Làm mới homestay Hồng Thái
Chúng tôi lên Hồng Thái vào mùa nước đổ. Hồng Thái mùa nào cũng đẹp, trong áng mây la đà lưng chừng núi phía trước thấp thoáng những ngôi nhà homestay của đồng bào Dao tiền.
Để hút khách du lịch, chủ nhân của các homestay ở Hồng Thái đều hiểu rằng cần phải làm mới homestay, đầu tư nâng cấp chỗ ăn nghỉ, thêm các dịch vụ cũng như bài trí homestay…
Những chiếc view đẹp
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Triệu Văn Lành khoe: “Hồng Thái bây giờ có 14 homestay, tập trung ở các thôn Khâu Tràng, Nà Mụ. Nhiều homestay trước đây chưa có sân rộng, chưa có không gian rộng rãi, nay đã được sửa sang không gian rộng rãi để du khách tổ chức các hoạt động ngoài trời. Các homestay khi xây dựng hay nâng cấp, sửa chữa đều chú trọng việc có view đẹp, hướng ra cánh đồng lúa hoặc nơi có ruộng hoa cải, có vườn hoa Lê, như vậy du khách có thể thỏa sức được ngắm nhìn, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên Hồng Thái”.
Du khách check-in tại homestay Lê, xã Hồng Thái (Na Hang).
Người Hồng Thái hay người ở dưới xuôi lên Hồng Thái làm homestay giờ không chỉ hướng tới phục vụ khách ăn, ở cộng đồng mà còn làm thêm các phòng ở biệt lập để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Nằm ở vị trí cao với những bậc thang bằng đá được xếp khá tự nhiên, homestay Lê, thôn Khâu Tràng có thể cho du khách thỏa thích ngắm nhìn những dãy núi được mây vờn quanh năm hay ngắm những cánh đồng khi lúa chín. Ngoài khu phục vụ ăn nghỉ cho du khách có nhu cầu ở cộng đồng, homestay Lê còn xây dựng 3 phòng ở biệt lập. Không gian cũng như cách bài trí của homestay Lê vừa giữ gìn được những nét văn hóa riêng của người Dao tiền nhưng cũng được xây dựng theo phong cách hiện đại. Ngoài ra, ở đây còn có khu phục vụ đồ ăn, nước uống, du khách cũng có thể tự tay mình làm đồ uống. Ở homestay Lê, du khách có thể check-in chụp ảnh ở nhiều địa điểm đều có được những bức ảnh đẹp.
Video đang HOT
Chị Lê Thị Hà, chủ nhân của homestay Lê là người đang sinh sống ở Hà Nội. Chị chia sẻ, homestay Lê đi vào hoạt động cách đây 1 năm, vào mùa du lịch cao điểm, chị trực tiếp lên Hồng Thái phục vụ du khách, thuê đầu bếp có kinh nghiệm. Chị cũng thuê cả người bản địa đón tiếp và phục vụ khách du lịch vào những ngày thường.
Homestay của chị Triệu Thị Minh gồm hai khu, một khu là ngôi nhà của đồng bào Dao tiền, còn một khu nhà mới xây có thể phục vụ 50 khách nghỉ cộng đồng và biệt lập. Chị đầu tư cổng chào, biển chỉ dẫn vào homestay cũng như các góc chill để khách check-in, chụp ảnh đều bằng các sản phẩm gỗ được thiết kế bắt mắt. Phía trước nhà, chị Minh trồng nhiều loài hoa xen kẽ, tạo không gian thoải mái đón du khách. Khi xây dựng khu nhà mới, gia đình chị Minh đã chọn quay hướng nhà về phía cánh đồng lúa trước mặt. Đứng từ trên tầng 2 của ngôi nhà có thể phóng tầm mắt ra phía cánh đồng hoặc những ruộng hoa cải. Chị Minh cho biết, ngôi nhà mới xây được gia đình chị đầu tư hơn 1 tỷ đồng, ở tầng 1 có 5 phòng biệt lập, còn ở tầng 2 phục vụ khách có nhu cầu ở cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Hà, một du khách đến từ Bắc Ninh chia sẻ: “Vừa qua mình cùng gia đình lên Hồng Thái đúng mùa hoa Lê, có rất nhiều góc check-in chụp ảnh đẹp, gần gũi với thiên nhiên. Gia đình mình thích ăn món gì đều có thể lựa chọn với những nguyên liệu theo mùa. Phải nói rằng, nhiều homestay ở Hồng Thái đang bắt đầu chuyển mình”.
Một góc check-in của Homestay Hồ Mán, xã Hồng Thái (Na Hang).
