CNTT phát triển, phục vụ cho Việt Nam và từ Việt Nam đi ra nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ các công nghệ nền tảng, chủ chốt trong Chính phủ điện tử mà các doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ được, đó là: mật mã, nền tảng chia sẻ dữ liệu, điện toán đám mây và an toàn, an ninh mạng.
Trong đó, với nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing), theo Bộ trưởng, điện toán đám mây là hạ tầng của hạ tầng nên trong phát triển Chính phủ điện tử, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải làm chủ được hạ tầng quan trọng này.
Bộ trưởng cũng giao trách nhiệm cho Cục An toàn thông tin xây dựng tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật và xác định những doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm được điện toán đám mây cho Chính phủ điện tử.
Video đang HOT
Thông tin với báo VietNamNet vào ngày 6/4/2020, đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, trong khoảng 4 – 5 tháng vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục đã nghiên cứu, soạn thảo tài liệu hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Đồng thời, Cục An toàn thông tin cũng đã làm việc với các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam về việc nghiên cứu, phát triển nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam.
Ngày 3/4/2020, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã ký ban hành tài liệu “Hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử”.
Tài liệu hướng dẫn này đưa ra các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây. Căn cứ vào các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật đó, cơ quan, tổ chức nhà nước có cơ sở để đánh giá, lựa chọn giải pháp hoặc thuê dịch vụ điện toán đám mây phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.
Bộ TT&TT nêu rõ, đối tượng áp dụng tài liệu “Hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử” là các cơ quan, tổ chức nhà nước xây dựng, triển khai giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dịch vụ nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.
Bộ TT&TT cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức khác tham khảo xây dựng, triển khai giải pháp nền tảng điện toán đám mây. Bản mềm tài liệu hướng dẫn, các cơ quan, tổ chức có thể tải về từ Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT (mic.gov.vn) hoặc xem tại đây.
Nói về ý nghĩa của việc ban hành tài liệu hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho nền tảng điện toán đám mây.
Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ Việt Nam làm chủ công nghệ và phát triển nền tảng điện toán đám mây Việt Nam, không phụ thuộc vào công nghệ lõi của nước ngoài. Đây cũng là định hướng để phát triển nền tảng điện toán đám mây cho Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các cấp, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Nền tảng điện toán đám mây được coi là hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong vòng 5 – 10 năm tới. Với việc quy định cụ thể nhiều tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật bao gồm các tính năng của nền tảng điện toán đám mây hiện đại và đảm bảo an toàn thông tin, Bộ TT&TT đặt ra yêu cầu nền tảng điện toán đám mây Việt Nam phải đạt mức tương đương với các nền tảng điện toán đám mây thương mại khác có thể sử dụng tại Việt Nam.
“Bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật về điện toán đám mây được ban hành thời điểm này càng có ý nghĩa hơn khi nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số, chuyển sang làm việc trực tuyến, từ xa. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã có căn cứ để làm chủ, phát triển các nền tảng đám mây của Việt Nam đảm bảo cho các ứng dụng công nghệ có thể chạy tốt và an toàn trên đó”, đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin chia sẻ.
Vân Anh
Trung tâm 1 cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tham gia giải đáp thắc mắc về Covid-19
Chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19, hiện Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tại địa chỉ https://egov.mic.gov.vn đang tiếp nhận cả thắc mắc, phản ánh của người dân về dịch bệnh để chuyển cơ quan chức năng giải đáp.
Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử được Bộ TT&TT chính thức khai trương, đưa vào hoạt động tại địa chỉ http://egov.mic.gov.vn từ ngày cuối tháng 11 năm ngoái.
Với slogan "Chúng tôi lắng nghe để hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử", hoạt động của Trung tâm hướng tới mục tiêu góp phần tăng tốc và đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử là một hoạt động thể hiện cách làm mới của Bộ TT&TT trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.
Trung tâm 1 cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tham gia giải đáp thắc mắc về Covid-19
Thời gian vừa qua, đây đang là một trung tâm trực tuyến giữ vai trò "một đầu mối", "một cửa" tương tác với các cơ quan nhà nước để trả lời các câu hỏi, vướng mắc khó khăn. Điều này đã góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian của các cơ quan nhà nước trong việc kết nối, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến phát triển Chính phủ điện tử.
