“Lá chắn thép” kiên cố bảo vệ ông Kim Jong-un trong các chuyến công du
Đội 12 cận vệ bảo vệ nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore là những người được tuyển chọn khắt khe với những kỹ năng thiện nghệ và lý lịch trong sạch.
Đội cận vệ di chuyển theo hình chữ V bảo vệ ông Kim Jong-un tại khu phi quân sự liên Triều trong cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 4/2018. (Ảnh: AFP)
Michael Madden là học giả tại Viện nghiên cứu Mỹ – Hàn thuộc Trung tâm The Stimson và là giám đốc trang NK Leadership Watch – một nhánh của trang mạng 38 North chuyên theo dõi và phân tích các thông tin về Triều Tiên. Michael Madden đã có bài viết trên BBC “giải mã” hàng rào an ninh bảo vệ nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong các chuyến công tác.
Đội cận vệ gồm 12 vệ sĩ bảo vệ nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng gây chú ý khi xuất hiện tại hội nghị thượng đỉnh Hàn – Triều ở khu phi quân sự liên Triều vào cuối tháng 4 năm ngoái. Sau đó, đội hình này tiếp tục xuất hiện trở lại, tháp tùng ông Kim Jong-un nhân chuyến đi tới Singapore vào tháng 6 trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong các chuyến đi tại Triều Tiên, đội cận vệ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un chia thành 3 lớp bao quanh ông. Trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều đầu tiên ở Singapore, phiên bản này đã được “biến hóa” và tất cả các cận vệ đều mặc vest đen, thắt cà vạt sẫm màu và đeo huy hiệu trước ngực.
Những cận vệ chạy theo xe limousine của ông Kim Jong-un và những người đi bộ sát cạnh ông trong mỗi lần xuất hiện tại Singapore là thành viên của Văn phòng Trung ương Số 6 hay còn gọi với tên chính thức là Tổng cục Phụ tá (MOA). Họ tạo thành lớp bảo vệ trực tiếp xung quanh nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Yêu cầu khắt khe
12 vệ sĩ chạy theo xe của ông Kim Jong-un tại khu phi quân sự liên Triều (Ảnh: Reuters)
Các cận vệ này được tuyển chọn từ quân đội Triều Tiên và bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ trước đó. Một trong số tiêu chuẩn họ phải đáp ứng là yêu cầu về chiều cao. Họ cần phải có chiều cao tương tương với nhà lãnh đạo Kim Jong-un và không có bất kỳ khiếm khuyết nào về thị lực.
Video đang HOT
Các cận vệ của ông Kim Jong-un cũng phải có những thành tích nhất định hoặc sở hữu năng khiếu đặc biệt về bắn súng và võ thuật. Ngoài ra, để trở thành người bảo vệ tính mạng cho nguyên thủ quốc gia, mỗi cận vệ đều được kiểm tra kỹ lưỡng về nhân thân và ít nhất lý lịch 2 đời trong gia đình. Nhiều người thuộc đội cận vệ có mối liên hệ với gia đình ông Kim Jong-un hoặc các gia đình tinh hoa khác tại Triều Tiên.
Sau khi lọt qua vòng tuyển chọn và trở thành cận vệ, họ phải trải qua quá trình huấn luyện khắt khe. Các cận vệ của ông Kim Jong-un được huấn luyện tương tự đội đặc nhiệm của quân đội Triều Tiên.
Quá trình huấn luyện bao gồm đào tạo sử dụng súng ngắn, kỹ thuật tẩu thoát và nhiều môn võ khác nhau. Ngoài ra, họ còn phải trải qua các thử thách về sức bền, điều kiện hành vi và các bài tập thể chất khắc nghiệt.
Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un di chuyển, các cận vệ tạo thành một vòng tròn xung quanh ông với tầm quan sát 360 độ để giám sát cả những người tới gần ông và vị trí ông đứng. Đội cận vệ đi trước ông Kim Jong-un gồm từ 3-5 người, bao gồm giám đốc MOA. Đội cận vệ đi song song với ông Kim Jong-un gồm từ 4-6 người, chia đều sang hai bên trái và phải. Cuối cùng là đội bọc hậu gồm từ 4-5 cận vệ.
Đội cận vệ bảo vệ ông Kim Jong-un là những người có quyền lực trong chính quyền Triều Tiên. Họ nằm trong số rất ít những người Triều Tiên được phép mang theo vũ khí khi đứng gần nhà lãnh đạo, bao gồm một súng ngắn bán tự động và một vũ khí dự phòng.
Các vệ sĩ đeo tai nghe và luôn quan sát xung quanh khi bảo vệ ông Kim Jong-un. (Ảnh: Reuters)
Ngoài việc trang bị vũ khí, kỹ năng phòng vệ chính của đội cận vệ Triều Tiên là quan sát (những người đứng gần nhà lãnh đạo và khu vực xung quanh). Đội cận vệ sẽ vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào bằng tay không hoặc sử dụng chính cơ thể của họ.
Khi cố lãnh đạo Kim Jong-il còn nắm quyền, Triều Tiên luôn duy trì tỷ lệ cứ hai quan chức cấp cao sẽ có một cận vệ đi kèm bảo vệ. Đến thời ông Kim Jong-un, số lượng cận vệ giảm xuống và giảm bớt dần sự hiện diện.
Các cận vệ của lãnh đạo Triều Tiên thường mặc Âu phục và thắt cà vạt. Tài xế của ông Kim Jong-un luôn đeo găng tay làm bằng da hoặc vải lanh. Họ sử dụng cả tai nghe vô tuyến để liên lạc với nhau. Các cận vệ cũng đeo huy hiệu trên áo để phân biệt danh tính và sử dụng một loạt mật khẩu cũng như từ mã hóa.
