Lại gia hạn cho vay ngoại tệ
Thay vì sẽ chính thức dừng cho vay ngoại tệ kể từ ngày 31.12.2018, mới đây Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra một lộ trình ngắn hạn gia hạn cho doanh nghiệp vay ngoại tệ trong năm 2019.
Doanh nghiệp thích vay USD vì lãi suất thấp
ẢNH: NGỌC THẠCH
7 tháng, cho vay 23 tỉ USD
Chiến lược phát triển ngành NH VN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt quy định giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đấu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức dưới 7,5% vào năm 2020 và 5% vào năm 2030, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030 cơ bản khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.
Là ngân hàng (NH) dẫn đầu cho vay USD trong hệ thống, tính đến hết tháng 9, Vietcombank đã cho vay hơn 97.443 tỉ đồng (khoảng 4 tỉ USD); VietinBank cho vay 91.014 tỉ đồng (khoảng 3,9 tỉ USD); MB hơn 22.000 tỉ đồng (khoảng 944 triệu USD). Những NH khác có dư nợ cho vay ngoại tệ ở mức 9.000 – 10.000 tỉ đồng… Tỷ trọng dư nợ cho vay ngoại tệ của các nhà băng dao động từ 5,6 – 15% trên tổng dư nợ tùy đơn vị. Tính đến cuối tháng 7, tổng dư nợ cho vay của hệ thống tổ chức tín dụng hơn 6,8 triệu tỉ đồng. Chiếm khoảng 8% trong tổng dư nợ tín dụng, số ngoại tệ mà các nhà băng cho vay vào khoảng 540.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 23 tỉ USD; so với những năm trước giảm khoảng 6 tỉ USD.
Thực tế, hầu hết doanh nghiệp (DN) đều mong muốn vay USD bởi lãi suất thấp hơn tiền đồng từ 3 – 5%/năm. Các NH thương mại hiện đang cho vay USD với lãi suất 2,8 – 4,7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 4,5 – 6%/năm đối với dài hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiền đồng phổ biến ở mức 6 – 9%/năm đối với ngắn hạn và từ 9 – 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Chính vì điều này mà trong 5 năm trở lại đây, NH Nhà nước (NN) liên tục gia hạn cho vay ngoại tệ nhằm hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn giá thấp. Tuy nhiên, cũng có không ít DN sử dụng dòng vốn linh hoạt kiếm lời từ chênh lệch lãi suất. Đơn cử như các DN có tiền đồng nhưng gửi tiết kiệm và đi vay USD có lãi suất thấp hơn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán của Tập đoàn dầu khí VN (PVN), PVN có 23.037 tỉ đồng tiền gửi NH không kỳ hạn, 49.364 tỉ đồng tiền gửi NH có kỳ hạn không quá 3 tháng và 101.230 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ trên
3 tháng đến không quá 1 năm. Tổng lượng tiền gửi NH của PVN lên đến 173.631 tỉ đồng, chiếm 22% tổng tài sản. Lãi suất của số tiền gửi này tại các NH từ 5,1 – 6,8%/năm. Tuy nhiên, tập đoàn này cũng có hàng loạt hợp đồng vay vốn bằng ngoại tệ với lãi suất từ 1,7 – 5,9%/năm. Doanh thu hoạt động tài chính của PVN trong năm 2017 ghi nhận 14.769 tỉ đồng thì có đến 54% đến từ tiền gửi, tiền cho vay (đạt 7.924 tỉ đồng); chênh lệch tỷ giá 837 tỉ đồng (chiếm 5,7%).
Video đang HOT
Siết vay ngắn hạn
Theo Thông tư 18/2017 của NHNN, việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu đến 31.12.2018. Thế nhưng NHNN mới đưa ra dự thảo gia hạn cho vay ngoại tệ theo lộ trình. Cụ thể, cho vay ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 31.3.2019. Đối với cho vay trung, dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay được thực hiện đến hết ngày 30.9.2019. Dỡ bỏ quy định về giới hạn thời gian đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu.
