Làm sao để phản xạ tốt khi giao tiếp tiếng Anh?
Nhiều bạn học tiếng Anh lâu năm nhưng khi có dịp giao tiếp vẫn lúng túng hoặc phản xạ rất chậm khi trả lời câu hỏi của người khác.
Phần đối thoại của một bạn trẻ tại Ngày hội Sinh viên với ngoại ngữ toàn thành – LÊ THANH
Chị Hoàng Thị Trinh (29 tuổi), làm việc tại Công ty TNHH Chí Linh, Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết: “Vốn từ vựng và văn phạm tiếng Anh của mình cũng không đến nỗi nào, nếu không muốn nói là khá tốt nhưng mình tự nhận là rất khó khăn khi có dịp cần giao tiếp bằng tiếng Anh”.
Rồi chị Trinh kể: “Có lần đang đi dạo trên đường Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM thì gặp một người nước ngoài họ nhờ mình bấm máy chụp giúp họ vài kiểu hình. Chụp xong họ cảm ơn, rồi bắt chuyện hỏi thêm nhiều thứ nhưng mình phản xạ lại chậm quá và đành thú nhận với họ là không nói rành tiếng Anh”.
Tương tự, chị Võ Thi Kim Ngân (25 tuổi), ngụ tại chung cư Ngô Tất Tố, P.19, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: “Ngày xưa mình học tiếng Anh cũng có thứ hạng trong lớp nhưng nói thật bây giờ khi xem các chương trình trên ti vi có những câu hỏi liên quan đến tiếng Anh hoặc bất thình lình ra đường có ai hỏi một vấn đề gì đó bằng tiếng Anh, mình hay bị đơ ra hoặc lúng túng trong câu trả lời. Nói chung là phản xạ rất kém mà không biết vì đâu”.
Đừng ngại nói tiếng Anh
Lê Ngọc Nhung, du học sinh tại Trường ĐH Edinburgh (Vương quốc Anh) chia sẻ: “Việc bạn lúng túng trong câu trả lời hoặc phản xạ tiếng Anh chậm một phần là do cách học của bạn quá rập khuôn, theo công thức. Chính vì vậy, khi có dịp nói chuyện bằng tiếng Anh với người khác, trong những hoàn cảnh và tình huống khác nhau bạn không linh hoạt và vận dụng thành thạo”.
Theo Ngọc Nhung, để luyện phản xạ tốt, cách mình làm là coi phim bằng tiếng Anh, coi các chương trình talkshow mà có ít nhất hai người đối thoại với nhau. Theo dõi xem họ phản ứng như thế nào đối với mỗi câu hỏi của người khác…
“Người bản ngữ có rất nhiều cách đối đáp khác nhau mà chúng ta nên học trong các văn cảnh cụ thể, thực tế chứ không phải rập khuôn theo kiểu người hỏi ‘How are you?’ và bạn chỉ có câu trả lời duy nhất là ‘I’m fine, thank you, and you?’. Người châu Á hay sợ mắc lỗi, sợ sai nên ngại nói. Do đó, cái mình muốn chia sẻ với các bạn trẻ từ kinh nghiệm bản thân là hãy tự tin diễn đạt ý tưởng theo cách của mình để tăng phản xạ giao tiếp tiếng Anh”, Ngọc Nhung khuyên.
Cũng theo Ngọc Nhung để phản xạ tốt bằng tiếng Anh, hãy tưởng tượng ra các tình huống mà bạn có thể gặp phải để chuẩn bị các phương án cần thiết. “Ví dụ, nếu tình cờ gặp một người Tây trên đường mà muốn bắt chuyện với họ thì làm thế nào; nếu một người nào đó đột nhiên nhờ mình giúp đỡ mà mình đang bận thì mình nói với họ bằng tiếng Anh như thế nào là lịch sự nhất. “Tự liệt kê ra các chủ đề, tình huống hội thoại, tìm các từ, cụm từ liên quan đến chủ đề đó để diễn đạt những gì bạn muốn biểu lộ”, Ngọc Nhung nói.
Sinh viên tham gia phần thi hùng biện tiếng Anh – LÊ THANH
Video đang HOT
Chia sẻ về việc học tốt tiếng Anh của mình, Nguyễn Thị Phương Nghi, sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, điểm thi TOEFL đạt 102/120, từng làm trợ giảng cho Hội đồng Anh, nói: “Em học tiếng Anh thông qua đọc truyện và xem phim. Ví dụ như em là một fan của truyện Harry Potter, nên sau khi đọc sách bằng tiếng Việt em tìm đọc bộ truyện và xem phim phụ đề bằng tiếng Anh, sau đó là bỏ phụ đề để luyện nghe. Ngoài ra, thì em cũng hay nghe các kênh truyền thông trực tuyến bằng tiếng Anh để luyện cách phát âm và nhấn câu cho đúng với người bản xứ. Cứ như thế trình độ giao tiếp và phản xạ tiếng Anh của mình ngày một cải thiện và nâng cao”.
