Ký túc xá tại TPHCM yêu cầu đóng tiền ở trước 1 năm và không hoàn trả, sinh viên đồng loạt bức xúc kêu ca
Thông báo của kí túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (KTX ĐHQG TP.HCM) về việc thu tiền ở của sinh viên trong năm học 2019 – 2020 gây ra nhiều tranh cãi gay gắt những ngày gần đây.
Đối với những ai là sinh viên đang theo học tại TP.HCM, đặc biệt là các trường trong hệ thống ĐHQG thì sẽ chẳng còn xa lạ gì với chuyện ở KTX. Đó dường như là một nơi gắn liền với biết bao ký ức thời sinh viên. Khu đô thị ĐHQG TP.HCM hiện có 2 hệ thống KTX là khu A và khu B, phục vụ hàng chục nghìn lượt sinh viên theo học mỗi năm.
Tuy nhiên, những bức xúc nảy sinh trong quá trình lưu trú tại đây luôn là câu chuyện không có hồi kết. Bên cạnh các vấn đề xoay quanh cuộc sống thường ngày, cơ sở vật chất thì sinh viên ở KTX cũng chẳng mấy “mặn mà” với ban quản lý nơi này. Mới đây nhất, hàng loạt sinh viên đã bày tỏ nỗi bức xúc không ngừng trước quyết định mới của KTX ĐHQG TP.HCM về việc phải đóng tiền ở cho cả năm và không được hoàn trả lại, thay vì chia thành nhiều đợt thu như các năm học trước.
Một góc KTX khu B ĐHQG TP.HCM nhìn từ trên cao. (Ảnh: Trung Tâm Quản Lý Ký Túc Xá ĐHQG HCM)
Cụ thể, vào ngày ngày 29/05 vừa qua, Trung tâm quản lý KTX ĐHQG TP.HCM đã ra thông báo cho sinh viên về việc thu tiền ở KTX trong năm học 2019 – 2020. Cụ thể, sinh viên phải đóng tiền ở cho cả năm học kéo dài từ ngày 01/08/2019 đến hết 30/06/2020 (11 tháng). Đặc biệt, thông báo nhấn mạnh sinh viên phải đóng tiền 1 lần và không được hoàn trả lại tiền nếu phát sinh trường hợp trả phòng trước thời hạn.
Được biết, năm học 2019 – 2020, tiền ở KTX ĐHQG TP.HCM trong vòng 11 tháng (bao gồm cả tiền hồ sơ) là 1.570.000 đồng (phòng 8 người), 2.120.000 đồng (phòng 6 người), 3.880.000 đồng (phòng 4 người), 6.410.000 đồng (phòng 4 người có máy lạnh) và 6.630.000 đồng (phòng 2 người). Những năm trước, sinh viên ở KTX này phải đóng tiền ở trong 2 đợt: 1 lần đóng cho 5 tháng và 1 lần đóng cho 6 tháng.
Công văn thông báo từ Trung tâm quản lý KTX ĐHQG TP.HCM về việc thu tiền ở duy nhất 1 lần trong 1 năm học.
Ngay sau khi thông báo được đưa ra, hàng loạt những phản hồi tiêu cực đã làm bùng lên “drama không hồi kết” giữa sinh viên và ban quản lý KTX những ngày qua. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, thay vì đóng tiền 2 lần/năm như những năm trước, việc thay đổi sang đóng tiền hẳn nguyên 1 năm mà chẳng được nhận phần tiền còn lại khi không ở nữa là bất hợp lý.
Giữa làn sóng phản đối dữ dội từ sinh viên, ngay lập tức phía KTX đã có công văn thông báo tiếp theo. Cụ thể, ban quản lý KTX ĐHQG TP.HCM cho rằng có 2 lý do để thu tiền sinh viên luôn 1 lần thay vì 2 lần như những năm trước: Thứ nhất là do thời gian nhập học của nhiều trường trong khối ĐHQG gần đây đã được điều chỉnh sớm hơn vào đầu tháng 8. Thứ hai là do số lượng sinh viên đăng ký học hè và ở lại KTX tăng mạnh trong năm nay (theo khảo sát, năm học 2019 – 2020 có hơn 19.000 sinh viên đăng ký ở hè và 22.000 sinh viên cũ có nhu cầu ở lại KTX). Như vậy, ban quản lý xác định thời gian ở hè của sinh viên đa số là từ ngày 01-31/7 (1 tháng) và năm học chính thức thường bắt đầu từ đầu tháng 8 năm nay đến hết tháng 6 năm sau. Đó là lý do KTX thu tiền sinh viên luôn 1 năm “cho tiện”.