Thông tin từ Cục Tin học hóa, đơn vị được Bộ TT&TT giao trách nhiệm quản lý, vận hành Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử vừa cho biết, trong mùa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Trung tâm đã nhận được rất nhiều thắc mắc, phản ánh của người dân liên quan đến dịch bệnh và các ứng dụng phòng, chống dịch bệnh.
Theo thống kê của Cục Tin học hóa, ước tính từ ngày 9/3 đến nay, đã có khoảng 500 câu hỏi của người dân liên quan đến dịch Covid-19 được gửi tới Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử.
Những thắc mắc, phản ánh của người dân về các ứng dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chẳng hạn như: Cách quét QR Code thông tin sức khỏe kê khai trên ứng dụng NCOVI; Đâu là ứng dụng chính thống để người dân khai báo thông tin sức khỏe phục vụ phòng dịch Covid-19; hay việc bảo mật thông tin người dân khai báo trên ứng dụng khai báo y tế... sẽ được các cán bộ của Cục Tin học hóa giải đáp ngay.
Với những câu hỏi liên quan đến dịch Covid-19, bộ phận chịu trách nhiệm quản lý trang egov.mic.gov.vn sẽ định kỳ tổng hợp các thắc mắc, phản ánh để đưa lên các nhóm làm việc qua mạng phục vụ phòng dịch Covid-19, khi đó các đầu mối thông tin của Bộ Y tế sẽ giải đáp và chuyển lại thông tin để Trung tâm chuyển tải đến người dân.
Trước đó, vào ngày 8/2/2020, để giúp người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh và trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh thông qua các hướng dẫn, khuyến cáo từ cơ quan y tế có chuyên môn để bảo vệ bản thân và cộng đồng, Bộ Y tế đã cho ra mắt 2 kênh thông tin chính thống về dịch Covid-19 là ứng dụng "Sức khỏe Việt Nam" và trang thông tin chuyên biệt về dịch Covid-19 trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế có tên miền https://ncov.moh.gov.vn.
Theo thống kê của đơn vị hỗ trợ vận hành trang thông tin ncov.moh.gov.vn, sau gần 2 tháng hoạt động, tổng số user (người dùng) của website này đã là trên 6,5 triệu và tổng số pageviews (lượt truy cập) đã lên tới 21 triệu lượt.
Đáng chú ý, tại mục hỗ trợ người dân trên trang ncov.moh.gov.vn, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ, Bộ Y tế cũng đã cung cấp tiện ích "Hỏi đáp, phản ánh". Đây là nơi người dân có thể hỏi và phản ánh các vấn đề liên quan tới dịch, Bộ Y tế sẽ trả lời và các câu trả lời được lưu lại thành một kho tri thức để dễ dàng tìm kiếm.
Theo chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty DTT, thành viên Tổ công tác giúp việc của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, thời gian qua, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam dưới ngọn cờ của Bộ TT&TT đã hợp lực để triển khai các giải pháp CNTT hỗ trợ chống dịch Covid-19. Đã có hàng chục giải pháp được phát triển và triển khai tính theo thời gian ngày, việc mà bình thường phải tính theo thời gian là tháng, năm.
Đến nay, bên cạnh các ứng dụng hỗ trợ thông tin, với sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ Việt, một số ứng dụng CNTT phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 dành cho người dân và cộng đồng khác đã được Bộ Y tế và Bộ TT&TT giới thiệu chính thức như: bản đồ dịch trên Trang Thông tin chính thức về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 https://ncovi.vn; ứng dụng khai báo y tế NCOVI dành cho người dân Việt Nam; và ứng dụng Vietnam Health Declaration (cùng trang tokhaiyte.vn) dành cho người nước ngoài và người Việt Nam khai báo khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Vân Anh
Kingston ra mắt SSD U.2 NVMe DC1000M siêu bền, mỗi ngày chép đầy ổ 5 năm liên tiếp vẫn hoạt động tốt Đúng là SSD cho máy chủ có khác. Kingston vừa ra mắt chiếc SSD U.2 NVMe DC1000M dành cho đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp, công ty cần xử lý số lượng lớn dữ liệu, bao gồm điện toán đám mây (cloud computing), web hosting, high-performance computing (tạm dịch: tính toán hiệu năng cao), trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence),...