“Lạm phát” bằng đại học
(TBKTSG) – Không riêng ở Việt Nam, lạm phát bằng cấp và tình trạng cử nhân thất nghiệp đang là hiện tượng ngày càng phổ biến ở nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển. Có một thực tế là học phí ngày càng tăng, trong lúc triển vọng của người có bằng đại học (ĐH) ngày càng bớt sáng sủa so với trước đây.
Nhìn ra nước ngoài
Một nghiên cứu của Jaison R. Abel và Richard Deitz xuất bản năm 2014 đã phân tích lợi ích và chi phí của tấm bằng ĐH thông qua dữ liệu về học phí và thu nhập ở Mỹ liên tục trong bốn thập kỷ qua (từ năm 1970-2013). Các tác giả cho rằng, sự khác biệt về thu nhập chỉ là một bộ phận trong những lợi ích kinh tế của tấm bằng ĐH. Những người theo đuổi học vấn ĐH có những kỹ năng và thái độ sống khác với người không học ĐH.
Điều này có nghĩa là những gì ta cho là lợi ích mà bằng ĐH mang lại, có thể phản ánh những khả năng khác của những người đã lấy được bằng ĐH chứ không hẳn là giá trị của bản thân tấm bằng ĐH. Thu nhập Thu nhập của người có bằng ĐH tăng khá ấn tượng trong quãng thời gian từ 1980-2000, trung bình là 31%, trong khi thu nhập của người có bằng cao đẳng tăng 12%, và người có bằng trung học thì hầu như không đổi.
Trong thập kỷ kế tiếp, thu nhập của người có bằng ĐH trở lại ổn định khoảng 15% cao hơn trước đó trong khi thu nhập của người chỉ có bằng trung học liên tục giảm nhẹ khiến khoảng cách thu nhập thêm giãn rộng. Nói cách khác, trong lúc thập kỷ vừa qua khá khó khăn với người có bằng ĐH, thì những người không có bằng còn chật vật hơn nhiều.
Dù vậy, thực tế là, từ 1970-2013, người có bằng ĐH kiếm được khoảng 64.500 đô la Mỹ mỗi năm, trong khi người tốt nghiệp cao đẳng kiếm được 50.000 đô la Mỹ và bằng trung học là 41.000 đô la Mỹ. Tức là người có bằng cử nhân kiếm được nhiều hơn 56% so với không có bằng.
Video đang HOT
Chi phí cho việc theo đuổi ĐH
Bao gồm chi phí trực tiếp (học phí, sách vở, những thứ liên quan tới việc học, nhưng không tính tiền ăn ở), và chi phí gián tiếp, ở đây là chi phí cơ hội, tức là giá trị những gì người ta phải bỏ qua khi quyết định theo đuổi ĐH. Với nhiều người, chi phí cơ hội này là tiền lương mà người ta có thể kiếm được nếu họ đi làm thay vì đi học trong thời gian này.
Kết quả nghiên cứu cho biết, ở Mỹ, từ năm 1970-2013, học phí trung bình tăng từ 4.600-14.750 đô la Mỹ/năm đã điều chỉnh theo lạm phát, tuy nhiên chi phí thực chỉ là 6.550 đô la Mỹ sau khi trừ các khoản hỗ trợ và miễn giảm dưới mọi hình thức. Ở bậc cao đẳng, học phí công bố tăng từ 1.100-3.000 đô la Mỹ/năm, nhưng thực tế gần bằng 0 và thậm chí là số âm từ năm 2000 đến nay.
Mức độ hoàn vốn
Nghiên cứu này cũng xem xét mức độ hoàn vốn giữa các ngành học khác nhau. Mức khác biệt này rất đáng kể. Những ngành kỹ thuật, y khoa có mức hoàn vốn cao hơn. Ngược lại, các ngành du lịch, nông nghiệp, kiến trúc, khoa học xã hội nhân văn có xu hướng thu nhập thấp hơn.
Các tác giả đã đặt dữ liệu về thu nhập và chi phí lại cùng nhau để tính suất sinh lợi của việc học ĐH. Lợi ích của tấm bằng ĐH được tính dựa trên mức chênh lệch thu nhập so với người không có bằng. Bảng dưới đây cho biết tỷ lệ hoàn vốn của một số ngành và so sánh giữa những người tốt nghiệp nói chung, và những người tốt nghiệp nhưng làm một công việc thấp hơn bằng cấp của họ hoặc một công việc bán thời gian:
Kết quả này cho thấy đầu tư vào tấm bằng ĐH có lợi nhuận khá là khả quan. Trong cùng thời gian trên đây, đầu tư vào chứng khoán cho tỷ suất lợi nhuận 7% và trái phiếu là 3% mỗi năm.
