Lãi suất năm nay khó giảm
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo kinh tế Việt Nam thường niên 2019 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TP.HCM sáng 12.3.
Đ.N.THẠCH
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm nay khoảng 1,5%. Hiện thanh khoản toàn hệ thống khá tốt. Điều này khiến một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động trước tết đang có kế hoạch giảm lại. Ngân hàng Nhà nước vẫn theo chính sách giảm tốc tín dụng, ổn định tỷ giá và cắt giảm nhu cầu ngoại tệ để chống đô la hóa. Vì vậy dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2019 cũng ở mức tương đương như 2018.
Ông Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2019 dự kiến tiếp tục được kiểm soát ở mức hợp lý, khoảng 14%. Điều này nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dòng vốn tín dụng tiếp tục được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Dự báo mặt bằng lãi suất có thể giữ ổn định do áp lực lạm phát giảm bớt khi giá dầu thế giới được dự báo không biến động cũng như đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.
Nhiều chuyên gia kinh tế đều nhận định lãi suất sẽ không biến động nhiều
Video đang HOT
M.P
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho rằng, khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm tốc tăng trưởng tín dụng thì các nhà băng phải tính đến cách xoay trở khác nhau để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Riêng mặt bằng lãi suất năm nay sẽ không biến động nhiều, vẫn tương đương 2018. Nhưng sẽ có sự phân loại rõ theo từng đối tượng, theo từng khoản vay và chất lượng tài sản đảm bảo…
“Có thể có doanh nghiệp được vay lãi suất chỉ ở mức 5,5 – 6%/năm nhưng cũng có doanh nghiệp sẽ vay vốn với lãi suất lên 11-12%/năm. Điều này tùy thuộc vào đánh giá của ngân hàng đối với từng doanh nghiệp với từng khoản vay khác nhau”, ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh.
Theo thanhnien.vn
Siết tín dụng để kìm lãi suất
Hầu hết các dự báo mới đây đều nhận định rằng, tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 sẽ giảm tốc, chỉ ở mức 14 - 15%. Cùng với đó, chủ trương gia tăng về chất lượng tín dụng thay vì số lượng cũng khiến ngân hàng tiếp tục siết lại nguồn vốn cho vay.
Năm 2019 được dự báo tín dụng sẽ siết lại.
Khoảng 15% là hợp lý
Nếu như năm 2018 dần khép lại với việc ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế. Điều này sẽ tạo điểm tựa tăng trưởng cho năm 2019. Nhìn lại năm 2018 cũng nhận thấy, tăng trưởng nông nghiệp khá ấn tượng, Chính phủ rất quyết tâm trong việc đẩy mạnh phát triển tam nông. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng năm 2018 cũng được đánh giá là tốt. Tất cả tạo ra cơ sở tăng trưởng cho năm 2019.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Lê Trung Thành thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trong năm 2019, chúng ta cần quan tâm tới diễn biến tiếp theo của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Có thể cuộc chiến này sẽ kéo theo các hệ luỵ ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác. Hay như sự rút vốn hàng loạt tại thị trường Châu Á, dù ở Việt Nam chưa xảy ra nhưng cũng cần phải đề phòng.
Do vậy, theo ông Lê Trung Thành, xu hướng ổn định tăng trưởng tín dụng năm 2018 sẽ tiếp tục trong 2019, vì kinh tế Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tốt, thâm dụng tín dụng trong nền kinh tế giảm, nên không có lý do gì để tăng tín dụng 2019.
Hiện nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng đã có nhiều động lực. Trước nay, các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn ngân hàng, trong khi giờ đây cơ cấu kinh tế đã tốt hơn, công nghiệp phụ trợ được chú trọng; những ngành như dịch vụ, phát triển nông nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng.
"Khi thâm dụng tín dụng tốt hơn, thì nên có chính sách tăng trưởng tín dụng tốt hơn trong dài hạn. Tôi nghĩ sẽ khoảng 15% là hợp lý" - TS Lê Trung Thành nhấn mạnh.
