Làm kinh doanh, xin học bổng nhờ giỏi môn Lịch sử
“Trải nghiệm học Lịch sử của tôi tại đại học Mỹ rất ấn tượng. Giáo viên là người kể câu chuyện quá khứ và truyền tinh thần khám phá cho học sinh”, Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.
Chương trình học ở đại học Mỹ có ít nhất 2 môn đại cương US History hoặc US Government & Politics bắt buộc sinh viên phải trải qua. Môn học này rất tốt để phát triển critical thinking (tư duy phản biện). Sinh viên được dạy kỹ năng xâu chuỗi thông tin và tự lập luận.
Rèn tư duy phản biện nhờ môn Lịch sử
Ngày mới sang Mỹ du học, tôi nghe nhiều bạn Việt Nam nói ngành xã hội rất khó, vì phải sử dụng tiếng Anh nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn đăng ký 2 lớp US Government & Politics và US History và bất ngờ đạt điểm A cho cả 2 môn.
Tôi nhận ra lịch sử Mỹ là môn học dạy mình tư duy kiểu Mỹ, từ cách suy nghĩ logic cho đến tại sao người Mỹ lại đi từ A đến B. Theo đà đó, tôi chọn luôn chuyên ngành của mình là Political Science (Chính trị học).
Nguyễn Việt Hùng.
Qua môn Lịch sử, nền giáo dục Mỹ mong muốn người trẻ có thể giải thích tại sao mình ở đây? Đất nước mình đại diện cho điều gì? Cuộc sống xung quanh mình như hiện tại là vì sao? Qua đó, sinh viên dễ dàng định vị bản thân và hòa nhập với xã hội.
Giáo viên dạy Lịch sử ở Mỹ không thích nói: “Tôi tự hào thế này, thế nọ” hay “Bạn nên cảm thấy nó đáng tự hào”, bởi phông văn hóa của học sinh quá đa dạng. Giáo viên chỉ đóng vai trò gợi mở để học sinh đào sâu chủ đề liên quan.
Gốc gác xã hội Mỹ được đặt trên tâm thái của người di cư đặt chân đến lục địa mới với khát khao khai phá và nắm giữ. Họ tin rằng sẽ luôn có phần cho tất cả những cá nhân mong muốn và nỗ lực. Qua thời gian, tâm thái này trở thành tinh thần “Can Do” của người Mỹ.
Cho nên, các nhà viết sách Lịch sử Mỹ cũng được thỏa mãn khai phá nhiều vấn đề khác nhau dựa trên quan điểm, góc nhìn của họ và những tư liệu lịch sử có thật.
Thủ đô Washington có hệ thống viện Smithsonian với 13 bảo tàng đẳng cấp quốc tế, miễn phí cho tất cả mọi người vào xem.
Áp dụng vào kinh doanh
Môn Lịch sử dạy tôi điều quan trọng là không thể kết luận bất cứ điều gì dựa vào một vài dữ kiện đơn giản. Cần phải cân nhắc các bên tham gia và hoàn cảnh dẫn đến tình huống.
Video đang HOT
Sau này ra trường, tôi tập trung lĩnh vực Marketing và kinh doanh cho các tập đoàn như Panasonic, Heineken, VinGroup…, kỹ năng này vẫn luôn nằm trong bộ hành trang quan trọng nhất của tôi.
Công việc kinh doanh thành công đòi hỏi người tham gia cần đưa quyết định đúng. Người ta làm được điều này đa phần vì có kinh nghiệm, mà kinh nghiệm lại đến từ những bài học trong quá khứ.
Nghiền ngẫm lịch sử theo cách học thuật chính thống cũng giống như ngồi suy xét những gì đã xảy ra bằng việc đặt câu hỏi “tại sao như vậy?”, “góc nào của bức tranh bị tối?”, “Sự kiện A có tạo ra B không?”…
Khả năng sàng lọc, chắp nối thông tin để nắm bắt được tình huống phải là kỹ năng được mài dũa nhiều nhất khi học môn Lịch sử. Nhiều thất bại trong kinh doanh bắt nguồn từ việc bỏ qua thông tin, chậm rút ra bài học.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, tôi cho rằng thiếu khả năng chắt lọc thông tin, không nhìn ra những điểm thắt nút của vấn đề, tác động đến đúng con người, đúng thời điểm thì không chỉ kinh doanh, mà cuộc sống chắc sẽ gặp nhiều trắc trở.
Môn Lịch sử giúp xin học bổng đại học Mỹ
Lịch sử là môn học nằm trong cả hai loại chứng chỉ giúp tăng sức thuyết phục cho hồ sơ học bổng là SAT 2 và AP. Không có thống kê chính thức, nhưng đa số các trường đại học ở Mỹ đều yêu cầu học sinh phải hoàn thành US History hoặc US Goverment & Politics – hai lớp cơ bản trong hệ thống các môn học xã hội nhân văn.
