Lãi suất tiền gửi, tiền vay rủ nhau giảm
Cả lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay đều có xu hướng giảm trong thời gian gần đây nhưng mức giảm chưa nhiều.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc các ngân hàng (NH) giảm lãi suất trong thời điểm hiện nay sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đồng thời cũng chính là để tự cứu mình.
Lãi suất giảm
Bảng lãi suất vừa công bố của Techcombank cho thấy lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-12 tháng đều được điều chỉnh giảm đồng loạt 0,3%/năm so với trước đó. Sau khi điều chỉnh, lãi suất huy động kỳ hạn sáu tháng tại NH này còn 6%/năm, chín tháng 5,3%/năm và 12 tháng là 6,1%/năm.
Hồi đầu tháng 2, Techcombank cũng đã điều chỉnh giảm 0,2%/năm lãi suất tiền gửi đối với kỳ hạn 6-12 tháng. Như vậy, trong vòng một tháng qua, lãi suất huy động của NH này đã có hai lần thay đổi, trong đó các kỳ hạn 6-12 tháng đã giảm tổng cộng 0,5%/năm.
Tương tự, lãi suất huy động tại SHB giảm xuống còn 4,6%-4,8%/năm, thay vì mức 5%/năm như trước đó cho kỳ hạn 1-3 tháng. Sacombank cũng niêm yết lãi suất kỳ hạn một và hai tháng lần lượt giảm từ mức 4,9%-4,95%/năm xuống còn 4,6%-4,8%/năm.
Không chỉ giảm lãi suất tiền gửi, một số NH đã rục rịch giảm lãi suất cho vay. Ví dụ, NH Quốc tế (VIB) cho biết từ thời điểm dịch bùng phát, NH đã triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất và giảm phí nhằm hỗ trợ gần 600 khách hàng doanh nghiệp bị thiệt hại. Tổng dư nợ của khách hàng được giảm lãi suất trong đợt này là khoảng 2.500 tỉ đồng với mức giảm 0,5%-1,5% một năm.
Anh Tùng Quang, khách hàng đang vay vốn tại một NH, chia sẻ: “Trước tết tôi vay thế chấp sổ tiết kiệm 700 triệu đồng, kỳ hạn ba tháng. Thời điểm đó, NH áp dụng lãi suất cho vay 7,9% một năm. Hiện nay, cùng hạn mức và cùng kỳ hạn nhưng khi lãi suất tiền gửi giảm về mức 5%/năm kéo theo lãi suất cho vay bằng thế chấp sổ tiết kiệm chỉ còn 7,5%/năm”.
“Như vậy, tôi giảm được khoảng 300.000 đồng tiền trả lãi vay hằng tháng cho NH. Mức giảm này không nhiều nhưng dù sao cũng giúp tôi giảm được một phần gánh nặng lãi. Tôi kỳ vọng thời gian tới các NH sẽ giảm thêm lãi suất để người vay được nhờ” – anh Quang bày tỏ.
Video đang HOT
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Ảnh: TL
Cơ hội vàng để giảm lãi suất cho vay
Theo NHNN, trong hai tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 lên hoạt động của NH đã bắt đầu hiện rõ khi tín dụng của nhiều NH không tăng, thậm chí còn sụt giảm.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, phân tích: Khó khăn kinh tế hiện tại không phải nằm ở vấn đề tiền tệ, mà nằm ở hàng hóa. Cụ thể là các doanh nghiệp không có nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc nên không thể sản xuất, kinh doanh được; du lịch, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận tải… không có khách kéo theo các doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn để đầu tư kinh doanh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cho hay ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.
Cập nhật đến ngày 4-3 của 23 tổ chức tín dụng cho thấy khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch. Con số này chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức tín dụng này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
“Chính vì vậy, tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm nay giảm rất sâu. Các NH hiện dư thừa thanh khoản, tiền nhiều mà cho vay ra khó khăn. Chính vì vậy, đây là cơ hội vàng để giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, không phải cứ hạ lãi suất huy động thì sẽ giảm được lãi suất cho vay ngay tức khắc, bởi dư nợ cho vay hiện tại vẫn được tài trợ bằng vốn huy động trong quá khứ. Do đó, các NH cần có độ trễ nhất định 3-6 tháng mới có thể điều chỉnh hạ lãi suất cho vay” – TS Hiếu nhìn nhận.
Trong khi đó, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, cho rằng: NH huy động mà cho vay không được thì huy động với lãi suất cao làm gì. Nếu NH dư tiền mà lại gửi trên thị trường liên NH với lãi suất cũng rất thấp nữa thì càng chết nữa. Cho nên NH giảm lãi suất huy động cũng chính là để tự cứu mình và đồng thời mở ra cơ hội giảm lãi suất cho vay.
“Nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn. Từ đó dẫn đến nguy cơ làm gia tăng tỉ lệ nợ quá hạn, nợ xấu, cộng thêm chi phí khoản nợ xấu từ nhiều năm trước chưa giải quyết xong. Do đó, tôi cho rằng trong thời gian tới, mặt bằng chung đối với lãi suất tiền gửi của các NH thương mại sẽ giảm nhưng cũng không thể giảm mạnh” – TS Tín nhận định.
Phát biểu tại cuộc họp của NHNN ngày 12-3, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Bên cạnh những giải pháp được đưa ra gần đây để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cơ quan này sẽ sớm giảm lãi suất điều hành thời gian tới. Việc giảm lãi suất điều hành gồm các loại lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu… Qua đó sẽ giúp các NH có thanh khoản dồi dào, từ đó có thêm điều kiện nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. “Mức giảm lãi suất giảm tương đối tích cực” – ông Đào Minh Tú nói.
NHNN cũng vừa ban hành thông tư về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 13-3. Động thái trên sẽ giúp các doanh nghiệp sớm được tiếp cận vốn giá rẻ.
Hỗ trợ các công ty xuất khẩu
NH trung ương của nhiều quốc gia đã cắt giảm lãi suất khi dịch cúm virus COVID-19 bùng phát tại nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc. Ví dụ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất tới 0,5% – mức giảm mạnh nhất hơn chục năm nay.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Khi lãi suất USD giảm sẽ kéo theo giá trị đồng USD giảm, dẫn tới tỉ giá USD/VND giảm theo. Điều này sẽ gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Bởi nền kinh tế trong nước hiện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Do đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thì Việt Nam cần tăng tỉ giá VND/USD lên khoảng 2% trong năm nay.
“Thậm chí, năm nay cần tăng tỉ giá để hỗ trợ xuất khẩu bù đắp cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch. Cuối cùng, Việt Nam cũng nên xem xét giảm lãi suất càng sớm càng tốt” – ông Hiếu nhấn mạnh.
THÙY LINH (PLO.vn)
Tâm lý tiêu cực bao trùm khiến VN-Index rơi về mức 769,25 điểm
Tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch trên toàn cầu. Đà bán tháo chi phối toàn bộ thị trường trong phiên và khiến VN-Index mất 42,1 điểm, xuống mức 769,25 điểm.
(Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam )
Phiên giao dịch ngày 12/3 thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến sự tháo chạy trong hoảng loạn của nhà đầu tư. Điều này khiến cho áp lực bán dồn dập vào thị trường ngay từ đầu giờ trong khi lực cầu bắt đáy gần như không xuất hiện trong cả phiên.
Kết thúc ngày giao dịch, VN-Index để trượt mất 42,1 điểm, giảm tương ứng 5,19% và xuống mức 769,25 điểm.
Theo nhìn nhận từ các chuyên gia phân tích, nguyên nhân của sự bán tháo này là do tâm lý nhà đầu tư trở nên tiêu cực hơn khi dịch COVID-19 tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tuyên bố đại dịch trên toàn cầu.
[Ngành hàng không thất thu nặng nề do dịch bệnh COVID-19]
Mặt khác, việc giá dầu thế giới giảm mạnh trong thời gian qua cũng gây nên sự lo ngại của nhà đầu tư về khả năng kinh tế thế giới bước vào chu kỳ suy thoái khi các ngân hàng trung ương tại nhiều nước đồng loạt cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế nội địa trong giai đoạn khó khăn.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, xu hướng của thị trường hiện tại là tiêu cực và dư địa để tiếp tục giảm trong thời gian tới là vẫn còn. Xét trên khía cạnh kỹ thuật, VN-Index tiếp tục đánh mất vùng hỗ trợ trong khoảng 780 điểm-800 điểm (ngưỡng tâm lý 61,8%- fibonacci retracement) trong phiên hôm nay. Và, vùng hỗ trợ gần nhất đối với chỉ số này sẽ là khoảng 700 điểm-720 điểm xu hướng nối các đáy từ đầu năm 2012 đến nay.
"Do đó, nhà đầu tư nếu đang có cổ phiếu trong danh mục nên tận dụng những nhịp hồi phục (nếu có) nhằm hạ dần tỷ trọng và có lẽ nên tạm thời đứng ngoài quan sát và hạn chế tham gia bắt đáy trong hoàn cảnh hiện tại. Ngoài ra, 700 điểm-720 điểm là vùng hỗ trợ mạnh có thể cân nhắc bắt đáy một phần tỷ trọng danh mục trong kịch bản thị trường tiếp tục rơi mạnh trong các phiên tới," ông Thắng nói./.
Hạnh Nguyễn
(Theo Vietnam )
VIB đã giảm 2500 tỷ đồng lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp bị dịch COVID-19 Theo lãnh đạo VIB, theo ước tính ban đầu, ngân hàng này sẽ có khoảng gần 6.500 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Giao dịch tại VIB. (Ảnh: CTV/Vietnam ) Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Quốc tế (VIB) chủ động cập nhật tình hình, đánh giá các tác động tiêu...