Hầu hết các đánh giá gần đây đều cho rằng, sau một giai đoạn dài tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao từ 18% trở lên, hoạt động cho vay của các ngân hàng đã có dấu hiệu chậm lại trong năm 2018 và được dự báo sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2019. Trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2019, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo việt (BVSC) dự báo, tăng trưởng tín dụng trong 3 - 5 năm tới sẽ duy trì ở mặt bằng khoảng 14%/ năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015 - 2017 (trung bình 18,1%) xuất phát từ cả cung và cầu tín dụng.
Trong báo cáo, BVSC dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 chậm lại ở mức 6,4 - 6,5%. Kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ đi đôi với nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh từ phía doanh nghiệp có thể giảm tốc. Lãi suất được dự báo tăng 0,25% - 0,5% trong năm 2019 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2019, những yếu tố trên vẫn còn tiếp diễn, mục tiêu ổn định vĩ mô sẽ tiếp tục là trọng tâm, nên kiểm soát chặt chẽ tín dụng là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Với tỷ lệ dư nợ tín dụng/ GDP đã ở mức cao là 130%, khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) càng phải thận trọng hơn trong việc cung tín dụng cho nền kinh tế.
Lãi suất có xu hướng tăng
Theo nhìn nhận của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2019, lãi suất có thể có những yếu tố thuận lợi do áp lực lạm phát có thể giảm bớt khi giá dầu thế giới không biến động nhiều. Cùng với đó, đồng USD dự báo suy yếu làm giảm áp lực từ phía tỷ giá.
Bình luận xu hướng lãi suất năm 2019, TS Nguyễn Xuân Thành đến từ ĐH Fulbright cho rằng, lãi suất vẫn là một ẩn số của năm 2019. Vị chuyên gia cho biết những tháng cuối năm 2018, số liệu thị trường cho thấy lãi suất đang tăng dù tín dụng tăng chậm lại. Tuy nhiên, không rõ việc lãi suất tăng này chỉ là tín hiệu thời vụ hay tín hiệu tăng lãi suất của năm 2019.
Vào ngày 20/12 vừa qua, FED đã chính thức điều chỉnh tăng lãi suất đồng USD. Và ngay tại thị trường Việt Nam, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại (đặc biệt là các kỳ hạn dài) cũng đã điều chỉnh tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn cũng phản ánh lãi suất cho vay đã tăng lên.
Nhìn lại tổng quan thị trường tài chính năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tổng tài sản các định chế tài chính tăng 11,5% (năm 2017 tăng 17,5%). Trong đó, tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng 95,5%. Cung ứng vốn của thị trường vốn gia tăng. Chất lượng tải sản được cải thiện, cụ thể tỷ lệ nợ xấu hệ thống tài chính là 2,4% (năm 2017 là 2,5%). Cung tiền và tín dụng so với GDP tăng nhẹ: Tổng phương tiện thanh toán (M2)/GDP ước khoảng 168%; Tín dụng/GDP là 134%. Tín dụng năm 2018 ước tăng 14-15%, thấp hơn 3-4 điểm% so với năm 2017. Cung tiền, tín dụng đang dần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô.
Lãi suất trên thị trường tiền gửi của khách hàng tổ chức kinh tế và cá nhân tăng. Lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm 2018. Lãi suất cho vay bình quân khoảng 8,91% (năm 2017: 8,86%).
Theo các chuyên gia, việc siết tín dụng, đặc biệt là đối với hoạt động cho vay ở những lĩnh vực nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tại thời điểm này là cần thiết để chủ động kiểm soát lạm phát, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung - Mỹ đang leo thang.
Thuý Hằng
Theo daidoanket.vn
Giá vàng hôm nay 24/12: Tuần cuối năm, tiếp tục tăng lên Giá vàng cuối năm 2018 được dự báo tiếp tục đi lên. Nếu chinh phục được mốc cản 1.261 USD vàng thế giới còn tăng mạnh, có thể lên mốc 1.300 vào đầu năm 2019. Vàng tương lai cho giao tháng 2 trên sàn giao dịch Comex giảm 0,45% xuống còn 1.262,25 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn vẫn ghi nhận mức tăng 1,4%...