Làm thế nào để phát hiện các triệu chứng của ung thư tuyến giáp?
Việc tầm soát ung thư là rất quan trọng đối với phụ nữ. Hàng năm, mọi phụ nữ đều nên đặt lịch chụp nhũ ảnh để kiểm tra ung thư vú và đi khám bác sĩ da liễu để đảm bảo không có bất kỳ nốt ruồi nào gây rắc rối.
Nhưng có một bệnh ung thư đang liên tục gia tăng ở phụ nữ mà nhiều người có thể không chú ý đến: đó là ung thư tuyến giáp.
Kyle Zanocco, bác sĩ ngoại nội tiết và là giảng viên khoa ngoại tại UCLA Health cho biết, “ung thư tuyến giáp là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp có khả năng di căn sang các bộ phận khác của cơ thể”. Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào tuyến giáp – tuyến hình cánh bướm nằm bên dưới hộp thanh quản – bị những đột biến gen dẫn đến sự phát triển không kiểm soát được.
Và bệnh đặc biệt hay gặp ở phụ nữ, những người dễ phát triển ung thư tuyến giáp gấp ba lần so với nam giới. Mặc dù bệnh có thể được tìm thấy ở mọi giới tính và độ tuổi, nhưng nó thường được thấy ở phụ nữ độ tuổi 40 và 50.
Ảnh minh họa
Các chuyên gia chưa biết chính xác tại sao ung thư tuyến giáp lại tấn công phụ nữ nhiều hơn, nhưng vẫn có những giả thuyết. “Trước tuổi dậy thì, ung thư tuyến giáp phân bố đồng đều ở cả các em trai và em gái, và chúng ta chỉ thấy tỷ lệ tăng ở phụ nữ sau tuổi dậy thì”, R. Michael Tuttle, bác sĩ chuyên khoa nội tiết chuyên về ung thư tuyến giáp tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering nói. “Vì vậy, có khả năng bệnh liên quan đến nội tiết tố nữ, nhưng chưa ai thực sự chắc chắn”.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng ung thư tuyến giáp là loại ung thư đang gia tăng nhanh nhất ở Mỹ, tăng gấp ba lần trong ba thập kỷ qua, theo hội Ung thư Mỹ. Nhưng đừng để con số này làm bạn lo lắng: Số liệu cho thấy rằng sự gia tăng này là do “phát hiện ngẫu nhiên”, có nghĩa là ung thư được phát hiện trong một thủ tục y tế khác, như khám sức khỏe thông thường hoặc chiếu chụp vùng cổ cổ để kiểm tra tắc nghẽn động mạch, Ralph P. Tufano, bác sĩ khoa ngoại tai mũi họng và đầu cổ tại Johns Hopkins Medicine cho biết.
Vì vậy, mặc dù tỷ lệ mắc mới ung thư tuyến giáp chắc chắn đang tăng, các chuyên gia vẫn đang cố gắng xác định liệu sự gia tăng này là do lạm dụng chẩn đoán hay là do sự gia tăng thực sự của chính căn bệnh này. Điều này rất quan trọng vì các dạng ung thư tuyến giáp khác nhau nằm trong một phổ rất rộng.
Các loại ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp biệt hóa (được chia nhỏ hơn thành các thứ týp ung thư biểu mô nhú, nang hoặc tế bào Hurthle) chiếm hơn 90% số trường hợp ung thư tuyến giáp. Bệnh phát triển trong các tế bào của tuyến giáp chịu trách nhiệm về các chức năng thông thường của tuyến giáp, như sản xuất và giải phóng hoóc-môn. Hầu hết các ung thư tuyến giáp biệt hóa, và cụ thể là ung thư tuyến giáp dạng nhú, thường không tăng triển và không phải là khối u bất thường, có nghĩa là tiên lượng rất tốt.
Ung thư tuyến giáp vùng tủy không bắt nguồn từ các tế bào tuyến giáp thông thường, mà bắt nguồn từ những tế bào được gọi là “tế bào C”. Những tế bào này sản sinh một hoóc-môn gọi là calcitonin, có tác dụng làm giảm can-xi trong máu ở động vật. (con người không có nhu cầu này, nó không phải là mục đích của chúng ta). Khoảng 1/4 bệnh nhân ung thư tuyến giáp vùng tủy đã di truyền tình trạng này.
Ung thư tuyến giáp bất sản là dạng ung thư tuyến giáp hiếm nhất và “hung hãn” nhất. Bệnh phát triển khi có nhiều thay đổi di truyền xảy ra biến ung thư biệt hóa, là căn bệnh phát triển rất chậm và khiến hầu hết người bệnh sống đủ lâu để chết vì nguyên nhân nào đó khác, trở thành một trong những dạng ung thư nguy hiểm nhất mà chúng ta mắc phải hiện nay. Ung thư tuyến giáp bất sản chỉ xảy ra ở khoảng 1.000 người ở Mỹ mỗi năm.
