Làm đẹp, chưa đẹp đã vào bệnh viện
Việc ứng dụng sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc trong thẩm mỹ, làm đẹp vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu về hiệu quả và tính an toàn.
Hiện nay, ngoài quảng cáo và thực hiện phương pháp trẻ hóa, phục hồi da bằng công nghệ tế bào gốc (TBG) tự thân, nhiều cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ tại TP.HCM còn có dịch vụ tiêm, lăn, bôi sản phẩm từ công nghệ TBG điều trị nám, mụn, sẹo lõm, giúp da trắng sáng…
Tiền mất tật mang
ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó Trưởng khoa Thẩm mỹ da, BV Da liễu TP.HCM, cho biết mỗi tháng BV tiếp nhận 5-7 trường hợp bị tác dụng phụ hoặc tai biến khi sử dụng các sản phẩm TBG dưới dạng tiêm, bôi, uống.
Mới đây, BV tiếp nhận bà NTH (45 tuổi, quận 2, TP.HCM) trong tình trạng mặt sưng phù, nhiều nốt bầm tím… Bà H. cho biết hai ngày trước, bà đến một thẩm mỹ viện ở quận 2 và được nhân viên tư vấn tiêm TBG Hàn Quốc trẻ hóa da. Sau tiêm một ngày, mặt bà sưng phù, đau nhức.
Trong lần về Việt Nam, bà M. (52 tuổi, Việt kiều Mỹ) được chủ một cơ sở làm đẹp ở TP.HCM khuyên nên tiêm TBG xóa nhăn trên trán và đuôi mắt, đồng thời giúp da tươi sáng để gương mặt trẻ hơn. Sau khi tiêm TBG ba ngày, mặt bà M. nổi đầy nốt đỏ, cứng nước. Để trấn an bà, chủ cơ sở quả quyết những nốt này sẽ biến mất sau một tuần. Tuy nhiên, các nốt đỏ cứ “sinh sôi nảy nở” ngày một nhiều hơn. Sau hai tuần chịu đựng, bà M. vội đến BV Da liễu TP.HCM khám.
Trường hợp nữa là chị T. (24 tuổi, TP.HCM). Do mụn thâm ngày càng nhiều trên mặt nên chị lên mạng tìm hiểu và mua sản phẩm TBG về bôi. Ngày đầu da chị ửng đỏ, sang ngày thứ hai da bỏng rát. Chị T. gọi điện thoại hỏi người bán thì được trả lời đó là hiện tượng bình thường. Tiếp tục bôi thêm vài lần, da mặt chị T. bong tróc, sưng nề, ngứa ngáy. Chịu không nổi chị T. phải tới BV Da liễu TP.HCM cầu cứu.
Mặt khách hàng đầy sẩn đỏ sau tiêm sản phẩm tế bào gốc. Ảnh: BVCC
Ông Bình đang giới thiệu các sản phẩm từ công nghệ tế bào gốc. Ảnh: TRẦN NGỌC
Vừa bán hàng vừa lăn kim
Tại một thẩm mỹ viện trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình, TP.HCM), nhân viên tên Mai cho biết trẻ hóa da bằng cách tiêm sản phẩm TBG là công nghệ tối ưu, được nhiều người sử dụng. Sau tiêm TBG, da sẽ trắng sáng, trẻ trung trong khi cách căng da mặt, tiêm botox hoặc chất làm đầy giá thành cao, kết quả lại không như mong đợi.
Video đang HOT
Sản phẩm TBG có nhiều loại, nhiều giá, ví dụ hàng Hàn Quốc mỗi lọ tầm 300.000 đồng, Nhật Bản độ 600.000 đồng, Thụy Sĩ khoảng 5 triệu đồng. “Khách có thể mua về tự lăn kim với dụng cụ lăn dưới 500.000 đồng, sử dụng được nhiều lần. Nếu không thì đến thẩm mỹ viện để thực hiện, giá mỗi lần từ 1 triệu đến 2 triệu đồng tùy sản phẩm. Làm khoảng ba lần là hiệu quả, duy trì thời gian dài, bảo đảm không gây tai biến” – nhân viên này quả quyết.
