Lâm Đồng: Đường làng đổ bê tông 3 tháng đã nứt, bẻ phát là vỡ
1,6km đường giao thông nông thôn tại thôn Đạ Dâng (xã Liên Hà, huyện Lâm hà, Lâm Đồng) mới thi công xong từ tháng 12.2018, khi chủ đầu tư chưa nghiệm thu công trình thì đường đã nứt như “mạng nhện” khiến người dân bức xúc.
Với mục tiêu nâng cấp hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện Lâm Hà, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khu vực đi lại và vận chuyển hàng hóa. Tháng 3.2018 vừa qua, UBND huyện Lâm Hà đã có quyết định việc xây dựng đường giao thông nông thôn trục thôn Đạ Dâng – Sình Công – Hà Lâm xã Liên Hà.
Đến tháng 12.2018 vừa qua, Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng 69 đã hoàn thành thi công công trình. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân vừa qua tuyến đường đã có dấu hiệu nứt “chằng chịt”, chất lượng bê tông không đảm bảo.
Ông Dương Văn Ba – Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh thôn Đạ Dâng cho biết: “Công trình giao thông nông thôn này được đầu tư từ nguồn vốn đối ứng. Trong đó ngân sách huyện là 2,3 tỷ đồng, còn lại 400 triệu do người dân đóng góp. Thứ nhất mỗi hộ gia đình sẽ đóng 2 triệu đồng, sau đó dựa vào diện tích vườn của mỗi nhà đóng thêm 100.000 đồng/sào. Hiện nay, khi chưa được 3 tháng công trình hoàn thành thì đường đã bị nứt rất nhiều và chất lượng bê tông không tốt”.
Người dân rất bức xúc vì đường mới làm chưa nghiệm thu đã nứt “chằng chịt”. Ảnh: Văn Long.
Theo quan sát của PV, trên một số đoạn đường, dù mới làm nhưng đã có những vết nứt kéo dài từ mép hai bên. Một số điểm do xe ô tô tránh nhau đã làm vỡ phần bê tông phía mép đường. Tại đây những miếng bê tông to bằng nắm tay, người dân có thể dễ dàng bẻ gãy đôi.
Video đang HOT
Ông Ha Brưng – Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Đạ Dâng cũng đồng quan điểm cho rằng: “Đoạn đường này chất lượng rất kém, mới làm xong mà bê tông người dân cầm bẻ cũng vỡ thì khó có thể chấp nhận được. Nếu vào mùa mưa sắp tới mà các xe chở cát đi vào con đường này chắc chắn sẽ hỏng hết. Đường nhà nước làm 100% thì họ làm thế nào chúng tôi cũng chấp nhận. Thế nhưng có cả tiền của bà con đóng góp mà họ làm không thông báo để người dân giám sát thì không thể được. Chúng tôi ở đây rất bức xúc”.
Những miếng bê tông người dân có thể dùng tay bẻ gãy. Ảnh: Văn Long.
Làm việc với PV, ông Phan Đại Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, đơn vị đã nhận được ý kiến phản ánh của người dân thôn Đạ Dâng. “Đây là tuyến đường do Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Lâm Hà làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn đối ứng. Hiện nay, người dân địa phương đã đóng được 173 triệu đồng. Mọi công tác của chủ đầu tư công trình đều làm hết, xã không được chứng kiến mà chỉ được thông báo. Khi có đoàn tiến hành khoan, cắt lấy mẫu công trình xã cũng không hay biết. Đúng ra cần thông qua xã để tiến hành thành lập ban giám sát để khi thi công tuyến đường người dân được biết và giám sát chất lượng công trình”.
Hai chiếc xe tránh nhau cũng đã gây ra tình trạng vỡ bê tông trên tuyến đường. Ảnh: Văn Long.
Bác bỏ ý kiến của ông Phan Đại Thắng, ông Hồ Chánh Lâm Thành – Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Lâm Hà khẳng định: “Từ khi làm tuyến đường này tại xã Liên Hà cũng như tất cả các địa phương khác thì trước khi khởi công thì chủ đầu tư đều gửi thông báo kèm một bộ hồ sơ cho ủy ban xã với những thông tin cụ thể cần thiết. Bên cạnh đó yêu cầu địa phương thành lập ban giám sát cộng đồng phối hợp với chủ đầu tư để cùng giám sát trong quá trình thi công. Đơn vị đã làm đúng, đủ quy trình, không hiểu tại xã làm việc như thế nào để người dân kiến nghị như vậy”.
