Làm sao để học tốt hơn trong năm học mới?
Lên “giây cót” tinh thần để có kết quả học tập thật tốt nào!!!
Xây dựng quyết tâm học
Khi làm bất kì một điều gì , thì trước tiên, điều mà teen cần có đó chính là quyết tâm. Trong việc học cũng vậy, khi teen luôn giữ vững được ý chí quyết tâm của mình, là nghiêm túc rèn luyện trong một thời gian dài, thì việc học mới trở nên thật sự hiệu quả được .
Ngay từ đầu năm học, teen cần xác định mục tiêu phía trước cho bản thân mình. Đi học để thực hiện điều gì Vì ước mơ của teen, mong muốn của teen hay vì tương lai của chính bản thân teen? Vì hẳn trong quá trình học tập, dù quyết tâm hay cố gắng đến đâu, cũng từng có lúc teen mệt mỏi đến mức chỉ muốn buông xuôi tất cả. Nhất là khi mùa thi cận kề, bài vở thì nhiều mà không biết bắt đầu từ đâu. Đôi khi lại “học tài thi phận”, kết quả không được như công sức mình bỏ ra. Vì vậy, nếu không biết mục tiêu của mình là gì, teen sẽ rất mau chán nản.
Cùng bước vào năm học mới với quyết tâm thật cao nha!!!
Teen nên tự vạch cho mình một kế hoạch học tập riêng. Bởi học tập cần là một quá trình dài rèn luyện, chứ không mang tính chất tức thời. Teen có thể tự tạo cho mình thời gian biểu, để phân phối giờ học tập và nghỉ ngơi một cách hợp lí hơn. Hay sắp xếp việc học cụ thể, xem mình nên bắt đầu việc học như thế nào, và chuẩn bị bài nào trước, bài nào sau. Như vậy sẽ đạt hiệu quả tối đa mà không lo phân chia thời gian một cách bất hợp lí. Nếu teen bỏ ra một giờ để vạch ra kế hoạch, thì teen có thể tiết kiệm được gấp 3 lần thời gian cần chi phối.
Xuân Thu, 16t ngay khi vừa vào lớp 10 luôn là học sinh giỏi và luôn đứng trong hàng Top của lớp. Lúc nào, Thu cũng được bạn bè nể phục bởi ” cô nàng” dù học giỏi nhưng vẫn có thời gian vui chơi cùng bạn bè, không những thế ” cô nàng” còn tham gia các hoạt động xã hội rất nhiệt tình. Khi được hỏi, X.Thu chia xẻ “bí kíp”: “Mình luôn phân bổ thời gian một cách cụ thể, thời gian nào mình chia ra để học thì mình sẽ cố sức học cho thật tốt. Còn lại là thời gian nghỉ ngơi và vui chơi. Mình không bao giờ để hiện tượng “giờ này làm việc kia “xảy ra.”
Nhiều teen bắt đầu luôn có quyết tâm cao ngùn ngụt, nhưng chỉ sau vài tháng, thậm chí vài tuần là bắt đầu “xao lãng”. Vì vậy , ngay từ khi bắt đầu, teen cần chuẩn bị một “ý chí thật sắt thép” và nếu có lỡ “nản” giữa chừng, thì phải lập tức xây dựng lại quyết tâm ngay.
Quyết tâm học tập này cần luôn được sẵn sàng mọi lúc mọi nơi. Nghĩa là dù ngoại cảnh tác động như thế nào teen cũng phải luôn có một tinh thần thép kiểu “Chưa học bài xong chưa ngủ – chưa làm bài đủ chưa đi chơi”. Teen không nên chỉ thực hiện quyết tâm của mình ở trên lớp, trong giờ học thêm mà ngay cả việc học ở nhà cũng cần luôn đặt một sự nỗ lực lớn.
Bên cạnh đó, teen cần chuẩn bi cho mình một góc học tập thật yên tĩnh và luôn ngồi nghiêm chỉnh khi học bài.Tránh các trường hợp vừa học vừa ăn hay vừa học vừa nằm dài trên giường. Như thế sẽ khiến teen ngủ quên lúc nào không biết. Và lâu dần trở thành thói quen cứ học là nằm…mà cứ nằm…là ngủ.
Ghi bài đầy đủ và ghi chú cẩn thận
Ghi bài đầy đủ là một yếu tố rất quan trọng giúp teen học tập tốt hơn. Vì đầu óc của teen dù có tốt mấy, cũng không thể nào nhớ hết những điều thầy cô truyền đạt trên lớp. Không những vậy. Tập vở đầy đủ, gọn gàng, tươm tất sẽ giúp teen học bài một cách hiệu quả và tiết kiệm được vô khối thời gian. Tất nhiên, thực hiện điều đó không dễ chút nào. Nó đòi hỏi teen phải có tinh thần ” tự giác” trong mọi giờ học, nhưng khi thực hiện được, thì hiệu quả “khỏi nói”. Theo Hoàng Ly, 17t , học sinh giỏi 11 năm liền chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, mẹ mình luôn hướng dẫn dặn dò mình phải chú ý lắng nghe trên lớp, quan trọng nhất là phải luôn ghi bài thật đầy đủ, lâu dần nó thành thói quen giúp mình học tốt hơn.”
