Làm sao hạn chế rủi ro khi tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa?
Liên tiếp những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra khi học sinh tham gia hoạt động ngoại khoá, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác đảm bảo an toàn cho học sinh đối với các trường và đơn vị tổ chức.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Báo động tình trạng mất an toàn của hoạt động ngoại khoá
Gần đây, vụ việc thương tâm khiến hai học sinh tử vong khi đi ngoại khoá, một học sinh đuối nước ở Bình Dương và một học sinh Hà Nội thiệt mạng liên quan vụ tàu lượn siêu tốc gặp sự cố khiến phụ huynh học sinh vô cùng lo lắng.
Hiện nay là thời điểm các trường học đã sơ kết học kỳ 1 và tổ chức cho học sinh đi dã ngoại. Đây là hoạt động bổ ích nằm trong chương trình giáo dục nhằm giúp các em học sinh có thêm kiến thức từ thực tế. Nhưng chỉ trong ngày 14/1 có hai học sinh tử vong trong các hoạt động ngoại khoá, một học sinh đuối nước tại hồ bơi khu du lịch ở Bình Dương và một học sinh thiệt mạng liên quan vụ tàu lượng siêu tốc gặp sự cố ở Phú Thọ.
Sáng ngày 13/1, Trường Tiểu học Âu Dương Lân (Quận 8, TP.HCM) tổ chức cho 400 học sinh đi ngoại khóa tại khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương). Không may, một học sinh nam lớp 4 rơi xuống vùng biển nhân tạo (khu vực dành cho học sinh tiểu học). Sau khi được phát hiện và đưa lên bờ, nam sinh được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dương rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) điều trị. Đến tối 14/1, em này tử vong.
Cũng trong ngày 14/1, tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), tàu lượn đang trong quá trình vận hành thì bất ngờ một khoang chở khách rơi ra khỏi đường ray. Sự cố khiến ba học sinh THPT ở huyện Đông Anh (Hà Nội) đang tham gia hoạt động dã ngoại do nhà trường tổ chức tại đây gặp nạn. Trong đó, một học sinh bị đập đầu xuống nền bê tông bất tỉnh, tuy được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi, hai em còn lại bị thương.
Đáng chú ý, vào năm 2014, tại Đảo Ngọc Xanh cũng từng xảy ra tai nạn gần như tương tự. Lúc đó, 12 học sinh của một trường THCS ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang chơi trên đu quay thì hệ thống máy bị vỡ ti-ô thủy lực, không thể tiếp tục nâng lên cao. Chiếc đu quay rơi tự do xuống đất ở độ cao 2 mét, khiến 12 học sinh đang ngồi trên đó hoảng loạn, 6 em phải nhập viện.
Hoạt động ngoại khoá ngoài nhà trường là quyền lợi của học sinh và đem đến sự trải nghiệm của học sinh. Những hoạt động ngoại khoá này là theo chương trình của nhà trường đã được Sở GD&ĐT cấp phép. Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội tất cả các trường muốn tổ chức hoạt động ngoại khoá ngoài nhà trường cho học sinh phải có tờ trình, đề án có chương trình hoạt động rõ ràng, đơn vị phối hợp, địa điểm tổ chức và ý kiến phụ huynh học sinh.
Video đang HOT
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Đảm bảo an toàn cho học sinh đi ngoại khoá
Một vài năm gần đây, không ít trường chọn những khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng để cho các em đi dã ngoại. Các em học sinh đều trong độ tuổi nghịch ngợm, hiếu động, nhiều em thiếu kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm nên nguy cơ xảy ra thương tích, tai nạn trong chuyến đi là khá cao. Hơn nữa, việc quản lý, chăm sóc các em trong những chuyến đi thường là cô giáo chủ nhiệm, vài phụ huynh cùng nhân viên khu du lịch – nhưng lớp đông nên không thể quản xuể.
Hoạt động ngoại khoá là những hoạt động không thể thiếu trong chương trình giáo dục. Nếu tổ chức tốt, những chuyến đi này sẽ tạo cho học sinh nhiều trải nghiệm, giúp cho việc học tập tốt hơn. Tuy nhiên, các trường phải đặc biệt lưu ý vấn đề an toàn cho học sinh khi tổ chức hoạt động ngoại khoá.
