Làm gì để hạn chế tình trạng bạo lực học đường?
Thời gian qua, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện những clip quay cảnh học sinh bị đánh ngay trong nhà trường, giữa ban ngày mà không ai can ngăn. Đã thế, nạn nhân do sợ hãi nên không dám báo sự việc với nhà trường, phụ huynh, thầy giáo, cô giáo nên mọi người chẳng hề hay biết, khiến dư luận xã hội càng thêm quan ngại về tình trạng bạo lực học đường cùng với những hệ lụy của nó.
Nguyên nhân gây nên vấn nạn bạo lực học đường từng được các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý phân tích, mổ xẻ nhiều, trong đó có các yếu tố chính, như: Xã hội, gia đình, nhà trường. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến cũng “đau đầu” về nạn bạo lực học đường gia tăng. Vậy, đâu là những cách thức, biện pháp được xem là khả thi để giải quyết tốt nạn bạo lực học đường?
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác giám thị, thầy giáo Lê Văn Quyền, Trường THCS Nguyễn Chánh, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) cho biết: “Dưới ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, phim ảnh bạo lực và do hiểu biết còn hạn hẹp, nhân cách chưa hoàn chỉnh, bản tính lại nông nổi, nên khi có mâu thuẫn, các em học sinh sẵn sàng đánh nhau. Vấn đề đặt ra là cách giáo dục, ngăn ngừa của chúng ta như thế nào, đến đâu? Bằng kinh nghiệm thực tiễn của tôi thì công tác ngăn ngừa, phối hợp giữa các thành tố trong nhà trường, nhất là tổ giám thị và giáo viên chủ nhiệm, sự liên lạc, phối hợp giữa nhà trường và gia đình, phụ huynh là rất quan trọng. Cùng với đó, tổ giám thị, bảo vệ… phải thường xuyên đi dạo xung quanh trường, nơi hàng quán, thời điểm tan trường… để phát hiện và ngăn chặn những vụ việc nảy sinh sau giờ học. Ngăn chặn từ xa, triệt phá những vụ việc chưa xảy ra trong học sinh, góp phần giảm đáng kể tác động xấu của nạn bạo lực học đường”.
Một giờ học của học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).
Thầy giáo Nguyễn Văn Luận, Trưởng ban Quản sinh, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi) chia sẻ: “Tôi có 15 năm làm công việc quản sinh và giải quyết hàng trăm vụ học sinh mâu thuẫn, xích mích dẫn đến đánh nhau. Lý thuyết, văn bản thì dễ lắm, nhưng đi vào thực tế xử lý thì vô cùng khó khăn, vì tính phức tạp của nó, nhiều khi tốn khá nhiều thời gian để xác minh, tìm hiểu. Khi xảy ra sự việc, một số em có liên quan rất ngoan cố, quanh co chối tội. Chúng tôi kiên trì khai thác, đấu tranh bằng nhiều biện pháp, mời phụ huynh đến cùng giải quyết; phân tích hành vi đúng-sai để học sinh, phụ huynh nhận ra lỗi lầm và trách nhiệm của mình. Có ngay hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm, thông báo ở lớp hay toàn trường. Nhờ giải quyết, xử lý kịp thời, nên vấn nạn bạo lực trong học sinh ở trường chúng tôi những năm gần đây giảm đáng kể”.
Video đang HOT
Thầy giáo Trần Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Xiện (tỉnh Kiên Giang) cho rằng: “Hiện tượng học sinh bạo lực, đánh nhau thì ở đâu, trường nào cũng có, chỉ có điều ít hay nhiều, đơn giản hay nghiêm trọng mà thôi. Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này thuộc về 4 phía: Xã hội, nhà trường, gia đình và bản thân học sinh. Chính cái tâm lý im lặng, che giấu, nhút nhát, ngại đấu tranh, không dám bộc bạch, bày tỏ chính kiến ở một bộ phận xã hội, trong đó có học sinh, phụ huynh, thầy giáo, cô giáo… tồn tại lâu nay đã dung dưỡng, chở che cho những hành vi bạo lực, thói xấu phát triển, trỗi dậy”.
Về phần mình, chúng tôi cho rằng, muốn ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, thì ngay từ những tiết chào cờ hay hoạt động ngoại khóa, ban giám hiệu các trường phải kịp thời khen thưởng, biểu dương những học sinh dũng cảm “tố giác” sai phạm. Cùng với đó, phê bình nghiêm khắc đối với những thầy giáo, cô giáo giải quyết học sinh cá biệt, những vụ học sinh đánh nhau chưa nghiêm. Quan trọng nhất là phải công khai rộng rãi các vụ vi phạm, đừng vì thành tích mà che giấu khuyết điểm. Trong xử lý học sinh cá biệt phải thực sự nghiêm khắc, nếu không các em sẽ “được đằng chân lân đằng đầu”. Giáo dục luôn phải gắn với chế tài và kỷ luật.
Bài và ảnh: ĐỖ TẤN NGỌC
Theo QĐND
Bạo lực học đường gia tăng: Trách nhiệm không chỉ của nhà trường
Bấy lâu nay, khi bạo lực học đường xảy ra, gia đình và xã hội thường đổ lỗi cho giáo viên và nhà trường.
Nhiều gia đình mải lo kinh tế mà giao phó việc giáo dục con cho nhà trường. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Song, ngoài việc học tập ở trường, các em còn chịu ảnh hưởng từ môi trường sống, gia đình và các mối quan hệ ở bên ngoài. Như vậy, không chỉ nhà trường có trách nhiệm trong việc ngăn chặn bạo lực học đường mà cần phải có sự chung tay của gia đình và xã hội.
Gia đình đặc biệt quan trọng!
Thời gian qua liên tiếp xảy ra vụ việc bạo lực học đường có tính chất nghiêm trọng, như: 5 nữ sinh ở trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) đánh tàn nhẫn một học sinh nữ; một nữ sinh lớp 11, trường THCS&THPT Lê Thánh Tông (TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị nhóm 10 người đánh phải nhập viện...
Nói về những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ bạo lực học đường, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội phân tích: Một mặt, do sự phát triển tâm sinh lí học sinh. Hiện nay, học sinh đang bị ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội, từ hành vi của người lớn nên có các em những hành vi quá mức cần thiết. Mặt khác, do các em đã không được giáo dục đầy đủ từ phía gia đình và nhà trường. Vấn đề quản lý giáo dục của nhà trường và gia đình chưa thực sự hiệu quả. Nhiều gia đình có tâm lý "trăm sự nhờ thầy cô, trăm sự nhờ nhà trường", thế nhưng, hiện vai trò của giáo viên chủ nhiệm chưa được đánh giá cao. Cùng với đó, công tác bồi dưỡng cho giáo viên chủ nhiệm chưa được chú trọng. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, việc dạy học trò không phải chỉ là quát mắng, mà phải tâm sự, chia sẻ, do đó, giáo viên chủ nhiệm phải có kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng về giáo dục tâm lý.
Thực tế cho thấy, gia đình là một mắt xích quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Tuy nhiên, do mải lo kinh tế mà nhiều gia đình đã đẩy việc giáo dục con cho giáo viên và nhà trường. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường có trách nhiệm của nhiều bên: Gia đình, nhà trường, cộng đồng, tổ chức xã hội và địa phương.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, các nghiên cứu đã chỉ ra, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường thường liên quan đến việc cha mẹ cũng sử dụng bạo lực; cha mẹ cũng phụ thuộc vào tâm lý, trình độ nên nhiều khi cũng không kiểm soát được hành vi; cha mẹ không tạo được mối tình cảm với con vì vậy làm cho các con cảm thấy bất an. Bên cạnh đó, vì cha mẹ không phải tấm gương tốt, làm mẫu hành vi cho con nên đứa trẻ tập nhiễm hành vi bạo lực của bố mẹ, nhìn nhận hành vi đó là bình thường.
Nghiên cứu chỉ ra, chức năng của gia đình kém, bố mẹ không thường xuyên nhất quán trong dạy bảo con, không kiểm soát được con. Ví dụ, cha mẹ bỏ mặc hoặc kỷ luật quá khắc nghiệt dẫn đến hành vi bạo lực của con cái. Bản thân bố mẹ cũng phải nhìn thấy trách nhiệm mình phải quản lý kênh truyền thông tác động đến con cái. Ví dụ, phim ảnh con xem có nội dung bạo lực hoặc nội dung không phù hợp không kiểm soát được; tác động của mạng xã hội; video trên Youtube.
Lối sống hiện đại với công nghệ tiên tiến cũng đang tác động đến hành vi của trẻ. Ông Ngô Văn Nam, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận định, trong xã hội hiện nay, mạng xã hội cũng có tác động rất mạnh đến các em, là nguyên nhân quan trọng hình thành lối sống.
Đẩy mạnh các kết nối
Bạo lực học đường không chỉ là bạo lực giữa học sinh với nhau mà con là bạo lực của giáo viên với học sinh, thậm chí giáo viên 'xàm sỡ' học sinh hay phụ huynh bạo lực giáo viên. Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành giáo dục có vai trò quan trọng để ngăn chặn bạo lực học đường.
Ông Nam đề xuất các giải pháp cụ thể: Thứ nhất, các em đến trường phải được học về pháp lý, bài học này là một phần của những bài học về công dân. Cần dạy bằng việc nêu gương, dạy biết sợ, tôn trọng pháp luật. Thứ hai, dạy đạo lý cho các em. Hiện những giá trị đạo đức văn minh chưa được xác lập rõ ràng mà ví dụ điển hình là vụ dâm mà chỉ phạt 200 nghìn. Chúng ta cần phải có những bài học tôn vinh cái đẹp, lòng nhân ái. Thứ ba, trẻ đến trường phải được chăm sóc tâm lý. Vấn đề quan trọng nhất là vấn đề tham vấn học đường. Giáo viên cần phải nắm được tâm lý, xung đột của học sinh với học sinh thông qua quá trình tham vấn. Ngành giáo dục triển khai các biện pháp nêu trên vào trường học và các trường sư phạm. Bởi đây là chìa khóa của mọi giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường.
Ở góc độ chuyên gia tâm lí, ông Trần Thanh Nam cho rằng cần phải nhận thấy sự kết nối, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc chăm sóc, giảng dạy trẻ. Chúng ta không thể đổ hết lỗi cho nhà trường, cha mẹ cũng cần phải thấy trách nhiệm của mình trong việc kết nối với nhà trường để tạo sự nhất quán trong định hướng, thống nhất phương pháp giáo dục. Ông Nam chia sẻ: "Để giảm bạo lực học đường, nhiều nước trên có thể giới còn có học phần can thiệp trong gia đình. Chương trình đó có thể vận hành ở nhà trường nhưng giáo viên sẽ là người chuyển tải thông điệp, thậm chí còn hướng dẫn cả thành viên trong gia đình thực hành kỷ luật tích cực hoặc kỷ luật không nước mắt với con khi ở nhà để tạo môi trường gia đình an toàn, ít tính bạo lực hơn".
Theo baohaiquan
"Ngăn ngừa bạo lực học đường: Để trẻ em không đơn độc" Buổi toạ đàm do Báo Tiền phong tổ chức ngày 08/4 với mong muốn thông tin sâu rộng tới bạn đọc, công chúng cả nước về cách nhìn nhận, đánh giá của các chuyên gia, cơ quan chức năng về vấn đề nổi cộm trong xã hội, từ đó, đưa ra những giải pháp để giảm thiểu, ngăn chặn và đẩy lùi bạo...