Lạ lùng đề xuất tuyển sinh ĐH bằng… phỏng vấn trực tiếp
Thí sinh sẽ được “thử lửa” bằng một buổi phỏng vấn trực tiếp từ Hội đồng tuyển sinh về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích,…
Trường đại học Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) vừa đề ra phương án tuyển sinh riêng ngay trong mùa tuyển sinh 2013.
Theo đó, đề án xét tuyển dựa vào bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực toàn diện của thí sinh trong suốt quá trình học tập và rèn luyện của thí sinh trong 3 năm học PTTH.
Cụ thể, bộ tiêu chuẩn xem xét đến các vấn đề: Thứ nhất là kết quả trong quá trình và cuối quá trình học tập PTTH. Thứ hai là kết quả thi đầu vào đại học. Tiêu chuẩn thứ ba là năng lực tư duy và những năng lực khác của thí sinh phù hợp với ngành học.
Sinh viên trường đại học Phan Châu Trinh.
Trong đề án, bộ tiêu chuẩn cũng có 5 tiêu chí, mỗi tiêu chí chiếm tỉ trọng 20% trong tiêu chuẩn xét tuyển, tương đương 20 điểm. Tổng điểm xét tuyển 100, trường sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu.
Như vậy, khác với hầu hết các trường lấy kết quả thi 3 kỳ chung (từ điểm sàn trở lên) làm thước đo duy nhất, trường ĐH Phan Châu Trinh không đặt nặng vai trò của kỳ thi này (chỉ chiếm 20% giá trị xét tuyển).
Trong khi đó, cả quá trình học và thi THPT có giá trị xét tuyển gấp đôi, chiếm 40%. Đặc biệt, với tiêu chí thứ 5, thí sinh sẽ được “thử lửa” bằng một buổi phỏng vấn trực tiếp – điều mà họ cũng sẽ phải trải qua trong quá trình tìm việc làm sau này.
Video đang HOT
Nhà văn Nguyên Ngọc, chủ tịch HĐQT nhà trường, cho biết phương án tuyển sinh này được thực hiện căn cứ theo Điểm b Khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học 2012 (cho phép các trường được tự chủ tuyển sinh theo một trong 3 hình thức: thi tuyển, xét tuyển, hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển), và theo tinh thần buổi làm việc ngày 5/3 giữa bộ GD&ĐT với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trường cho biết ngay sau khi được bộ GD&ĐT cho phép sẽ thông báo phương án tuyển sinh rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển ngày sau khi kết thúc kỳ thi 3 chung. Đối với một số hồ sơ như điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đại học,…có thể bổ sung sau.
Được biết, đề án này đã được gửi đến Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam sau đó sẽ gửi lên Bộ GD&ĐT.
Đại diện Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập xác nhận hiệp hội đã nhận được thông báo ít nhất có 3 trường đã hoặc đang xây dựng đề án tuyển sinh riêng, trong đó trường ĐH Phan Châu Trinh là trường đầu tiên gửi đề án cụ thể bằng văn bản.
5 tiêu chí của trường ĐH Phan Châu Trinh:
1) Điểm thi đại học theo đề thi 3 chung của bộ GD&ĐT, có nhân hệ số đối với môn học tùy theo khối ngành mà thí sinh đăng ký.
2) Điểm thi tốt nghiệp phổ thông trung học, có nhân hệ số đối với môn học tùy theo khối ngành mà thí sinh đăng ký.
3) Kết quả điểm tổng kết 3 năm học phổ thông của thí sinh (theo học bạ phổ thông trung học).
4) Kết quả kiểm tra về khả năng tư duy của thí sinh (do nhà trường tổ chức).
5) Kết quả phỏng vấn trực tiếp của Hội đồng tuyển sinh ĐH Phan Châu Trinh về kiến thức tổng hợp, thái độ, kỹ năng, hành vi, sở thích… của thí sinh.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 của ĐH Phan Châu Trinh : Tuyển 400 chỉ tiêu ĐH và 200 chỉ tiêu CĐ với các ngành: công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng, kế toán, Việt Nam học, văn học, ngôn ngữ Anh, Trung,…
Theo soha
Họp bàn "cứu" sự tan rã của nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Sáng nay 5/3, Bộ GD-ĐT đã họp với Hiệp hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập (NCL) theo sự yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về những kiến nghị khẩn cấp của Hiệp hội về nguy cơ tan rã của nhiều trường NCL.
