Lạ kỳ Philippines nói ‘thỏa hiệp thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc có lợi cho Manila’
Bất chấp đề xuất khai thác dầu khí chung với Trung Quốc vấp phải phản đối tại Philippines, điện Malacanang vẫn cho rằng thỏa hiệp này là có lợi cho Manila.
Bất chấp đề xuất thỏa thuận khai thác dầu khí chung với Trung Quốc vấp phải nhiều tranh cãi và phản đối tại Philippines, người phát ngôn Salvador Panelo cho rằng đây có thể là một giải pháp cho tranh chấp với Bắc Kinh.
Ông Salvador Panelo nhấn mạnh cả Trung Quốc và Philippines đều đang có nhu cầu khai thác trên Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi một phần phía Đông của Biển Đông), nên việc 2 nước chia sẻ tài nguyên là hợp lý.
“Rõ ràng là cả 2 nước đều kiên định với lập trường của mình, nên điều tốt nhất là đồng ý cùng khai thác tài nguyên ở đó để mang lại lợi ích cho cả hai”, ông Panelo nói trong cuộc phỏng vấn với ABS-CBN.
Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Salvador Panelo. (Ảnh: Manila Bulettin)
Người phát ngôn Philippines cũng đề cập tới đề xuất theo tỷ lệ 60-40, cho rằng thỏa hiệp thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc có lợi cho Manila.
“Nếu bạn là chủ sở hữu, bạn có thể cho người khác mượn. Đại sứ Trung Quốc cũng khẳng định rằng nếu đề xuất này được thúc đẩy, họ sẽ không vượt quá tỷ lệ 40% như thỏa thuận và không yêu cầu nhiều hơn những gì Philippines nhận được”, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines khẳng định.
Trước đó, trong tuyên bố đưa ra hôm 8/8. Tổng thống Rodrigo Duterte nói ông thấy không cần phản đối đề xuất của Trung Quốc liên quan tới vấn đề chia sẻ nguồn tài nguyên trên Biển Tây Philippines (Biển Đông).
“Họ đề xuất thỏa thuận 60-40 (với Philippines nhận phần nhiều hơn). Chúng ta sẽ bàn luận thêm về đề tài này khi có thời gian”, ông Duterte cho biết.
Theo người phát ngôn điện Malacanang, ông Duterte đang chuẩn bị thăm Trung Quốc vào cuối tuần này và sẽ đem phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 ra nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông này đồng thời khẳng định Philippines có thể tin tưởng vào mối quan hệ “bạn bè” với Trung Quốc bởi Bắc Kinh đã giúp đỡ nước này trong cuộc bao vây Marawi khi Mỹ từ chối cung cấp vũ khí cho Philippines.
Video đang HOT
“Những gì chúng ta không thể có được từ phán quyết trọng tài, chúng ta có thể có được bằng cách đàm phán với Trung Quốc, đặc biệt là khi chúng ta coi họ là bạn bè. Nếu là bạn bè, chúng ta có thể cho đi và nhận lại”, ông nói.
Nhiều chính trị gia Philippines từng kịch liệt phản đối đề xuất khai thác dầu khí chung với Trung Quốc.
Cựu tổng thống Benigno Aquino III cho rằng khu vực biển Tây Philippines (Biển Đông) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila (EEZ) nên quốc gia này không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên với Trung Quốc.
“Tỷ lệ thương lượng là 60-40 nghiêng về Philippines. Nhưng cuối cùng nó có thể đảo ngược. Trung Quốc sẽ cố đạt tới 60 hoặc 70″, ông cảnh báo, khẳng định không thể tin tưởng Bắc Kinh và nhấn mạnh đề xuất của Trung Quốc sẽ gây bất lợi cho quốc gia mình.
Phó Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio nhắc lại các điều khoản trong Hiến pháp năm 1987 quy định cấm phát triển chung trong vùng EEZ.
Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal cũng khẳng định phát triển chung trong một khu vực như vậy được coi là “không phù hợp” với phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra năm 2016.
Trong phán quyết của mình, Tòa Trọng tài khẳng định “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, nghĩa là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong “đường lưỡi bò”.
Tòa trọng tài quốc tế theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) ngày 12/7/2016 ra phán quyết xác định “không thực thể nào tại Trường Sa có khả năng tạo ra những vùng biển mở rộng…”, bác bỏ cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đây là phán quyết có giá trị ràng buộc đối với các bên liên quan là thành viên công ước, và là một tiền lệ có lợi không chỉ cho Philippines mà còn cho cộng đồng khu vực và quốc tế.