Phát triển đi đôi với giữ gìn bản sắc văn hóa
Việc phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại là cần thiết song cần phải có sự hài hòa giữa những nét mới và nét cũ bởi điều thu hút du khách cuối cùng vẫn là bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn. Điều này cũng cần phải được lưu ý và định hướng đối với những homestay ở Hồng Thái. Đặc biệt khi xây dựng không gian, nơi ăn, nghỉ, cung cách phục vụ ở các homestay vừa phải đảm bảo kiến trúc vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Dao Tiền nhưng cũng phải có sự chuyên nghiệp, lịch sự, đảm bảo du khách được trải nghiệm tốt nhất. Đây cũng là trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã Hồng Thái.
Đồng chí Triệu Văn Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái trăn trở: “Hiện nay, UBND xã cũng đang tập trung kiểm soát, chú trọng lắng nghe phản hồi từ khách du lịch khi trải nghiệm ở Hồng Thái để định hướng đối với các chủ homestay làm sao để thực sự cung cấp dịch vụ chất lượng, đúng như quảng bá, giới thiệu. UBND xã cũng định hướng khi đầu tư cho các homestay phải giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc như kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống, phong tục tập quán… đi liền với những dịch vụ mang tính chuyên nghiệp, hiện đại”.
Homestay của gia đình chị Triệu Thị Minh, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái vừa được đầu tư xây dựng thêm một ngôi nhà để đón khách.
Từ năm 2023, Hồng Thái có 4 hộ làm homestay được hỗ trợ mỗi hộ 80 triệu đồng theo Nghị quyết số 09 của HĐND tỉnh, hiện nay đang có 5 hộ đăng ký hỗ trợ. Ngoài ra, nhiều hộ làm du lịch homestay ở Hồng Thái còn được vay vốn không tính lãi suất trong 3 năm đầu của Ngân hàng. Chính quyền xã Hồng Thái đang nghiên cứu để làm bản đồ du lịch cũng như bố trí các biển chỉ dẫn…
Anh Lê Quốc Hoàn, du khách đến từ Hà Nội bày tỏ: “Người làm homestay ở Hồng Thái đã rất cố gắng làm mới homestay nhưng theo tôi, du khách khi đến Hồng Thái là mong muốn được trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây song cũng phải được hưởng các dịch vụ thực sự tốt từ nơi ăn, nghỉ… Muốn vậy thì người làm du lịch ở đây phải giữ được không gian văn hóa giàu bản sắc. Tôi được biết, tới đây có nhiều hộ muốn phát triển dịch vụ homestay ở Hồng Thái. Cấp ủy, chính quyền cần có sự định hướng cho họ”.
Phát triển du lịch cộng đồng homestay ở Hồng Thái đã có sự nỗ lực và chuyển mình từ chính những chủ nhân homestay, tuy nhiên để những homestay cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, chuyên nghiệp vẫn cần có sự định hướng sát sao cũng như thay đổi tư duy làm du lịch của người dân. Cùng với đó cần phải giữ gìn bản sắc văn hóa khi xây dựng, cải tạo cảnh quan, cung cấp các dịch vụ tại các homestay.
Homestay "làm mới mình" để đón khách
Du lịch đang dần phục hồi nhờ những chính sách mở cửa kịp thời. Nắm cơ hội này, các homestay đang "làm mới mình" để đón khách.
Lá Đỏ homestay là một căn nhà nhỏ ở thị xã Sa Pa. Để thu hút du khách, tạo những dấu ấn riêng, Lá Đỏ đã được tu sửa, trang trí lại và tạo ra nhiều không gian cho du khách thỏa thích khám phá. Với tiêu chí lấy bản sắc của người dân địa phương làm gốc, sự mộc mạc, mang hơi thở đậm chất miền sơn cước của Lá Đỏ để lại nhiều ấn tượng với du khách.
Lá Đỏ homestay thu hút du khách check-in.
Đầu tiên, Lá Đỏ làm mới về hình thức, như sử dụng các chất liệu gỗ và nhiều chậu cây xanh. Lá Đỏ còn có 1 gian trong nhà khá lớn, trang trí bằng chất liệu thổ cẩm, tạo ra nhiều tiểu cảnh cho khách "check- in" như lưới đánh cá, xích đu. Điều thú vị ở Lá Đỏ homestay là sự kết hợp giữa quán cà phê và homestay.
