Làm gì khi rớt Đại học?
Lúc trước tôi đã đọc rất nhiều bài báo nói về tâm trạng của những người khi thi rớt ĐH, tôi không ngờ là bây giờ mình đang rơi vào tâm trạng ấy. Thật khủng khiếp, tôi thấy trời đất xung quanh mình trong phút chốc biến thành màu đen tăm tối, cái màu đen của sự tuyệt vọng của bản thân và sự thất vọng của mọi người. Tôi đang rất thấm thía cái cảm giác đó, rất chân thật và cay đắng.
Người ta nói rằng ĐH không phải là con đường duy nhất nhưng đó là con đường ngắn nhất để đi đến thành công đối với chúng ta, là con đường cần thiết tối thiểu mà chúng ta cần có. Mặc dù tôi đã thấy có rất nhiều người thành công không phải là trên con đường ĐH mà là con đường khác nhưng liệu có nhiều người làm được như vậy không? Liệu chúng ta có đủ nghị lực và kiên trì để tự đứng lên và đi theo một ngã rẽ khác không? Ai có thể trả lời được
Bước chân về nhà mọi người ùa tới hỏi han tôi thi có được không? Tôi thất thần nói không, những ánh mắt ánh lên sự thất vọng về tôi. Tôi thấy hết nên chỉ biết cúi đầu nín lặng. Mọi người đã biết được sự thật nên khuyên tôi vào CĐ. Thế nhưng tôi ngay tức khắc trả lời ngay là không bao giờ.
Nhiều người bảo tôi rằng rớt ĐH thì xuống học CĐ cũng được. Trong thời đại này, cầm tấm bằng ĐH trên tay chưa chắc gì đã có việc làm huống hồ là học CĐ thì ra biết làm gì. Nói như thế không có nghĩa là tôi chê bai trình độ học thức của CĐ mà tôi nhìn vào thực tế của nhiều người mà rút ra như vậy. Bạn bè nói tôi nên học CĐ rồi liên thông lên ĐH, thế thì mình bỏ ra một năm ôn thi ĐH chỉ với 3 môn còn hơn học 1 năm CĐ. Tôi hiểu rằng năm học 12 này chúng ta phải đối diện với nhiều kì thi và có ít thời gian tập trung vào 3 môn chính nên thi rớt cũng là điều dễ hiểu. Hiểu thì hiểu nhưng sự thật cay đắng đó cũng khiến tôi rất buồn và thất vọng về bản thân.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Nhưng…
Video đang HOT
Tôi sẽ tìm cho mình những chỗ học thật tốt và cày thật chăm. Một năm này thật sự sẽ là những trải nhiệm lý thú trong cuộc đời tôi. Xung quanh tôi còn có rất nhiều người đang động viên tôi vượt qua, không sao tôi sẽ lấy lại tinh thần và sẽ đi tìm cho mình những niềm vui mới. Tôi sẽ kiếm một công việc thật phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân mình. Nếu teen nào đang rơi vào trường hợp như tôi thì đừng buồn làm gì, hãy lùi một bước mà tiến hai bước, thành công sẽ do chính mình tạo ra.
Rớt ĐH thì buồn thật đấy nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ mãi buồn như thế ư, ngồi ủ rũ trong nhà, khóc, tách biệt với thế giới bên ngoài, hay là có ý định kinh khủng hơn? Như thế thật chẳng đáng mà lại hành hạ bản thân, làm khổ mọi người xung quanh. Hãy lạc quan như chính tôi đây vì chính tôi đã xác định được hướng đi cho chính mình, tôi biết cái gì cần thiết cho tôi bây giờ và tương lai của bản thân. Không sao đâu bạn à, thi cử thì phải có người đậu người rớt thôi, quan trọng là chúng ta đã cố gắng hết sức của mình.
Một năm tràn đầy những hy vọng, những ước mơ, hoài bão đang chờ mình phía trước. Ta đã không may mắn đậu ĐH năm này thì chúng ta sẽ tạo ra may mắn cho chính ta, biết đâu năm sau tôi hoặc bạn sẽ đậu thì sao nào? Để đạt được kết quả tốt nhất và như ý muốn thì trước hết mỗi người phải phải tự tin, vững niềm tin và ý chí, phải vượt qua những khó khăn gian khổ để đến với thành công.
Theo PLXH
6 lý do khiến bạn chưa giỏi Tiếng Anh
1. Bạn rất sợ khi phải nói Tiếng Anh?
Một nhược điểm lớn nhất của người học là rất sợ mỗi khi phải nói Tiếng Anh. Nên nhớ rằng nếu bạn không mắc lỗi có nghĩa là bạn không học được gì. Khi giao tiếp với người nước ngoài chắc chắn dù là người nói Tiếng Anh rất khá vẫn có thể mắc những lỗi nhỏ. Điều quan trọng là bạn hãy "speak without fear" và biết cách "learn from mistakes" sau mỗi lần mắc lỗi. Cũng giống như các em bé sẽ không thể tự bước đi được nếu như sợ vấp ngã.
2. Chưa biết cách tạo ra cho mình một môi trường học Tiếng Anh
Kinh nghiệm của những người học giỏi Tiếng Anh là phải biết cách tạo cho mình một môi trường học Tiếng Anh. Vậy môi trường học Tiếng Anh là gì? đơn giản là một môi trường mà bạn có thể đọc, nghe Tiếng Anh ở mọi lúc mọi nơi. Ví dụ bạn có thể học từ vựng bằng cách ghi từ ra các mẩu giấy và dán ở những nơi mà bạn hay nhìn thấy nhiều nhất. Khi đã học thuộc các từ này rồi bạn có thể thay bằng các từ mới khác. Khi đi ra ngoài bạn hãy chịu khó để ý tới những biển báo, tên công ty, biển quảng cáo...có ghi chú bằng Tiếng Anh và suy ngẫm tại sao các cụm từ lại được viết như vậy? Bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ để thực tập nói và nghe người khác nói. Cùng bạn bè thành lập nhóm để học và thảo luận. Gửi mail Tiếng Anh với các học viên khác để thực tập viết...Bằng các cách này, ngày nào bạn cũng học được một vốn từ và cấu trúc kha khá mà không cảm thấy quá vất vả như ngồi ghi ghi chép chép.
3. Chưa xác định cách học phù hợp
Gần đây Global Education nhận được rất nhiều thư từ các bạn học viên, phàn nàn về việc mình đã học rất chăm chỉ mà tại sao vốn Tiếng Anh vẫn không khá hơn được. Học ngoại ngữ là cả một quá trình tu luyện, yếu tố "chăm chỉ" rất quan trọng nhưng xác định cho mình một cách học phù hợp mới là yêu tố quyết định. Bạn hoàn toàn có thể chọn cách học riêng mà mình yêu thích.
Ví dụ: Nếu bạn là người có sở thích nghe, thì bạn hãy nghe càng nhiều bài hát Tiếng Anh càng tốt và xem các phim Tiếng Anh, các bản tin Tiếng Anh. Nếu bạn là người yêu thích hình ảnh, bạn có thể xem các bộ phim có phụ đề bằng Tiếng Anh, sưu tầm các hình ảnh có phụ đề bằng Tiếng Anh hoặc đọc các tạp chí bằng Tiếng Anh.
Còn nếu bạn là người có đầu óc phân tích, hãy dành nhiều thời gian để học ngữ pháp và so sánh tiếng Việt với Tiếng Anh....và sẽ còn rất nhiều cách học riêng mà các bạn có thể chọn để phù hợp với mình nhất thay vì học theo lối mòn truyền thống là ghi chép và học thuộc lòng.
4. Nối mạng để học Tiếng Anh?
Internet đã mang lại rất nhiều lợi ích cho con người trong mọi lĩnh vực và cả việc học ngoại ngữ cũng không phải là một điều xa lạ. Vậy bạn còn chần chừ gì nữa mà không nối mạng? Trong xã hội hiện đại, ngày càng có nhiều người chọn cách học Tiếng Anh qua mạng thay vì đến các lớp trực tiếp. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều website học Tiếng Anh trực tuyến hữu dụng để học ngữ pháp, từ vựng, phát âm và thậm chí cả Tiếng Anh giao tiếp....
5. Học từ vựng một cách máy móc và không hệ thống
Xin bạn lưu ý rằng học Tiếng Anh không chỉ đơn thuần là học ngữ pháp. Để học từ vựng, bạn đừng học từ "chết" bằng cách viết nhiều lần một từ trên mặt giấy mà nên học từ trong câu. Bạn sẽ nhớ từ đó lâu hơn và còn biết cả cách sử dụng chúng nữa. Khi giao tiếp, bạn lựa chọn từ vựng, kết hợp chúng và tạo thành câu để biểu đạt ý kiến của mình. Người nói giỏi là người biết vận dụng vốn từ vựng mà mình biết trong khi có người biết rất nhiều từ nhưng lại không biết đặt câu. Vận dụng càng nhiều thì vốn từ vựng càng phong phú. Đừng liệt kê một dãy dài các từ, ngữ mới mà hãy chia sổ của bạn ra thành từng mục chẳng hạn:
Chủ đề: Friend, work, love, family...
Động từ và danh từ đi liền kề: earn money, do homework vv...
Động từ kép: to grow up, to turn on, to take care vv...
Ngữ cố định: according to me, in my point of view, by the way...
Thành ngữ: as cool as cucumber, go cold turkey, pull up your socks vv...
Ngữ có giới từ: in summer, at mealtime, in January, in 2009 ...
6. Chào thua "sự kiên trì"
Học ngoại ngữ không giống nhiều các môn học khác đó là rất cần sự kiên trì. Bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy nản lòng khi học mãi mà không hiểu, và chính điều này sẽ khiến bạn đầu hàng ngay lập tức với những khó khăn. Bạn nên nhớ sự thành công thường đạt được nhờ vào sự kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc ngay cả khi người khác nói "không thể làm được". Khi bạn tự tin nói Tiếng Anh tức là bạn đã vượt qua khó khăn và chán nản ban đầu và bạn sẽ thấy ham thích môn ngoại ngữ này lúc nào không hay.
Khắc phục và tự hoàn thiện những yếu điểm này, bạn sẽ thấy để "giỏi Tiếng Anh" cũng không đến nỗi quá xa so với sức của mình. Chúc các bạn luôn tự tin và sớm thành công!