Lãi vay sẽ không cào bằng
Diễn biến trên thị trường mở (OMO) gần đây cho thấy thanh khoản dòng vốn trên hệ thống đang dư dả trở lại, Tuy nhiên, điều này cũng không làm giảm bớt xu hướng đẩy lãi suất đầu vào để huy động vốn từ các TCTD.
Khi đầu vào ở mức cao, việc giảm mặt bằng chung lãi suất cho vay vẫn khó, nhưng dự báo NHNN tiếp tục điều hành theo hướng giữ ổn định. Song về lâu dài, các NH cho rằng sắp tới sẽ có phân biệt lãi vay đối với từng khách hàng, từng khoản vay.
Thanh khoản dư dả
Như vậy, trong tuần thứ 2 của tháng 3 (từ ngày 11 đến ngày 15-3), NHNN đã hút ròng 6.374 tỷ đồng qua kênh OMO, cụ thể đã có 13.961 tỷ đồng được hút về trong khi có 7.588 tỷ đồng được bơm mới. NHNN cũng lần đầu tiên phát hành tín phiếu với 17.000 đồng, kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 3% sau 4 tháng không có hoạt động trên kênh này.
Mặc dù NHNN rất cẩn trọng tăng cung tiền, nhưng lợi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng tăng lên tạo sức ép đối với lãi suất. Song với cách điều hành của NHNN, lãi suất cho vay sẽ giữ ổn định trong năm nay, hoặc giả sử có tăng thêm cũng chỉ khoảng 1%.
TS. Lê Xuân Nghĩa,
chuyên gia kinh tế
Tổng hợp 2 kênh OMO và tín phiếu, NHNN ở vị thế hút ròng 23.373 tỷ đồng. Tính lũy kế từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 64.828 tỷ đồng qua 2 kênh OMO và tín phiếu. Xu hướng hút ròng lũy kế tiếp tục được duy trì tuần thứ 5 liên tiếp.
Trên thị trường liên NH, lãi suất trong tuần qua cũng tiếp tục xu hướng giảm. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm lần lượt từ mức 3,95%/năm, 3,8%/năm, 4%/năm xuống còn 3,55%/năm, 3,45%/năm và 3,65%/năm. Song thanh khoản hệ thống NH vẫn tương đối tích cực, thể hiện thông qua hoạt động hút ròng liên tục của NHNN trong các tuần gần đây.
Xu hướng giảm của lãi suất liên NH sẽ vẫn duy trì trong các tuần sắp tới, và giảm về mức trung bình quanh 3% đối với tất cả các kỳ hạn.
Nói về tình hình thanh khoản của hệ thống, ông Phạm Thanh Hà, Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, tín dụng tăng rất nhanh và tín dụng ngoại tệ tăng nhanh hơn tín dụng chung. Tỷ giá ổn định, NHNN mua vào rất nhiều ngoại tệ, mua giao ngay rồi mua kỳ hạn để kiểm soát thị trường tiền tệ. Tình hình thanh khoản dư dả thời điểm đó cũng hỗ trợ lãi suất.
Từ tháng 7-2018 trở đi, thị trường có sự thay đổi, tín dụng vẫn tăng nhưng tín dụng ngoại tệ bắt đầu giảm sâu hơn tín dụng chung và tỷ giá lại biến động mạnh. NHNN bắt đầu bán ngoại tệ giao ngay và cuối năm đã tính đến bán ngoại tệ kỳ hạn. Theo đó, thanh khoản bớt dư dả, lãi suất bắt đầu tăng lên.
Ảnh minh họa: LONG THANH
Video đang HOT
Trong hơn 2 tháng của năm 2019, tín dụng tăng khoảng 1%, tín dụng tháng đầu tiên tiếp tục đà tăng năm 2018 với mức khá cao, nhưng đến tháng 2 chậm lại không có đột biến, thanh khoản thị trường cũng ổn định. Do trước Tết yếu tố mùa vụ, NHNN đã phải tung tiền ra, nhưng sau đó số dư NHNN cho vay đối với các TCTD cũng giảm nhanh chóng và con số hiện nay rất nhỏ.