Video đang HOT
Thông báo từ phía KTX nhận được rất nhiều ý kiến phản đối của sinh viên đang theo ở tại đây. (Ảnh: Trung Tâm Quản Lý Ký Túc Xá ĐHQG HCM)
Ngoài ra, 1 lý do khác được ban quản lý đưa ra chính là trong những năm trước, việc cho phép sinh viên được đăng ký trước – đóng tiền sau thì luôn có tình trạng giữ chỗ ảo, mỗi năm có khoảng 2000 – 3000 sinh viên (chiếm tỷ lệ gần 10%) đã có tên trong danh sách nhưng lại không vào ở. Điều này gây khó khăn lớn đối với những sinh viên có nhu cầu ở thực sự vì lúc đó sẽ bị thiếu phòng. Vì vậy, năm học 2019 – 2020 sinh viên không được đăng ký, giữ chỗ như các năm trước mà chỉ được xếp chỗ sau khi đã đóng tiền ở 1 năm.
Cuối cùng, KTX cho rằng căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước thì thời gian ở KTX đối với loại nhà ở dành cho sinh viên phải tối thiểu là 1 năm, chính vì thế KTX tổ chức thu tiền theo năm học đồng thời là thời gian ở tối thiểu của sinh viên theo quy định. Trường hợp các bạn gặp khó khăn về vấn đề tài chính, hay những ai sắp tốt nghiệp, kết thúc thời gian học tập vào cuối học kỳ 1, hoặc sinh viên đã có kế hoạch ở KTX không đủ năm thì có thể liên hệ trực tiếp với Trưởng nhà/Hành chính cụm nhà để được hỗ trợ và giải quyết.
KTX khu B ĐHQG TP.HCM được xem là một trong những kí túc xá “hiện đại bậc nhất châu Á”. (Ảnh: Duy Lâm)
Cảnh sinh viên đón xe buýt đi học thường ngày ở trước cổng KTX khu B. (Ảnh: Thanh Nguyễn)
Bình luận bên dưới bài đăng thông báo mới đây của 1 fanpage trên Facebook, hầu hết các sinh viên đều bày tỏ nỗi bức xúc và hàng loạt ý kiến phản đối. Đa số đều cho rằng việc thu tiền ở trong vòng 1 năm là bất hợp lý, khi đó chỉ là “ý kiến chủ quan” từ phía ban quản lý KTX đưa ra mà thôi chứ chưa hề lấy ý kiến của số đông sinh viên? Ngoài ra, nhiều bạn còn bày tỏ, đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì việc đóng hẳn 11 tháng tiền ở kèm theo cả tiền học phí của trường và nhiều khoản chi tiêu khác vào đầu năm học là quá lớn, như “ép sinh viên vào đường cùng”. Cuối cùng, sinh viên đóng tiền nhiều như vậy nhưng lại không được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cũng như dịch vụ tốt nhất như wifi, cơ sở vật chất trong phòng, tình trạng điện nước,…
Rất nhiều lý do được sinh viên đưa ra để phản bác về việc thu tiền 1 năm từ KTX, một trong số đó chính là điều kiện cơ sở vật chất không được đầu tư, chú trọng và cải thiện. (Ảnh: Trung Tâm Quản Lý Ký Túc Xá ĐHQG HCM).
Theo Helino
Thanh Hóa: Hiệu trưởng trường mầm non chỉ đạo bớt xén hơn 1.700 suất ăn của trẻ
UBND thành phố Thanh Hóa đã có kết luận về một số sai phạm trong quản lý tài chính và điều hành hoạt động của Hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Thắng, phường Quảng Thắng. Đặc biệt, hiệu trưởng nhà trường đã chỉ đạo bớt xén 1.746 suất ăn của các cháu học sinh.
Bớt tiền ăn, giảm suất ăn
Thời gian qua, nhiều giáo viên Trường mầm non Quảng Thắng đã có đơn thư phản ánh tập thể về nhiều vấn đề sai phạm tại trường này và bản thân hiệu trưởng nhà trường.
Kết luận của UBND thành phố Thanh Hóa về một số sai phạm trong quản lý tài chính và điều hành hoạt động của Hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Thắng.
Cụ thể như, việc thu, sử dụng tiền học phẩm; tiền hoạt động lễ hội; đồ dùng phục vụ bán trú hàng năm; tiền vệ sinh lớp học; bỏ ngoài danh sách mỗi tháng 20-25 cháu để bớt tiền ăn, tiền học phí của các cháu; hiệu trưởng nhà trường gợi ý giáo viên đưa tiền để xin được ký hợp đồng dài hạn; tự ý đề ra những nguyên tắc không hợp lý, áp dụng những hình phạt hà khắc với giáo viên.