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ của Lá Đỏ homestay cho biết: Sa Pa có hàng trăm homestay lớn nhỏ, với nhiều phân khúc để khách hàng thoải mái lựa chọn. Với mong muốn du khách nhớ và quay trở lại, Lá Đỏ luôn phải làm mới mình. Ngoài làm mới về hình thức, chúng tôi chú trọng tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh và các sản phẩm du lịch mới của homestay trên mạng xã hội. Lá Đỏ cũng lắng nghe ý kiến, phản hồi từ khách hàng để mang đến chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng so với thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19, hiện số homestay ở Sa Pa đã giảm đáng kể. Ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thị xã Sa Pa cho biết: Đa phần những người làm du lịch homestay ở Sa Pa là thuê lại nhà của người dân bản địa. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, không có khách, nhiều người làm du lịch đã trả lại nhà. Đến nay, một số homestay đã khởi động lại, nhưng vẫn còn thận trọng. Tuy nhiên, hầu hết homestay còn hoạt động đã được chỉnh trang, tu sửa và bổ sung các hoạt động trải nghiệm văn hóa, như dã ngoại, chụp ảnh, trải nghiệm sinh hoạt của người dân địa phương... phục vụ du khách.
So H'mong homestay ở Bắc Hà tạo không gian để du khách bày tiệc nướng ngoài trời.
Trái ngược với Sa Pa, số homestay ở Bắc Hà lại tăng so với thời điểm chưa xảy ra đại dịch Covid-19, bởi đa phần những người làm homestay ở Bắc Hà là người địa phương, họ tu sửa, chỉnh trang lại chính ngôi nhà của mình để đón khách. Hiện Bắc Hà có 45 homestay, tăng 5 homestay so với cùng thời điểm năm 2019. Là một trong những hộ đang kinh doanh dịch vụ homestay tại xã Bản Liền, anh Vàng A Bình, thôn Đội 4 cũng mạnh dạn "làm mới mình" homestay. Anh tự tay may gối, rèm, làm đệm ngồi truyền thống; trồng thêm rau, hoa xung quanh nhà. Đặc biệt, Bản Liền nổi tiếng với đặc sản chè Shan tuyết, nên gia đình anh đã tạo ra sản phẩm mới là chè lam Shan tuyết. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, anh cải tạo lại nhà, đào thêm ao thả cá để khi du lịch tái khởi động sẽ có thêm nhiều sản phẩm mới cho du khách trải nghiệm. Anh Bình tâm sự: Điều mới nhất khi du lịch tái khởi động là các hộ làm du lịch ở Bản Liền liên kết lại, cùng xây dựng đội văn nghệ quần chúng, biểu diễn phục vụ du khách tại các homestay. Hy vọng nét mới này sẽ là điểm nhấn thu hút du khách đến với Bản Liền nhiều hơn và quảng bá được văn hóa địa phương đến mọi miền Tổ quốc.
Không dừng lại ở 45 homestay, trong thời gian diễn ra Festival cao nguyên trắng Bắc Hà 2022, để đảm bảo các điều kiện cho du lịch lưu trú, Câu lạc bộ Du lịch Bắc Hà đã hướng dẫn các hộ khu vực thị trấn, xã Tà Chải, xã Na Hối... sử dụng nhà ở của mình đón khách. Các hộ mua ga trải giường, vỏ chăn, vỏ gối, khăn tắm... vệ sinh nhà ở, sau đó chia sẻ hình ảnh lên trang mạng xã hội của câu lạc bộ để các thành viên giới thiệu khi khách có nhu cầu phòng ở vào dịp cao điểm của lễ hội cũng như các thời điểm du lịch khác.
Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết: Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các homestay đã chỉnh trang, nâng cấp và làm mới cơ sở vật chất, trồng cây, trồng hoa tạo cảnh quan, điểm check-in, đồng thời học thêm kinh nghiệm ở nhiều nơi. Thời gian qua, Bắc Hà cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn cho các hộ kinh doanh homestay. Đặc biệt, Sở Du lịch đã cấp thẻ cho 16 hướng dẫn viên du lịch tại địa phương.
Với quyết tâm của ngành du lịch và các địa phương, đặc biệt là chính người dân, hy vọng các homestay sẽ đón nhiều khách du lịch đến trải nghiệm, giúp người dân có thêm thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sa Pa "hút hồn" du khách mùa nước đổ Đến với Sa Pa mùa này, có lẽ chỉ cần đứng chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang, cũng đủ khiến du khách khi đặt chân lên đây phải sửng sốt. Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm cuối tháng 5 hàng năm, khi cái nắng chói chang phủ tràn miền Bắc, Sa Pa lại là điểm đến lý tưởng. Lúc này,...