Còn Nguyễn Văn Hùng, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói: “Không có cách nào khác hơn là bạn phải luyện tập mỗi ngày. Bạn có thể tập cách phản xạ tiếng Anh bằng hình ảnh. Có nghĩa là khi bạn nhìn thấy bất kỳ món đồ, sự việc nào đó, hãy hình thành ngay trong đầu từ, cụm từ tiếng Anh miêu tả món đồ, sự việc đó. Nếu không biết, không nhớ và không thể tra từ điển ngay lập tức, hãy ghi lại vào sổ tay hoặc ghi chú trên điện thoại để tra cứu sau. Ngoài ra, bạn có thể tìm một người giỏi tiếng Anh để thường xuyên nói chuyện, trao đổi”.
Theo Thanh niên
9x học Thạc sĩ ở Anh: Vấn đề ngoại ngữ vẫn "khó nhằn" với du học sinh Việt
"Ngoại ngữ chuyên ngành có nhiều định nghĩa ở Việt Nam một đằng và sang nước ngoài lại một nẻo. Nhiều từ tiếng Anh không chuyển sang được tiếng Việt và ngược lại cũng có nhiều từ tiếng Việt không thể chuyển sang tiếng Anh. Chính vì vậy nếu không cố gắng sẽ bị đào thải", Hoàng Nam - du học sinh theo học Thạc sĩ trường Bristol (Anh) chia sẻ.
Thành tích của Nguyễn Trọng Hoàng Nam:
- Năm 2011-2014: Giải Nhất cấp Trường học sinh giỏi môn Tin học
- Năm 2015, lọt vào tứ kết Hùng biện tiếng Anh Học viện Ngoại giao; giành giải Bình chọn, phần thi cá nhân cuộc thi Olympic tiếng Anh không chuyên toàn quốc; nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam: Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào công tác Hội và phong trào Thanh niên; đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp học viện năm 2014-2015 do Hội sinh viên Việt Nam Học viện Hành chính Quốc gia trao tặng.
- Năm 2016, nhận bằng khen của Trung ương Hội sinh viên Việt Nam; Đạt giải Sao tháng giêng; Đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt"; Nhận bằng khen của Ủy viên Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
- Năm 2017, giải Ba Olympic tiếng Anh sinh viên toàn quốc cấp Đoàn khối các cơ quan TƯ; giải Nhì chương trình giao lưu kiến thức giữa sinh viên khoa Quản lý Nhà nước về An ninh quốc gia, Học viện An ninh nhân dân.
- Năm 2018: Tốt nghiệp Học viện Hành chính quốc gia loại: Giỏi; điểm: 8.3/10, IELTS: 7.0; theo học Thạc sĩ trường Bristol (Anh), chuyên ngành Chính sách công.
Nguyễn Trọng Hoàng Nam: Vấn đề ngoại ngữ vẫn "khó nhằn" với du học sinh
Ngoại ngữ vẫn là vấn đề "khó nhằn" của du học sinh Việt
Nguyễn Trọng Hoàng Nam (sinh năm 1996, Hà Nội) hiện đang theo học Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách công của trường Bristol, Vương quốc Anh.
Trước khi sang Anh du học, Hoàng Nam đã hoàn thành chương trình đại học tại Học viện Hành chính quốc gia với tấm bằng loại Giỏi. Bên cạnh đó Nam cũng sở hữu thành tích học tập ấn tượng cùng hàng loạt những danh hiệu "Sinh viên 5 tốt", "Sao tháng giêng"... trong công tác Đoàn, Hội SV.
Là một du học sinh nên Hoàng Nam hiểu rõ những khó khăn mà mỗi người con xa quê như Nam gặp phải. Với Nam bên cạnh văn hóa, môi trường... dù IELTS 7.0 thì ngoại ngữ vẫn là điều khiến 9x gặp nhiều khó khăn nhất khi mới sang du học.
"Vấn đề ngoại ngữ chuyên ngành có nhiều định nghĩa ở Việt Nam một đằng và sang nước ngoài một nẻo, có nhiều từ tiếng Anh không chuyển sang được tiếng Việt và ngược lại cũng có nhiều từ tiếng Việt không chuyển sang tiếng Anh được. Chính vì vậy nếu bản thân không cố gắng sẽ bị đào thải", Nam chia sẻ.
Vấn đề này cũng được 9x đặt ra tại diễn đàn "Hành trang hội nhập của sinh viên Việt Nam" trong khuôn khổ Đại hội Hội sinh viên Việt Nam lần thứ 10. Theo đó Nam chỉ ra việc học tiếng Anh ở Việt Nam về mặt số lượng có vẻ tốt nhưng chất lượng chưa đồng đều bởi quy chuẩn tiếng Anh ở Việt Nam "khá loạn".
"Thực tế kỹ năng ngoại ngữ hiện tại ở Việt Nam không được chấp nhận ở nước ngoài mà vẫn phải sử dụng quy chuẩn của nước ngoài" nên Nam mong muốn có một quy chuẩn cụ thể để cải thiện chất lượng tiếng Anh của sinh viên Việt Nam.