Các triệu chứng của ung thư tuyến giáp
Đây là phần khó nhất: Hầu hết những người bị ung thư tuyến giáp hoàn toàn không có triệu chứng, đó là lý do tại sao một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân ung thư tuyến giáp được phát hiện trong các khám xét khác. Tuy nhiên, đối với ung thư tuyến giáp tăng triển và giai đoạn muôn hơn, có một số dấu hiệu cần theo dõi. Những triệu chứng này là rất hiếm, vì vậy nếu gặp phải chúng, hãy đến bác sĩ ngay.
1. Thay đổi giọng nói
Một trong những cách khiến ung thư tuyến giáp tăng triển trở thành có triệu chứng là do sự xâm lấn tại chỗ vào các cấu trúc xung quanh, bao gồm cả dây thần kinh điều khiển các dây thanh âm. Nếu dây thần kinh bị ung thư xâm lấn, nó có thể gây khàn tiếng hoặc thay đổi giọng nói.
2. Ho ra máu
Tương tự, vì tuyến giáp có liên quan mật thiết với khí quản và thực quản, nên trong những trường hợp rất hiếm, nó có thể khiến người bệnh ho ra máu.
3. Khó nuốt hoặc thở
Ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn có thể gây khó nuốt hoặc khó thở nếu khối u chèn ép vào các cấu trúc trong cổ, bao gồm cả khí quản hoặc thực quản.
Video đang HOT
4. Tiêu chảy nặng nề
Triệu chứng này đặc hiệu với ung thư tuyến giáp vùng tủy do những protein mà loại ung thư đặc biệt này tạo ra. Đôi khi, bệnh nhân sẽ đến khám do bị tiêu chảy mãn tính và có thể đã đi khám và điều trị chuyên khoa tiêu hóa – đôi khi trong nhiều tháng hoặc nhiều năm – để cố tìm ta nguyên nhân gây tiêu chảy – và hóa ra nó có liên quan đến ung thư biểu mô tuyến giáp vùng tuỷ. Đối với những người bị ung thư tuyến giáp vùng tủy, họ có thể đi ngoài từ 10 đến 20 lần mỗi ngày.
5. Khối u lớn ở nền cổ
Triệu chứng này là điều mà một số bác sĩ sẽ tình cờ nhận thấy trong khi khám khi sờ thấy một khối u ở tuyến giáp của bệnh nhân, thường không đau. Đặc biệt, nếu bạn từng tia xạ vùng cổ, hãy nhớ rằng bạn có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn, vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ về việc kiểm tra cổ để đảm bảo bạn không phát triển một trong những khối u ung thư này.
6. Sưng hạch
Khi khối u ung thư tuyến giáp trở nên lớn hơn, nó cũng có thể gây sưng hạch ở cạnh cổ.
Ung thư tuyến giáp được điều trị thế nào?
Vì ung thư tuyến giáp rất khác nhau về mức độ tăng triển, nên cách điều trị ung thư cũng khá là cá biệt.
Đối với ung thư tuyến giáp biệt hóa và ung thư tuyến giáp vùng tủy, phương pháp điều trị chính là phẫu thuật cắt bỏ một nửa hoặc toàn bộ tuyến giáp và, nếu cần, nạo vét các hạch bạch huyết trong khu vực. Sau đó, một số bệnh nhân sẽ được điều trị bằng i-ốt phóng xạ, ở dạng viên thuốc tập trung đặc hiệu trong các tế bào tuyến giáp, bao gồm cả những người bị ung thư và cuối cùng giết chết chúng.
Bước tiếp theo cho những bệnh nhân đã mổ cắt tuyến giáp là dùng thuốc nội tiết tố tuyến giáp để bù đắp cho những gì mà cơ thể đã từng sản xuất. Đối với ung thư biệt hóa, bộ ba truyền thống là phẫu thuật, i-ốt phóng xạ và liệu pháp hoóc-môn tuyến giáp. Hiện nay, các bác sĩ lựa chọn chặt chẽ hơn những bệnh nhân nào sẽ điều trị iốt phóng xạ, và những bệnh nhân nào sẽ phẫu thuật và phẫu thuật được thực hiện đến mức nào.
Trên thực tế, đối với một số bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp biệt hóa rất nhỏ và giới hạn ở tuyến giáp, họ có thể không cần điều trị. Thay vào đó, họ được giám sát chủ động, nghĩa là theo dõi ung thư qua siêu âm cứ 4 đến 6 tháng một lần trong một hoặc hai năm đầu tiên sau chẩn đoán, và sau đó cứ sau 6 đến 12 tháng một lần. “Phần lớn dữ liệu của chúng tôi cho thấy ngay cả khi trì hoãn can thiệp cho đến khi khối u tăng thêm, ví dụ, 3mm, thì hầu hết bệnh nhân vẫn có kết quả rất tốt”, BS. Tufano cho biết.
