Lạm thu: Nói cứ nói, thu cứ thu
Dù Sở GD-ĐT TP HCM đã có văn bản hướng dẫn thu chi nhưng tình trạng lạm thu vẫn tiếp tục tái diễn ở nhiều trường.
Trong đơn gửi Báo Người Lao Động, nhiều phụ huynh (PH) Trường THCS Colette (quận 3, TP HCM) phản ánh về việc Hội PH trường phát động đóng quỹ PH 400.000 đồng/học sinh (HS), tiền sơn trường 300.000 đồng/HS. Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều trường khác với đủ chiêu thức.
450 triệu đồng để sơn trường!
Ngày 26/9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Kim Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Colette, cho biết trong cuộc họp ngày 19/7, Ban Đại diện cha mẹ HS của trường đã thỏa thuận đóng góp 300.000 đồng/HS để sơn lại trường. Lý do trường được xây dựng quá lâu, xin kinh phí tu sửa đã 14 năm vẫn chưa được cấp nên PH tự nguyện đóng góp để sơn lại. Văn bản thỏa thuận này cũng được Phòng GD-ĐT quận 3 cho phép, số tiền thu được khoảng 450 triệu đồng. “Nhà trường không tham gia và cũng không quản lý nguồn thu này” – ông Giang cho biết. Theo ông Giang, đây là số tiền PH tự nguyện đóng góp.
Mỗi học sinh tiểu học được ngân sách cấp hơn 3 triệu đồng/năm học. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao PH “tự nguyện”, được Phòng GD-ĐT cho phép nhưng lại có thư của chính PH phản ứng gửi đến báo chí?
Tại Trường Tiểu học Kim Đồng (quận 7), theo phản ánh của nhiều PH, tiền ăn bán trú năm nay tăng lên 30.000 đồng/ngày. Đã có nhiều PH nêu ý kiến nhưng không có sự thay đổi. Ở năm học trước, PH cũng từng phản ứng việc tiền ăn quá cao – 25.000 đồng/ngày, sau đó nhà trường buộc PH phải ký thỏa thuận. “Ăn xế ở trường thì chẳng đáng là bao. Không những thế, tiền phục vụ bán trú mỗi tháng là 100.000 đồng nhưng mỗi lớp từ 40-50 HS mà số bảo mẫu lại ít. Như vậy thì số tiền phục vụ bán trú khổng lồ trên sẽ đi đâu?” – một PH đặt câu hỏi.
Trước đó, Trường Tiểu học Hiệp Tân, quận Tân Phú cũng gây choáng với thông báo tạm ứng đầu năm đối với học sinh bán trú lên đến 1,5 triệu đồng, bao gồm các khoản chi tiền ăn cho HS, mua các đồ dùng phục vụ cho HS bán trú, mua bảo hiểm y tế cho HS…
Văn bản… mở
Video đang HOT
Dù Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư hướng dẫn thu chi trong các cơ sở giáo dục, trong đó quy định rõ những đơn vị để xảy ra sai phạm về công tác tài chính, nhất là tình trạng lạm thu, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhiều trường ở TP HCM năm nào cũng lặp lại tình trạng lạm thu nhưng chẳng thấy ai bị kỷ luật.
Sở GD-ĐT TP HCM cũng đã ban hành khung giá các mức thỏa thuận đóng góp giữa nhà trường và PH. Theo đó, tiền tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với khối tiểu học từ 60.000-90.000 đồng, THCS từ 70.000-100.000 đồng, THPT từ 90.000-120.000 đồng. Tiền tổ chức học tăng cường ngoại ngữ, tin học đối với bậc tiểu học từ 80.000-100.000 đồng; THCS, THPT 100.000-120.000 đồng. Đối với các khoản tiền ăn và nước uống sẽ theo chi phí thực tế. Theo bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), khi sở ban hành khung giá các mức thu thỏa thuận thì trường nào cũng chọn mức giá cao nhất.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng chính văn bản “mở” như vậy khiến các trường có cớ để thu thêm, thu cao. PH một trường THCS nổi tiếng tại quận 1 cho hay nhìn bộ đồng phục của con, ra chợ mua giá chỉ khoảng hơn 100.000 đồng nhưng trường bán ra hơn 300.000 đồng. PH muốn tự may cũng không được vì trường quy định phải mua đồng phục mới bán huy hiệu trường. “Quy định triệt buộc như thế thì cũng thấy “hoa hồng” biết “nở” cả trong đồng phục học sinh!” – PH này cho biết.