Ông Hoàng Trọng Tuấn (Công ty du lịch Sao Kim) khuyến cáo, để hạn chế rủi ro trong các chuyến đi ngoại khoá, các trường nên lựa chọn các địa điểm tham quan không quá xa, địa hình bằng phẳng, đi lại thuận tiện, không nên đưa học sinh đến các khu vực tiềm ẩn nguy hiểm. Trước khi đưa học sinh đi ngoại khoá, các trường cần lên phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cứu, cấp cứu, mua bảo hiểm đầy đủ cho học sinh. Các thầy cô cần điểm danh thường xuyên tránh tình trạng học sinh bị bỏ lại, bị lạc hay gặp sự cố.
“Các trường nên lựa chọn những công ty tổ chức uy tín, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, có hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tập thể và có kỹ năng cứu hộ, quản lý học sinh”, ông Tuấn đưa ra lời khuyên.
Bên cạnh đó, TS.BS.Nguyễn Thị Tuyết Minh (Trung tâm nghệ thuật Atelier Minh) cho rằng cần rèn kỹ năng cho học sinh như tuân thủ quy định tập thể, tự phục vụ, kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm. Phụ huynh cần phối hợp nhà trường trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về tai nạn thường gặp như tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thực phẩm.
Từ vụ học sinh đuối nước trong KDL Đại Nam: Lo gặp nạn khi đi ngoại khóa
Trước những tai nạn liên quan đến hoạt động ngoại khóa, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại trong khi trách nhiệm các bên liên quan vẫn chưa được làm rõ
Liên quan vụ việc 1 học sinh (HS)lớp 4 Trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TP HCM) rớt xuống vùng biển nhân tạo ở khu du lịch (KDL) Đại Nam (tỉnh Bình Dương) rồi tử vong hôm 14-1, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 15-1, ông Dương Vân Dân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 8, cho biết lãnh đạo nhà trường đã báo cáo cho phòng. Trường cũng túc trực liên tục với gia đình HS gặp nạn để xử lý.
Ai chịu trách nhiệm?
Theo ông Dương Vân Dân, kế hoạch sinh hoạt ngoại khóa đã được Trường Tiểu học Âu Dương Lân thực hiện đầu năm học và liên hệ các đối tác để tổ chức. Trong đợt ngoại khóa lần này có các đơn vị phối hợp tổ chức như công ty du lịch lữ hành và Công ty Đại Nam.
"Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường bằng văn bản, hằng năm có nhắc lại về việc bảo đảm an toàn cho HS khi sinh hoạt ngoại khóa, đặc biệt là những nơi có nước. Để xảy ra sự việc thương tâm này, tôi rất đau lòng" - ông Dương Vân Dân bày tỏ.
Ông Dương Vân Dân cho rằng mỗi chuyến sinh hoạt ngoại khóa ngoài sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm còn có thêm lực lượng hỗ trợ, giám sát và cả phụ huynh (PH) HS. "Dù là sự cố đáng tiếc nhưng cũng là trách nhiệm của người lớn. Trước mắt chúng tôi lo hậu sự và chung tay phụ gia đình rồi sẽ có phương án xử lý sau. Từ thời điểm xảy ra sự cố đến nay, luôn có một đại diện ban giám hiệu và giáo viên đồng hành cùng gia đình để hỗ trợ, chia sẻ" - ông Dương Vân Dân nói.
Theo cô Nguyễn Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Âu Dương Lân, hiện chưa thể quy trách nhiệm cho ai vì đang chờ cơ quan chức năng kết luận. Đợt ngoại khóa này nằm trong kế hoạch hằng năm của trường. PHHS tự nguyện đăng ký cho con tham gia và đóng phí 280.000 đồng/em. Sau sự cố đau lòng này, trường sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Về việc có tiếp tục tổ chức ngoại khóa cho HS trong thời gian tới hay không, ông Dương Vân Dân nhìn nhận đối với Trường Tiểu học Âu Dương Lân, để tiếp tục tổ chức trong thời gian tới là rất khó. Tuy nhiên, không vì một trường hợp hy hữu mà chỉ đạo tất cả các trường phải ngưng tổ chức ngoại khóa cho HS.
Tiết học ngoại khóa nhằm mục đích chính là phát triển cho HS nên vẫn phải thực hiện nhưng cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các trường khi tổ chức cho HS đi ngoại khóa cần phải chú ý an toàn hơn nữa, hạn chế đến những nơi ao, hồ, sông, suối...
Một cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM cho biết hướng xử lý vụ việc tiếp theo đang được ban lãnh đạo sở cân nhắc. Trước hết, Sở GD-ĐT sẽ ban hành văn bản tăng cường chỉ đạo hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Khu Du lịch Đại Nam với nơi vui chơi dành cho trẻ em (ảnh minh họa) Ảnh: KDL ĐẠI NAM
Phụ huynh lo lắng
Cũng trong ngày 14-1, tại KDL Đảo Ngọc Xanh ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, có một nhóm người chơi tàu lượn siêu tốc. Trong quá trình vận hành, toa tàu lượn siêu tốc bị trượt khỏi đường ray khiến nhiều người rơi xuống đất, trong đó có 2 HS bị thương, 1 HS tử vong.
Tất cả các em đều sinh năm 2004, trú tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, gặp nạn khi đi dã ngoại do trường tổ chức. Hiện công an huyện phối hợp với lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ vụ tai nạn. UBND huyện Thanh Thủy cũng đã chỉ đạo Công ty CP Ao Vua (chủ đầu tư) tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh.
Trước những tai nạn liên tiếp liên quan đến hoạt động ngoại khóa, nhiều PHHS đã bày tỏ lo ngại. Anh Đào Lê - có 2 con học tiểu học ở quận Phú Nhuận, TP HCM - cho biết đã thành "thông lệ", cứ trong buổi họp với phụ huynh đầu năm học mới, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) các lớp tiểu học đều đưa ra chương trình ngoại khóa trong năm. Theo đó, có trường lập kế hoạch 3 buổi ngoại khóa, có trường 2 hay 1 với cam kết từ GVCN là việc học ngoại khóa hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc.
Thế nhưng, thực tế cứ vào các ngày nhà trường tổ chức cho HS đi học ngoại khóa thì PH lại nhận được thông báo từ GVCN: "Nếu anh (chị) không cho con tham gia buổi học ngoại khóa thì đến rước bé về lúc 10 giờ, vì nhà trường không tổ chức ăn trưa cũng như dạy vào buổi chiều cho các bé". Điều này đồng nghĩa với việc sinh hoạt của không ít PH không cho con đi ngoại khóa bị đảo lộn do phải sắp xếp thời gian, công việc đưa đón, phục vụ trẻ ăn ngủ khi ở nhà.
Vì vậy, dù có khá nhiều PH không muốn con em tham gia ngoại khóa (đa phần là ở các công viên nước như Đầm Sen, Suối Tiên, KDL Đại Nam...) do sợ nguy hiểm, thất lạc nhưng vì không thể sắp xếp được công việc nên phải đăng ký cho con đi mà lòng lo lắng, bất an. "Dẫu biết việc học ngoại khóa nhằm giúp trẻ năng động hơn, đoàn kết hơn, sáng tạo hơn nhưng để cùng lúc đưa hàng trăm bé đi cùng thì đòi hỏi phải có lực lượng người lớn hùng hậu đi kèm, còn cứ 1 người quản 40-50 trẻ xem ra khó tránh khỏi những điều bất trắc" - anh Đào Lê góp ý.
Chị Thu Thủy - có con học lớp 7 tại quận Gò Vấp, TP HCM - cho rằng dù PH được quyền lựa chọn cho con tham gia sinh hoạt ngoại khóa hay không thì phần lớn đều bị "ép tự nguyện". HS sợ khi không đăng ký đi ngoại khóa sẽ bị đánh giá hạnh kiểm hoặc điểm hoạt động thấp; còn PH đồng ý cho con tham gia, nếu xảy ra sự cố thì không biết ai sẽ chịu trách nhiệm.
"Tôi rất ủng hộ việc tổ chức ngoại khóa để trẻ có cơ hội tiếp xúc thực tế, học được nhiều kỹ năng. Vấn đề là nhà trường có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ không hay được vạ thì má đã sưng?" - chị Thủy băn khoăn.
Đại diện KDL Đại Nam nói gì?
Ngày 15-1, trả lời Báo Người Lao Động, đại diện KDL Đại Nam cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc. Hiện KDL đang làm việc với các cơ quan liên quan và gia đình để hỗ trợ, lo ma chay cho HS gặp nạn.
Về nguyên nhân dẫn đến tai nạn cũng như trách nhiệm của KDL Đại Nam, vị đại diện này cho biết đang chờ kết quả từ cơ quan điều tra.
Theo ghi nhận, trong ngày 15-1, rất đông HS vẫn đến KDL này vui chơi, giải trí.
T.Đồng
Lào Cai: Lễ Khai giảng không kéo dài quá 60 phút Sở GD&ĐT Lào Cai đã có hướng dẫn cụ thể đối với các đơn vị trường học trong việc tổ chức lễ khai giảng. Theo đó, lễ khai giảng năm học mới phải đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, thực sự là ngày hội đối với GV và HS. Ảnh minh họa/ INT Các đơn vị trường học sẽ tổ chức Lễ chào...