Qua kiểm tra, đoàn thanh tra xác định, bà Ngô Thị Hồng Lê, Hiệu trưởng Trường mầm non Quảng Thắng đã chỉ đạo thu tập trung hơn 116 triệu đồng của phụ huynh để mua đồ dùng học phẩm, nhưng không theo dõi qua hệ thống sổ sách kế toán; chi sai mục đích...
Năm học 2018-2019, nhà trường thu gần 102 triệu đồng tiền hoạt động lễ hội của các cháu. Tuy nhiên, nhà trường đứng ra quản lý quỹ, không theo dõi qua hệ thống sổ sách là không đúng quy định.
Trong 2 năm học gần đây, nhà trường thu tiền đồ dùng phục vụ bán trú hàng năm. Nhưng qua kiểm tra thực tế, nhiều loại đồ dùng có trong dự toán nhưng không được mua.
Đặc biệt, bà Lê còn chỉ đạo các lớp bỏ ra ngoài danh sách số suất ăn của 20-25 cháu/tháng để bớt tiền ăn của các cháu. Thực tế kiểm tra cho thấy, nhà trường đã để ngoài sổ sách 1.746 suất ăn với số tiền gần 42 triệu đồng.
Việc bớt tiền ăn, giảm suất ăn dẫn đến không đủ khẩu phần ăn của các cháu trong thời gian từ tháng 9 - 12/2018 là sai phạm nghiêm trọng.
Chuyển cơ quan công an điều tra nghi án nhận tiền "chạy" việc
Bà Ngô Thị Hồng Lê còn bị tố cáo "gợi ý" 3 giáo viên đưa tiền để xin được ký hợp đồng dài hạn với tổng số tiền hơn 130 triệu đồng.
Căn cứ nội dung phản ánh và chứng cứ là bản ghi âm do người phản ánh cung cấp, có dấu hiệu vi phạm Luật hình sự, UBND thành phố Thanh Hóa đã chuyển cơ quan công an xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Đoàn kiểm tra còn chỉ ra, trong điều hành hoạt động nhà trường, bà Lê đề ra những nguyên tắc không hợp lý, áp dụng những hình phạt hà khắc với giáo viên; yêu cầu lao động ngoài giờ nhưng không chi công lao động, gây tâm lý ức chế, bức xúc cho giáo viên khi đến trường làm việc.
UBND thành phố Thanh Hóa chuyển cho cơ quan công an điều tra vấn đề hiệu trưởng bị tố nhận tiền "chạy" việc.
Theo kết luận của UBND thành phố Thanh Hóa thì trách nhiệm chính để xảy ra nhiều sai phạm là bà Ngô Thị Hồng Lê.
Vì vậy, UBND thành phố Thanh Hóa đã chỉ đạo Ban giám hiệu Trường mầm non Quảng Thắng phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và kiến nghị hình thức xử lý đối với bà Lê; kiểm điểm trách nhiệm của những người liên quan khác.
Đồng thời, hoàn trả hơn 57 triệu đồng tiền bớt từ khẩu phần ăn của các cháu; tiền chi không đúng dự toán, mục đích thu từ tiền mua đồ chơi, học phẩm...
Với cương vị là hiệu trưởng nhà trường, chủ tài khoản, bà Lê phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra một số sai phạm trong quản lý tài chính và điều hành hoạt động nhà trường, làm mất đoàn kết nội bộ như đã nêu trên.
Yêu cầu cấp phát đầy đủ đồ chơi, học phẩm, đồ dùng cá nhân cho các cháu. Việc thực hiện các khoản thu vận động, đóng góp của cha mẹ học sinh phải mang tính tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Nghiêm cấm việc chi sai nguồn; không sử dụng các nguồn thu đóng góp của cha mẹ học sinh để chi các hoạt động chuyên môn chung của nhà trường. Chấm dứt việc phạt tiền đối với giáo viên trong thực hiện nội quy, quy chế làm việc.
Trước đó, báo Dân trí đã phản ánh, hơn 10 giáo viên công tác tại Trường mầm non Quảng Thắng đã cùng ký vào đơn tố cáo những sai phạm của bà Lê trong vấn đề thu, chi tài chính và nhận tiền "chạy" việc...
Trần Lê
Theo Dân trí
Kí túc xá mùa thi: Đời sống về đêm nhộn nhịp sáng rực không khác gì phố thị Sài Gòn Vào mỗi dịp thi, hình ảnh kí túc xá lại nhộn nhịp và sôi động trong tiếng râm ran ôn luyện của sĩ tử, vất vả mà đầy ắp kỉ niệm. Tháng 5 lại về với những tiếng ve kêu rộn ràng một góc trường. Mùa hè đến, mùa thi về, chỉ có học trò mới cảm nhận được không khí tấp nập...