Lâm Đồng: Giáo viên vùng đặc biệt khó khăn càng thêm khó vì kiểu “sửa sai” của UBND huyện Bảo Lâm?
Có thể thấy chưa có bao giờ ngành giáo dục của huyện Bảo Lâm lại có nhiều xáo trộn như thời gian gần đây. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến những xáo trộn lại không xuất phát từ công tác chuyên môn của ngành giáo dục mà lại từ cách “sửa sai” của UBND huyện Bảo Lâm.
Lời giải thích làm “đắng lòng” người làm giáo dục
Sau khi bài “Cần ứng xử nhân văn hơn với người làm giáo dục” phản ánh về trường hợp của một cô giáo có hơn 35 năm công tác ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Bảo Lâm bị điều chuyển từ Hiệu trưởng xuống làm công tác giảng dạy, báo NB&CL liên tiếp nhận được nhiều phản ánh từ phía dư luận địa phương xung quanh cách ứng xử thiếu nhân văn đối với những người đã có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục của UBND huyện Bảo Lâm.
Như đã thông tin, cô giáo Mai Thị Chính về công tác ở vùng đặc biệt khó khăn huyện Bảo Lâm từ năm1983; trải qua hơn 35 năm phấn đấu nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao từ vai trò giáo viên cho đến Hiệu trưởng. Thế nhưng chỉ còn hơn 10 tháng công tác trước khi nghỉ hưu, cô giáo Mai Thị Chính bị buộc phải quay trở lại điểm xuất phát của 35 năm trước. Sau 8 năm làm Hiệu trưởng, cô giáo đã có những đóng góp đưa trường Tiểu học Lộc Nam B và trường Tiểu học Lộc Nam A đạt được nhiều thành tích. Nhưng UBND huyện Bảo Lâm lại cho rằng cô giáo Mai Thị Chính “thiếu tiêu chuẩn” nên không được xem xét kéo dài thời gian làm hiệu trưởng thêm hơn 10 tháng cho đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Huyện Bảo Lâm – Lâm Đồng.
Trước thắc mắc: vì sao sau 8 năm UBND huyện bổ nhiệm cô Chính làm Hiệu trưởng, đến khi xem xét kéo dài thêm vài tháng chờ đến tuổi nghỉ hưu UBND huyện mới xét đến tiêu chuẩn, Trưởng phòng Nội vụ huyện Bảo Lâm – ông Vũ Thanh Bảy cho rằng, trước đây bổ nhiệm vậy là “sai”, và đưa ra lý do “làm sai” khiến người làm giáo dục phải “đắng lòng”: Bổ nhiệm cô Chính là bởi… “thiếu người”(?).
Còn trước những nghi vấn bất thường: nhận “sai” sau 8 năm và muốn “sửa sai” theo đúng tiêu chuẩn, vậy tại sao Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT huyện vẫn tổ chức Hội đồng sư phạm lấy phiếu tín nhiệm để kéo dài thời gian giữ chức vụ cho cô Chính; và sau khi có kết quả, cô Chính có đến 97,4% số tín nhiệm thì UBND huyện quay lại xét theo các tiêu chuẩn bổ nhiệm mới, ông Vũ Thanh Bảy không có giải thích hay đưa ra một lý do nào.
Giáo viên đã khó nay càng thêm khó
Từ đầu năm 2018, UBND huyện Bảo Lâm đã có văn bản truy thu tiền phụ cấp thu hút giáo viên vùng đặc biệt khó khăn do chi sai. Tuy nhiên, việc truy thu bằng cách trừ 1/3 số lương hằng tháng khiến đời sống, công tác của hàng trăm giáo viên nơi đây thêm khó khăn, xáo trộn.
Xáo trộn nhiều nhất có là vùng đặc biệt khó khăn – xã Lộc Nam, nơi có hơn một trăm giáo viên ở 3 cấp học nằm trong danh sách bị truy thu, với số tiền truy thu mỗi giáo viên từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng. Việc truy thu để “sửa sai” này của huyện Bảo Lâm khiến cho nhiều giáo viên lâm cảnh khó khăn, ngán ngẩm sau hàng chục năm bám trường bám lớp vùng đặc biệt khó khăn. Họ đã phải chịu nhiều thiệt thòi nay còn gánh thêm “nợ”.
Văn bản của UBND huyện Bảo Lâm trả lời phản ánh của một Hiệu trưởng đã có hơn 35 năm cống hiến cho ngành giáo dục địa phương.