Ngoài ra, teen còn cần biết trình bày và ghi chép nhanh những nội dung cần chú ý. Hay teen nên biết cách tổ chức và sắp xếp các ý chính một cách logic, từ đó, tóm gọn nội dung chính. Như vậy, sẽ giúp teen bớt nặng gánh khi về nhà lược lại nội dung để học thuộc một cách nhanh gọn hơn. Cô Nguyễn Thị Thanh Lan – giáo viên dạy Lịch Sử cho biết: “Khi các em học sinh sàng lọc nội dung chính, và nắm kiến thức một cách có logic thì việc học bài sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Thậm chí , nếu các em biết chú ý khi giáo viên đứng lớp nhấn mạnh nội dung chính, thì về nhà chỉ cần xem qua bài sẽ nhớ ngay.”
Trong giờ học, teen nên chú ý đặc biệt đến những điều mà thầy cô “nhắc-đi-nhắc-lại” vì đó là những điểm quan trọng cần được chú ý đến. Teen có thể ghi những điều mà thầy cô mở rộng vào các tờ “note” nhưng hãy ghi một cách cẩn thận và đơn giản nhất. Ghi ngắn gọn và đủ dữ liệu sẽ tốt hơn là teen ghi dài lòng lang man. Đồng thời, tránh ghi cẩu thả quá vì có thể đến khi về nhà, đọc lại teen chẳng biết mình đã ” note” gì vào đó, thế là “công cốc” . Hay nếu teen mất quá nhiều thời gian cho việc ghi chú, thì teen có thể bỏ lỡ phần kiến thức mới đang được trình bày. Ngoài ra, khi về nhà teen lại cần thêm một bước tóm gọn lại các ghi chú, như vậy cũng không đạt hiệu quả cao.
Học một cách chủ động hơn
Cố gắng học tập không có nghĩa là ép mình phải học thuộc như một cái máy hay như một con vẹt. Teen đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ cần học thuộc thì dù không hiểu rõ cũng không sao nhé. Những điều mà chúng ta cố gắng “nhồi nhét” vào như một chiếc máy thì nó cũng sẽ sớm bị “đào thải” ra thôi. Và hẳn nhiên khi đó phần kiến thức đó của chúng ta sẽ bị ” rỗng”. Mỹ Loan, 16t luôn tự hào vì mình đã sớm nhận ra rằng “Không nên học vẹt”. Loan cho rằng: “Học vẹt không phải là xấu, nhưng nó chỉ là một cách học chống đối và hoàn toàn không hiệu quả. Nếu bạn chỉ học vẹt trong 1 giờ là thuộc bài, thì bạn nên bỏ ra thêm 3 lần số thời gian để tìm hiểu bài. Bởi vì, khi bạn đã học vẹt, thì chỉ cần ngủ một giấc, mớ kiến thức bạn cố nhét vào đầu cũng ” không cánh mà bay “thôi.”
Hãy kết hợp giữa việc lắng nghe thầy cô giảng trên lớp, đọc thêm sách giáo khoa và vận dụng tư duy của teen để suy nghĩ về vấn đề. Hãy đọc thật to các điều teen chưa hiểu để đầu óc của teen vận dụng và sử lí chúng. Nếu có thể hãy liên tưởng đến cuộc sống, như vậy sẽ giúp teen nhớ bài một cách hiệu quả hơn. Tất nhiên, tránh việc liên tưởng quá mức, rồi liên tưởng lang man, từ việc này liên tưởng sang việc kia, cứ như thế cuối cùng teen không biết được cái đích cuối cùng của mình, lại tốn thời gian vô ích.
Teen cần xác định cho mình thời điểm học mang lại hiệu quả nhất. Nếu khi đi học về, teen quá mệt thì hãy dành cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Đến khi cảm thấy khỏe khắn hơn, teen có thể bắt tay vào việc học. Tránh việc học khi đang quá mệt rồi ngủ quên. Như vậy càng khó kiểm soát về thời gian, mà khi quá mệt việc ” nhồi nhét ” kiến thức vào đầu của teen cũng không đạt hiệu quả.
Kết :
Kinh nghiệm để học tốt có rất nhiều, nhưng chủ yếu nó được rút ra từ chính bản thân của teen trong quá trình rèn luyện. Khi thấy cách học cũ không đạt hiệu quả, teen lập tức nên thay đổi cách học và chọn cho mình một cách học mới tốt hơn nhé, ” Học không chơi đánh rơi tuổi trẻ, chơi không học mất cả tương lại ” , chúc các teen thành công hơn trong năm học mới…