Bà Phạm Thúy Hà phân tích: “Ngân sách nhà nước rót theo số lượng HS, trường có sĩ số HS càng đông thì càng được cấp nhiều kinh phí. Tiền hoạt động của trường được tính theo nguyên tắc lấy số HS x 20% x 3.183.000 đồng (ngân sách cấp trên đầu HS tiểu học)…
Lạm thu do đâu?
Tuy nhiên, theo ban giám hiệu nhiều trường, tiền từ ngân sách không đủ để hoạt động. Trong buổi tiếp xúc với cử tri ngành giáo dục của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM ngày 28-9, bà Phạm Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), cho rằng ngành giáo dục yêu cầu phải nâng cao chất lượng giáo dục nhưng ngân sách cấp ngốn hết vào lương, thậm chí không đủ để trả tiền phụ cấp. Vậy lấy tiền đâu để có các hoạt động?
Có lẽ đó chính là cái gốc của tình trạng lạm thu nhưng nếu ngân sách cấp đủ, liệu có còn tình trạng lạm thu? Nên nhớ rằng Việt Nam là quốc gia chi đến hơn 20% GDP cho giáo dục. Vậy tại sao các trường đều kêu ca thiếu tiền? Đó cũng là vấn đề được đặt ra trong một cuộc hội thảo về giáo dục gần đây khi các chuyên gia kêu gọi cần kiểm toán toàn bộ việc đầu tư cho giáo dục, xem tiền “chạy” đi đâu.
Giám sát các khoản thu chi TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng để khắc phục tình trạng lạm thu phải bỏ ban đại diện cha mẹ HS, còn nếu để tồn tại thì phải có cơ chế kiểm soát. Dưới góc độ một chuyên gia, cũng là hiệu trưởng một trường THPT ở Hà Nội, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, đã đề xuất và được Sở GD-ĐT Hà Nội chấp nhận thí điểm việc thành lập hội đồng giám sát cộng đồng nhằm giám sát, ngăn ngừa tình trạng lạm thu trong nhà trường. Theo TS Lâm, với các thành viên là đại diện hội cha mẹ HS, đại diện hội cựu giáo chức, hội khuyến học, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ phường, xã, hội đồng này sẽ giám sát việc sử dụng và quản lý các khoản tiền do cha mẹ HS đóng góp. Nếu phát hiện những sai phạm, hội đồng có quyền yêu cầu nhà trường làm rõ. Ông Lâm nhấn mạnh đây là nhân tố góp phần làm cho việc thu chi trong nhà trường minh bạch, hợp lý, hiệu quả. Ngay từ năm học 2013-2014, mô hình này sẽ được thí điểm tại Trường THPT Trương Định, một trung tâm giáo dục thường xuyên và 3 trường mầm non, tiểu học cùng đóng tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết đây là mô hình đáng được ủng hộ. “Hội đồng giám sát sẽ giúp minh bạch các khoản thu chi, làm cho PH hiểu rõ món tiền đóng góp dùng để làm gì, có phục vụ cho con em mình hay không. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng việc xã hội hóa hay tự nguyện sẽ được xã hội ủng hộ” – ông Quang cho biết. Yến Anh
Theo TNO
Lạm thu: Hội phụ huynh không thể "vô can"
Câu chuyện lạm thu dường như không có hồi kết, trong đó rất nhiều khoản thu linh tinh ở nhiều trường phổ thông được thực hiện dưới danh nghĩa của Hội phụ huynh (tên gọi mới là Ban đại diện cha mẹ học sinh). Không ít phụ huynh đã bức xúc vì Hội phụ huynh đang đi chệnh hướng, làm sai chức, thái quá trong việc đứng ra thu chi nhiều khoản vô lý.
Có phải hội phụ huynh là "cánh tay nối dài" của hiệu trưởng, làm rối ren thêm tình hình thu chi trong nhà trường?
Đã tự nguyện sao lại có mức đóng bình quân?