Theo đó, áp lực thanh khoản cũng rút sạch rất nhanh. Đồng thời, từ tháng 12 năm ngoái, dòng vốn bắt đầu quay trở lại, các NHTM bán ngoại tệ cho NHNN. Từ đầu năm đến nay, NHNN liên tục mua vào ngoại tệ, tuy không rộng rãi như năm ngoái nhưng số lượng mua được khá lớn, hỗ trợ thanh khoản thị trường khi NHNN đẩy tiền đồng ra mua ngoại tệ.
Huy động vẫn không hạ nhiệt
Tuy nhiên, tình hình thanh khoản dư dả vẫn chưa thể hạ nhiệt được lãi suất huy động trên thị trường 1. Hiện ngày càng nhiều NH đẩy lãi suất vượt xa mức 8%/năm. Tại SCB, khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm Đắc Lộc Tài được hưởng kỳ hạn 6 tháng lãi cuối kỳ đến 8%/năm, gửi kỳ hạn 12 tháng hưởng lãi suất 8,45%/năm. Đối với kỳ hạn từ 13-36 tháng gửi tiết kiệm Đắc Lộc Phát, khách hàng được hưởng lãi suất 8,55%/năm.
Tại VPBank, hình thức gửi tiết kiệm thông thường áp dụng lãi suất 5,3-7,8%/năm.
Khách hàng thuộc phân khúc khách hàng ưu tiên gửi từ 100 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng được cộng thêm lãi suất 0,1%. Nhưng nếu chọn tiết kiệm Phát Lộc Thịnh Vượng có thể hưởng lãi suất đến 8,6%/năm số tiền trên 5 tỷ đồng đối với kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.
Các khoản tiền gửi cùng kỳ hạn với số tiền dưới 5 tỷ đồng hưởng lãi suất 8,4-8,5%/tháng. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được VietCapital Bank niêm yết ở mức 8%/năm. Với kỳ hạn15 tháng, lãi suất huy động là 8,3%/năm, trên 24 tháng lãi suất cao nhất 8,6%/năm.
Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, năm ngoái, lãi suất trên thị trường tiền gửi của khách hàng, tổ chức kinh tế và cá nhân tăng. Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm. Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,91% (năm 2017 là 8,86%). Lãi suất tăng chủ yếu do các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong năm 2019, như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% và chuẩn bị tăng vốn cấp 2 theo Basel II.
Một số chuyên gia nhận định, nguyên nhân này sẽ tiếp tục giữ lãi suất huy động ở mức trong năm nay. Kể cả thanh khoản hệ thống dồi dào và diễn biến thuận lợi trên thị trường liên NH cũng khó cản xu hướng này, cho đến khi các NH đáp ứng được các quy định về an toàn vốn trong hoạt động.
Ổn định lãi vay nhưng không cào bằng
Các năm gần đây, trong điều hành Chính phủ vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa đưa ra thông điệp cố gắng không đặt gánh nặng lãi suất lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Song năm 2018, nửa đầu năm, tình hình thị trường thuận lợi giúp lãi suất ổn định, nửa năm sau sự thuận lợi giảm bớt khiến lãi suất cũng được điều chỉnh tăng lên. Do đó bên cạnh vấn đề tín dụng, lãi suất tiếp tục là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm trong năm nay, nhất là khi các NH vẫn chưa dừng động thái đua lãi suất huy động vốn.
Dù vậy, theo TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đầu năm 2019 đã có nhiều thông tin thuận lợi về chiến tranh thương mại, về sự thận trọng trong việc tăng lãi suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong năm nay, đồng thời Mỹ đang ở giai đoạn chuẩn bị bầu cử giữa kỳ nên các chính sách cũng sẽ bớt sốc hơn. Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn nhất định và NH Trung ương Trung Quốc cũng đưa thông điệp điều hành tỷ giá, lãi suất thận trọng.
Áp lực lạm phát trong nước giảm bớt khi giá dầu thế giới được dự báo không biến động. Theo đó, áp lực lên tỷ giá không quá lớn. Yếu tố này cộng với cung tiền ổn định và kinh tế tăng trưởng tốt sẽ giữ lãi suất cơ bản ổn định trong năm 2019.
Đứng ở góc độ NH, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giữ như năm 2018, không có sự biến động. Tuy nhiên, đối với lãi suất cho vay, sự phân biệt giữa các khách hàng khác nhau sẽ ngày càng rõ rệt. Thứ nhất, do định hướng của NHNN đối với các lĩnh vực cho vay.
Thứ hai, ngoài 3 NH đã đạt Basel II, những NH khác cũng sẽ hướng đến áp dụng theo chuẩn này vào hoạt động. Khi đó, các NH sẽ áp dụng giá theo mức độ rủi ro của tài sản, của khách hàng, của khoản vay. Rủi ro thấp sẽ được vay với lãi suất thấp và rủi ro cao vay với lãi suất cao.
Theo đó, có những doanh nghiệp sẽ được vay với lãi suất 5-6%/năm, nhưng cũng có những doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất 11-12%/năm.
CÁT TƯỜNG
Theo saigondautu.com.vn
Sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ?
Với lãi suất USD bằng 0%, nhiều NHTM vẫn huy động được lượng tiền gửi USD rất lớn. Tuy nhiên, nguồn huy động này vẫn không đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp (DN), nên NH phải tìm đến nhiều kênh khác. Tuy nhiên, áp lực này có thể giảm xuống nếu NHNN áp dụng quy định mới về cho vay ngoại tệ trong năm 2019.
Cho vay vượt huy động
Theo số liệu báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, Vietcombank đứng đầu hệ thống về huy động tiền gửi bằng USD, tính quy đổi theo VNĐ thời điểm đó khoảng 130.507 tỷ đồng (khoảng 5,7 tỷ USD). Vietinbank và BIDV xếp sau với lượng vốn huy động lần lượt 44.396 tỷ đồng (1,9 tỷ USD) và 39.160 tỷ đồng (1,7 tỷ USD).
Ở khối NHTMCP, MB huy động USD tốt nhất với 21.784 tỷ đồng (950 triệu USD). Kế tiếp là Sacombank, SHB, Techcombank và ACB đạt khoảng 10.000 tỷ đồng (435 triệu USD). Trong khi đó, Eximbank chỉ huy động được 5.435 tỷ đồng (236 triệu USD), SCB khoảng 6.836 tỷ đồng (297 triệu USD). Các NHTM còn lại huy động được 50-170 triệu USD.
Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính cũng cho thấy cho vay USD của các NHTM trong nửa đầu năm đã vượt nguồn USD huy động khá cao. Cho vay USD tại Vietinbank lên tới 109.978 tỷ đồng (4,8 tỷ USD), gấp 2,5 lần huy động, BIDV đạt 86.383 tỷ đồng (3,7 tỷ USD), gấp 2,2 lần huy động. Tương tự, HDBank cho vay gấp 3,5 lần vốn huy động, LienVietPostBank và ABBank cho vay gấp 2,5 lần, Eximbank gấp 1,9 lần, VIB 1,6 lần...
MB ghi nhận cho vay 25.448 tỷ đồng (1,1 tỷ USD), SHB 13.654 tỷ đồng (594 triệu USD), Techcombank 10.117 tỷ đồng (440 triệu USD), HDBank 9.604 tỷ đồng (418 triệu USD)...
Đến hết quý III, ngoại trừ Vietcombank có lượng huy động (141.136 tỷ đồng) cao hơn cho vay (97.443 tỷ đồng), đa số NH đều tiếp diễn tình trạng cho vay vượt huy động.
98% tiền gửi khách hàng của LienVietPostBank là VNĐ và chỉ 2% là tiền gửi USD, nhưng vay bằng USD tăng 20,9% so với đầu năm đạt 6.190 tỷ đồng, đóng góp 5,4% vào tổng dư nợ. So với đầu năm, tiền gửi bằng USD tăng 1,06% (51.000 tỷ đồng), cho vay bằng USD tăng 1,48%, đạt 94.000 tỷ đồng, đóng góp 9,75% vào tổng dư nợ.
Tiền gửi bằng USD của Vietinbank tăng 2,5% so với đầu năm đạt 49.800 tỷ đồng, bằng 5,5% tổng vốn huy động, cho vay USD và các ngoại tệ khác giảm 1,8%, chiếm 10,7% tổng dư nợ cho vay. HDBank cho vay tăng 38,1%, đạt 10.270 tỷ đồng, trong khi huy động giảm 45,9%, đạt 2.100 tỷ đồng so với đầu năm.