Theo quy định, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút 70% mức lương cơ bản trong vòng 60 tháng. Thế nhưng nhiều trường hợp chưa được hưởng đủ 60 tháng phụ cấp thu hút theo quy định, đã bị UBND huyện Bảo Lâm truy thu. Nói là truy thu nhưng trên thực tế nhiều giáo viên tại trường Mầm non và trường Tiểu học xã Lộc Nam từ năm 2014 – 2016 không nhận được khoản chi trả này vào lương hằng tháng. Cho đến tháng 1/2018, sau khi UBND huyện Bảo Lâm có văn bản số 21 về việc “Xử lý kết quả kiểm tra thực hiện chế độ phụ cấp thu hút đối với ngành giáo dục” mới tiến hành truy lĩnh và truy thu. Đó cũng chính là lý do dẫn đến hiện tượng giáo viên mới đến công tác hơn 1 năm được truy lĩnh hơn 100 triệu đồng, còn ngược lại những giáo viên công tác 20 – 30 năm lại “mang nợ”.
Video đang HOT
UBND huyện Bảo Lâm khẳng định, toàn bộ số tiền truy thu đều được hoàn trả vào ngân sách nhà nước và cho biết sở dĩ có những “lùm xùm”, xáo trộn do chi sai phải truy thu, truy lĩnh là do xuất phát từ đặc điểm tình hình của địa phương. Cụ thể, trong khi đang thực hiện chi phụ cấp thu hút 40% lương cơ sở cho cán bộ viên chức ngành giáo dục đang công tác trên địa bàn vùng đặc biệt khó khăn thì năm 2006 Chính phủ ban hành Nghị định số 61 quy định chi phụ cấp thu hút 70% lương cơ sở cho giáo viên, cán bộ nhân viên ngành giáo dục chuyển từ vùng thuận lợi sang vùng đặc biệt khó khăn, với thời gian là 5 năm.
Trong quá trình thực hiện chi trả 70% phụ cấp thu hút theo Nghị định số 61 của Chính phủ, UBND huyện Bảo Lâm lại áp dụng phương thức cộng dồn cả thời gian trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành. Nghĩa là, trước đây (từ năm 1998 – PV) giáo viên, cán bộ nhân viên đã nhận phụ cấp 40% lương cơ sở thì tiếp tục được truy lĩnh thêm 30% cho đủ 70% lương cơ sở theo Nghị định số 61. Tuy nhiên, UBND huyện Bảo Lâm lại không xem xét đến quy định thời gian được nhận phụ cấp thu hút đối với những trường hợp này tối đa là 5 năm nên mới xảy ra tình trạng giáo viên càng có nhiều thời gian gắn bó với vùng đặc biệt khó khăn này càng “mắc nợ” nhiều hơn.
Thanh Hải
Theo congluan
Cần có bộ sách giáo khoa riêng và có đội giáo viên tại chỗ cho giáo dục miền núi
Muốn phát triển giáo dục miền núi cần có bộ sách giáo khoa phù hợp cho học trò và đặc biệt là đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực giáo dục là người địa phương.
Ngày 28/11/2015, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88/2014/QH13 về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Trong Nghị quyết này, Quốc hội đã chủ trương hướng tới " một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" cho học sinh phổ thông.
Theo Nghị quyết thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.
Tuy nhiên, việc biên biên soạn một bộ sách giáo khoa cho khu vực miền núi-những vùng đặc biệt khó khăn thì chúng ta thấy vẫn còn để ngỏ, chưa có tổ chức, cá nhân nào có ý định thực hiện.
Khi dùng chung bộ sách có kiến thức ngang nhau, học sinh miền núi sẽ gặp nhiều khó khăn - (Ảnh: Phương Thảo)
Hiện nay, giáo dục của nhiều khu vực miền núi còn thua thiệt và có rất nhiều những bất cập so với khu vực đồng bằng.
Nguyên nhân của sự việc này thì có nhiều nhưng theo chúng tôi có 2 nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất là học sinh những khu vực khó khăn này vẫn đang dùng chung sách giáo khoa có những đơn vị kiến thức giống với học sinh ở đồng bằng.
Thứ hai là nguồn giáo viên dạy ở những khu vực này đa phần là giáo viên trẻ và không có nhiều giáo viên là người sở tại. Thành thử, giáo dục ở những trường, những địa phương còn khó khăn rất khó phát triển.
Thực tế, những năm qua thì học sinh cả nước dùng chung sách giáo khoa và dẫn đến rất nhiều những khó khăn cho học sinh của một số khu vực miền núi.
Trong khi đó, giáo viên ở miền xuôi được cử lên khu vực khó khăn, hoặc lúc đầu xin việc ở những khu vực này nhưng khi họ được vào biên chế, được ký hợp đồng không thời hạn là họ lại tìm cách để trở về xuôi.
Thành thử, những khu vực miền núi luôn thiếu hụt những giáo viên có thâm niên công tác và những người toàn tâm cho giáo dục ở những vùng khó khăn.
Phải nói rằng việc ngành giáo dục dùng chung một bộ sách giáo khoa cho cho cả khu vực đồng bằng và miền núi cũng có nhiều thuận tiện trong việc triển khai chương trình, tập huấn và đánh giá chất lượng chung.