Chủ trì buổi làm việc là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Cuộc họp diễn ra gần 4 giờ đồng hồ với nhiều ý kiến phát biểu của nhiều chuyên gia giáo dục.
Tại buổi họp, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội đã khẳng định sự góp mặt của loại hình trường đại học, cao đẳng NCL vào bức tranh tổng thể giáo dục đại học Việt Nam hơn 20 năm qua đã tạo nên diện mạo mới cho giáo dục - đào tạo Việt Nam. Tuy nhiên, GS Quân cho rằng: "Chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng nhưng chỉ đúng khi chủ trương này có một cơ chế chính sách hợp lí, đối xử công bằng như các trường công lập. Đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương có đánh giá khách quan về tình hình phát triển hệ thống các trường NCL 20 năm qua, những điểm yếu và điểm mạnh để từ đó tìm ra nguyên nhân khắc phục sự nguy cơ đóng cửa của nhiều trường NCL. Đặc biệt, mong muốn Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm chỉnh những văn bản đã ban hành để từ đó có cơ chế chính sách phù hợp, tạo cơ chế công bằng đối với các trường NCL".
Tiếp thu các ý kiến Hiệp hội đã đề nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: "Một số điều vượt quá thẩm quyền của Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng sẽ trình Chính phủ quyết. Lộ trình tuyển sinh từ nay tới năm 2015, về cơ bản không có gì thay đổi, nếu thay đổi sẽ thực hiện sau năm 2015".
Ngoài ra, Bộ trưởng Luận đề nghị Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cần quán triệt tới các trường lập phương án cụ thể, nếu xét thấy phù hợp sẽ chấp thuận trong những đề nghị về tuyển sinh.
Trao đổi với Dân trí ngay sau buổi họp, GS Trần Hồng Quân cho biết: "Cuộc họp diễn ra vui vẻ. Sản phẩm của nó là những điều thống nhất và những điều chưa thống nhất. Bộ GD-ĐT sẽ có kết luận báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cuộc họp này".
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.
Trước đó, ngày 17/1/2013, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng NCL Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng báo cáo tình hình khẩn cấp của khối các trường đại học, cao đẳng NCL.
Theo Hiệp hội, đến năm 2012 cả nước có 81 trường đại học, cao đẳng NCL, dù đã và đang "gồng" mình lên vượt khó khăn để đào tạo nhưng hàng năm mới chỉ đạt 14% số sinh viên cả nước. Điều hệ trọng cấp bách hiện nay là nếu không có những thay đổi kịp thời thì trong vài năm tới chắc chắn một loạt trường NCL phải đóng cửa, hoặc phá sản; làm nản lòng các nhà giáo và các nhà đầu tư đang hoặc sẽ có ý định tham gia hoạt động giáo dục - đào tạo.
Nguyên nhân dẫn đến tình hình trên, trong đó nguyên nhân trực tiếp là trong vài năm gần đây chủ trương tuyển sinh tạo những trở ngại làm cho các trường NCL khó tuyển đủ chỉ tiêu. (Nhiều trường công lập ở địa phương, một số ngành như Sư phạm, Khoa học xã hội trong nhiều trường công lập khác cũng khó tuyển sinh nhưng các trường này không phá sản vì là trường công có ngân sách Nhà nước rót xuống).
Vấn đề quan trọng nhất mà Hiệp hội đề nghị là Bộ GD-ĐT thực hiện ngay Luật Giáo dục đại học (GDĐH) có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm 2013, trong đó có Điều 34 về chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh. Theo đó, các "cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh". "Phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển "(mục 2. Điều 34 Luật GDĐH). Đây là điều khoản tốt trong Luật GDĐH, cần được thực hiện ngay từ mùa thi năm 2013 và đúng tinh thần trên. Bộ GD-ĐT chỉ cần tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, còn công việc tuyển sinh: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển sinh thì trao quyền tự chủ cho các trường, thực hiện theo đúng Luật GDĐH.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Kiến nghị khẩn cấp nguy cơ tan rã nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập Chấp nhận kiến nghị khẩn cấp của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ GD-ĐT làm việc trực tiếp với đề nghị của Hiệp hội. Trên cơ sở này, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm thống nhất đề xuất với Thủ tướng...