Lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế
Việt Nam đã lần đầu tiên có ứng cử viên chạy đua vào một trong bảy vị trí thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế được phân bổ cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đây là một diễn đàn pháp lý quốc tế rất có uy tín, cơ quan chuyên soạn thảo những công ước quốc tế quan trọng, trong đó có các Công ước Luật biển năm 1958.
Bên cạnh đó, Ủy ban Luật pháp quốc tế còn tiến hành nghiên cứu về những vấn đề lớn của luật pháp quốc tế – luật về quan hệ giữa các quốc gia.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao.
Tháng 2.2016, chiến dịch vận động cho phó giáo sư-tiến sỹ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao ứng cử vào cơ quan trên đã chính thức được khởi động sau khi Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva gửi công hàm giới thiệu ông tới Phái đoàn các nước.
Ủy ban này là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc, có 34 thành viên, do các quốc gia thành viên Liên hợp quốc bầu ra 5 năm một lần. Các chuyên gia tham gia ủy ban hoạt động độc lập so với quốc gia giới thiệu họ.
Dự kiến, cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối năm 2016.
Thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế thường là các giáo sư, nhà ngoại giao, luật gia nổi tiếng, có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và thực hành luật pháp quốc tế. Các thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế được phân bổ theo khu vực địa lý theo nguyên tắc không có hai thành viên mang cùng một quốc tịch, khu vực châu Á-Thái Bình Dương được bầu bảy hành viên.
Ủy ban Luật pháp quốc tế do Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1947 nhằm mục đích triển khai nhiệm vụ của Đại hội đồng là nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị để thúc đẩy sự phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế.
Video đang HOT
Tính cạnh tranh trong bầu cử Ủy ban Luật pháp quốc tế thường rất cao. Thành viên hiện tại của Ủy ban Luật pháp quốc tế đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến từ sáu quốc gia gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia.
Về Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, ông là một chuyên gia về luật pháp quốc tế với nền tảng học thuật vững chắc và kinh nghiệm thực tế phong phú. Ông từng là Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam, cố vấn pháp lý cho dự thảo Luật biển Việt Nam năm 2012…
Ông có 40 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành ngoại giao, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Malaysia (2011-2014) và nay là Đại sứ tại Kuwait (từ 2014).
Nhiều đại diện của Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể trong nghiên cứu và thực hành luật pháp quốc tế như cố giáo sư gốc Việt Nguyễn Quốc Định, luật sư Ngô Bá Thành, nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, song đây là lần đầu tiên Việt Nam giới thiệu một ứng cử viên tham gia diễn đàn pháp lý quốc tế quan trọng như Ủy ban Luật pháp quốc tế.
Việc giới thiệu Đại sứ Nguyễn Hồng Thao ứng cử Ủy ban trên thể hiện mong muốn của Việt Nam đóng góp vào sự phát triển tiến bộ và pháp điển hóa luật pháp quốc tế, thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Theo Danviet
Đô đốc Mỹ: Tàu chiến Mỹ có thể đi mọi nơi luật quốc tế cho phép
Hôm 3/11 một vị đô đốc hàng đầu của Mỹ tuyên bố giữa lòng Bắc Kinh rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động bất cứ nơi đâu luật quốc tế cho phép.
Tuyên bố trên được đưa ra một tuần sau khi Mỹ chọc giận Trung Quốc bằng việc cho tàu chiến đi sát vào các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Đô đốc Harris. Ảnh: Glassalmanac.
Đô đốc Harry Harris phát biểu tại Trung tâm Stanford ở Đại học Bắc Kinh: "Các vùng biển và không phận quốc tế thuộc về mọi người chứ không phải là chủ quyền riêng của bất cứ một nước nào".
Đô đốc Harris nói thêm: "Quân đội chúng tôi sẽ tiếp tục bay, đi tàu bè và hoạt động vào bất cứ lúc nào ở bất cứ đâu mà luật quốc tế cho phép. Biển Đông không và sẽ không là ngoại lệ".
Harris là Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ. Tuyên bố của ông ngay giữa thủ đô của Trung Quốc là một dấu hiệu thể hiện quyết tâm của Mỹ đối với tuyến hàng hải có tầm quan trọng sống còn, nơi Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo phi pháp các bãi đá và rạn san hộ thành các đảo nhân tạo, với các công trình phục vụ mục đích quân sự.
Bắc Kinh "nhận vơ" chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên cơ sở đường 9 đoạn xuất hiện lần đầu trên các bản đồ Trung Quốc vào những năm 1940.
Harris mô tả tuyên bố chủ quyền trên của Bắc Kinh là "mơ hồ" và dựa trên "cái gọi là đường 9 đoạn".
Washington đã nhiều lần tuyên bố họ không công nhận các tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải quanh các đảo nhân tạo.
Tuần trước, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen đã đi vào khu vực 12 hải lý của một trong các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tàu chiến Lassen của Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Washington tuyên bố việc điều tàu chiến vào đây là để bảo vệ tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, mà theo họ đang bị các hoạt động của Trung Quốc đe dọa.
Đô đốc Mỹ Harris tuyên bố động thái này của hải quân Mỹ là nhằm "ngăn ngừa việc phá vỡ luật pháp và thông lệ quốc tế".
"Chúng tôi đã thực hiện quyền tự do hàng hải trên toàn địa cầu trong nhiều thập kỷ, nên chẳng có gì phải ngạc nhiên về điều đó cả" ông nói.
Các bình luận của Đô đốc Harris là một phần trong đối thoại giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề Biển Đông.
Để tránh căng thẳng, ông đưa ra thêm một số nhận xét mang tính hòa dịu, ca ngợi quan hệ Mỹ-Trung và chỉ ra rằng tàu Trung Quốc và Mỹ đang viếng thăm cảng của nhau.
Theo một bài phát biểu của Harris, ông có nói: "Một số kẻ dự đoán hai quốc gia của chúng ta sẽ xung đột với nhau. Tôi không có quan điểm bi quan như vậy".
"Mặc dù chúng ta có những bất đồng nhất định về một số vấn đề, nhất là Biển Đông,..., vẫn có những lĩnh vực mà chúng ta có điểm chung".
Hai ngày sau khi tàu khu trục Mỹ USS Lassen đi sát đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp, tư lệnh các chiến dịch hải quân Mỹ đã đàm thoại với người đồng cấp Trung Quốc qua video.
Các quan chức Mỹ cho biết, cuộc trao đổi từ xa giữa Đô đốc John Richardson (của Mỹ) và Đô đốc Wu Shengli (chỉ huy lực lượng hải quân Trung Quốc) là "chuyên nghiệp và mang tính xây dựng".
Thế nhưng hãng thông tấn Tân Hoa xã đã diễn giải lời ông Wu như lời cảnh báo đối thủ của mình:"Nếu Mỹ tiếp tục loại hành vi khiêu khích nguy hiểm như thế này, có thể sẽ xuất hiện tình trạng nghiêm trọng giữa các bên trên biển và trên không, thậm chí có thể cả va chạm nhỏ khiến xung đột bùng nổ"./.
Theo VoV
Mỹ đề cao giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng luật quốc tế Phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 28/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ khi đề cập vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông liên quan tới Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực. Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc....