Lạm thu đầu năm, gánh nặng từ cái tặc lưỡi
Đầu năm học, các địa phương lại xôn xao về tình trạng lạm thu của trường, cơ sở giáo dục. Gánh nặng đóng góp đầu năm đã thành nỗi lo lắng thường trực của phụ huynh.
Chị L.T.Ng. (trú thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) có con gái học tiểu học. Vào đầu năm học 2016-2017, chị được nhà trường thông báo phải nộp số tiền xấp xỉ 3 triệu đồng, với rất nhiều mục, trong đó nặng nhất là “ xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất”. Năm nay, số tiền chắc cũng tương tự.
Oằn lưng người nghèo
Chị Ng. ở nhà làm thợ may, thu nhập chỉ được khoảng 100.000 đồng cho một ngày làm việc cật lực, chồng làm thợ sắt, thu nhập bữa đực bữa cái. Công việc như vậy, chật vật lắm mới lo chi tiêu hàng ngày.
Cả nhà, ai cũng gầy gò, cháu bé có biểu hiện suy dinh dưỡng. Tiền triệu, với chị, là rất lớn. “Tôi phải đi vay, chứ trong nhà không còn tiền dư”, chị nói.
Chị Ng. không biết nhà trường thu các khoản tiền đó để làm những hạng mục gì cụ thể, và cũng không biết là có quyền từ chối, hoặc có thể đóng ít hơn khoản tiền “xã hội hóa” này so với mức nhà trường đề nghị.
“Cô thông báo thế thì em nộp, chứ có ý kiến này nọ sợ con em bị nhà trường để ý, rồi tội nó”, chị Ng. thành thật.
Cũng vì lý do đó, chị Ng. từ chối nhờ báo chí can thiệp, để giảm bớt mức đóng góp.
Đây chính là “điểm yếu chết người”, các trường triệt để lợi dụng, tìm cách thu càng nhiều càng tốt từ phụ huynh.
Năm 2016, phụ huynh trường mầm non Hưng Thắng (Hưng Nguyên, Nghệ An) từng cho con nghỉ học để phản đối Hiệu trưởng lạm thu.
Mặc dù, cơ quan quản lý các cấp, từ Bộ GD&ĐT cho đến Sở, Phòng GD, đã có nhiều văn bản quy định cụ thể về các khoản thu, nhưng các trường luôn tìm cách “lách luật”.
“Chiêu” phổ biến nhất là “xã hội hóa”, về nguyên tắc là vận động phụ huynh, nhưng lại đặt họ vào cái thế “không nộp không xong”.
Nhiều trường lại tìm cách “làm kinh tế” bằng cách bán SGK, bán vở, đồng phục cho học sinh…
Nhiều khoản “xã hội hóa” lại được giao cho hội cha mẹ học sinh trực tiếp triển khai.
Video đang HOT
Phụ huynh, dù biết đang bị “móc túi”, nhưng cũng đành tặc lưỡi vì thương con, nể thầy cô. Vào đầu mỗi năm học, phụ huynh phải tích góp, hoặc vay mượn vài triệu đồng để lo “chi phí nhập học” cho con.
Khổ nhất là các gia đình nông dân, hoàn cảnh khó khăn, đông con. Có không ít gia đình, tiền đóng học cho con đầu năm, nếu bán sạch lúa trong nhà, cũng không đủ. Rồi đành phải cật lực làm việc, tiết kiệm, chắt bóp chi tiêu. Cái nghèo, cái khổ, cứ thế dai dẳng, đeo bám.
Làm gì để giảm lạm thu?
Lạm thu, nghĩa là thu quá mức, có tính ép buộc, gian dối với mục đích trục lợi. Còn việc huy động đóng góp của phụ huynh trên cơ sở tự nguyện để xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục thì cần được khuyến khích. Biểu hiện của lạm thu không nằm ở số tiền, mức thu, mà ở tính chất mập mờ, ép buộc, lợi dụng.
Để chống lạm thu, trước hết, cần công khai, minh bạch. Việc này tưởng “đơn giản, gọn nhẹ” mà hóa ra rất khó. Các các khoản thu chi đầu năm, để phụ huynh giám sát.
Ngay cả mảnh giấy ghi các khoản thu, nhiều trường cũng không phát cho phụ huynh. Giáo viên hoặc hội trưởng phụ huynh ghi các khoản thu lên bảng, nói sơ qua rồi xóa. Phụ huynh nhiều người chỉ biết được số tổng, để đóng.
Hầu như các trường thu tiền đều không có biên lai. Tiền thu được dùng làm gì, phụ huynh cũng không được biết. Nếu công khai minh bạch, cụ thể, chi tiết các khoản, thì lạm thu sẽ khó tồn tại.
Thứ hai, cần xử lý nghiêm minh những hiệu trưởng lạm thu. Hiệu trưởng sợ nhất là kỷ luật cách chức, đồng nghĩa với việc họ không có cơ hội trục lợi. Vì vậy, nếu ngành giáo dục có quy định cách chức hiệu trưởng lạm thu, sẽ hạn chế được hiện tượng này.
Hiện nay, việc kỷ luật các hiệu trưởng lạm thu thường ở mức chiếu lệ, thậm chí có xu hướng bao che. Bởi đã thành quy luật, các hiệu trưởng này có tiền và sẵn sàng chi để lo lót, quan hệ. Nhiều người vi phạm song vẫn được điều đi trường khác làm hiệu trưởng như tại Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Về bản chất, lạm thu đồng nghĩa với lạm quyền, tham nhũng; và rất phản cảm trong môi trường giáo dục. Thiết nghĩ, cần nhận diện đúng bản chất hiện tượng này và quyết liệt ngăn chặn; đừng để nó lây lan, làm hao mòn sức dân và suy giảm niềm tin của dân vào giáo dục. Việc ngăn chặn lạm thu, cũng không phải quá khó, vấn đề nằm ở quyết tâm của nhà quản lý giáo dục.
Theo Zing
Nghệ An: Nhà trường thu tiền xã hội hóa kiểu 'lách luật'
Mặc dù nhiều cán bộ quản lý đã bị kỷ luật vì hành vi lạm thu, vẫn còn không ít trường tại Nghệ An "tạo cớ" để thu tiền xã hội hóa, gây ra gánh nặng cho phụ huynh học sinh.
Phụ huynh trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh) phản ánh năm học 2016-2017 tại cuộc họp đầu năm, phụ huynh được phổ biến kế hoạch xã hội hóa với mức thu lên tới hàng triệu đồng.
"Chúng tôi khó khăn, nhưng họ đã nói thế cũng phải theo, không thì tội con", chị L.T.T.M. (phường Quán Bàu) có con học lớp 11, cho hay.
Chị M. cho biết chị đã nộp tiền "xã hội hóa" 1 triệu đồng, cộng với các khoản khác, số tiền chị đã nộp lên tới xấp xỉ 4 triệu đồng, quá lớn so với hoàn cảnh nghề nghiệp không ổn định như chị. Khi nộp tiền, không có hóa đơn.
Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đồng ý cho vận động xã hội hóa để trả nợ và mua bàn ghế.
Trường huy động tiền tỷ... chờ dự án
Thầy Hoàng Minh Lương - hiệu trưởng THPT Hà Huy Tập - cho biết các quy trình triển khai xã hội hóa thực hiện theo đúng quy định, trường không áp đặt mức thu đối với phụ huynh.
Tuy nhiên, theo kế hoạch, năm học này dự kiến vận động 1 tỷ đồng, trên số lượng 1.500 học sinh từ đó suy ra "mức bình quân tối thiểu" (khoảng hơn 650.000 đồng/học sinh), thầy Lương trao đổi.
Điều đáng nói là số tiền 1 tỷ đồng xã hội hóa nói trên không phải huy động để bổ sung cơ sở vật chất cần thiết đáp ứng nhu cầu dạy học trong năm học này, mà tích lũy để thực hiện dự án xây dựng trong... tương lai.
Trong khi nhiều trường thiếu thốn, trường THPT Hà Huy Tập còn dư đến gần 1,3 tỷ đồng từ năm học trước để lại.
Trong tờ trình số 09 ngày 10/9 gửi Sở GD&ĐT Nghệ An xin phê duyệt kế hoạch vận động ủng hộ cơ sở vật chất trường học năm học 2016-2017, hiệu trưởng THPT Hà Huy Tập xin huy động 1 tỷ đồng để thực hiện các dự án trong lộ trình đến năm 2020, dự kiến cần 16 tỷ đồng.
Tại văn bản số 1915 ngày 23/9, Sở GD&ĐT Nghệ An đã đồng ý cho phép vận động xã hội hóa để thực hiện: mua bổ sung bàn ghế hư hỏng, trả nợ dự án xây dựng nhà học 3 tầng.
Trường THPT Hà Huy Tập xin huy động 1 tỷ để "tích lũy phục vụ đầu tư".
Như vậy, Sở GD&ĐT Nghệ An không đồng ý cho trường THTP Hà Huy Tập vận động xã hội hóa để "chờ" dự án, nhưng trường này vẫn tiến hành thực hiện.
Ông Nguyễn Hoàng - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - trao đổi: "Sở không nắm được trong quỹ xã hội hóa của nhà trường còn bao nhiêu. Còn về nguyên tắc, cái gì Sở không cho phép mà trường vẫn thực hiện là sai. Còn vận động xã hội hóa thì năm nào giải quyết trong năm đó".
Trường thuộc diện giải tỏa, vẫn xin làm mái tôn 145 triệu
Năm học 2016-2017, hiệu trưởng trường THCS Hưng Bình (TP Vinh) lập tờ trình xin huy động khoảng 350 triệu đồng để thực hiện: trả nợ xây nhà và mua sắm cơ sở vật chất 108 triệu đồng; mua sắm, sữa chữa bàn ghế học sinh 32 triệu đồng; quét vôi ve nhà học và bờ rào: 75 triệu đồng; làm mái tôn nối giữa các dãy nhà học che mưa nắng - 145 triệu đồng.
Kế hoạch nói trên đã được ông Thái Khắc Tân - Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh - ký phê duyệt vào ngày 19/9.
Điều đáng nói là trường THCS Hưng Bình nằm trong vùng quy hoạch thực hiện dự án đường Lý Thường Kiệt kéo dài, sắp sửa giải tỏa. Hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết dự kiến vào năm học 2017-2018 sẽ di dời trường về cơ sở mới.
PV hỏi tại sao trường sắp di dời mà vẫn làm mái tôn che mưa, kinh phí lên tới 145 triệu đồng, liệu có lãng phí, cô Hiền cho biết hạng mục này là cần thiết, nhưng nếu như trường sắp di dời thì sẽ không thực hiện, mà chuyển sang thực hiện các nội dung khác như mua sắm máy móc cho học sinh học tin học, ngoại ngữ; hoặc sửa chữa các hạng mục khác.
"Ra Tết, chúng tôi sẽ làm việc lại với phường, nếu trong năm 2017 di dời thì sẽ dừng hạng mục mái tôn, còn nếu 2 năm mới di dời thì sẽ thực hiện", cô Hiền nói. Cô Hiền cho hay hạng mục quét vôi ve đã thực hiện.
Thuộc diện giải tỏa, trường THCS Hưng Bình vẫn lập dự án làm mái tôn và quét vôi ve hết 220 triệu đồng.
Phóng viên trao đổi kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất phải xây dựng từ đầu năm, xác định cần các hạng mục gì để làm tờ trình chứ tại sao đã xin làm mái tôn thấy không ổn nay lại chuyển sang làm việc khác, cô Hiền lại giải thích việc di dời trường mới chỉ "nghe nói", chứ chưa có văn bản cụ thể.
Ông Nguyễn Hữu Đắc - Chủ tịch UBND phường Hưng Bình - cho biết hiện nay đang xúc tiến để giải phóng mặt bằng xây dựng trường THCS Hưng Bình. Dự kiến, theo kế hoạch của thành phố, năm 2017-2018 sẽ hoàn thành, chi phí xây dựng khoảng 42 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, đến kỳ họp HĐND tới đây sẽ trình thông qua.
Về hạng mục mái tôn che mưa giữa các dãy nhà học, ông Đắc nói: "Quan điểm của tôi là xã hội hóa phải phù hợp, cái gì cần thiết thì làm, cái gì không cấp thiết thì thôi. Nhà trường cần xem xét cụ thể, đừng vận động làm tội dân".
Ông Đắc cho biết sẽ cử cán bộ về trường kiểm tra lại, nếu chưa làm và không cần thiết thì không nên làm.
Nếu tiến độ xây dựng bảo đảm kế hoạch, vào năm học 2017-2018, trường THCS Hưng Bình di dời về cơ sở mới, số tiền quét vôi ve 75 triệu đồng và hạng mục "mái tôn che mưa" 145 triệu đồng sẽ "cuốn theo chiều gió".
Lạm thu, hiệu trưởng bị cảnh cáo
UBND huyện Hưng Nguyên vừa quyết định cảnh cáo cô Lê Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Mầm non Hưng Thắng - vì đã có sai phạm trong triển khai thu xã hội hóa đầu năm học 2016-2017 và phát ngôn thiếu chuẩn mực với phụ huynh. Cô Hà cũng bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng.
Trước đó, trường đề ra mức thu xã hội với số tiền từ 700.000 đồng/học sinh; thu tiền đồ dùng đồ chơi, học liệu từ 350.000 - 365.000 đồng/học sinh; tiền đồ dùng phục vụ công tác vệ sinh tại các lớp và thay cha mẹ chăm sóc trẻ bán trú tại trường từ 150.000- 195.000 đồng/ học sinh.
Theo Zing
Cảnh cáo hiệu trưởng trường mầm non lạm thu Sáng 28/11, ông Ngô Phú Hàn - Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) - cho biết ông đã ký quyết định kỷ luật cảnh cáo cô Lê Thị Thu Hà - Hiệu trưởng trường Mầm non Hưng Thắng. Nữ hiệu trưởng bị kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng, không được xét duyệt danh hiệu thi đua trong năm học...