Trong tất cả các khoản lạm thu thì tiền quỹ phụ huynh trường và lớp là khoản thu mập mờ nhất. Mập mờ vì ở nhiều trường chẳng có cơ sở khoa học nào, chẳng có văn bản họp hành nào được công bố cho các mức quỹ 300.000 đồng, 500.000 đồng hay 1 triệu đồng đã được không ít các ông, bà hội trưởng đứng ra thu. Số tiền đó ai quản lí, phụ huynh cũng không biết. Chi như thế nào thì chỉ biết thế mà thôi.
Cách đây ít ngày, chúng tôi có dự một cuộc họp phụ huynh đầu năm của trường mầm non T ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Sau khi cô giáo thông báo các khoản thu nước uống, tiền phí liên lạc điện tử, tiền chăm sóc bán trú, tiền học ngoại khóa... thì một phụ huynh đứng lên xin có ý kiến.
Anh bày tỏ thiện chí với nhà trường vì đã có hai con học ở trường này và đã từng là thành viên trong Hội phụ huynh trường. Anh thông báo rằng, cách đây mấy hôm Hội phụ huynh trường đã họp và quyết định sẽ thu quỹ Hội phụ huynh trường là 200.000 đồng/kỳ, quỹ phụ huynh lớp là 300.000 đồng/kỳ, nếu phụ huynh nào đồng ý thì giơ tay. Mọi người nhìn nhau tặc lưỡi. Trong số đó sẽ không nhiều người biết được rằng, theo quy định thì quỹ hội là tự nguyện, không được bình quân hóa một mức đóng cụ thể. Do đó, tất cả cùng biểu quyết giơ tay.
Hoạt động của Hội phụ huynh và việc sử dụng quỹ cần phải rõ ràng, minh bạch như trường hợp này
Số tiền quỹ Hội phụ huynh đang "leo thang" ở rất nhiều trường. Chị Nhung Anh có con học mầm non C ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phàn nàn, hoạt động của hội thì chỉ hội biết, đầu năm họp phụ huynh chỉ thấy nói đóng tiền, cuối học kỳ, cuối năm họp thì các phụ huynh được phát cho tờ tổng hợp chi tiêu.
Cũng không kiểm chứng được các khoản thu có chính xác không vì phần lớn phụ huynh đều bận bịu, ít thời gian và "ngại" va chạm. Chị Nhung Anh cho biết, chị phải đóng 2 quỹ. Quỹ phụ huynh trường 300.000 đồng và quỹ phụ huynh lớp 700.000 đồng.
Chị Thanh Mai, công tác ở một ngân hàng Nhà nước có con học ở THCS V ở quận Hoàn Kiếm cho biết, chị đã nhận được "trát", con chị sẽ phải đóng khoảng 2 triệu tiền các khoản thu, trong đó có cả quỹ phụ huynh. Nhưng nhà trường hiện chưa thu mà nhờ Hội phụ huynh chuyển tới từng phụ huynh tờ giấy kê các khoản thu để xin ý kiến. Sau đó sẽ tập hợp lại ý kiến, nếu số phụ huynh đồng ý chiếm đa số thì trường mới thu. Nhưng chị Mai cho hay, chị và nhiều phụ huynh trong lớp đều nhận ra đây là "chiêu" tránh dư luận của hiệu trưởng.
Chị Hải Liên có con học ở một trường tiểu học công lập ở quận Thanh Xuân cho biết, con chị cũng phải đóng 550.000 đồng tiền quỹ Hội phụ huynh. "Mà họ cũng giỏi vẽ ra các khoản chi" - chị Hải Liên cho hay.
Ai đời Hội phụ huynh lớp lại nhận đứng ra thu tiền để sơn tường lớp, để sửa chữa bóng đèn. Đó là việc của nhà trường. Thế mới có chuyện bi hài. Hội phụ huynh một trường THPT công lập ở quận Hoàn Kiếm nhận nhiệm vụ sơn lại trường học, nhưng do không nhất quán, lại chiều theo ý học sinh nên mỗi lớp sơn một màu khác nhau, làm nhà trường lòe loẹt như bức tranh vẽ hỏng. Cuối cùng, Ban Giám hiệu phải thuê thợ để sơn lại toàn bộ màu vàng kem truyền thống.