Dù vậy, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này trong bối cảnh các bên đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
(Nguồn: ABS-CBN)
SONG HY
Theo VTC
Philippines dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc sau vụ tàu cá bị đâm chìm
Manila đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh sau vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm và bỏ mặc 22 ngư dân trên tàu cá Philippines ở Biển Đông.
Trong tuyên bố đưa ra cách đây ít giờ, ông Salvador Panelo, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết có khả năng Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ xem xét cắt hoặc làm giảm cấp quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nếu vụ đâm chìm tàu cá Philippines tại Bãi Cỏ Rong mới đây được xác định là hành động có chủ ý của tàu Trung Quốc.
"Chúng tôi có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao, đó là điều đầu tiên được thực hiện khi phát hiện hành vi gây hấn. Trước hết, trao công hàm phản đối nếu không hài lòng với lời giải thích của họ và khi phát hiện ra đó là hành động có chủ ý, đó là một vấn đề hoàn toàn khác", ông Panelo nhấn mạnh.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo.
Theo ông Panelo, nhìn vào cách Tổng thống Duterte phản ứng sau vụ căng thẳng rác thải với Canada thì việc Manila cắt đứt quan hệ ngoại giao với một quốc gia nào đó là điều hoàn toàn có thể.
"Nhìn vào phản ứng của Tổng thống liên quan tới vấn đề rác thải của Canada, việc cắt đứt quan hệ ngoại giao là hoàn toàn có khả năng và vụ việc này thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được trao lại cho Tổng thống", ông này nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố đưa ra trước đó, Manila kêu gọi chính phủ Trung Quốc trừng phạt thích đáng thủy thủ đoàn tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu Philippines, bỏ mặc 22 ngư dân bơ vơ trên biển.
"Hành động bỏ mặc 22 ngư dân trên tàu cá Philippines của tàu cá Trung Quốc là vô nhân đạo, mọi rợ, tàn nhẫn, dã man", ông Panelo nói, khẳng định hành động này vi phạm các giao thức hàng hải cũng như các thông lệ quốc tế.
Phủ Tổng thống Philippines thừa nhận tồn tại các tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc về chủ quyền nhưng không thể chấp nhận việc tàu Trung Quốc không giúp đỡ ngư dân Philippines sau vụ việc.
"Các xung đột lãnh thổ hiện nay giữa 2 quốc gia không phải và không thể là trở ngại để tàu Trung Quốc cứu giúp tàu Philipppines. Thuyền trưởng và thủy thủ đoàn tàu Trung Quốc không nên rời đi mà không đưa ra bất cứ trợ giúp nào", ông Panelo nói thêm.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cũng lên tiếng cho rằng hành động của tàu Trung Quốc "thật đáng khinh bỉ và lên án".
Ngày 12/6 Bộ Quốc phòng Philippines cũng ra thông cáo lên án hành động của tàu cá Trung Quốc. "Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động rời khỏi hiện trường và bỏ mặc 22 thuyền viên Philippines của tàu cá Trung Quốc. Đây không phải hành động của những người có trách nhiệm và thiện chí", Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói.
Theo ông Panelo, Bắc Kinh vẫn chưa phản hồi với Manila về vụ việc.
Tối 9/6, tàu cá FB Gimver 1 của Philippines va chạm với tàu Trung Quốc gần bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Vụ va chạm khiến tàu Philippines bị chìm, còn tàu Trung Quốc rời hiện trường ngay lập tức, bỏ mặc các thủy thủ Philippines trên chiếc tàu đắm.
Truyền thông Philippines dẫn các thông cáo của chính quyền Manila khẳng định thời điểm bị tàu Trung Quốc đâm, tàu cá Philippines đang trong tình trạng neo đậu và không di chuyển.
"Đây rõ ràng là một hành động cố ý và có tính toán hẳn hoi. Một người dù có đang chạy cũng không thể đụng trúng một người khác đang đứng giữa một sân bóng đá. Tương tự, một tàu cá đang chạy sẽ không thể nào đâm phải một tàu cá khác đang thả neo giữa vùng biển mênh mông.
Bỏ chạy ngay sau khi đâm chìm tàu người ta mà không ứng cứu thuyền viên trên đó thì rõ ràng là hành vi cố tình phá hoại" - ông Jay Batongbacal, một chuyên gia về luật hàng hải, bức xúc trên Facebook cá nhân.
Theo truyền thông Philippines, 22 thuyền viên trên tàu cá Philippines được một tàu cá Việt Nam cứu.
(Nguồn: Rappler)
SONG HY
Theo VTC
Sau khi diễn tập ở Biển Đông, nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã đi đâu? Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ gồm hai tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville và USS Antietam đã tới thủ đô Manila của Philippines hôm 7/8 sau khi diễn tập ở Biển Đông. Theo Rappler, đây là chuyến thăm thứ hai tới Manila của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan...