Kỳ vọng một thế hệ công dân tự tin mà không cần điểm số
Học sinh trường tiểu học Việt – Úc Hà Nội trong một giờ học đầy hào hứng
GD&TĐ – Nói đến tác động tích cực của Thông tư 30, cô Quách Minh Hương – Hiệu phó Trường Tiểu học Việt – Úc Hà Nội kỳ vọng, cách đánh giá mới với học sinh tiểu học sẽ tạo ra một thế hệ công dân tự tin mà không cần điểm số.
Cách đánh giá này là yếu tố tích cực nhằm khuyến khích dạy học thực chất, chú trọng giáo dục toàn diện học sinh, phù hợp với định huớng của nhà trường.
Cô Quách Minh Hương chia sẻ: Đối với học sinh, khi chúng ta am hiểu tâm lý trẻ, áp dụng đúng nghệ thuật “khích lệ”, tìm ra những tiến bộ của học sinh dù rất nhỏ để khen ngợi, trẻ sẽ không còn áp lực về điểm số. Các em tự tin hơn trong học tập, phát huy ý thức tự học.
Việc đánh giá bằng nhận xét giúp các em nhìn rõ những ưu điểm để cố gắng phát huy, nhận ra những mặt còn yếu để khắc phục. Nhờ vậy, học sinh ngày càng tiến bộ trong học tập và rèn luyện; chất lượng giáo dục trong nhà trường vẫn được giữ vững.
Video đang HOT
Cô Quách Minh Hương – Hiệu phó Trường tiểu học Việt – Úc Hà Nội
Thông tư 30 không xa lạ
Cô Quách Minh Hương cho biết: Đối với giáo viên Trường tiểu học Việt – Úc Hà Nội, việc đánh giá bằng nhận xét không quá khó khăn, không chỉ bởi sĩ số học sinh trên lớp ít mà còn do kinh nghiệm sẵn có từ đánh giá học sinh bằng nhận xét.
Trước khi Thông tư 30 ban hành, giáo viên nhà trường đã thực hiện việc nhận xét, đánh giá học sinh hàng tháng trên Hệ thống quản lý học sinh qua mạng internet.
Nội dung nhận xét này thường xuyên được Ban giám hiệu kiểm tra, rút kinh nghiệm cho từng giáo viên.
Theo đó, chú trọng nhận xét cụ thể về những kiến thức kĩ năng học sinh đã thực hiện được và những kiến thức kĩ năng chưa thực hiện được. Trên cơ sở đó, có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời.
Thực tế, so với cho điểm, việc nhận xét mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên hiệu quả đem lại cũng rất tích cực. Vì vậy, nhà trường động viên giáo viên thực hiện nghiêm túc theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Mỗi giáo viên đều nghiên cứu kĩ các văn bản hướng dẫn; rồi họp bàn trong các tổ chuyên môn họp để đưa ra những nội dung nhận xét cho từng môn học, với từng năng lực, phẩm chất.
Sau đó, Ban giám hiệu sẽ tập hợp ý kiến của giáo viên, tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn ghi từng nội dung với từng loại sổ.
Riêng giáo viên chủ nhiệm được yêu cầu sát sao tới từng học sinh, tới mọi hoạt động của học sinh để có thể nhận xét cụ thể, toàn diện về học tập, năng lực và phẩm chất.
Với số lượng học sinh trên lớp không quá đông (lớp bán quốc tế trung bình 20 học sinh/lớp, lớp Chất lượng cao trung bình 30 học sinh/lớp), giáo viên có điều kiện kiểm tra và nhận xét 100% bài làm của học sinh.
“Chúng tôi cũng luôn yêu cầu giáo viên biết cách tôn trọng học sinh, không so sánh giữa học sinh này với học sinh khác; đồng thời, có “nghệ thuật” khích lệ, tìm ra những tiến bộ của học sinh dù rất nhỏ để khen ngợi” – cô Quách Minh Hương cho hay.
Nền tảng để phụ huynh cùng đồng hành
Một trong những thuận lợi thấy rõ Thông tư 30 đem lai, theo cô Quách Minh Hương là phụ huynh sẽ không còn “lười” đồng hành cùng con trong quá trình học tập và rèn luyện.
Thực tế, ngày càng nhiều phụ huynh lấy lí do bận rộn để giao khoán 100% việc học của các con cho trường quản lý, nhưng ở Trường tiểu học Việt – Úc Hà Nội, phụ huynh có độ tương tác rất chặt chẽ với nhà trường; luôn nghiêm túc phối hợp cùng nhà trường để đánh giá việc rèn luyện các kỹ năng ở nhà của học sinh qua sổ Thông báo kỹ năng.
Bên cạnh đó, qua hệ thống quản lý học sinh trên mạng, giáo viên có điều kiện trao đổi kịp thời thông tin với phụ huynh học sinh, sự tương tác từ đó chặt chẽ hơn rất nhiều.
“Từ năm nay, chúng tôi đã chủ động tư vấn cho phụ huynh ngay từ khi học sinh chuẩn bị vào lớp 1 với chương trình tư vấn khá quy mô, từ chương trình học, tâm lý, kỹ năng để bố mẹ theo con qua câu lạc bộ “Khởi đầu tự tin”. Nhà trường đã nhận được nhiều đánh giá khá tốt từ những hoạt động này” – Cô Quách Minh Hương chia sẻ.
Theo Giaoducthoidai.vn