Ban tuyển sinh của các đại học Mỹ nhìn chung có ấn tượng rằng, học sinh châu Á tuy xuất sắc những môn tự nhiên và kỹ thuật, nhưng lại thiếu kiến thức về văn hóa phương Tây. Vì vậy, việc đạt điểm cao bài thi AP, SAT 2 ở các môn xã hội như Lịch sử là một cách rất hiệu quả (và có phần hiếm hoi) để học sinh châu Á thể hiện hiểu biết khoa học xã hội, qua đó cân bằng hồ sơ xin học bổng và tự đưa mình thành ứng viên nổi bật.
Học môn Lịch sử trong chương trình SAT 2, AP, sinh viên sẽ phải làm quen những nhân vật như Tổng thống G. Washington – cha đẻ của nước Mỹ, Tổng thống A. Lincoln – người xóa bỏ chế độ nô lệ hay Martin Luther King – người bị ám sát nhưng có vai trò lớn trong việc đòi quyền bình đẳng cho người da màu, hay Susan B. Anthony – lãnh đạo phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Nguyễn Việt Hùng tốt nghiệp ngành Chính trị học tại Southwestern Oklahoma State University với học bổng bán phần.
Anh đoạt giải nhất cuộc thi Mô hình Liên Hợp Quốc năm 2012 khu vực miền trung nước Mỹ. Đạt điểm A các lớp US History, US Government Politics, Comparative Politics.
Anh cũng là thành viên ban biên tập tiểu thuyết lịch sử Vasconcelos nói về bối cảnh nước Mỹ trước thời thuộc địa Anh.
Theo Zing
Bí quyết xin học bổng du học sau tuổi 25
Du học sau tuổi 25, Lê Ngọc Sơn được mời là thành viên Nhóm nghiên cứu quốc tế về Truyền thông Khủng hoảng của Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức.
- Từ một người đã đi làm nhiều năm, xin anh cho biết lý do hoãn công việc nhiều thành công để lên đường du học?
- Sau thời gian dài đi làm, tôi thấy mình quá cậy nhờ vào kinh nghiệm nên cần phải bồi đắp thêm tri thức. Với tôi, học không chỉ là kiến thức, mà còn từ nền văn hoá, con người. Tôi thực sự yêu mến bản sắc văn hoá, tính cách và con người Đức.
Lê Ngọc Sơn.
- Để du học, ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết. Đâu là điểm mấu chốt để anh học tiếng Anh và tiếng Đức hiệu quả?
- Với người đã tốt nghiệp đại học và đi làm nhiều năm, học ngoại ngữ khá vất vả, đến giờ vẫn không ngừng trau dồi. Có lẽ, mọi thứ đều cần đến sự cần mẫn và kiên trì. Học từng chữ một, rồi cũng có ngày nói, viết được. Thêm nữa, bạn phải tìm được giáo viên tốt.
- Điều quan trọng nhất của người ngoài 25 tuổi quyết định bước vào con đường nghiên cứu ở nước ngoài là gì?
- Thực ra làm nghiên cứu sinh về bản chất là học cách nghiên cứu, học làm nghề nghiên cứu. Với tôi, chắc hẳn đó là biết làm bạn với "sự một mình" - một cách gọi khác của việc chủ động chọn cô đơn làm bạn. Kể cả trong cuộc sống, tôi lấy sự bình yên làm trọng.
"Sự một mình" trong nghiên cứu học thuật không phải điều gì đáng thương hay chịu đựng, ngược lại đó là cảm giác và trải nghiệm thú vị. Đôi khi một mình không nhất thiết phải tách khỏi đám đông một cách vật lý, mà là dành riêng một không gian tâm tưởng cho mình tự nghĩ suy, chiêm nghiệm, đối thoại với vũ trụ quan của chính mình.
Tôi rất thích một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh, đại ý: "Mọi người nghĩ rằng sự náo nhiệt là hạnh phúc. Nhưng khi hưng phấn với sự náo nhiệt, bạn không còn bình yên. Trong khi, hạnh phúc thực sự lại dựa trên sự bình yên".
Hay như Goethe, người Đức được coi là vĩ đại trong lịch sử, vào một buổi chiều 6/9/1780, ông viết trên khung cửa sổ túp lều gỗ trên vùng núi cao Kickelhaln ở Ilmenau câu thơ bất hủ: "Trên tất cả những đỉnh cao là bình yên". Đó như là một tuyên ngôn triết học của tiền nhân về ý nghĩa thực sự của cuộc sống này vậy!
Ở trạng thái "một mình", người ta điềm tĩnh hơn, có thời gian chuyên tâm giải quyết khó khăn trong cuộc sống và học tập: Có khi là một hướng nghiên cứu đang bị tắc ở đâu đó, hay một cuốn sách đang đọc dở. Cũng có thể đó là sự vẩn vơ những ý niệm mình tâm đắc.