Tuy nhiên, việc dùng chung 1 bộ sách, nhất là ở cấp tiểu học đang thể hiện những hạn chế nhất định.
Bởi vì mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có những đặc thù riêng, dùng chung bộ sách nhiều khi sẽ tạo nên sự lúng túng trong tiếp cận giảng dạy và học tập đối với một bộ phận giáo viên và học sinh ở những vùng khó khăn.
Một số dân tộc ít người sống heo hút ở những núi cao, rừng sâu khi giáo viên lên giảng dạy, việc đầu tiên là người giáo viên phải học tiếng dân tộc, học sinh phải học tiếng phổ thông.
Nhưng, trong nội dung kiến thức sách giáo khoa hiện hành như nhau, thời gian học như nhau và trong phân phối chương trình giảng dạy lại bắt buộc giáo viên phải dạy đúng, đủ số bài quy định.
Chính vì vậy, giáo viên rất khó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Làm sao có thể dạy hết chương trình, nội dung trong khi người giáo viên còn phải dạy và học nhiều thứ khác của người dân bản địa, học sinh còn chưa thông thạo tiếng phổ thông?
Vì thế, cùng giảng một tác phẩm văn chương, một bài toán giống nhau nhưng với các em thành phố chỉ giảng qua là các em có thể đã hiểu vì các em có rất nhiều kênh hỗ trợ.
Các em đã được tiếp cận qua rất nhiều sách báo, tài liệu học tập. Một số môn học như môn ngoại ngữ , tin học thì các em ở đồng bằng đã được học và đầu tư từ lớp 1, lớp 2, thậm chí các em được làm quen từ khi chưa đi học.
Trong khi đó, học sinh ở những vùng khó khăn thì lại được học và tiếp cận muộn hơn rất nhiều.
Vì thế, việc dùng chung một loại sách có các đơn vị kiến thức giống nhau sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về chất lượng giảng dạy và học tập.
Theo chúng tôi, ngành giáo dục nên có nhiều cuốn sách giáo khoa khác nhau.
Bởi, những vùng khó khăn thì việc đầu tiên ngành giáo dục phải hướng tới là giúp các em học sinh ở đây đọc thông, viết thạo tiếng và chữ viết phổ thông trước đã.
Sau đó sẽ trang bị cho các em những kiến thức phổ thông cơ bản. Khi lên cấp Trung học phổ thông, chúng ta sẽ hướng tới việc dùng chung một bộ sách. Vì nếu cứ tiếp tục dùng riêng sẽ khó cho các em thi vào các trường chuyên nghiệp.
Hơn nữa, Bộ vẫn đang chủ trương trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia là đề chung cho cả nước.
Hiện nay, các tỉnh và nhiều huyện đều có trường phổ thông dân tộc nội trú nên khi các em học hết cấp cấp trung học cơ sở thì những em có điều kiện, có học lực tốt thường về các trường dân tộc nội trú.
Những đối tượng học sinh này nếu được chú trọng tốt sẽ là đội ngũ cán bộ tại chỗ cho tương lai của địa phương.
Có lẽ, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, trong đó có bộ sách dành riêng cho học sinh ở các địa bàn khó khăn là điều phù hợp trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay.
Bởi, chúng ta có nhiều dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế, văn hóa cũng có nhiều điểm riêng. Việc biên soạn một bộ sách cho học sinh miền núi sẽ phù hợp với trình độ các em.
Đồng thời, sẽ khai thác những đặc trưng văn hóa riêng để các em thấy tự hào về quê hương và vùng đất các em đang sống.
Muốn phát triển được khu vực miền núi, những vùng đặc biệt khó khăn không có gì tốt hơn trong việc chú trọng phát triển giáo dục.
Muốn phát triển giáo dục miền núi cần có bộ sách giáo khoa phù hợp cho đối tượng học trò và đặc biệt là đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực giáo dục là người địa phương sẽ tạo động lực cho sự bền vững sau này.
Chứ cứ cái đà dùng sách có nội dung kiến thức như nhau, học sinh khó tiếp cận kiến thức sách giáo khoa chung mà dẫn đến bỏ học.
Giáo viên thì công tác có thời hạn nên đa phần là giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm lên cắm bản vài năm rồi họ lại về xuôi. Một khi đội ngũ giáo viên chưa ổn định thì rất khó để phát triển giáo dục cho miền núi.
NHẬT DUY
Theo giaoduc.net.vn
Phân bổ hàng trăm tấn gạo cho học sinh nghèo vùng đặc biệt khó khăn Ngày 1/3, huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp tổ chức phân bổ gạo cho học sinh của các vùng đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo tại các trường học trên địa bàn. * Huyện Tân Kỳ tiến hành phân bổ 33.630 kg gạo cho 2.224 em học sinh của 10 trường trên địa bàn huyện; mỗi em được nhận 15 kg gạo....