NHNN cho rằng qua số liệu những tháng đầu năm 2018, tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây do tỷ giá ổn định, dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi, lãi suất vay USD thấp hơn tiền đồng. Vì vậy tín dụng ngoại tệ ngắn hạn cần phải được kiểm soát chặt chẽ theo hướng thu hẹp dần. Việc sửa đổi, bổ sung quy định cho vay nhằm tiếp tục hỗ trợ DN và nền kinh tế trong việc giảm chi phí vay vốn, từ đó hỗ trợ tăng khả năng cạnh tranh trong thương mại quốc tế, trong bối cảnh bị tác động bất lợi từ xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao (đặc biệt là tác động từ xung đột thương mại Mỹ – Trung)…
Một điểm mới trong dự thảo lần này là các khách hàng vay có nhu cầu mua ngoại tệ để trả nợ vay có thể thỏa thuận mua ngoại tệ tại chính NH cho vay hoặc NH khác. NH cho vay ngoại tệ phải có trách nhiệm bán ngoại tệ cho khách hàng để khách hàng trả nợ khoản vay. NHNN cho rằng việc sửa đổi, bổ sung cho vay ngoại tệ nhằm thực hiện đúng cam kết về các nội dung đề án hạn chế đô la hóa, đó là chuyển dần quan hệ vay – gửi ngoại tệ sang quan hệ mua – bán ngoại tệ.
Dự thảo “nắn” dòng tín dụng ngoại tệ của NHNN khiến các DN “thở phào”, các NH lên kế hoạch kinh doanh năm 2019 rõ ràng hơn
Theo thanhnien.vn
Sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ?
Với lãi suất USD bằng 0%, nhiều NHTM vẫn huy động được lượng tiền gửi USD rất lớn. Tuy nhiên, nguồn huy động này vẫn không đáp ứng nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp (DN), nên NH phải tìm đến nhiều kênh khác. Tuy nhiên, áp lực này có thể giảm xuống nếu NHNN áp dụng quy định mới về cho vay ngoại tệ trong năm 2019.
Cho vay vượt huy động
Theo số liệu báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, Vietcombank đứng đầu hệ thống về huy động tiền gửi bằng USD, tính quy đổi theo VNĐ thời điểm đó khoảng 130.507 tỷ đồng (khoảng 5,7 tỷ USD). Vietinbank và BIDV xếp sau với lượng vốn huy động lần lượt 44.396 tỷ đồng (1,9 tỷ USD) và 39.160 tỷ đồng (1,7 tỷ USD).
Ở khối NHTMCP, MB huy động USD tốt nhất với 21.784 tỷ đồng (950 triệu USD). Kế tiếp là Sacombank, SHB, Techcombank và ACB đạt khoảng 10.000 tỷ đồng (435 triệu USD). Trong khi đó, Eximbank chỉ huy động được 5.435 tỷ đồng (236 triệu USD), SCB khoảng 6.836 tỷ đồng (297 triệu USD). Các NHTM còn lại huy động được 50-170 triệu USD.
Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính cũng cho thấy cho vay USD của các NHTM trong nửa đầu năm đã vượt nguồn USD huy động khá cao. Cho vay USD tại Vietinbank lên tới 109.978 tỷ đồng (4,8 tỷ USD), gấp 2,5 lần huy động, BIDV đạt 86.383 tỷ đồng (3,7 tỷ USD), gấp 2,2 lần huy động. Tương tự, HDBank cho vay gấp 3,5 lần vốn huy động, LienVietPostBank và ABBank cho vay gấp 2,5 lần, Eximbank gấp 1,9 lần, VIB 1,6 lần...
MB ghi nhận cho vay 25.448 tỷ đồng (1,1 tỷ USD), SHB 13.654 tỷ đồng (594 triệu USD), Techcombank 10.117 tỷ đồng (440 triệu USD), HDBank 9.604 tỷ đồng (418 triệu USD)...
Đến hết quý III, ngoại trừ Vietcombank có lượng huy động (141.136 tỷ đồng) cao hơn cho vay (97.443 tỷ đồng), đa số NH đều tiếp diễn tình trạng cho vay vượt huy động.
98% tiền gửi khách hàng của LienVietPostBank là VNĐ và chỉ 2% là tiền gửi USD, nhưng vay bằng USD tăng 20,9% so với đầu năm đạt 6.190 tỷ đồng, đóng góp 5,4% vào tổng dư nợ. So với đầu năm, tiền gửi bằng USD tăng 1,06% (51.000 tỷ đồng), cho vay bằng USD tăng 1,48%, đạt 94.000 tỷ đồng, đóng góp 9,75% vào tổng dư nợ.
Tiền gửi bằng USD của Vietinbank tăng 2,5% so với đầu năm đạt 49.800 tỷ đồng, bằng 5,5% tổng vốn huy động, cho vay USD và các ngoại tệ khác giảm 1,8%, chiếm 10,7% tổng dư nợ cho vay. HDBank cho vay tăng 38,1%, đạt 10.270 tỷ đồng, trong khi huy động giảm 45,9%, đạt 2.100 tỷ đồng so với đầu năm.
Thời hạn mới cho vay ngoại tệ
Năm 2018, chính sách cho vay USD đối với DN có nguồn thu ngoại tệ được gia hạn, cộng thêm lãi suất cho vay USD thấp hơn lãi suất vay VNĐ, nên vay USD vẫn được ưa chuộng.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất cho vay VNĐ phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Trong khi lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn 4,5-6%/năm.
