Lạm thu nhiều năm liền ở ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng?
Nhiều khoản thu không có trong văn bản quy định, chưa có cơ chế, nhưng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, trước đây là CĐ Công nghệ (thuộc ĐH Đà Nẵng) vẫn tổ chức thu trong nhiều năm liền mới được phát hiện.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng
Thu sai nhiều năm liền nhưng kiểm toán không phát hiện ra?
Theo đơn thư tố cáo sai phạm ở CĐ Công nghệ Đà Nẵng, nay là Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng (từ năm 2017), từ khi bắt đầu đào tạo tín chỉ (năm 2006), Trường đã phụ thu thêm học phí tín chỉ học thực hành, đồ án của sinh viên với hệ số 1,2.
Khoản thu này chưa có căn cứ trong quy định và diễn ra nhiều năm liền, nhưng thanh tra, kiểm toán nội bộ và Nhà nước hằng năm đều có thanh kiểm tra nhưng không phát hiện.
Ngoài ra, Phòng Đào tạo của Trường thu tiền cấp bảng điểm quá trình học tập của sinh viên 5000 đồng/bộ và lệ phí xét tốt nghiệp là 50.000 đồng/SV. Việc thu và chi từ khoản này do Phòng Đào tạo thực hiện trong khi chức năng thu học phí, lệ phí (giả sử khoản này thu đúng) phải là của Phòng Tài chính – Kế hoạch đã có ở Trường.
Đáng chú ý, nhiều năm qua (từ khi đào tạo tín chỉ – năm 2006 đến nay), trong các cuốn niên giám của Trường đều có qui định khi SV rút lui lớp học phần từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 6 phải nộp lệ phí 50% học phí của tín chỉ đã đăng ký, tên khoản thu này là “lệ phí rút lui học phần”. Số tiền thu từ lệ phí này, giả sử thu đúng, phải nằm trong nguồn thu ngân sách của Trường; tuy nhiên, theo đơn thư tố cáo, khoản thu này được Phòng Đào tạo rút ra bằng cách lập bảng kê chi quản lý cho một số ít đơn vị. Tên mục chi là “quản lý học phí rút lui học phần”.
Video đang HOT
Cũng theo đơn tố cáo, Phòng Công tác SV thời điểm trường còn là CĐ Công nghệ Đà Nẵng đã xét cấp học bổng không đúng đối tượng. Thực tế, Ban Thường vụ Đảng uỷ ĐH Đà Nẵng đã kiểm tra và có kết luận từ tháng 5/2018 là có 22 trường hợp cấp học bổng không đúng đối tượng
Ban Giám hiệu nhà trường: “Không thu sai mà thu chưa chặt chẽ”
Trao đổi với PV Dân trí về các khoản thu nêu trong đơn thư tố cáo là thu sai nói trên, TS.Phan Cao Thọ – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng xác nhận Trường có thu các khoản nói trên, song đã dừng thu tất cả các khoản này từ năm 2017, sau khi ĐH Đà Nẵng về thanh kiểm tra và chỉ đạo dừng thu. Theo quan điểm của BGH nhà trường, một số khoản thu ở đây không phải là thu sai mà thu chưa chặt chẽ.
Đại diện BGH nhà trường giải thích các khoản thu như sau: Đối với khoản phụ thu học phí học phần thực hành (nâng hệ số tín chỉ lên 1,2), do để nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng thực hành cho sinh viên. Chẳng hạn, thay vì 30 SV/ nhóm thực hành thì trường chia nhỏ số SV mỗi nhóm để đào tạo thực hành hiệu quả hơn. Theo đó, số buổi học, giờ dạy của giảng viên nhiều hơn nên Trường tăng hệ số tín chỉ. Việc này không có cơ sở quy chế, quy định nào trong Nghị định của Chính phủ; nhưng Trường đã họp bàn thống nhất khoản thu này.
Đối với khoản thu lệ phí cấp bảng điểm, Trường giải thích do SV xin cấp bảng điểm nhiều lần trong quá trình học nên Trường thu để chi phí văn phòng phẩm. Và khoản thu này Trường không có biên lai để SV không mất thời gian đi từ Phòng Đào tạo sang Phòng Tài chính – Kế toán lấy biên lai. Khoản thu lệ phí xét tốt nghiệp được giải thích là để in phôi bằng, trang phục cử nhân trong lễ trao bằng tốt nghiệp cho SV…
Đối với khoản thu “lệ phí rút lui học phần”, Trường lý giải là để giảm bớt tình trạng SV đăng ký tín chỉ xong học vài ba tuần lại rút lui. Theo nhà trường, học phí của SV đã thu từ đầu khi SV đăng ký tín chỉ học phần, và đưa vào nguồn thu ngân sách nhà trường. Khi SV rút lui thì trường giữ lại 50%. Trong khoản thu giữ lại này, ôn Phan Cao Thọ – Hiệu trưởng nhà trường cho biết bộ phận tham mưu có tham mưu trích chi bồi dưỡng cho các đơn vị làm công tác quản lý, giống như một khoản bồi dưỡng làm thêm giờ, thêm việc.
Đối với việc xét học bổng không đúng đối tượng, theo chỉ đạo của ĐH Đà Nẵng, Trường đang làm quy trình xử lý ký luật đối với Trưởng Phòng Công tác sinh viên thời điểm Trường còn là CĐ Công nghệ Đà Nẵng.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 16/8, PGS.TS Ngô Văn Dưỡng – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết ĐH Đà Nẵng cũng đã nhận đơn thư tố cáo, trong đó có nội dung về các khoản thu nói trên.