Các lớp an ninh
Các vệ sĩ chạy bộ theo xe của ông Kim Jong-un tại Singapore. (Ảnh: AFP)
MOA ước tính gồm khoảng từ 200-300 người, trong đó một nửa là cận vệ, số còn lại là các tài xế và nhân viên kỹ thuật. Một số cận vệ của lãnh đạo Triều Tiên có sự nghiệp lâu năm, còn phần lớn làm việc khoảng 10 năm.
Ngoài MOA, Bộ Tư lệnh Cận vệ (GC) bao gồm các lớp an ninh thứ hai và thứ ba xung quanh ông Kim Jong-un. Trong khi MOA bảo vệ trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên, GC chủ yếu chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh ở tại các địa điểm, bất kể đó là văn phòng làm việc, tư dinh của ông Kim Jong-un hay những địa điểm ông đến thăm ở trong và ngoài lãnh thổ Triều Tiên.
GC cũng chịu trách nhiệm đảm bảo công tác hậu cần và kỹ thuật để hỗ trợ ông Kim Jong-un. Các nhân sự thuộc GC cũng trải qua quá trình tuyển chọn và thẩm tra lý lịch tương tự đội cận vệ của ông Kim Jong-un tại MOA.
Các nhân sự thuộc GC sẽ tham gia vào một loạt hoạt động hỗ trợ cho chuyến đi của ông Kim Jong-un. Họ sẽ vận hành và duy trì đường dây điện thoại bảo mật mà nhà lãnh đạo sẽ sử dụng, cũng như cung cấp cho ông Kim Jong-un bất kể máy tính nào mà ông muốn dùng cũng các yêu cầu khác về an ninh công nghệ.
Ngoài ra, đội ngũ an ninh của GC cũng chuẩn bị sẵn các loại đồ ăn, nước uống và thuốc lá mà ông Kim Jong-un sử dụng trong chuyến đi tới Singapore. Họ cũng là những người nếm trước các đồ ăn và nước uống này trước khi phục vụ nhà lãnh đạo.
GC cũng có một đội ngũ y tế riêng phục vụ lãnh đạo Triều Tiên. Trong chuyến đi tới Singapore, có ít nhất 2 người thuộc đội y tế này tháp tùng ông Kim Jong-un.
Ông Kim Jong-un được các vệ sĩ bảo vệ khi đi bộ tại Singapore. (Ảnh: AP)
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2013, Ri Yong Guk, một người đào tẩu Triều Tiên từng nằm trong đội an ninh bảo vệ cố lãnh đạo Kim Jong-il, cho biết có 6 lớp an ninh khác nhau bảo vệ nhà lãnh đạo Triều Tiên trong các chuyến đi thị sát các đơn vị quân sự, nhà máy hoặc nông trại trong nước.
So với các cố lãnh đạo Triều Tiên, việc bảo đảm an toàn cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un thậm chí còn chặt chẽ hơn. Trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập quân đội Triều Tiên hồi tháng 2/2018, Bình Nhưỡng đã phô diễn sức mạnh của 3 đơn vị an ninh chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ ông Kim Jong-un.
“Đây là một trong những lớp an ninh nghiêm ngặt nhất trên thế giới mà ở đó thậm chí một con kiến cũng không thể lọt qua”, ông Ri Yong Guk nhận định.
Thành Đạt
Theo Dantri/BBC
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un viết thư đề nghị gặp Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa nhận được một lá thư từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị một cuộc gặp gỡ thứ hai và Nhà Trắng đang thu xếp tổ chức.
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau khi ký kết các văn bản hồi tháng 6 tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore. Ảnh: Reuters
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đã xác nhận thông tin trên. "Đó là một bức thư rất nồng ấm và tích cực", bà Sanders phát biểu tại cuộc họp báo, "Mục đích chính của bức thư là yêu cầu và trông đợi sắp xếp một cuộc họp khác với Tổng thống, việc chúng tôi cởi mở và đang trong quá trình điều phối", bà Sanders nói.
Tuy nhiên, theo BBC, nữ quan chức Nhà Trắng không đề cập đến thời điểm cũng như địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo.
Bà cũng đánh giá về cuộc diễu binh tại Bình Nhưỡng kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên hôm 9/9 là "một dấu hiệu về lòng tin tưởng tốt đẹp" bởi Triều Tiên đã không phô trương vũ khí hạt nhân trong sự kiện này như mọi năm.
Đích thân ông chủ Nhà Trắng đã lên Twitter khen ngợi hành động của ông Kim Jong-un. "Đây là một tuyên bố lớn và rất tích cực từ Triều Tiên. Cảm ơn ông Kim", ông Trump viết. Trước đó, Triều Tiên đã tổ chức lễ diễu binh song không phô diễn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), vũ khí khiến cho Bình Nhưỡng hứng chịu nhiều đòn trừng phạt quốc tế.
Mối căng thẳng giữa Washington - Bình Nhưỡng đã giảm bớt sau khi hai nhà lãnh đạo gặp gỡ nhau tại cuộc hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên ở Singapore ngày 12/6. Tuy nhiên, tiến trình cải thiện quan hệ cũng vấp phải trở ngại khi mới đây ông Trump ra lệnh hoãn chuyến thăm Bình Nhưỡng được lên kế hoạch từ trước của Ngoại trưởng Mike Pompeo, lấy lý do Triều Tiên không chậm tiến triển trong quá trình phi hạt nhân hóa.
Hoàng Trang/Báo Tin tức
Đảm bảo an ninh tuyệt đối hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội Phát biểu tại giao ban công tác kế hoạch của ngành, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ huy động tối đa lực lượng tham gia phục vụ, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà...