Lâm Đồng lấy ý kiến về phương án kiến trúc Đồi Dinh Tỉnh trưởng
Ngày 14/8, UBND thành phố Đà Lạt đã tổ chức trưng bày lấy ý kiến phương án kiến trúc khu vực Dinh Tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết khu Trung tâm Hòa Bình (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).
Theo đó, UBND thành phố đã trưng bày 3 mô hình của ba phương án, lấy ý kiến người dân và du khách về hình thức kiến trúc; giải pháp bảo tồn; sự phù hợp cảnh quan chung và phương án tối ưu.
Khu vực dự án kiến trúc khu vực Dinh Tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết khu Trung Tâm Hòa Bình tọa lạc tại trung tâm của thành phố Đà Lạt. Đây là nơi thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ lưu trú.
Khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng có tầm nhìn thoáng, rộng nhìn về các hướng của thành phố Đà Lạt. Đây cũng là công trình kiến trúc được người Pháp chọn xây dựng là Dinh Tỉnh trưởng. Công trình có vị trí đắc địa và được xem như là “long mạch” của thành phố ngàn xuân. Tuy nhiên, cùng với sự thăng trầm của thời gian, công trình này đã không được nhìn thấy và bị che khuất bởi sự phát triển của đô thị vung quanh.
Đà Lạt luôn là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: Nhật Anh/TTXVN
Theo Sở xây dựng tỉnh Lâm Đồng, với mục tiêu mong muốn phục hồi các giá trị vốn có của Đồi Dinh. Dự án (thuộc phương án 1) hướng đến sự nâng cao giá trị kiến trúc của Dinh tỉnh trưởng để tạo ra một không gian công cộng. Một địa chỉ văn hóa, một luồng sinh khí mới cho khu vực trung tâm của thành phố Đà Lạt.
Theo thiết kế, Dinh Tỉnh trưởng sẽ được nâng cao 28 mét so với vị trí ban đầu và thêm không gian vườn thực vật, không gian hội nghị, sự kiện, thương mại, nhà hàng; trong đó, không gian lưu trú được xem sẽ là công trình điểm nhấn tại thành phố ngàn hoa. Đặc biệt chú trọng đến các không gian giành cho các loài hoa, thực vật đặc trưng của miền cao nguyên như mai anh đào, hoa ban trắng, dã quỳ…tạo nên “lá phổi xanh” cho thành phố Đà Lạt.
Phương án 2 giữ lại những mảng xanh hiện hữu; di dời công trình Dinh Tỉnh trưởng về phía Nam và xây các công trình kiến trúc mới. Đồng thời, mở ra 1 khu vườn theo phong cách Pháp. Khu vườn này là khoảng không gian kết nối cho các khối công trình, đồng thời là điểm nhấn cho các khối kiến trúc tổng thể.
Phương án 3 giữ lại 30% khoảng cây xanh Dinh Tỉnh trưởng. Xây dựng tòa nhà lớn bên cạnh, cao hơn 2 lần Dinh Tỉnh trưởng, ngoài ra còn các khối nhà được làm bán hầm, phủ trên là cây xanh. Công trình này được lấy cảm hứng từ những kiến trúc đặc sắc của Đà Lạt tạo nên nét hài hòa về kiến trúc, nhưng vẫn mang vẻ đẹp hiện đại đương thời.
Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố quyết định về phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt.
Theo đó, khu vực này có diện tích 30 ha, thuộc phường 1, thành phố Đà Lạt; phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm Nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản). Quy mô dân số, hiện trạng khoảng 5.370 người (1.064 hộ); với hệ số tăng dân số cơ học 1,2, dự báo quy mô dân số khu vực quy hoạch khoảng 6.879 người.
Theo đó, phân khu 1 là (khu vực chợ Đà Lạt – đường Nguyễn Thị Minh Khai), diện tích 6,95 ha là khu vực chợ truyền thống, kết hợp với quảng trường trung tâm (quảng trường hoa mang tính đặc trưng của Đà Lạt); khu phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm.
Phân khu 2 (khu trung tâm Hòa Bình), diện tích 3,37 ha là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách.
Phân khu 4 (khu vực chỉnh trang đô thị), diện tích khoảng 9,19 ha, là khu vực chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ với mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách.
Phân khu 5 (khu vực ven hồ Xuân Hương), diện tích 6,06 ha, là khu vực công trình dịch vụ – du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương.
Quy hoạch cũng quy định rõ các chỉ tiêu về kiến trúc công trình, chiều cao, mật độ xây dựng công trình. Việc thiết kế xây dựng công trình phải tận dụng tối đa địa hình tự nhiên; hạn chế việc san gạt theo diện rộng, phá vỡ địa hình tự nhiên; không xâm hại đến môi trường, cảnh quan khu vực. Khuyến khích trồng cây xanh trong khuôn viên và trên mái công trình; sử dụng cây xanh đặc trưng, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Đà Lạt.
Khu vực trưng bày và lấy ý kiến về quy hoạch kiến trúc đồi Dinh Tỉnh trưởng thuộc khu vực Trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt sẽ kéo dài đến ngày 14/9/2020.
Cận cảnh 'tứ đại bảo tàng' của Việt Nam
Đây là bốn viện bảo tàng lâu đời, nổi tiếng bậc nhất thời thuộc địa, và cho đến nay vẫn là những bảo tàng hàng đầu Việt Nam, thu hút lượng du khách ghé thăm đông đảo...
1. Nằm ở số 1 phố Tràng Tiền, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là bảo tàng lâu đời nhất Hà Nội, đồng thời là bảo tàng có quy mô trưng bày lớn nhất Việt Nam. Vào thời thuộc địa, đây là Bảo tàng Louis Finot - Viện bảo tàng của trường Viễn Đông Bác cổ - do người Pháp xây dựng từ năm 1926-1932.
Thời điểm mới được xây dựng, Bảo tàng Louis Finot là một trong những công trình kiến trúc tráng lệ nhất Hà Nội. Được các kiến trúc sư C.Batteur và E.Hébrard thiết kế, Bảo tàng là một đại diện lớn của phong cách Kiến trúc Đông Dương,
Ngày nay Hệ thống trưng bày tại cơ sở chính của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia rộng khoảng 2.000 m2, được chia thành nhiều không gian cho các tuyến tham quan theo chủ điểm và thứ tự thời gian lịch sử. Ngoài ra, Bảo tàng còn cơ sở 2 ở số 216 Trần Quang Khải, Hà Nội.
Theo thống kê, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử. Đây thực sự là một địa điểm lý tưởng để du khách trong và ngoài nước khám phá lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
2. Nằm trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Bảo tàng Lịch sử TP HCM là bảo tàng lâu đời nhất và sở hữu bộ sưu tập cổ vật lớn nhất ở TP HCM. Lịch sử Bảo tàng bắt đầu năm 1927, với đề xuất xây dựng từ Hội Nghiên cứu Đông Dương. Bảo tàng khánh thành ngày 1/1/1929 với tên gọi Bảo tàng Pacha Da Lagos.
Tòa nhà bảo tàng do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế và được hãng thầu Etablissements Lamorte Saigon xây dựng theo lối kiến trúc Đông Dương cách tân (Styleindochinois), là một công trình kiến trúc thuộc địa độc đáo của Sài Gòn xưa.
Buổi đầu, Bảo tàng Pacha Da Lagos chỉ có 2.893 cổ vật, chủ yếu là bộ sưu tập của Holbé. Ngày nay, Bảo tàng Lịch sử TP HCM sở hữu trên 30.000 hiện vật, về quy mô chỉ đứng sau Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội.
Có thể nói, Bảo tàng Lịch sử TP HCM là nơi đang lưu giữ một "kho báu" cổ xưa đồ sộ, là điểm đến không thể bỏ qua cho những ai muốn khám phá về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam.
Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng chính là bảo tàng có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, với tiền thân là Bảo tàng Chàm, được Trường Viễn Đông Bác cổ cho xây từ dựng năm 1915-1919.">
3. Không bề thế như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Lịch sử TP HCM, nhưng Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng chính là bảo tàng có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, với tiền thân là Bảo tàng Chàm, được Trường Viễn Đông Bác cổ cho xây từ dựng năm 1915-1919.
Dự án xây dựng bảo tàng do hai kiến trúc sư người Pháp là Delaval và Auclair thực hiện. Đề án được chọn là một tòa nhà kiểu Pháp đương thời kết hợp với một số nét kiến trúc Chăm. Qua càng thời kỳ lịch sử, Bảo tàng liên tục được mở rộng về quy mô trưng bày.
Ngày nay, tổng số hiện vật trưng bày tại Bảo tàng lên tới khoảng 500, được phân chia theo các phòng / hành lang tương ứng với nơi phát hiện gồm phòng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương, Tháp Mẫm... Đây là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm quy mô nhất ở Việt Nam.
Sở hữu những giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng giờ đây là một "địa chỉ đỏ" về du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến khám phá ở Đà Nẵng.
4. Nằm trong khu Thành Nội, phía Đông Nam Hoàng thành Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có lịch sử hình thành từ năm 1923 với tên gọi ban đầu là Bảo tàng Khải Định, là bảo tàng lâu đời nhất Cố đô Huế.
Tòa nhà chính của Bảo tàng vốn là điện Long An, được xây năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Ban đầu công trình nằm trong cung Bảo Định. Vào năm 1909, triều đình cho dời điện Long An đến vị trí hiện nay để làm thư viện và đến năm 1923 thì được dùng làm Bảo tàng Khải Định.
Phần lớn các hiện vật trong Bảo tàng đã được hội Đô Thành Hiếu Cổ sưu tập và tàng trữ từ năm 1913. Sau các biến cố lịch sử, số cổ vật không còn nguyên vẹn như xưa. Hiện tại Bảo tàng có khoảng 700 hiện vật được trưng bày thường xuyên, một số trong đó từng được các vị vua sử dụng.
Là một công trình nằm trong quần thể di tích được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1993, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thực sự là một bảo tàng mang đẳng cấp đế vương, một điểm đến mà du khách không thể bỏ qua ở Cố đô Huế.
Mời quý độc giả xem video: Văn hóa dòng họ - nét đặc sắc trong văn hóa Việt. Nguồn: VTC1.
Nhà ga đẹp nhất Việt Nam tại Đà Lạt Nhà ga Đà Lạt (Lâm Đồng) được đánh giá là có kiến trúc đẹp bậc nhất Việt Nam. Ngày nay, nơi này trở thành điểm check-in lý tưởng của giới trẻ khi đến thành phố mờ sương. Anh Tú