Theo đó, Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ ĐH Đà Nẵng đã thành lập tổ công tác về trường thành viên làm việc. Qua đó, cho thấy, các khoản thu của Trường trên thực tế đào tạo là có lý, theo như giải trình của BGH nhà trường, nhưng đáng nói ở đây là trường đã tổ chức thu khi chưa có văn bản quy định cụ thể, chưa xin cơ chế để thực hiện thu như thế từ cơ quan có thẩm quyền.
Xét thấy việc tổ chức thu các khoản này đã qua nhiều thời kỳ lãnh đạo của Trường, và không có dấu hiệu vụ lợi cá nhân, nên ĐH Đà Nẵng đã chỉ đạo BGH nhà trường họp kiểm điểm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và dừng thu các khoản nói trên. Chỉ tổ chức thu khi có căn cứ từ các văn bản quy định quy chế hoạt động của Trường và được sự đồng ý của ĐH Đà Nẵng.
Riêng với việc xét cấp học bổng không đúng đối tượng là ĐH Đà Nẵng đề nghị kỷ luật Trưởng Phòng Công tác Sinh viên, và hiện đang làm quy trình kỷ luật, có thể là ở mức “Khiển trách”.
Tâm An
Theo Dân trí
Cẩn trọng du học nghề
Khác với xuất khẩu lao động, du học nghề đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm vì vừa được đào tạo nghề, vừa đi làm chính nghề đó ở nước ngoài để có thu nhập. Tuy nhiên đến nay chưa có các văn bản quy định về hình thức du học này.
Du học nghề thu hút vì người học vừa có bằng cấp, chứng chỉ nghề, vừa đi làm bằng chính nghề đó với mức thu nhập cao - ẢNH: M.Q
Nhiều chương trình
Trong thời gian qua, phổ biến nhất là các chương trình du học tại Hàn Quốc, Đức, Úc, Canada...
Tại Úc, các chương trình nghề do trường CĐ hoặc trường phổ thông giảng dạy, dành cho học sinh đã học xong lớp 10 đến lớp 12, với 8 loại bằng cấp, chứng chỉ từ thấp đến cao; thời gian ngắn nhất từ 4 - 6 tháng và dài nhất là 1 - 1,5 năm.
Tại Hàn Quốc, có 2 hình thức du học nghề khác nhau, theo thị thực D2 hoặc D4-6. Hình thức D2 là du học nghề cơ bản được đào tạo nghề tại các trường ĐH, CĐ, sau khi ra trường sẽ được cấp bằng nghề. Còn D4-6 là chương trình đào tạo nghề tại các trung tâm đào tạo tư nhân, sau khi ra trường sẽ được cấp chứng chỉ chứ không phải bằng nghề.
Đối với các chương trình du học nghề tại Đức, người học phải đạt trình độ tiếng Đức là B2. Bà Thúy Hà, nhân viên một trung tâm du học tại TP.HCM, cho biết: "Các nghề tại Đức đang thu hút nhiều bạn trẻ theo học gồm có điều dưỡng, nhà hàng, khách sạn, đầu bếp, cơ khí... Muốn có thị thực du học nghề ở Đức, ứng viên phải chứng minh tài chính, mức tối thiểu là có 4.800 euro trong tài khoản phong tỏa". Khác với chương trình dự bị và ĐH tại Đức, du học nghề không yêu cầu phải có điểm học bạ cao, không đòi hỏi các thủ tục phức tạp như TestAS, APS...
Cần lưu ý vì chưa có quy định
Tuy nhiên, vấn đề du học nghề đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể, nên người học cần thận trọng tìm hiểu kỹ để tránh bị thiệt thòi.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhìn nhận: "Đối với chương trình du học lấy bằng cử nhân thì có Bộ GD-ĐT quản lý và công nhận tương đương bằng cấp. Với chương trình xuất khẩu lao động thì có Cục Quản lý lao động ngoài nước quản lý. Nhưng với du học nghề thì hiện nay mới đang bắt đầu trình để đưa vào nghị định quy về việc quản lý du học sinh đi học nghề tại nước ngoài và người nước ngoài học nghề tại VN".
Theo một cán bộ Bộ LĐ-TB-XH, ranh giới giữa việc học và làm trong các chương trình du học nghề chưa rạch ròi. Có nơi gọi là tu nghiệp sinh, có nơi lại gọi là xuất khẩu lao động. "Với những người du học nghề thông qua các công ty tư vấn du học, chương trình học có thực hiện đúng hay không, việc trả lương như thế nào, liệu có đúng như cam kết thì chưa có ai quản lý, xác minh. Có nhiều người du học nghề lại được đưa tới những khu nhiễm xạ để làm việc, ảnh hưởng tới sức khỏe, hoặc đi làm chui, không đúng với luật pháp nước bạn. Khi gặp rủi ro trong quá trình du học nghề, bị tước quyền lợi, bị lừa... thì rất khó có người đứng ra bảo vệ, vì cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài chỉ bảo vệ quyền lợi cho những người đi học, đi làm hợp pháp. Chính vì vậy, người học cần hết sức cân nhắc, tìm hiểu kỹ những chương trình du học nghề để tránh gặp phải rắc rối", vị cán bộ này đưa ra lời khuyên.
Theo thanhnien.vn
Khánh Hòa quyết liệt khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục Sở GD&ĐT Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; từng bước khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. ảnh minh họa Trong đó nhấn mạnh việc rà soát đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy định, yêu cầu không còn...