Trong khi các trường ở nội thành quỹ hội phụ huynh thu "tá lả" thì ở huyện Đông Anh, có trường tiểu học chỉ thu quỹ hội phụ huynh lớp có 50.000 đồng/học sinh/năm. Số tiền ít ỏi đó được dùng để mua quà cho các cháu nhân ngày Trung thu, tổng kết năm học. Phụ huynh và giáo viên đều thanh thản. Hoàn toàn không có chuyện sử dụng quỹ hội vào việc quà cáp cho các cô...
Quỹ Hội phụ huynh trường chỉ được trích ra từ quỹ Hội phụ huynh lớp
Xuất phát từ những bức xúc của dư luận trước sự lạm quyền của Hội cha mẹ học sinh, lệch chuẩn với chức năng nhiệm vụ của Hội, cuối năm 2011, Bộ GD & ĐT đã Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh mới khá chi tiết.
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD & ĐT cho biết, theo Điều lệ mới thì nhiệm vụ và quyền hạn của Hội phụ huynh chỉ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ về các hoạt động giáo dục. Ban đại diện cha mẹ học sinh trường phối hợp với Hiệu trưởng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ trương chính sách về giáo dục đối với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh phối hợp với hiệu trưởng giáo dục đạo đức cho học sinh bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục đi học.
Còn việc quản lý và sử dụng kinh phí của hội thì Điều lệ mới quy định rõ, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.
Như vậy, về khoản kinh phí theo quy định thì không được thu quỹ Hội phụ huynh trường, vì quỹ này được trích ra từ quỹ Hội phụ huynh lớp. Trên thực tế, hầu khắp các trường đã vi phạm Điều lệ khi thu cả quỹ phụ huynh lớp và trường. Bộ GD & ĐT cũng quy định rõ, không được qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Nghĩa là thu trên nguyên tắc tự nguyện. Nhưng thực tế từ "tự nguyện" dùng trong trường hợp này quá xa xỉ, vì đều "dội" một barem sẵn từ trên xuống cho phụ huynh.
Rất nhiều phụ huynh khi trò chuyện với chúng tôi đã cùng chung nhận xét rằng, Hội phụ huynh đang làm "hư" nhà trường, còn nhà trường thì lợi dụng danh nghĩa hoạt động của hội để thu rất nhiều khoản trên trời!
Phải có mức khống chế mức thu cho quỹ Hội phụ huynhTrao đổi với, Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT công lập Nguyễn Gia Thiều thẳng thắn chia sẻ: "Đúng là có tình trạng quỹ Hội phụ huynh thu tiền vô tội vạ của các gia đình gây ra những hệ lụy không tốt cho môi trường giáo dục, thậm chí quỹ hội đang nằm ngoài tầm kiểm soát của chính cha mẹ phụ huynh.Tôi đã sang một trường phổ thông ở bên Úc, Hội Cha mẹ học sinh của họ hoạt động nhẹ nhàng, chủ yếu đầu tư cho con em thêm các kỹ năng học tập. Ngày nhà giáo của họ, mỗi phụ huynh làm một món quà nhỏ tặng thầy cô, không giống như ở Việt Nam cứ đình đám, rình rang gây phản cảm. Tôi được biết có trường đang nhờ Hội phụ huynh thu hộ tiền lắp điều hòa - điều này là không nên, những em đầu cấp còn được hưởng vài năm, nhưng học sinh cuối cấp thì sao?Tôi được biết, 1 học sinh THPT hiện nay mỗi năm nhà nước đầu tư hơn 4 triệu đồng (trước chỉ có hơn 1 triệu đồng), đầu tư ngân sách lớn hơn rồi nhưng vẫn có trường lạm thu về cơ sở vật chất. Theo tôi, nếu chúng ta đã không làm tốt hai từ "tự nguyện" thì phải có mức khống chế mức thu quỹ Hội phụ huynh. Cùng với đó, Phòng Giáo dục và Hiệu trưởng phải giám sát chặt chẽ kinh phí sử dụng của hội sao cho đúng mục đích, dân chủ và công khai".
Theo CAND
Đau đầu chống lạm thu đầu năm Lễ khai giảng năm học mới sẽ diễn ra trong vài ngày tới với gần 20 triệu học sinh từ mầm non đến phổ thông. Mối lo liền thân với mỗi gia đình cũng là mối quan tâm nhất hiện nay của các cấp quản lý là vấn đề lạm thu, song nhiều địa phương vẫn chưa đưa ra được hướng dẫn thu...