- Trở lại môi trường đại học sau khi đã tốt nghiệp nhiều năm, nhưng anh vẫn nhận được học bổng tiến sĩ của nhiều trường lớn?
- Về chuyện du học, tôi nghĩ mình cũng may mắn. Thường để xin học bổng và có vị trí nghiên cứu bậc tiến sĩ là hai công việc khác nhau. Tuy nhiên, chúng có vài điểm chung như sau:
Kế hoạch rõ ràng: Từ lúc có ý định theo đuổi bậc học này cho đến khi được chấp nhận là một quá trình rất dài, thường khoảng 2-3 năm. Do đó, bạn cần có kế hoạch cụ thể làm gì ở mỗi giai đoạn.
Để được chấp nhận làm nghiên cứu sinh, trường yêu cầu rất nhiều thủ tục chứng minh năng lực của ứng viên, từ việc trang bị ngoại ngữ, đến chọn đề tài nghiên cứu, tìm giáo sư hướng dẫn...
Tham khảo kinh nghiệm người đi trước: Tôi may mắn quen thân với nhiều chuyên gia người Việt đang giảng dạy ở những đại học uy tín ở nước ngoài như GS Trần Hữu Dũng, GS Lê Văn Cường, GS Nguyễn Văn Tuấn, TS Nguyễn Đức An... và bạn bè đang là nghiên cứu sinh. Họ đọc giúp đề cương nghiên cứu, hướng dẫn viết đề cương hấp dẫn và thuyết phục.
- Chứng minh được tiềm năng trở thành nhà nghiên cứu tốt và đóng góp cho cộng đồng: Kể cả đơn vị cấp học bổng hay nơi nhận ứng viên nghiên cứu đều quan tâm việc ứng viên đã, đang và sẽ đóng góp gì cho cộng đồng. Đây là những điểm cộng rất lớn khi hội đồng giáo sư xét duyệt hồ sơ của ứng viên.
Tôi may mắn nhiều năm thực hành truyền thông, tham gia giảng dạy đại học và các dự án nghiên cứu, có đóng góp cho cộng đồng bằng các dự án phi lợi nhuận.
- Lợi ích lớn nhất của việc nghiên cứu tiến sĩ ở một trường học thuật hàng đầu của Đức là gì?
- Trước hết, tôi thấy rằng, càng bước đi trên con đường nghiên cứu càng thấy mình nhỏ nhoi. Tri thức là vô tận, càng học càng thấy thứ mình biết chỉ là hạt cát. Ta nhỏ bé và khiêm nhường trong đó.
Thứ hai, tri thức luôn bất định, không luôn đúng. Nó có thể đúng ở thời điểm này nhưng sai ở thời điểm khác. Cái trước gối lên cái sau. Cái sau phủ định và bổ sung cái trước để kho tàng tri thức chuyên ngành dày lên. Vậy nên, cái ta biết 10 năm trước, thậm chí 1-2 năm trước, chưa chắc đã đúng và phù hợp cái của hôm nay.
Thứ ba, văn hoá học thuật ở đây giúp tôi học được sự trân trọng sự khác biệt, khoan dung với "nghịch nhĩ" thay vì phủ nhận sự khác biệt như thường thấy ở một số nơi. Chính sự tranh luận dựa trên việc tôn trọng khác biệt đã làm nảy thêm các tri thức mới, mà nhờ đó làm dày hơn kho tri thức.
Lê Ngọc Sơn hiện là thành viên Nhóm Nghiên cứu Quốc tế về Truyền thông Khủng hoảng của Đại học Công nghệ Ilmenau (CHLB Đức).
Trước khi giành học bổng toàn phần nghiên cứu tiến sĩ ngành Khoa học Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng tại Đức, anh có bằng thạc sĩ ngành Quản trị công, khoa Chính phủ, Đại học Uppsala (Thụy Điển), và Cử nhân báo chí, khoa Báo chí Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh có kinh nghiệm làm báo và đạt nhiều giải thưởng.
Anh cũng là tác giả và dịch giả nhiều cuốn sách, là người sáng lập kiêm Chủ tịch Trường đào tạo Truyền thông Ứng dụng IAMS, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận đầu tiên trong lĩnh vực truyền thông tại Việt Nam.
Theo Zing
Kinh nghiệm xin học bổng Fulbright "Tôi chuẩn bị hồ sơ xin học bổng Fulbright trước một năm và cho rằng đây là một phần bí quyết thành công", nhà báo Vĩnh Khang, người giành học bổng Fulbright năm 2015-2016, viết. Khi xin học bổng Fulbright 2015-2016, tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các Fulbrighters đi trước. Nhân dịp Fulbright 2017 khởi động, tôi xin chia sẻ...