Lá thư tình 500 tuổi gây sốt ở Hàn Quốc
500 năm trước, khi chồng qua đời, người vợ trẻ đang mang bầu đau buồn đặt lá thư cuối cùng lên ngực chồng. 500 năm sau, khai quật ngôi mộ, lá thư vẫn còn nguyên vẹn trên ngực người chồng.
Mới đây, các nhà khảo cổ học Hàn Quốc vừa tìm thấy một lá thư cổ, bất chấp thời gian tồn tại hàng thế kỷ, bức thư vẫn còn ở tình trạng gần như hoàn hảo.
Bức thư được đặt trên xác ướp của một người đàn ông. Nội dung thư cho thấy nó được viết bởi vợ của người đã khuất, lúc này, người phụ nữ đã mang bầu. Niên đại của bức thư được cho là lên tới 445 năm.
Xác ướp này được tìm thấy ở thành phố Andong, Hàn Quốc. Bên trong mộ có tổng cộng 13 bức thư, tất cả đều được viết cho một người đàn ông có tên Eung-tae, chính là xác ướp nằm trong mộ. Những lá thư này đều do người thân của Eung-tae viết cho anh lần cuối.
Video đang HOT
Một lá thư đặc biệt xúc động được viết bởi người vợ của Eung-tae. Lúc này, người phụ nữ đã mang bầu. Đau xót cho phận mình và cho người con chưa được nhìn thấy mặt cha, người phụ nữ đã dồn hết tình cảm vào bức thư cuối viết cho chồng.
Nội dung thư xoay quanh cảm giác đau buồn, mất mát của chị. Tuy chưa sinh con nhưng chị đã quyết định đặt tên con là Won, vì vậy, chị gọi chồng trong thư một cách thân mật là “bố Won”.
Bức thư được đặt trên ngực của người đàn ông. Sau 445 năm, khi các nhà khảo cổ tìm thấy ngôi mộ, bức thư vẫn nằm nguyên ở vị trí ban đầu. Người phụ nữ dặn dò trong thư rằng: “Bố Won hãy giữ gìn lá thư này cẩn thận và đến thăm thiếp trong những giấc mơ”.
Bên cạnh đó, lá thư còn có những câu từ xúc động, thể hiện tình cảm một cách bộc trực – hành động vốn bị cho là không đoan trang so với quan niệm thời bấy giờ, chẳng hạn như: “Thiếp không thể sống mà thiếu bố Won. Thiếp chỉ muốn chết theo chàng. Nếu có thể hãy đưa mẹ con thiếp đi theo. Tình cảm này làm sao có thể chôn vùi hay quên lãng. Nỗi buồn này sẽ chẳng bao giờ cạn vơi”.
Bức thư được các nhà khảo cổ xác định niên đại vào khoảng 445 năm, nghĩa là nó có lẽ đã được viết vào năm 1568. Người vợ không viết tên mình trong thư vì vậy rất khó để lần lại tung tích của cặp vợ chồng.
Tuy vậy, theo phán đoán ban đầu, người đàn ông có tên Eung-tae này có lẽ là một thành viên trong một gia tộc quyền quý xưa kia – dòng họ Goseong Yi.
Dựa trên kích thước của xác ướp có thể thấy người đàn ông này cao hơn hẳn những người đàn ông Hàn Quốc thời bấy giờ. Da và râu tóc của anh ta vẫn ở tình trạng tương đối tốt. Dựa trên những quan sát ban đầu, các nhà khảo cổ cho rằng người đàn ông xuất thân quý tộc này có ngoại hình khá bảnh bao.
Ngoài ra, người ta còn tìm thấy trong mộ một đôi dép được bện bằng tóc của phụ nữ. Đôi dép được bọc trong một gói giấy. Đây chính là đôi dép được bện từ tóc của người vợ bởi trong thư, vợ của Eung-tae đã viết rằng: “Thiếp lấy tóc mình để bện đôi dép này…”.
Đôi dép được bện bằng tóc của người vợ trong văn hóa Hàn Quốc xưa kia được coi là biểu tượng của tình yêu và hy vọng về sự hồi phục sau cơn đau ốm nguy kịch.
Ngôi mộ cổ với niên đại gần 500 năm nằm ở thành phố Andong. Xác ướp được bọc trong nhiều lần vải.
Được biết, thông tin về bức thư đã khiến giới nghệ sĩ Hàn Quốc rất thích thú. Nhiều đơn vị cho hay họ đã được truyền cảm hứng từ chuyện tình đau buồn này. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có những vở kịch, bộ phim, tiểu thuyết… được thực hiện dựa trên câu chuyện về người phụ nữ bí ẩn này – một người phụ nữ sống cách ngày nay tới 500 năm.
Theo VNE