Hiện tại, chủ đầu tư đang kiểm tra sơ bộ, khoan lấy mẫu để kiểm tra trước khi nghiệm thu. Chính vì vậy hiện tại vẫn chưa đánh giá được chất lượng cụ thể của công trình.
Theo Danviet
Xác hàng chục con lợn lở mồm long móng nổi lềnh bềnh ở suối Cam Ly
Dòng suối Cam Ly chảy qua địa bàn thôn 2 (xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi tình trạng lén lút vứt xác hàng chục con lợn chết vì bệnh lở mồm long móng xuống suối.
Chiều ngày 5/3, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết tỉnh sẽ yêu cầu UBND huyện Lâm Hà báo cáo về vụ việc này bởi nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, bệnh lở mồm long móng sẽ lây lan, ảnh hưởng xấu đến tình hình sản chăn nuôi gia súc không chỉ của huyện Lâm Hà mà còn ở nhiều địa phương khác, nơi dòng suối chảy qua.
Nhiều người dân sống ven suối Cam Ly (thuộc địa bàn thôn 2) tố khổ: Bệnh lở mồm long móng đã xuất hiện tại xã Gia Lâm cách đây khoảng 20 ngày. Tuy nhiên, một số cơ sở chăn nuôi không báo cho chính quyền địa phương mà mang xác lợn chết vì bệnh vứt xuống suối khiến dòng nước đen ngòm.
Đi dọc theo suối Cam Ly, đoạn chảy qua địa bàn thôn 2, có hàng chục xác lợn chết (bị vứt trực tiếp xuống nước hoặc cho vào bao tải rồi đẩy xuống suối) đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Tại những nơi có vùng nước xoáy, xác nhiều con lợn trôi dạt vào, ứ đọng lại gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. "Mỗi lần muốn tưới dâu hay cà phê đều phải dùng gậy đẩy xác lợn chết trôi đi mới có chỗ đặt máy bơm", một người dân bức xúc nói.
Xác nhiều con lợn trôi dạt vào một chỗ bốc mùi hôi thối nồng nặc
Điều nguy hại nữa là, suối Cam Ly bắt nguồn từ huyện Lạc Dương và lần lượt chảy qua địa bàn TP. Đà Lạt, huyện Lâm Hà rồi nhập vào sông Đạ Đờn (thượng nguồn sông Đồng Nai) nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.
Theo ông Đào Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã Gia Lâm, việc nhiều người cố tình che giấu tình trạng đàn heo bị bệnh để tiến hành bán chạy đàn hoặc vứt xác lợn chết xuống suối là rất nguy hiểm bởi có nguy cơ khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Nhiều ý kiến cho rằng để tránh tình trạng người dân giấu dịch, các cấp chính quền nên công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các hộ có gia súc, gia cầm chết. Cụ thể theo Nghị định của Chính phủ về cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất tại vùng bị thiệt hại do thiên tai dịch bệnh: Khi bị thiệt hại do dịch bệnh, Nhà nước sẽ hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn hơi, 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu bò, dê cừu...
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà và Đạ Tẻh khiến hơn 800 con lợn mắc bệnh, trong đó đã tiêu hủy 337 con.
Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy Sản tỉnh Lâm Đồng cho hay sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, thu gom để tiêu hủy đúng cách đối với số lợn chết vì bệnh lở mồm long móng.
KIM ANH
Theo TPO
Lâm Đồng: Bùng phát dịch lở mồm long móng, lợn chết vứt đầy suối Những con lợn mắc dịch lở mồm long móng (LMLM) tại xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) được người dân đem vứt xuống đầy con suối Cam Ly gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối nồng nặc và đặc biệt là khiến nguy cơ bùng phát dịch lan rộng ra các địa bàn lân cận. Dẫn PV đi...