Để đáp ứng nhu cầu vay USD khi lượng huy động USD trong dân còn thấp, đa số NH vay thêm từ NHNN và các TCTD khác. Càng gần cuối năm, xu hướng này càng gia tăng, thể hiện qua lãi suất bình quân cho vay USD có tăng ở các kỳ hạn chủ chốt. Như tại thời điểm giữa tháng 11, lãi suất cho vay USD liên NH 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt 0,04%/năm và 0,11%/năm, lên mức 2,32%/năm và 2,73%/năm.
Tuy nhiên, sắp tới việc cho vay ngoại tệ vượt huy động sẽ giảm khi NHNN đang dự định thu hẹp nhu cầu vay USD, giảm đô la hóa nền kinh tế. Cụ thể, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 24 về cho vay ngoại tệ, trong đó có quy định cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ được thực hiện đến hết 31-3-2019, còn cho vay trung, dài hạn sẽ được thực hiện đến hết 30-9-2019.
Theo NHNN, quy định này nhằm thực hiện lộ trình kiểm soát cho vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp các nhu cầu vay vốn. Qua theo dõi số liệu tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018, cho thấy tín dụng ngắn hạn ngoại tệ liên tục tăng qua các tháng và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm gần đây, chủ yếu do tỷ giá ổn định dẫn đến việc vay ngoại tệ ngắn hạn có lợi do lãi suất ngoại tệ (USD) vay thấp hơn tương đối so với lãi suất vay VNĐ.
Giảm rủi ro cho các bên
Hiện chính sách cho vay ngoại tệ đang tạo thuận lợi cho DN xuất khẩu với lãi suất thấp. Tuy nhiên, điều này lại gây bất lợi cho chính sách ngoại hối do làm tăng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Theo quy định, các DN xuất khẩu vay ngoại tệ từ NH phải bán ngoại tệ đó cho NHTM, hoặc chỉ được nhận VNĐ trong trường hợp mua nguyên vật liệu trong nước, sản xuất trong nước để xuất khẩu. Trong khi các NH phải cân đối nguồn ngoại tệ từ huy động của người dân hoặc vay trên liên NH để đáp ứng nhu cầu DN khớp báo cáo và giảm chi phí. Nếu NH chuyển đổi VNĐ sang ngoại tệ để cho vay sẽ đẩy chi phí lên rất cao.
Ngược lại, vay ngoại tệ cũng làm tăng rủi ro cho DN. Tính đến cuối tháng 9, tỷ giá giao dịch trên thị trường đã tăng 2,72% so với đầu năm, một số thời điểm NHNN phải can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá. Dự kiến tỷ giá còn diễn biến khó lường trước những tác động từ bên ngoài. Rủi ro tỷ giá hiện hữu là áp lực đối với DN vay USD lẫn nền kinh tế.
Theo quy định, đến cuối năm NHNN sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ. Nhưng theo dự thảo mới đưa ra, NHNN đã đề ra lộ trình mới. Cụ thể, cơ quan này có thể áp dụng thời điểm sẽ chấm dứt hoạt động cho vay ngoại tệ đối với từng nhóm đối tượng. Đây là điều cần thiết để DN có sự chuẩn bị. Nếu chấm dứt cho vay ngoại tệ ngay từ đầu năm 2019, các DN sẽ không được vay USD, chuyển sang vay VNĐ sẽ gây áp lực và đẩy lãi suất vay VNĐ lên cao.
Hơn nữa, thời điểm này nhu cầu vay vốn của DN nhập khẩu cũng rất cao. Ở chiều ngược lại, quy định mới sẽ giúp các NHTM giảm được áp lực huy động và cho vay ngoại tệ để tập trung mở rộng các dịch vụ phái sinh.
NHNN đã nhiều lần đóng mở cho vay ngoại tệ, nên lần này cần kiên định với mục tiêu đề ra, tiến tới chấm dứt cho vay ngoại tệ, thậm chí cũng không huy động bằng ngoại tệ. Bởi chỉ huy động bằng VNĐ mới thực hiện được mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế theo yêu cầu của Chiến lược phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thiên Minh
Theo saigondautu.com.vn
Ngân hàng 'xoay' vốn cho vay cuối năm Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp hay chi tiêu cá nhân dịp cuối năm, vào mùa lễ tết... cao vọt khiến nhiều ngân hàng đã đụng trần tăng trưởng tín dụng đang phải đôn đáo tìm cách "xoay" vốn để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhiều ngân hàng đã đụng trần tăng trưởng tín dụng đang phải đôn đáo tìm cách...