Tuy nhiên, điều trị ung thư tuyến giáp bất sản sẽ hơi khác vì sự tăng triển của nó. Mặc dù trước đây không có cách điều trị cho loại ung thư này, nhưng hiện nay có các lựa chọn hóa trị có thể cho phép bệnh nhân sống thêm tới 1 đến 2 năm với chất lượng sống tốt.
Điều quan trọng nhất là gặp bác sĩ chuyên điều trị ung thư tuyến giáp nếu có chẩn đoán, đặc biệt là đối với những ung thư tuyến giáp ít tăng triển hơn. BS Tufano khuyên “Bạn không cần phải vội vã mổ ngay ngày mai vì cảm thấy lo lắng bởi một bác sĩ phẫu thuật không có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.
“Bạn cần phải bình tĩnh. Bạn phải chắc chắn rằng mình không quá nóng vội về bệnh và rằng bạn đang có được thông tin chính xác bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và có thể xây dựng một kế hoạch điều trị phù hợp nhất với bạn”.
Theo Dantri.com.vn
Ung thư tuyến giáp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ung thư tuyến giáp
Nhắc đến bệnh ung thư tuyến giáp thì đa số mọi người đều hình dung được những biến chứng nguy hiểm của bệnh này, thậm chí nhiều người còn nghĩ "mắc ung thư thì chỉ có nước chết".
Thế nhưng khi nhắc đến triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị như thế nào thì rất ít người biết. Ngay từ bây giờ hãy bổ sung kiến thức để chủ động phòng ngừa, phát hiện và chữa kịp thời.
Ung thư tuyến giáp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là bệnh gì?
Tuyến giáp là gì? Đây là một bộ phận có hình bướm, vị trí ở trước cổ, ngay dưới "trái cấm Adam" có chức năng sản xuất hooc môn tuyến giáp (thyroxine hoặc gọi là T4. Hormon) phục vụ quá trình trao đổi các chất giúp cơ thể phát triển. Đặc biệt nó rất tốt cho sự phát triển não bộ của thai nhi.
Ung thư tuyến giáp là bệnh xuất hiện khi các tế bào của tuyến giáp phát triển không bình thường, thường xuất phát từ tế nào nang gọi là ung thư thể nhú hoặc ung thư nang và ung thư không biệt hóa. Ung thư thể nhú là loại phổ biến, nhất là ở những người còn trẻ tuổi còn ung thư nang thì hay gặp ở người già; Ung thư không biệt hóa là loại nguy hiểm và khó điều trị nhất.
Ngoài ra, tế bào ung thư bắt nguồn từ tế bào cận nang được gọi là ung thư mô tủy. Loại ung thư này có khả năng di truyền.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp là do sự bất thường của các tế bào tại cơ quan này. Tuy chưa xác định được chính xác lý do gây ra điều này nhưng các chuyên gia Y tế cho rằng tế bào ung thư nào xuất hiện cũng đều do các AND trong đó bị thay đổi. Chính điều này đã dẫn sự tái tạo tế bào diễn ra nhanh, mạnh mẽ, không thể kiểm soát tạo nên bướu hay gọi là khối u.
Bệnh xảy ra với tất cả mọi người ở mọi độ tuổi, giới tính nhưng phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Nhiễm phóng xạ: Cơ thể người có thể bị nhiễm phóng xạ qua đường tiêu hóa, qua đường hô hấp gây ảnh hưởng đến tuyến giáp.
Những người phải tiếp xúc với các chất phóng xạ hay trẻ em phải xạ trị để điều trị ở đầu, cổ, ngực cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ung thư tuyến giáp không phải là bệnh truyền nhiễm.
Rối loạn hệ miễn dịch: Là nguyên nhân đầu tiên, khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng sinh sản sinh ra các kháng thể có tác dụng chống lại sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn bị suy giảm. Điều này tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus tấn công cơ thể, trong đó có tuyến giáp bị xâm hại, gây ung thư tuyến giáp.
Yếu tố di truyền: Thực tế cho thấy khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có gia đình có bố mẹ, hoặc người thân mắc bệnh.
Yếu tố tuổi tác, thay đổi hormone : Ở độ tuổi 30- 50, ở phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-4 lần so với nam giới. Nguyên nhân nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn là do yếu tố hormone ở phụ nữ kích thích quá trình hình thành bướu ở tuyến giáp, hạch tuyến giáp. Theo thời gian, các bướu này có thể phát triển thành ung thư.
Do mắc bệnh tuyến giáp: Người bị bệnh bướu tuyến giáp, viêm tuyến giáp, bệnh basedow hoặc hoóc-môn tuyến giáp bị suy giảm sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác.
