Làm sao kịp ‘nâng’ trình độ 100.000 cán bộ y tế trung cấp?
Theo thống kê của Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Y tế, hiện có 126 nghìn trên tổng số 430 nghìn viên chức ngành y tế có trình độ trung cấp, chiếm gần 30% tổng số viên chức y tế.
Cả nước hiện cũng có 135 trường trung cấp chuyên nghiệp liên quan lĩnh vực y tế, với tổng quy mô đào tạo trên 126 ngàn học sinh đang theo học.
Hiện các trường đang chuẩn bị phải đổi mới, khi tới 2019 các trường phải dừng tuyển sinh hệ trung cấp các ngành điều dưỡng, dược sỹ trung học, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên y học hệ trung cấp.
Chỉ còn 3 năm để đổi mới và các trường tất yếu là hết sức hoang mang. Nhưng ngành y tế lại cho rằng họ làm như vậy là vì đảm bảo chất lượng điều trị.
Có khó khăn cho vùng sâu vùng xa
Việc Bộ Y tế đưa ra lộ trình đến năm 2021 sẽ chỉ tuyển viên chức y tế có trình độ cao đẳng, lãnh đạo của nhiều cơ sở đào tạo y tế đã bày tỏ lo lắng khi khó có thể đạt được thành công theo lộ trình này và còn tạo khó khăn cho các trường trung cấp y dược.
Video đang HOT
Bác sĩ Nông Ngọc Khánh – Hiệu trưởng trường Trung cấp y tế Lào Cai – bày tỏ lo ngại nếu đến năm 2021 ngưng tuyển viên chức y tế hệ trung cấp, cũng đồng nghĩa với việc các trường trung cấp y dược hiện nay sẽ phải tính toán để có thể nâng lên trở thành trường cao đẳng y dược, tuy nhiên thực hiện được điều này không phải đơn giản đối với các trường y tế ở khu vực miền núi.
“Chúng tôi sẽ phải báo cáo với lãnh đạo tỉnh để có kế hoạch làm sao đó đưa trường lên đào tạo hệ cao đẳng, tuy nhiên nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu đào tạo hệ cao đẳng tại tỉnh hiện nay là không đủ, do vậy rất khó có thể đáp ứng được việc này”, bác sĩ Khánh cho biết.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp y tế Lai Châu Lê Văn Nghị cũng cho rằng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với các trường trung cấp y tế tại các tỉnh miền núi có thể nâng lên thành hệ cao đẳng không phải vấn đề về cơ sở vật chất mà là nguồn nhân lực.
Sinh viên CĐ dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Theo ông Nghị, hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu có đến 80% – 90% cán bộ y tế công tác chỉ có trình độ chuyên môn hệ trung cấp, với những cán bộ đủ điều kiện để có thể tham gia giảng dạy, thành lập các khoa chuyên môn theo quy định đối với hệ cao đẳng thì lại chuyển về các vùng thành thị làm việc do có môi trường tốt hơn.
“Nếu Bộ Y tế không có cơ chế hỗ trợ cho các trường trung cấp y dược tại khu vực miền núi thì gần như chắc chắn chúng tôi sẽ phải quay trở lại thành Trung tâm đào tạo, hỗ trợ về y tế hoặc cũng có thể phải giải thể.” – ông Nghị lo lắng.
Làm sao kịp “nâng” trình độ cho cả trăm nghìn người?
Thạc sỹ Hoàng Thị Thúy Hà – Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Sơn La – cũng bày tỏ băn khoăn khi khó có thể hoàn thành nhiệm vụ trong việc từ nay đến 2025, các trường Đại học, Cao đẳng y dược sẽ phải đào tạo cho trên 100.000 cán bộ y tế có trình độ trung cấp bởi theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo, chỉ tiêu cho phép đào tạo hệ chính quy là 15% và hệ vừa học vừa làm là 30%.
Như vậy, nếu muốn hoàn thành được việc đào tạo nâng trình độ chuyên môn cho các cán bộ trình độ trung cấp thì cần phải có cơ chế “đặc biệt” đối với ngành y.
Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng – Cục Khoa học công nghệ & Đào tạo, Bộ Y tế – những băn khoăn của lãnh đạo các cơ sở đào tạo y tế đã được cân nhắc và tính toán trước.
Việc chuẩn hóa trình độ cao đẳng trở lên là để nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập với các nước ASEAN, do vậy bắt buộc mỗi viên chức sẽ phải chủ động kế hoạch học tập, rèn luyện để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu mới.
Tuy nhiên, các Bộ sẽ cùng bàn để có cơ chế riêng cho khu vực vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.
Còn ông Phạm Văn Tác cho rằng, từ nay đến 2025, khi xóa chức danh viên chức hệ trung cấp trong cơ sở y tế còn lộ trình tới gần 10 năm để chuẩn bị.
Trong gần 10 năm này, các trường trung cấp liên quan đến khối ngành y dược cần chuyển đổi nâng cấp lên đào tạo hệ cao đẳng, viên chức ngành y tiếp tục làm việc sau 1/1/2025 buộc phải học thêm lên để đạt trình độ cao đẳng.
Trước ngại việc học “khoán” như vậy liệu có đạt yêu cầu chuyên môn, hay chỉ là vì bằng cấp, ông Tác cho rằng, lộ trình gần 10 năm để chuẩn hóa là đảm bảo đủ để các trường và cả cán bộ y tế chuẩn bị.
“Hiện nay Nhật Bản, Malaysia và nhiều thị trường khác đang tuyển số lượng lớn điều dưỡng, nhưng họ đều yêu cầu trình độ tối thiểu là cao đẳng trở lên. Việc tăng thời gian đào tạo ngoài đáp ứng nhu cầu nhân lực trong nước, còn là mở rộng cơ hội làm việc ở nước ngoài”, ông Tác cho biết
Theo L. Anh – T. Hà – N. Thắng/Tuổi Trẻ