Thời hạn mới cho vay ngoại tệ
Năm 2018, chính sách cho vay USD đối với DN có nguồn thu ngoại tệ được gia hạn, cộng thêm lãi suất cho vay USD thấp hơn lãi suất vay VNĐ, nên vay USD vẫn được ưa chuộng.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn 4,5-6%/năm.
Để đáp ứng nhu cầu vay USD khi lượng huy động USD trong dân còn thấp, đa số NH vay thêm từ NHNN và các TCTD khác. Càng gần cuối năm, xu hướng này càng gia tăng, thể hiện qua lãi suất bình quân cho vay USD có tăng ở các kỳ hạn chủ chốt. Như tại thời điểm giữa tháng 11, lãi suất cho vay USD liên NH 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 0,04%/năm và 0,11%/năm, lên mức 2,32%/năm và 2,73%/năm.
Tuy nhiên, sắp tới việc cho vay ngoại tệ vượt huy động sẽ giảm khi NHNN đang dự định thu hẹp nhu cầu vay USD, giảm đô la hóa nền kinh tế. Cụ thể, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 24 về cho vay ngoại tệ, trong đó có quy định cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ được thực hiện đến hết 31-3-2019, còn cho vay trung, dài hạn sẽ được thực hiện đến hết 30-9-2019.
Theo NHNN, quy định này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. Qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018, cho thấy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây, chủ yếu do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi do lãi suất ngoại tệ (USD) vay thấp hơn tương đối so với lãi suất vay VNĐ.
Giảm rủi ro cho các bên
Hiện chính sách cho vay ngoại tệ đang tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu với lãi suất thấp. Tuy nhiên, điều này lại gây bất lợi cho chính sách ngoại hối do làm tăng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Theo quy định, các DN xuất khẩu vay ngoại tệ từ NH phải bán ngoại tệ đó cho NHTM, hoặc chỉ được nhận VNĐ trong trường hợp mua nguyên vật liệu trong nước, sản xuất trong nước để xuất khẩu. Trong khi các NH phải cân đối nguồn ngoại tệ từ huy động của người dân hoặc vay trên liên NH để đáp ứng nhu cầu DN khớp báo cáo và giảm chi phí. Nếu NH chuyển đổi VNĐ sang ngoại tệ để cho vay sẽ đẩy chi phí lên rất cao.
Ngược lại, vay ngoại tệ cũng làm tăng rủi ro cho DN. Tính đến cuối tháng 9, tỷ giá giao dịch trên thị trường đã tăng 2,72% so với đầu năm, một số thời điểm NHNN phải can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá. Dự kiến tỷ giá còn diễn biến khó lường trước những tác động từ bên ngoài. Rủi ro tỷ giá hiện hữu là áp lực đối với DN vay USD lẫn nền kinh tế.
Theo quy định, đến cuối năm NHNN sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ. Nhưng theo dự thảo mới đưa ra, NHNN đã đề ra lộ trình mới. Cụ thể, cơ quan này có thể áp dụng thời điểm sẽ chấm dứt hoạt động cho vay ngoại tệ đối với từng nhóm đối tượng. Đây là điều cần thiết để DN có sự chuẩn bị. Nếu chấm dứt cho vay ngoại tệ ngay từ đầu năm 2019, các DN sẽ không được vay USD, chuyển sang vay VNĐ sẽ gây áp lực và đẩy lãi suất vay VNĐ lên cao.
Hơn nữa, thời điểm này nhu cầu vay vốn của DN nhập khẩu cũng rất cao. Ở chiều ngược lại, quy định mới sẽ giúp các NHTM giảm được áp lực huy động và cho vay ngoại tệ để tập trung mở rộng các dịch vụ phái sinh.
NHNN đã nhiều lần đóng mở cho vay ngoại tệ, nên lần này cần kiên định với mục tiêu đề ra, tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ, thậm chí cũng không huy động bằng ngoại tệ. Bởi chỉ huy động bằng VNĐ mới thực hiện được mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế theo yêu cầu của Chiến lược phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thiên Minh
Theo saigondautu.com.vn
'Nguồn lực Nhà nước để tăng vốn cho các NHTM có vốn Nhà nước hết sức hạn chế' Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội đánh giá, tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các NHTM có vốn Nhà nước là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II. Trong khi đó nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các NHTM...