Tuy nhiên, nghiên cứu này không phản ánh hết được rủi ro của việc đầu tư vào tấm bằng ĐH, chẳng hạn như bỏ học giữa chừng, hoặc những thay đổi trong cấu trúc nền kinh tế và cung cầu lao động khiến một nghề từng có triển vọng có thể trở nên thừa nguồn cung và dẫn đến khả năng thất nghiệp cao.
Nghiên cứu này cũng mới chỉ phản ánh khía cạnh tài chính của lợi ích khi theo học ĐH. Trong thực tế thì có nhiều lợi ích khác cũng không kém phần quan trọng, chẳng hạn người có học vấn cao thì hội nhập xã hội tốt hơn, nuôi dạy con cái tốt hơn, tự tin hơn và tâm lý ổn định hơn. Đó là chưa nói tới lợi ích đối với xã hội.
Vấn đề của Việt Nam
Rất tiếc là chúng ta chưa có một nghiên cứu tương tự để hiểu biết về thực tế của Việt Nam. Nếu có một nghiên cứu như vậy, chúng tôi tin rằng bức tranh của Việt Nam có thể sẽ khác, vì điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị của Việt Nam, đặc biệt là chất lượng đào tạo của các trường, rất khác.
Tuy nhiên, ít nhất có một điểm chung giữa bức tranh trên đây và những gì chúng ta đang thấy ở Việt Nam, đó là học phí ngày càng tăng, và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng, trong lúc triển vọng việc làm thì không rõ ràng, nếu không nói là không mấy khả quan do tình hình suy thoái kinh tế và cạnh tranh nguồn nhân lực từ các nước trong khu vực.
Vấn đề là: trong hai thập kỷ tăng trưởng vừa qua của giáo dục ĐH, người học Việt Nam đã theo đuổi tấm bằng ĐH chứ không phải là học vấn ĐH. Các trường đã chạy theo cuộc đua mua thành tích nghiên cứu nhằm tạo ra hào quang thu hút người học (những khách hàng đã trả tiền cho sự tồn tại của các trường); đầu tư cho cơ sở vật chất hào nhoáng và những chiến dịch tiếp thị hoành tráng, thay vì đầu tư tạo ra môi trường trải nghiệm cho sinh viên và chất lượng của người thầy.
Có một thỏa thuận ngầm giữa nhà trường và người học: người học muốn học càng ít càng tốt và lấy được bằng ĐH càng dễ dàng càng hay; còn nhà trường thì phải chiều theo ý muốn ấy của khách hàng, tập trung xây dựng thương hiệu để tấm bằng của mình có giá và thu hút càng nhiều sinh viên với học phí càng cao càng tốt.
Bây giờ là lúc chúng ta đang phải trả giá cho thực tế ấy. Chính Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã phải nói rằng “bằng giả bằng dỏm” và “bằng thật học giả” chỉ có thể chui vào bộ máy nhà nước. Thế nhưng, số chỗ làm trong các cơ quan nhà nước thì có hạn, còn thế giới việc làm thì không cần đến những người chỉ có bằng cấp mà không có những kỹ năng cần cho công việc. Ông chủ nhà hàng thuê một người đầu bếp không phải vì người ấy tốt nghiệp bằng đỏ ở trường hàng đầu, mà vì người ấy nấu ăn ngon, được khách hàng hài lòng.
Trong lúc nhiều gia đình Việt Nam nhịn ăn nhịn mặc cho con theo học ĐH thì không ít sinh viên coi đó là quãng thời gian được tự do thoát khỏi vòng kiềm tỏa của gia đình, tha hồ ngủ dậy trễ, tụ tập ăn uống vui chơi, chọn học những môn dễ nhất, quay cóp, đạo văn khi làm bài, và “đi thầy” để có bảng điểm đẹp. Thất nghiệp là kết quả tất yếu, bởi vì các doanh nghiệp không cần tấm bằng của nhân viên để trình diễn, mà cần kỹ năng chuyên môn, lương tâm nghề nghiệp, sự tận tụy trong công việc, khả năng tự học, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp. Họ cần những nhân viên biết xử sự một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm trong mọi tình huống. Đó là những thứ mà nhà trường đã không chuẩn bị cho người học, và không có trong bài kiểm tra tốt nghiệp nào cả.
Vì vậy, khủng hoảng thừa giáo dục ĐH, hay như một số học giả gọi, “bong bóng đại học”, có mặt tích cực là nó làm cho tất cả các bên phải xem xét lại lý do tồn tại của các trường, và có thể hy vọng rằng, bên cạnh những trường không có khả năng thay đổi sẽ tiêu vong, sẽ vẫn có một số trường tồn tại được và bước sang một giai đoạn mới: tập trung vào chất lượng sản phẩm của mình, tức kết quả đầu ra của sinh viên.
Theo TBKTSG