Tại một công ty kinh doanh mỹ phẩm trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP.HCM), PV thấy có hai chiếc giường trải drap trắng đặt phía trong. Phía ngoài trưng lèo tèo vài sản phẩm TBG trên kệ gỗ. Nghe có khách hỏi mua sản phẩm TBG trị nám, làm sáng da, người đàn ông xưng tên Bình, là giám đốc ra giới thiệu mặt hàng TBG cá hồi có nguồn gốc Hàn Quốc, giá 430.000 đồng/lọ.
“TBG cá hồi kích thích khả năng tái tạo tế bào da, giúp da trẻ hóa, trắng sáng và đàn hồi. Nếu muốn khách tự mua về lăn kim cũng được nhưng tốt nhất nên đến spa hoặc thẩm mỹ viện vì nơi đây có máy móc hiện đại và kỹ thuật viên tay nghề cao. Chỗ tôi cũng nhận làm, mỗi lần 1,1 triệu đồng, kéo dài chừng 2 tiếng. Tùy mức độ nám, làn da mà số lần tiêm nhiều hay ít” – ông Bình giới thiệu. Khi PV hỏi ai sẽ thực hiện lăn kim, ông trả lời: “Tôi!”.
Về việc trên thị trường có rất nhiều sản phẩm TBG với đủ mức giá cả khác nhau, từ vài trăm ngàn đến cả trăm triệu đồng, BS Tú khẳng định việc chiết tách TBG đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, môi trường nuôi cấy tiêu chuẩn nghiêm ngặt thì sản phẩm TBG thực sự không thể có giá rẻ.
Nhãn ghi tế bào gốc, ruột là gì… không hay
“Dù phương pháp làm đẹp bằng sản phẩm TBG rộ lên đã nhiều năm nhưng đến nay Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào được Bộ Y tế cấp phép triển khai kỹ thuật này trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ” – BS Tú nói.
Theo BS Tú, những sản phẩm mà các cơ sở làm đẹp tiêm cho khách hàng thực chất chỉ được dán nhãn TBG chứ hoàn toàn không có bất cứ một TBG sống nào. Nguyên nhân gây tai biến là từ những thành phần có trong sản phẩm tiêm vào cơ thể gây phản ứng.
Đặc biệt, phản ứng dị ứng vẫn có thể xảy ra ngay cả khi lấy TBG từ cơ thể của một người để dùng cho chính người đó do nguy cơ dị ứng từ các hợp chất trong quá trình nuôi cấy. Khi tiêm TBG vào cơ thể, do không thể kiểm soát hoàn toàn sự phát triển và biệt hóa của các TBG diễn ra trong cơ thể nên dẫn đến xuất hiện các khối u thứ phát.
“Việc ứng dụng TBG trong da liễu nói chung và thẩm mỹ, chăm sóc da nói riêng vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu để có các chứng cứ khoa học rõ ràng về hiệu quả, tính an toàn trước khi áp dụng điều trị rộng rãi” – BS Tú chia sẻ.
Tởn tới già sau một lần làm đẹp
Không ít khách hàng bị biến chứng sau khi thực hiện kỹ thuật làm đẹp tại các cơ sở chui hoặc hành nghề vượt quá phạm vi cho phép.
Tiến sĩ-bác sĩ (BS) Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Khoa tạo hình thẩm mỹ - thần kinh nhãn khoa thuộc BV Mắt TP.HCM, cho biết nơi đây tiếp nhận không ít trường hợp tai biến do phẫu thuật lấy bọng mỡ mí mắt, tạo hình mí đôi... do các cơ sở làm đẹp gây ra.
Mắt mở thao láo sau lấy bọng mỡ
Sau khi đọc quảng cáo trên mạng, bà NTTM (48 tuổi, ở TP.HCM) tìm đến một cơ sở làm đẹp để phẫu thuật lấy bọng mỡ mí mắt dưới bên trái với hy vọng sở hữu đôi mắt mơ huyền, "hút hồn" người đối diện và quan trọng trông trẻ lại... 10 tuổi.
Tốn gần chục triệu đồng và "cắn răng chịu trận" suốt 30 phút để "bác sĩ" cắt, mổ, khâu mí..., mắt trái bà M. sưng tấy và đau nhức. Vài ngày sau, mắt bị biến chứng lật mí nên cứ mở thao láo, không nhắm lại được. Điều này khiến gió, nước dễ thâm nhập gây viêm kết mạc và nước mắt liên tục chảy. Chịu không nổi, bà M. cuối cùng phải cầu cứu tới BV Mắt TP.HCM.
"BS phải ghép da, tạo hình lại mí dưới mắt trái để trả lại "cửa sổ tâm hồn" cho bà M. Sau lần này, bà M. nói "trời cho sao để vậy", không dám làm đẹp nữa" - TS-BS Nam nói.
Tương tự, chị VTMH (28 tuổi, ở Đồng Nai) bị sụp mí mắt phải nên ảnh hưởng nhiều đến khuôn mặt. Do muốn sở hữu cặp mắt to tròn và long lanh, chị H. tìm tới một cơ sở làm đẹp để phẫu thuật cắt mắt hai mí với giá 6 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, chị H. bị biến chứng sụp mí khiến con mắt tí hí, trông lờ đờ.
"Chị H. gặp phải BS tay ngang nên "tiền mất tật mang". Để trả lại con mắt chị H. trở lại bình thường, BS phải cắt ngắn cơ và tạo nét mí mắt" - TS-BS Nam cho biết.
Mắt phải khách hàng bị biến chứng sau phẫu thuật cắt mí. Ảnh: THANH NAM. Mũi biến dạng sau phẫu thuật nâng mũi. Ảnh: ANH TUẤN. Miệng bà P. méo xệch sau căng da mặt. Ảnh: MP
Mũi te tua sau phẫu thuật nâng cao
"Chúng tôi thường xuyên điều trị nhiều trường hợp nhiễm trùng mũi sau phẫu thuật nâng mũi tại các cơ sở làm đẹp không an toàn" - ThS-BS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng Khoa tạo hình thẩm mỹ thuộc BV Tai Mũi Họng TP.HCM, chia sẻ.
Do lỗ mũi thấp tẹt nên bà TTMC (36 tuổi, ở Đồng Nai) không tự tin khi gặp đối tác làm ăn. Sau khi lên mạng tìm hiểu, bà C. tìm đến một cơ sở làm đẹp để phẫu thuật nâng mũi bằng cách đặt thanh silicon trong sóng mũi. Cơ sở này quả quyết mũi bà C. sau phẫu thuật sẽ cao thẳng, thanh mảnh và hài hòa khuôn mặt.
Hai ngày sau, chóp mũi bà C. biến dạng, sưng nề, rỉ dịch, đau nhức... Bà C. cố chịu đựng thêm vài ngày với hy vọng tình trạng trên sẽ hết. Tuy nhiên, biến chứng mũi ngày càng xấu đến nỗi gây biến dạng tháp mũi nên bà C. cầu cứu BV Tai Mũi Họng TP.HCM.
Tại đây, BS chẩn đoán bà C. bị nhiễm trùng sau phẫu thuật nâng cao mũi. BS lấy bỏ thanh silicon, làm sạch mủ, cho dùng kháng sinh và kháng viêm. Sau đó, BS tái tạo mũi bà C. trở lại bình thường. "Điều trị trễ, bà C. sẽ bị hoại tử chóp mũi, mất da vùng chóp mũi, cơ co kéo gây biến dạng vùng tháp mũi. Điều này ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng hít thở" - ThS-BS Tuấn nói.
"Nhiễm trùng mũi sau mổ có nhiều nguyên nhân như phòng phẫu thuật, dụng cụ, vật liệu dùng nâng mũi... không được vô trùng kỹ càng. Bên cạnh đó, người phẫu thuật không thực hiện đúng quy trình chống nhiễm khuẩn hoặc không có chuyên môn nên làm sai kỹ thuật" - ThS-BS Tuấn nói thêm.
Sở Y tế TP.HCM kiểm tra những cơ sở thẩm mỹ báo nêu
Ngày 24-8, sau khi báo Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loạt bài "Thẩm mỹ viện: Muôn kiểu lừa khách", Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi báoliên quan công nghệ tế bào gốc tự thân (PRP) trong làm đẹp.
Theo đó, BV Thẩm mỹ Medika (262 Ba Tháng Hai, quận 10), BV Thẩm mỹ Kangnam (84A Bà Huyện Thanh Quan, quận 3) và TMV Gangwhoo (57 Ba Tháng Hai, quận 10) đều chưa được Bộ Y tế phê duyệt kỹ thuật trẻ hóa và phục hồi da bằng công nghệ tế bào gốc tự thân.
Sở Y tế cho biết Thanh tra Sở Y tế đang tổng hợp các thông tin liên quan đến hoạt động thẩm mỹ tại những cơ sở nêu trên để đề xuất kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).
Miệng méo xệch sau căng da mặt
Tháng 5-2020, bà ĐMP (quận 7, TP.HCM) đến thẩm mỹ viện (TMV) quốc tế Venus (2B-2C Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM) để thực hiện dịch vụ "cải lão hoàn đồng".
Một bà xưng là BS "vẽ" đủ loại dịch vụ làm đẹp như tắm phủ trắng nano, cắt mí mắt lấy mỡ, thu gọn hàm, nâng mông, làm tan mỡ bụng, hạ gò má... Bà này còn khuyên bà P. nên căng da mặt để trông trẻ trung hơn và bảo đảm các dịch vụ nói trên không xâm lấn, không tiêm, không đau. Bà P. phải trả tổng cộng khoảng 100 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình làm đẹp, TMV đã tiêm một loại dung dịch vào da mặt khiến bà P. đau rát. Chịu không nổi, bà P. yêu cầu TMV ngưng làm. Gương mặt bà P. sau căng da mặt chẳng được cải thiện, miệng méo xệch.
Điều đáng nói là TMV quốc tế Venus chỉ được phép kinh doanh ngành nghề chăm sóc da mặt. Thế nhưng website thammyvenus.vn của TMV này lại quảng cáo thực hiện nâng mũi, cắt mí, hút mỡ bụng, nâng ngực, thu quầng ngực, cấy mỡ tự thân, nâng mông, tạo hình thành bụng... Sau khi xác định các hành vi sai phạm, UBND TP.HCM đã phạt TMV quốc tế Venus 85 triệu đồng và đình chỉ hoạt động chín tháng.
Nhiều phản ánh sai phạm qua ứng dụng Y tế trực tuyến
Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, rất nhiều phản ánh sai phạm trong lĩnh vực làm đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ được gửi qua ứng dụng Y tế trực tuyến của Sở Y tế TP.HCM.
Ngày 10-8, người dân phản ánh cơ sở thẩm mỹ trên đường Hồ Bá Kiện, quận 10, TP.HCM thực hiện nâng mũi, hút mỡ... nhưng không có giấy phép kinh doanh, BS không có chuyên môn. Tương tự, ngày 8-8, một người dân phản ánh cơ sở thẩm mỹ trên đường Phạm Thế Hiển, quận 8, TP.HCM tiêm chích filler không nguồn gốc và nhân viên tự nhận là BS. Cơ sở này thực hiện làm đẹp cho cả người nước ngoài. Trước đó, ngày 6-8, người dân phản ánh một ông ở cơ sở làm đẹp trên đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp, TP.HCM tự xưng là BS. Cơ sở này còn quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ và tổ chức dạy nghề...
Từ những phản ánh, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phối hợp với các phòng y tế quận, huyện kiểm tra và xử lý các hành vi sai phạm.
Hàng loạt phụ nữ nhập viện khi tiêm tế bào gốc ở spa, thẩm mỹ viện Trong thời gian qua, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TPHCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị trong tình trạng mặt sưng phù, nổi nhiều nốt sần đỏ do tiêm tế bào gốc. Mới đây nhất, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân là chị N.T.H....