Bí quyết du học là sự chủ động
Chia sẻ về quyết định du học và lựa chọn nước Anh là điểm đến, Hoàng Nam bộc bạch: "Bên cạnh đam mê du học từ nhỏ thì lý do mình quyết định theo học tại Anh vì đây là trung tâm học thuật của cả thế giới.
Tại Anh, khối lượng kiến thức cho sinh viên không quá nặng và nhiều nhưng chất lượng lại được đảm bảo một cách chặt chẽ. Sự kết nối được ưu tiên hàng đầu trong quá trình học tập của sinh viên, khi người học trước và người học sau sẵn sàng cởi mở chia sẻ kinh nghiệm học tập".
Du học theo hình thức tự túc nên điều Nam trú trọng nhất là việc chọn trường: "Mình dùng 2 bảng xếp hạng Times và QS để tham khảo thứ hạng của trường là bao nhiêu, sau đó theo dõi phản hồi của sinh viên trường như thế nào, chương trình đào tạo có phù hợp với bản thân hay không và cuối cùng mới xét tới học bổng.
Tại UK, đa phần các trường luôn có phần học phí và học bổng đính kèm trên website của trường và có hướng dẫn cụ thể cho học viên ứng tuyển. Sinh viên khi có dự định đi du học chắc chắn phải có ngoại ngữ nên việc tự tìm kiếm thông tin là hoàn toàn có thể, dễ dàng và nên chủ động.
Ngoài ra, có thể tìm đến các trung tâm tư vấn du học uy tín hoặc tham khảo những vlogger, blogger về du học như Giang ơi (UK), Diane Le (US)... để biết thêm thông tin".
Chia sẻ về phương pháp học tiếng Anh, Nam kể bản thân may mắn được học từ khi còn nhỏ và duy trì học một cách tự nhiên nhất có thể. "Đối với mình thì môi trường xung quanh là rất quan trọng khi học ngôn ngữ. Nếu xung quanh mình không có sử dụng tiếng Anh thì rất khó để mình có thể học được.
Do đó, ngoài lúc đi học trên lớp, khi ở nhà mình sẽ bật TV các kênh tiếng Anh để nghe, chọn các kênh mà họ "nói nhiều" như Natgeo hay thời sự, dù không hiểu vẫn bật để nghe âm điệu. Dần dần âm điệu sẽ tự ngấm.
Hoàng Nam tham gia Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam
Còn từ mới mình học qua video game như The sims để có từ vựng của cuộc sống hàng ngày. Khi Internet phát triển hơn ở Việt Nam, mình chọn các game ở server nước ngoài và voice chat với các bạn quốc tế.
Bên cạnh đó, mình cũng rất thích đọc sách, những bộ truyện mà mình thực sự thích mình có thể đọc bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh để tìm từng chi tiết khác nhau giữa 02 bản, có chỗ nào không hiểu thì tra từ điển, cứ như vậy lặp lại nhiều lần, không cần đọc quá nhiều sách mà nhuần nhuyễn một vài bộ thôi", Nam bật mí.
Đối với ngữ pháp Nam khẳng định không có cách học nào khác ngoài đọc và học: "Thực tế thì giao tiếp đời thường với người nước ngoài không quá quan trọng lắm tới ngữ pháp của mình. Nhưng ở môi trường học thuật thì ngữ pháp lại là điều thiết yếu.
Không có từ vựng thì không thể bộc lộ được ý kiến của bản thân, không có ngữ pháp thì không thể nối các từ vựng lại thành một câu hoàn chỉnh. Vì vậy, học từ mới và ngữ pháp là rất cần thiết, nhưng để giỏi tiếng Anh thì cần phải kết hợp đủ 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết".
Hoàng Nam cho rằng, cá nhân Nam cũng như các bạn khi quyết định du học cần xác định cho mình phải là "một con người nào đó, có kỹ năng nào đó" đủ để nuôi được bản thân và góp sức cho xã hội.
Chàng Thạc sĩ tương lai luôn mong muốn trở về Việt Nam để đóng góp những gì mà bản thân đã học được cho nước nhà. Kế hoạch dài hơi, Hoàng Nam bật mí sẽ trở về Việt Nam để làm việc, còn trước mắt 9x sẽ cố gắng học tập để đạt bằng Giỏi Thạc sĩ tại Anh.
Kim Bảo Ngân
Theo Dân trí
Bảy cách diễn đạt tiếng Anh về làm việc nhóm "To bounce ideas off someone" có nghĩa chia sẻ ý tưởng với ai đó để mong được góp ý. 1. To build a team Bạn sử dụng cụm từ này khi chọn thành viên cho nhóm và thực hiện các bước nhằm giúp nhóm hoạt động tốt. Danh từ "team building" có nghĩa quá trình hoặc hoạt động giúp nuôi dưỡng mối quan...