Do tác dụng phụ của một số loại thuốc: Bệnh nhân mắc các bệnh về tuyến giáp sẽ được bác sĩ chỉ định uống i ốt phóng xạ, chính đây là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
Các nguyên nhân khác như bị thiếu i ốt, uống rượu thường xuyên, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì...
Triệu chứng
Giai đoạn đầu thì đa số bệnh nhân ung thư tuyến giáp đều không có những biểu hiện nào rõ ràng, có chăng chỉ là những khối u tuyến giáp - mới đầu chúng thường chưa di căn hoặc lây lan sang các bộ phận xung quanh đó gây ra triệu chứng khó nuốt, đau cổ, sưng bạch huyết, khàn giọng,...
Triệu chứng sớm:
Xuất hiện khối u ở cổ: có thể dễ dàng phát hiện dấu hiệu này do tuyến giáp nằm ở phía trước vùng cổ. Khối u có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
Có hạch vùng cổ: hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.
Triệu chứng muộn:
Khối u to, rắn, cố định trước cổ.
Khàn tiếng, có thể khó thở do khối u to dần lên chèn ép vào thanh quản, khí quản
Khó nuốt, nuốt vướng, do u chèn ép vào thực quản
Da vùng cổ có thể bị thâm nhiễm hoặc sùi loét ra máu.
Liệu pháp điều trị
Trước khi điều trị thì các bác sĩ sẽ dùng những kĩ thuật Y tế để chẩn đoán chính xác và tìm ra đúng nguyên nhân để điều trị bệnh nhanh chóng, hiệu quả:
Chụp X - quang để phát hiện khối U
Sinh thiết để xác định tế bào ung thư
Cách điều trị
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định dùng những những biện pháp khác nhau, có thể xạ trị, hóa trị hay phẫu thuật cắt bỏ khối ung thư tuyến giáp.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phương pháp quan trọng nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp, phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tuyến giáp tùy vào từng trường hợp cụ thể tuy nhiên phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ là phương pháp điều trị tối ưu nhất. Với tất cả các trường hợp khối u tuyến giáp có chỉ định phẫu thuật thì sinh thiết tức thì trong mổ là phương pháp giúp phẫu thuật viên quyết định cách thức phẫu thuật cho phù hợp.
Chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp kết hợp với nạo vét hạch cổ trong các trường hợp sau:
Với ung thư giáp trạng không biệt hóa nếu như còn khả năng phẫu thuật trên cơ sở đánh giá giai đoạn trước phẫu thuật kỹ. Nếu không còn khả năng phẫu thuật thì đôi khi buộc phải sử dụng các phẫu thuật điều trị triệu chứng như mở khí quản hay mở thông dạ dày sau đó chỉ định tia xạ và hóa trị.
Với ung thư tuyến giáp biệt hóa sẽ chỉ định cắt giáp toàn bộ khi có một trong các yếu tố tiên lượng xấu hoặc ung thư tuyến giáp tái phát, vét hạch cổ khi phát hiện hạch trên lâm sàng, dựa trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và thăm khám kiểm tra đánh giá tổn thương trong phẫu thuật.
Với các trường hợp ung thư tuyến giáp thể tủy đa số tổn thương đa ổ, mức độ ác tính, tỷ lệ tái phát tại chỗ cao và thường có di căn hạch vùng từng giai đoạn sớm. Do đó phương pháp điều trị là cắt tuyến giáp toàn bộ, vét hạch cổ và xạ trị bổ trợ..
Ngoài những trường hợp chỉ định cắt giáp toàn bộ, người bệnh được cân nhắc chỉ định cắt tuyến giáp gần toàn bộ hoặc cắt thùy và eo giáp
Điều trị I131 là phương pháp điều trị bổ trợ giúp tiêu diệt những tế bào ung thư còn sót lại hoặc những tổn thương di căn xa.
Xạ trị và hóa trị ít có giá trị với ung thư tuyến giáp thể biệt hóa, thường được sử dụng đối với ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể tủy.
Liệu pháp hormon: chỉ định sau khi điều trị I131 hậu phẫu, hay sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp hoặc có di căn lan tràn sau khi điều trị triệt căn thất bại.
Liệu pháp tăng cường hệ miễn dịch tự thân là liệu pháp giúp người bệnh ung thư củng cố hệ miễn dịch để kích thích các tế bào miễn dịch hoạt động, tăng khả năng nhận diện và tấn công tế bào ung thư, tăng hiệu quả điều trị.
Theo thoidai
Ung thư hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm Theo các chuyên gia y tế, với nhiều kỹ thuật và công nghệ hiện đại ngày nay, bệnh ung thư hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, làm thế nào để người dân có thể tự tầm soát, phát hiện sớm để được điều trị bệnh kịp thời, các triệu chứng chính của bệnh...